Giữ gìn giá trị văn hóa gia đình Việt Nam

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 - sự kiện nhằm tôn vinh, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt và cũng là dịp để tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn đề cao vai trò của gia đình đối với sự phát triển chung của xã hội. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Hưởng ứng lời dạy đó, ngày 4/5/2001, Thủ Tướng ký quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hằng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam - kỉ niệm thường niên nhằm tôn vinh, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt; tạo cơ hội để các thành viên gắn kết, sum vầy.

Đây cũng là dịp để tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Giữ gìn giá trị văn hóa gia đình Việt Nam - 1

“Triển lãm ảnh nghệ thuật Đen - Trắng” tại Trung tâm Triển lãm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam (Nguồn: Lao động)

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngày hội gia đình Việt Nam năm 2022 diễn ra từ ngày 25 – 28/6 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam 28/6. Một trong số đó là “Triển lãm ảnh nghệ thuật Đen - Trắng” trưng bài hơn 100 tác phẩm về chủ đề gia đình.

Giữ gìn giá trị văn hóa gia đình Việt Nam - 2

Những bức ảnh được trưng bày thể hiện mối quan hệ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, trong cuộc sống sinh hoạt đậm tính nhân văn và giàu bản sắc văn hoá người Việt ta (Nguồn: Lao động)

Ngoài hoạt động kể trên, tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam còn trưng bày thêm “Triển lãm đèn nghệ thuật 'Lightning - Ánh sáng' với không gian đèn nghệ thuật được tái chế từ chất liệu thuỷ tin, nhựa, nilon,... Bên cạnh đó, khu trưng bày về chủ đề “Gia đình” của các tỉnh, thành như: Hà Nội, Lam Đồng, Khánh Hoà, Quảng Trị cũng mang đến những ấn tượng khó quên cho khách tham quan.

Giữ gìn giá trị văn hóa gia đình Việt Nam - 3

Những tác phẩm của không gian “Triển lãm đèn nghệ thuật Lightning - Ánh sáng” truyền tải thông điệp nhân văn trong việc giáo dục ý thức gìn giữ và bảo vệ môi trường trong mỗi gia đình (Nguồn: Lao động)

Kế thừa và phát huy giá trị văn hóa gia đình

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình là cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn lực phục vụ sự nghiệp và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh hiện nay gia đình Việt Nam đang có những biến đổi lớn, đó là: Chức năng giáo dục của gia đình đang bị ảnh hưởng, thời gian cha mẹ dành cho con cái ngày càng ít; mối quan hệ liên kết giữa các thành viên trong gia đình ngày một xa cách, lỏng hẻo hơn; mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ trong gia đình về tư tưởng và lối sống; tư tưởng đề cao cá nhân, sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình được tôn trọng…

Nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa gia đình với phát triển bền vững xã hội, các cuộc vận động “Gia đình văn hóa”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được thực hiện nhiều thập kỷ qua.

Giữ gìn giá trị văn hóa gia đình Việt Nam - 4

Gia đình - môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người (Ảnh minh họa)

Theo PGS.TS Từ Thị Loan, phần lớn các gia đình hiện nay vẫn duy trì “nếp nhà” truyền thống, nền nếp, kỷ cương, phép tắc được tôn trọng. Trong quan hệ với cha mẹ, đạo hiếu vẫn là đạo lý sống của người Việt. Trong quan hệ vợ chồng, ngoài tình yêu thì tình nghĩa là giá trị cốt lõi. Trong quan hệ với con cái, đức hy sinh và lòng bao dung là lẽ sống. Trong quan hệ với anh em, hòa thuận, thương yêu và đùm bọc là điều cần thực hiện. Trong quan hệ với họ hàng, đoàn kết và tương trợ là cội nguồn của phát triển.

Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào tốt thì xã hội mới tốt, do đó sự ổn định của xã hội, sự phát triển của quốc gia phụ thuộc vào sự phát triển của văn hóa gia đình. Văn hóa trong gia đình đang vận động, đổi mới để thích ứng với yêu cầu của bối cảnh đất nước hiện nay. Kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếp nhận và bổ sung những giá trị mới của xã hội để phù hợp với xu thế phát triển của toàn cầu.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất