Thiếu tướng Hoàng Kiền: “Nhận giải Báo chí Quốc gia là niềm tự hào cho toàn thể đội ngũ cán bộ chiến sĩ Trường Sa”

Loạt bài “Quần đảo Trường Sa của Việt Nam” của Thiếu tướng Hoàng Kiền được đăng tải trên 6 số của Thời báo Văn học Nghệ thuật đã vinh dự được nhận giải C Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI năm 2021. Nhân sự kiện vinh dự này, phóng viên Arttimes.vn đã có buổi phỏng vấn với tác giả Hoàng Kiền.

Quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Kỳ 1)

Diễn biến ở Trường Sa trước sự kiện Gạc Ma (kỳ 2)

Sự kiện Gạc Ma (kỳ 3)

Chuyến công tác đặc biệt Trường Sa theo kế hoạch (kỳ 4)

Tiếp tục xây dựng nhà C3 (kỳ 5)

Xây dựng nhà C1 (kỳ cuối)

Thiếu tướng Hoàng Kiền: “Nhận giải Báo chí Quốc gia là niềm tự hào cho toàn thể đội ngũ cán bộ chiến sĩ Trường Sa” - 1

Thiếu tướng Hoàng Kiền vinh dự nhận cúp và bằng chứng nhận giải C Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI (Ảnh: Hoàng Dũng)

Thời báo Văn học Nghệ thuật đoạt giải C Báo chí Quốc gia

PV: Thưa Thiếu tướng Hoàng Kiền, ông có thể chia sẻ hoàn cảnh ra đời của loạt bài viết về Trường Sa không?

Năm 1986, tôi trong đoàn công tác của Bộ tư lệnh Hải quân do Tư lệnh Giáp Văn Cương dẫn đầu đi kiểm tra toàn bộ quần đảo Trường Sa, khi kiểm tra các đảo chìm đã phát hiện ra âm mưu của nước ngoài tranh chấp chủ quyền các đảo chìm của ta, Tư lệnh nói : các cơ quan đơn vị cần nghiên cứu phương án chốt giữ đảo chìm…

Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Học viện Lục quân với quân hàm thiếu tá, tôi được điều động về Trung đoàn Công binh Hải quân 83 ở Cam Ranh. Ngay khi về đây công tác, tôi đã có mặt tại Trường Sa để chỉ huy thi công các công trình chiến đấu bảo vệ vùng lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Tôi đã có thời gian dài gắn bó và được tiếp xúc với các đồng chí Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân qua các thời kì, đặc biệt là các đồng chí chỉ huy khi diễn ra sự kiện Gạc Ma năm 1988.

Trong thời gian công tác tại Trường Sa nhiều năm, sau này tôi được Bộ Tư lệnh Hải quân, trong đó có đồng chí Mai Xuân Vĩnh (Phó Đô đốc - nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân) làm trưởng nhóm tác giả, đã phân công tôi làm tổ trưởng tổ viết báo cáo khoa học để nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ cho cụm công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa, đã dự nhiều cuộc hội thảo, báo cáo.

Với những gì đã đến, đã biết về Trường Sa, tôi tìm hiểu thêm để viết một cuốn sách về đề tài này, đang trong giai đoạn bản thảo, thật tâm huyết. Sau đó được Thời báo Văn học Nghệ thuật biết đến và trao đổi với tôi về việc cộng tác viết bài. Tôi đã viết nhiều bài và trong đó có 6 bài được đăng tải trên 6 số của Thời báo Văn học Nghệ thuật.

Thiếu tướng Hoàng Kiền: “Nhận giải Báo chí Quốc gia là niềm tự hào cho toàn thể đội ngũ cán bộ chiến sĩ Trường Sa” - 2

Thiếu tướng Hoàng Kiền chụp ảnh lưu niệm cùng vợ tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia (Ảnh: Hoàng Dũng)

PV: Ông muốn gửi gắm điều gì qua những bài viết này?

Loạt bài “Quần đảo Trường Sa của Việt Nam” là sự phản ánh một cách trung thực công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc diễn ra trong ba năm từ 1987 đến 1989, giai đoạn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền CQ 88.

Tôi biết đã có những thông tin sai lệch về sự kiện Gạc Ma diễn ra tại Trường Sa vào ngày 14/3/1988; có cả những phần tử phản động, chống đối công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thậm chí, họ có những lời lẽ vu cáo cho những vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước là “nhu nhược để mất Gạc Ma”, có những phát ngôn xuyên tạc như “có lệnh không được nổ súng dẫn tới mất Gạc Ma” hay “bán Gạc Ma cho Trung Quốc”, đó là hoàn toàn sai!

Thời điểm đó, Việt Nam là một nước kinh tế còn khó khăn, vũ khí trang bị còn hạn chế so với một nước lớn có mưu đồ lớn, vũ khí trang bị hiện đại. Việt Nam lúc đó đang bị bao vây cấm vận, vô cùng khó khăn về mọi mặt….

Nhưng chúng ta có quyết tâm, có phương án tác chiến phù hợp để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đặc biệt cán bộ chiến sĩ Hải quân có lòng dũng cảm, kiên cường để bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, ngăn chặn không để cho đối phương lấn tới. Trong sự kiện ấy, họ đã chiếm 6 đảo, chúng ta giữ vững 9 đảo nổi và đóng giữ  tiếp 12 đảo chìm. Đó là một thành công rất lớn của cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ  chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.

Với tinh thần trách nhiệm của một Cựu chiến binh - Chiến sĩ Hải quân, từ thực tế đó tôi viết loạt bài này để tất cả nhừng người quan tâm thấy được công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là hết sức quan trọng, thiêng liêng và chúng ta đã làm được những việc phi thường ấy.

Thiếu tướng Hoàng Kiền: “Nhận giải Báo chí Quốc gia là niềm tự hào cho toàn thể đội ngũ cán bộ chiến sĩ Trường Sa” - 3

Phó Tổng biên tập Thời báo Văn học Nghệ thuật Hoàng Thanh Xuân tặng hoa chúc mừng Thiếu tướng Hoàng Kiền nhận giải C Giải Báo chí Quốc gia (Ảnh: Hoàng Dũng)

PV: Vậy ông có cảm xúc ra sao khi loạt bài “Quần đảo Trường Sa của Việt Nam” đã vinh dự nhận giải C Giải Báo chí Quốc gia 2021?

Tôi vô cùng xúc động, phấn khởi khi nhận giải C - Giải Báo chí Quốc gia và tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nhận được một giải thưởng vinh dự như thế này. Bởi tôi là một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, tôi không có chuyên môn về nghề báo. Tôi viết về Trường Sa vì tôi đã có gần mười năm công tác, gắn bó với quần đảo này và thấy được Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa, cần phải viết ra những điểu cần phải viết.

Với tôi giải thưởng này là một thành công lớn và là niềm tự hào khi được hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đánh giá cao. Tôi cũng tự hào cho đơn vị chúng tôi là Lữ đoàn Công binh 83, cho lực lượng Công binh Hải quân, cho Bình chủng Công binh, cho Quân chủng Hải quân mà tôi đã có 16 năm gắn bó. Đặc biệt, niềm tự hào này dành cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ bảo vệ quần đảo Trường Sa, chúng ta đã làm được những việc có ý nghĩa như vậy.

PV: Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

Được nhận giải thưởng này, không chỉ riêng cá nhân tôi mà tất cả đồng chí, đồng đội, bạn bè, người thân, đặc biệt là những người quan tâm đến Trường Sa, đến Hải quân đều chúc mừng. Mặc dù tôi không phải là một nhà báo nhưng Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã đánh giá cao thành công của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo được phản ánh trung thực qua những bài viết. Đây là sự động viên lớn lao đối với tất cả cán bộ chiến sĩ hải quân, nhất là trong giai đoạn 1987-1989.

Điều đó đã tạo ra niềm tin lớn lao cho chúng tôi về sự công tâm của Giải Báo chí Quốc gia. Đúng là báo chí chúng ta là báo chí cách mạng, chúng ta phản ánh những gì diễn ra trên tinh thần đấu tranh, ngòi bút cũng “chiến đấu”. Chúng tôi đã bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đó là nhiệm vụ chiến đấu. Và báo chí đã tuyên truyền sự thật, bác bỏ tất cả những luận điệu sai trái. Đây là điều mà chúng tôi vô cùng cảm kích và trân trọng!

PV: Ông có muốn chia sẻ thêm điều gì khi được nhận Giải Báo chí Quốc gia năm nay?

Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Thời báo Văn học Nghệ thuật đã đăng tải những bài viết về Trường Sa của tôi mặc dù tôi không phải là nhà báo. Tôi đặc biệt gửi lời cảm ơn sâu sắc tới nhà văn Hoàng Dự - Tổng biên tập Thời báo Văn học Nghệ thuật, nhà báo Hoàng Thanh Xuân – Phó Tổng biên tập cùng các phóng viên, biên tập viên của Thời báo đã quan tâm và hỗ trợ tôi trong Giải Báo chí Quốc gia năm nay.

Tôi cũng xin cảm ơn Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã có sự xem xét, đánh giá công tâm, khách quan, trung thực. Được giải thưởng này tôi không chỉ mừng cho tôi, mà tôi mừng cho tất cả cán bộ chiến sĩ tham gia bảo vệ Trường Sa. Giải thưởng này chính là lời khẳng định đanh thép nhất đã bác bỏ tất cả những luận điệu sai trái, sự xuyên tạc, bịa đặt của thế lực thù địch về sự kiện Gạc Ma năm 1988.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng đã trả lời phỏng vấn!

Hoàng Kiền (sinh năm 1950, quê quán ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) là một kỹ sư quân sự, Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là một trong những tác giả tham gia Công trình phòng thủ Trường Sa được Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.

Sau khi Việt Nam thống nhất (năm 1975), ông thi đỗ Học viện Kỹ thuật Quân sự và tốt nghiệp kỹ sư công trình năm 1981. Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư Hoàng Kiền được điều động về công tác ở Trung đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung đoàn liên tục làm nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa.

Tháng 10/1989, ông tốt nghiệp lớp chỉ huy tham mưu công binh tại Học viện Lục quân, thiếu tá Hoàng Kiền được bổ nhiệm làm Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn Công binh HQ 83. Tháng 6/1990 bổ nhiệm Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng. Tháng 7/1990 quyền Trung đoàn trưởng. Tháng 4/1991 Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị xây dựng các công trình trên quần đảo Trường Sa.

Trong thời gian này, ông đã tạo nên kỳ tích là người đầu tiên tổ chức đưa đất từ đất liền ra các đảo trên quần đảo Trường Sa, tạo đất màu để trồng rau xanh, và  tham gia đề xuất xây kè chắn sóng, chống xói lở và tích trữ nước ngọt cho đảo. Mỗi năm ông còn đưa hàng trăm thợ xây lành nghề ở làng của ông ra Trường Sa để xây dựng các đảo vì công việc xây dựng cần kĩ năng và tay nghề cao mà phần lớn các chiến sĩ nghĩa vụ của đơn vị giai đoạn đầu không đáp ứng được. Đây cũng là việc khởi đầu cho chủ trương dân sự hoá trên quần đảo Trường Sa.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất