Tăng hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng

Thu hồi tài sản tham nhũng là thu hồi tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng được truy nguyên và trả lại cho chủ sở hữu, người quản lí hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật. Theo Luật phòng chống tham nhũng, thì: “Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu, người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật”. Trong nhiều năm qua, công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt, phát hiện và tuyên phạt tài sản bị chiếm đoạt rất lớn. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Những năm đầu thế kỉ XXI, Nghị quyết các kì Đại hội Đảng đều đặt ra nhiệm vụ phòng chống tham nhũng. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gây thất thoát lớn tài sản của Nhân dân, nhưng thu hồi được không đáng kể, không bù đắp nổi một phần ngân sách chi phí cho hoạt động đấu tranh, kiểm tra và tố tụng.

Từ khi có Nghị quyết số 04-NQ/TW Khoá X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phong, chống tham nhũng, lãng phí” và Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời thì việc thu hồi tài sản mới hình thành chủ trương, giải pháp. Tuy vậy, giai đoạn trước năm 2013 mặc dù có rất nhiều vụ án tham nhũng lớn, các cấp toà án tuyên hình phạt kèm theo phán quyết số tài sản buộc bị cáo phải nộp nhưng rút cục cũng chỉ thu hồi được 10%.

Từ năm 2013, sau khi Đảng thành lập Ban Nội chính Trung ương và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Bộ Chính trị trực tiếp điều hành, Tổng Bí thư làm Trưởng ban thì công cuộc “đốt lò” nóng dần lên. Đặc biệt, từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng (01/2016), “lò” chống tham nhũng hừng hực quanh năm.

Tăng hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng - 1

Theo báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, giai đoạn 2016 - 2020 các cơ quan tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Qua đó, thu hồi tài sản được gần 80.000 tỉ đồng.

Theo một báo cáo khác, tính từ tháng 12/2015 đến tháng 3/2020 các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã thu hồi được 18.239,211 tỉ đồng/33.429,125 tỉ đồng, đạt 55% tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ àn tham nhũng, kinh tế.

Cũng trong thời gian đó, các vụ án thuộc Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi, kê biên, tạm giữ, phong toả ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 50.000 tỉ đồng. Giai đoạn 2013 - 2020 tỉ lệ thu hồi tăng dần: Năm 2018 đạt 5,67%, năm 2019 đạt 21,8%, năm 2020 đạt 38.43% và cả giai đoạn này đạt 26% so với những năm trước.

Theo báo cáo của Chính phủ tại kì họp thứ 2 Quốc hội Khóa XV, đến thời điểm kì họp, số tiền phải thu hồi trong các vụ án hình sự là 72.000 tỉ đồng, đang tổ chức thi hành án 34.000 tỉ đồng và mới thu hồi được 4.000 tỉ đồng. Còn thông báo của Tổng cục Thi hành án (Bộ Tư pháp), gần đây công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự với tổng số 587.739 việc phải thi hành, chỉ có 410.615 việc có điều kiện thi hành.

Các cơ quan thi hành án dân sự đã giải quyết xong 202.015 việc, đạt 49,20% số việc có điều kiện thi hành. Về tiền tổng số phải thi hành là hơn 292.475 tỉ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là 159.795 tỉ đồng. Các cơ quan chức năng đã thi hành xong hơn 35.183 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 22,25 %.

Đồng thời, tổ chức thi hành xong 45 vụ việc thuộc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, thu hồi 34.974 tỉ đồng. Chương trình thời sự của VTV hồi 19 giờ ngày 24/6/2022 đưa tin, thời gian qua đã thu hồi được 61.000 tỉ đồng tài sản tham nhũng, đạt 34% tổng số cần thu hồi trong các vụ án hình sự…

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có bước tiến đáng kể song tỉ lệ thu hồi vẫn ở mức rất thấp, chưa tương xứng vời kì vọng đặt ra. Nhiều vụ án lớn đã phán quyết có hiệu lực nhưng tài sản thu hồi gặp khó khăn. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chỉ đạo từ 01/10/2021 đến 31/3/2022 tài sản cần thu hồi là 60.400 tỉ đồng nhưng chỉ thực hiện được 8.436 tỉ đồng/34.654 tỉ đồng số vụ có điều kiện thi hành từ các vụ án Vũ Nhôm, Trần Phương Bình, Huỳnh Thị Huyền Như, Hứa Thị Phấn, Huỳnh Công Thiện…

Trong nhiều vụ án kinh tế nghiêm trọng khác, như 12 dự án của ngành Công Thương thua lỗ hơn 63.000 tỉ đồng, trong đó có dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang Thép Thái Nguyên hầu như không thu hồi được tài sản. Vụ án Tất Thành Cang chỉ đạo Công ty Tân Thuận bán đất cho Công ty Quốc Cường gây thiệt hại 168 tỉ đồng và vụ Sabeco bản rẻ 9 triệu cổ phần gây thiệt hại 1.103 tỉ đồng; vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, vụ án Út Trọc (Đinh Ngọc Huệ) mua quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương chiếm đoạt 725 tỉ đồng; một số vụ án vi phạm quản lí đất đai ở các tỉnh Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Bình Dương… do “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” làm thiệt hai hàng nghìn tỉ đồng nhưng thu hồi tài sản được rất ít.

Trong mấy chục năm qua, duy nhất có vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG là thu hồi trọn vẹn (100%) tài sản, bao gồm 8.776 tỉ đồng ngân sách Nhà nước và 137,644 tỉ đồng Phạm Nhật Vũ hối lộ các quan chức.

Tăng hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng - 2

Việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế đạt rất thấp có nhiều nguyên nhân do thể chế không đồng bộ. Giữa các luật quy định thiếu thống nhất, thiếu liên thông, thiếu cụ thể, đủ mạnh trong quản lí, đăng kí tài sản hay xử lí tài sản không rõ nguồn gốc, chưa quy định thu nhập tăng thêm khi không giải trình được một cách hợp lí nguồn gốc, chưa hình sự hoá hành vi làm giàu bất chính.

Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng chưa quy định đầy đủ những chế tài làm cơ sở cho các cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp kịp thời cưỡng chế, kê biên, phong toả trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thậm chí để đối tượng chạy trốn, tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự, nhiều nơi chưa phát huy năng lực, trách nhiệm, thậm chí “một bộ phận không nhỏ” yếu kém, vụ lợi thiếu kiên quyết đấu tranh thu hồi tài sản.

Việc thu hôi tài ở nước ngoài rất khó khăn mặc dù Chính phủ ta kí kết 19 Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp hình sự với các nước, kí Hiệp định khu vực ASEAN và là thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) nhưng chưa hoàn thiện cơ sở pháp lí để thực hiện.

Luật Tương trợ tư pháp của Việt Nam thiếu quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phối hợp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp thu hồi tài sản trong tố tụng hình sự như cần phong toả, kê biên, thu giữ tài sản và xử lí tài sản do phạm tội ở trong nước. Từ trước đến nay, công việc này mới thành công một việc Singapore hỗ trợ tư pháp giúp ta thu hồi 2,6 triệu USD trong vụ án đánh bạc Phan Sào Nam tẩu tán ra nước ngoài, cũng là lần đầu tiên Việt Nam thi hành án từ nước ngoài.

Chỉ thị số 04 - CT/TW của Ban Bí thư ngày 02/6/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”, để ra 7 nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ thu hồi tài sản bất minh. Lần đầu tiên có một văn bản của Đảng chuyên về công tác thu hồi tài sản tham nhũng, coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác phòng chống tham nhũng.

Chỉ thị nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng quyền hơn nữa cho thanh tra viên, kiểm toán viên áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; đồng thời hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội. Đó là những quyết sách nhăm đem lại hiệu quả trong đấu tranh, góp phần ngăn chặn “quốc nạn” tham nhũng, tiêu cực, hỗ trợ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất