Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 1 - "Chuyện thường ngày ở huyện"?

Khi đạo nhái trở thành chuyện muôn thuở, lối đi nào cho bản quyền tranh và “chất xám” của người họa sĩ chân chính? Mời độc giả cùng tìm hiểu câu trả lời qua loạt bài của Arttimes.vn.

Thời gian qua, một số sự việc nghi vấn đạo tranh diễn ra gây bức xúc cho giới họa sĩ, dấy lên nỗi lo ngại về một thị trường mĩ thuật thiếu minh bạch.

Âm ỉ nạn đạo tranh

Đầu tháng 6, họa sĩ Bùi Văn Tuất bức xúc lên tiếng về việc anh bị đạo tranh. Theo bài tố trên trang cá nhân, từ người quen, anh biết được một giao dịch mua bán tác phẩm hội họa đã diễn ra tại Hà Nội. Tác phẩm được giao dịch là một bức tranh sơn mài khổ lớn, không rõ tác giả và được cho là “đồ cổ”, có tuổi thọ “đã lâu”, với bằng chứng là những vết nứt vỡ trên vóc.

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 1 -  "Chuyện thường ngày ở huyện"? - 1

Bức tranh "Một ngày như thế" bản gốc của họa sĩ Bùi Văn Tuất (Ảnh: NVCC)

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 1 -  "Chuyện thường ngày ở huyện"? - 2

Bức tranh sơn mài được cho là chép lại của họa sĩ Bùi Văn Tuất (Ảnh: NVCC)

Bức tranh được rao bán có bố cục nội dung rất giống với một bức tranh của anh từng trưng bày trong triển lãm cá nhân “Tuổi thơ như thế” vào tháng 12/2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hiện đã có người sưu tập. Họa sĩ Bùi Văn Tuất khẳng định, bức tranh anh vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên vải là duy nhất, không có phiên bản thứ 2 với bất kỳ chất liệu nào, thậm chí không có cả phác thảo cụ thể.

Một sự việc khác liên quan tới triển lãm cá nhân của họa sĩ Đ.Q tại một không gian trưng bày nghệ thuật (phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM). Đáng chú ý, bức tranh “Góc khuê phòng” của họa sĩ Đ.Q khiến người trong giới dấy lên nghi vấn “ý tưởng lớn gặp nhau”, khi nội dung, bố cục tranh giống một phân cảnh trong dự án phim Cố Du của đạo diễn Nguyễn Phùng Minh Luân. Điều gây bức xúc là việc tranh và cảnh phim giống nhau khó chối cãi, từ dáng cửa sổ, nguồn sáng, chiếc rương gỗ đựng áo, bình hoa, cả bộ bình phong phía sau cũng có cấu trúc tương tự.

Mặc dù câu chuyện của họa sĩ Bùi Văn Tuất hay họa sĩ Đ.Q không phải là trường hợp hiếm gặp, nhưng đã phản ánh sự tồn tại âm ỉ của nạn đạo nhái trên thị trường mỹ thuật, cảnh báo những hệ lụy nặng nề về đạo đức và làm mất niềm tin từ công chúng.

Phóng viên Arttimes.vn phỏng vấn họa sĩ Bùi Văn Tuất về vấn đề này.

"Để chơi tranh cũng cần phải học"

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 1 -  "Chuyện thường ngày ở huyện"? - 3

Họa sĩ Bùi Văn Tuất (Ảnh: Phạm Hằng)

PV: Trong thị trường mỹ thuật, chuyện đạo tranh có phổ biến không, thưa anh?

Trong giới mỹ thuật người ta đạo ý tưởng thì nhiều chứ trường hợp sao chép y nguyên như tôi phát hiện thì hiếm. Nhưng dù là đạo ý tưởng (như trường hợp bức tranh của họa sĩ Đ.Q) hay sao chép y nguyên đều đáng lên án vì đều phản ánh sự lười biếng trong tư duy sáng tạo. Năm 2018, thời điểm bức tranh “Một ngày như thế” được trưng bày trong triển lãm cá nhân của tôi, đã có nhiều người biết đến nó, thậm chí báo chí cũng đưa tin rất nhiều. Thế nhưng có người vẫn ngang nhiên sao chép y nguyên bức tranh này thì quả cũng liều lĩnh, táo tợn!

PV: Hiện anh đã tìm ra danh tính người sao chép bức tranh của mình hay chưa?

Hiện tại, tôi vẫn chưa nắm được thông tin cụ thể về người chủ sở hữu, chỉ biết bức tranh chép đang đặt tại Trần Hữu Tước, Hà Nội. Trước đó, bức tranh được chào mời với lý do chủ sở hữu cũ bị phá sản, cần bán với giá thấp. Nhiều khả năng tranh có giá lên tới hàng trăm triệu đồng, bởi hiện tại bức tranh gốc do tôi sáng tác đã có thể được giao dịch với giá rất cao. Người bán bức tranh chép còn khẳng định bức tranh của họ có tuổi đời lâu hơn, tức là nói tôi chép tranh họ.

PV: Làm cách nào để anh bảo vệ được tác phẩm của mình?

Họ đâu biết mỗi bức tranh tôi sáng tác đều có tư liệu lưu trữ đi kèm như kí họa, ảnh, video để đối chứng. Những chi tiết tôi đưa vào bức tranh đó là kết quả của các chuyến đi thực tế tại Lào Cai, Mộc Châu, Sơn La, những hình ảnh ngay tại quê hương mình. Tất cả những điều đó đều được tôi lưu giữ lại một cách kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Qua đó tôi có thể đưa ra những chứng cứ khẳng định toàn bộ ý tưởng và quá trình sáng tạo bức tranh là của mình.

PV: Anh sẽ giải quyết ra sao khi phát hiện tranh của mình bị đạo?

Tôi từng chứng kiến một số họa sĩ khi “bắt tận tay, day tận trán” kẻ đạo tranh mình, vì cả nể nên vẫn bỏ qua. Còn khi tôi phát hiện có kẻ đạo tranh mình, tôi sẽ điều tra đến nơi đến chốn và công khai mọi chuyện. Khi ấy pháp luật không vào cuộc thì giới chuyên môn, anh em nghệ sĩ, giới sưu tập tranh cũng sẽ biết được. Đó là hành động để tôi bảo vệ “đứa con” của mình, bảo vệ danh tiếng của mình và bảo vệ quyền lợi người sưu tầm tranh của tôi.

PV: Xin cảm ơn họa sĩ Bùi Văn Tuất đã trả lời phỏng vấn!

Đón đọc kỳ 2:  Ranh giới giữa bóng tối và ánh sáng

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.