Tân chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Cuộc chuyển giao thế hệ rất đẹp, tôi không mong gì hơn thế”

(Arttimes) – Bản chất của Nguyễn Quang Thiều là đổi mới, bản chất Nguyễn Bình Phương, bản chất của Phan Hoàng, Lương Ngọc An hay những người khác, họ đều là những người đang đổi mới. Khi những nhân tố đổi mới cộng lại với nhau, họ sẽ tạo ra sức mạnh đổi mới chung... Cái muốn của Ban chấp hành là Văn học Việt Nam đổi mới lên, mạnh mẽ lên, trẻ trung hơn, đưa vị thế của văn học Việt Nam lan tỏa hơn trên thế giới.

Sáng ngày 25/11, cuộc họp đầu tiên của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2020 – 2025 chính thức bế mạc. Kết quả, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm tân chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Hữu Thỉnh đảm nhiệm cương vị cố vấn. Hai Phó chủ tịch lần lượt là nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Tân chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Cuộc chuyển giao thế hệ rất đẹp, tôi không mong gì hơn thế” - 1

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Trước những thuận lợi và thách thức trong một nhiệm kỳ mới, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có cuộc trao đổi với Thời báo Văn học Nghệ thuật.

“Cuộc chuyển giao thế hệ rất đẹp, tôi không mong gì hơn thế”

- Cảm xúc của ông như thế nào khi trở thành tân chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam?

Có thể cách đây một năm, tôi không nghĩ tới điều đó, sáu tháng vẫn mơ hồ. Nhưng khi biết được những lá phiếu của đại hội, biết được tinh thần của đại hội muốn làm gì, muốn chọn lựa cái gì, chọn lựa ai để làm, tôi cảm thấy bản thân mình định hướng rõ ràng hơn.

Tất nhiên, tôi rất bất ngờ, tôi hình dung mình đơn thuần là một nhà thơ, một họa sĩ, một người chơi nhạc cụ dân tộc thay vì trở thành người đứng đầu của một hội vô cùng phức tạp. Nhưng bây giờ, tôi đã bước đến với sự trân trọng, tin tưởng của các hội viên, và không còn con đường khác là tiến lên với tất cả những gì mình có thể làm được.

Đaị hội Nhà văn khóa X đã thành công với những chủ trương, quyết định rất rõ ràng. Đó là cuộc chuyển giao thế hệ rất đẹp, tôi không mong gì hơn thế. Đặc biệt hơn, lần đầu tiên sau rất nhiều nhiệm kỳ chúng ta mới bầu được đủ Ban chấp hành và đưa vào những gương mặt sáng tác trẻ. Chính sự chuyển giao này tạo ra cảm hứng, sự đợi chờ cho các nhà văn, đồng nghiệp và đặc biệt cho bạn đọc.

- Ông đánh giá như thế nào về thành tựu và những hạn chế của nhiệm kỳ trước?

Tôi nghĩ mỗi một nhiệm kỳ đều có những thành tựu riêng. Ở nhiệm kỳ trước đã tổ chức được cuộc thi tiểu thuyết và tìm ra những tác phẩm chất lượng. Ví dụ Từ Dụ thái hậu của nhà văn Trần Thùy Mai hay Gió bụi đầy trời, Gánh gành gồng gồng. Trong 5 năm vừa rồi, chưa bao giờ chúng tôi kết nạp được nhiều nhà văn trẻ đến thế, chúng tôi luôn tôn trọng và đợi chờ họ, và mặc dù bị nhiều nhà văn lớn tuổi khác thắc mắc, chúng tôi vẫn chấp nhận và gọi vui là “đánh cược”. Chủ nhân của văn học trong tương lai là họ chứ không phải ai khác. Ngược lại, tôi cũng muốn họ hiểu cho chúng tôi, chia sẻ cùng chúng tôi và cùng chúng tôi đồng hành trên những chặng đường mới.

Còn giải thưởng đã làm vang dội chưa? Qúa trình kết nạp hội viên có vấn đề gì không, đã đạt được trọn vẹn những mục tiêu chưa? Đấy là những khiếm khuyết chúng ta phải khắc phục. Tôi đã giữ cương vị Phó Chủ tịch hội Nhà văn trong 10 năm, tôi hết thảy những khó khăn đó. Những người đã bỏ phiếu cho tôi là những người đã tin tưởng tôi, những người chưa bỏ phiếu cho tôi là những người đang nhận ra khiếm khuyết của tôi. Làm được gì tôi chưa nói trước, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Tân chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Cuộc chuyển giao thế hệ rất đẹp, tôi không mong gì hơn thế” - 2

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam

Những khó khăn trước mắt

- Theo ông, thách thức lớn nhất khi đảm nhiệm vị trí tân chủ tịch là gì? Khi nhậm chức, ông muốn làm gì đầu tiên?

Tôi nghĩ rằng, những công việc thuộc về hội như báo chí, xuất bản, chúng đều là những công việc dài lâu, thách thức lớn nhất là đánh thức tiềm năng, khả năng và cảm hứng cho người viết và người đọc. Đấy mới là tiền đề để tạo ra những tác phẩm tốt. Nếu ta đánh mất nguồn cảm hứng đó, người viết sẽ không có những tác phẩm hay, văn hóa đọc của người dân sẽ mãi mãi giậm chân tại chỗ.

Nhà văn, tác phẩm và bạn đọc phải là những đối tượng song hành, nếu đánh mất một trong ba thứ đó thì nền văn học sẽ rất khó khăn. Việc tôi muốn làm đầu tiên chính là như thế.

- Về công tác quản lý, hội nhà văn có hơn 1000 thành viên, ông làm gì để có thể hòa hợp những cá tính đó?

Sẽ chẳng có cánh đồng nào chỉ trồng một loại hoa màu. Sẽ có lúa, ngô, khoai và rất nhiều thứ khác. Cá tính là đặc tính của văn học nghệ thuật cũng là đặc tính của đời sống này. Dù xuất phát từ bất kỳ cá tính nào, văn chương cũng hướng về cái đẹp, cái thiện. Ấy chính là con đường chung - đại lộ duy nhất mà tất cả các nhà văn đều muốn làm. Trước những mục tiêu lớn, cá tính, cá nhân chỉ là những phần tử nhỏ. Hãy nhìn nhận theo mặt tích cực rằng, đấy là điều hay khi họ mang đến các làn gió mới trong ngôn ngữ, trong sáng tác, tạo nên sự không trộn lẫn.

- Được biết Ban chấp hành Hội Nhà văn cũ có 6 ủy viên, ban chấp hành mới năm nay là 11 ủy viên. Theo ông, sự gia tăng nhân lực này có thuận lợi và khó khăn gì?

Thuận lợi là chúng tôi có nhiều người hơn để chia sẻ, khó khăn là làm sao có thể gắn kết cả 11 người đó vào. Chúng ta gắn kết với 1 người thì dễ, 3 người đã hơi khó, 11 người lại càng khó.  Nhưng tôi tin rằng, tất cả các gương mặt được lựa chọn đều được các hội viên tín nhiệm, mến yêu.

Các nhà văn có thể rất vui, có thể lãng mạn nhưng khi lựa chọn một nhân vật hay đại diện cho mình thì họ lại khó tính. Ban chấp hành mới đều là những gương mặt khả ái, chúng tôi có sự tin tưởng, tín nhiệm nhau trong công việc và sẽ gắn kết với nhau lâu dài.

 - Ông dự tính ra sao trước vấn đề tìm ra nguồn kinh phí để duy trì hội?

Tôi có quan hệ với không ít doanh nghiệp, ở đó họ sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ với mong muốn phát triển văn học, chấn hưng văn hóa. Kinh phí của Đảng và Nhà nước dành cho các hội đã làm hết sức. Tôi cho rằng, không thể làm tốt hơn được nữa. Chúng tôi rất biết ơn về điều đó. Nhưng nếu để hội mở rộng hơn những hoạt động như dịch thuật, truyền bá văn học ra nước ngoài, giao lưu, thúc đẩy văn học trẻ và văn học thiếu nhi thì cần nhiều các mạnh thường quân hơn.

Chúng tôi nghĩ rất nhiều đến văn học trẻ và văn học thiếu nhi, bởi vì cho tới lúc này, những nhà văn như tôi đã đi tới sườn dốc của sáng tạo. Nhưng những người 15, 16, 20, 25 họ vẫn còn trẻ, họ mới là chủ nhân chính của văn học trong tương lai.

Hiện đại hóa rất cần tới văn chương, chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục, kêu gọi những doanh nhân, những người có khả năng hãy đồng hành cùng chúng tôi, trợ giúp cho Hội Nhà văn Việt Nam để đời sống văn học nghệ thuật phong phú và đa dạng hơn.

Hướng tới một nền văn học Việt Nam đổi mới

Nhiều người cho rằng, vào những năm gần đây, Hội Nhà văn có sự dễ dãi trong việc kết nạp thành viên. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi khẳng định điều đó là có. Nhiều người cho rằng Hội Nhà văn có vẻ dễ vào hơn, có vẻ lỏng lẻo hơn, các cá nhân được lựa chọn chủ yếu vì quan hệ…Dù vậy, tôi nghĩ đó chỉ là những khiếm khuyết đáng yêu mà thôi. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều tác giả muốn trở thành thành viên hội nhà văn đến vậy. Nhưng dù thế nào, một trong những điều đầu tiên chúng tôi làm khi lựa chọn là  sàng lọc những cây bút xuất sắc nhất có triển vọng nhất, đặc biệt là những người trẻ.

- Ông dự định làm gì để nâng cao chất lượng sáng tác và chất lượng đời sống hội viên? 

Sáng tác là thuộc quyền của mỗi một người, ban chấp hành không ai thò tay được vào căn phòng viết của các nhà văn. Như tôi đã nói trong diễn văn bế mạc, thách thức của ban chấp hành Hội Nhà văn là rất lớn, nhưng thách thức lớn nhất là của chính hội viên trong căn phòng viết của mình. Họ phải tự trả lời tất cả những điều đó, và điều quan trọng là chúng tôi phải công bằng với những tác phẩm, công bằng với từng hội viên.

 Chúng tôi phải tìm cách truyền cảm hứng cho họ, làm sao để họ tiếp cận với những nhà văn lớn, nguồn tri thức lớn trên thế giới. Ban chấp hành hội Nhà văn hay hội Nhà văn chỉ là nơi để nhằm tôn vinh đúng nhất các tác phẩm, kêu gọi đúng nhất cái năng lượng, đánh thức khả năng kỳ diệu nhất của nhà văn mà thôi.

Các hoạt động hội thảo, giao lưu, dịch thuật, hội thảo chuyên đề, giải thưởng mở rộng sẽ được triển khai bài bản, khoa học và thẳng thắn.

Tân chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Cuộc chuyển giao thế hệ rất đẹp, tôi không mong gì hơn thế” - 3

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (giữa) cùng với các nhà văn tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam

- Vậy còn định hướng cụ thể cho văn học thiếu nhi?

Hội Nhà văn sẽ đẩy mạnh hơn ban văn học thiếu nhi, chúng tôi sẽ xin phép các cơ quan quản lý để thành lập quỹ “văn học thiếu nhi”. Chúng tôi muốn đánh thức những đứa trẻ, đánh thức những nhà văn lớn tuổi hãy viết về chúng. Chúng ta đang có rất nhiều sách thiếu nhi nhưng hầu như là sách dịch. Những cuốn sách đó đều tốt nhưng tôi nghĩ, một đứa trẻ phải được lớn lên, trở thành người tốt trong chính nền văn hóa của mình.

Thậm chí tôi đã nghĩ đến việc sẽ đặt giải thưởng thiếu nhi riêng, giải thưởng văn học trẻ đầu tay riêng ngoài giải thưởng Hội Nhà văn. Để ở đó, chúng ta toàn quyền đặt cược lòng tin vào các tác phẩm, dù là những tác giả trẻ đang còn mong manh, mơ hồ giữa nhiều gianh giới.

-  Dám đặt cược vào những nhà văn trẻ, dám tin vào một tương lai thành công? Liệu ông có quá tự tin hay không?

Bản chất của Nguyễn Quang Thiều là đổi mới, bản chất Nguyễn Bình Phương, bản chất của Phan Hoàng, Lưo Ngọc An hay những người khác, họ đều là những người đang đổi mới. Khi những nhân tố đổi mới cộng lại với nhau, họ sẽ tạo ra sức mạnh đổi mới chung. Ít nhất tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ khắc phục, hạn chế những khuyết điểm của nhiệm kỳ trước. Cái muốn của ban chấp hành là Văn học Việt Nam đổi mới lên, mạnh mẽ lên, trẻ trung hơn, đưa vị thế của văn học Việt Nam lan tỏa hơn trên thế giới.

“Tôi vẫn sẽ tiếp tục sáng tác!”

 - Nhà văn Hữu Thỉnh đã đảm nhiệm cương vị này hơn 20 năm. Là người kế nhiệm ông có áp lực gì không?

Hữu Thỉnh đã tạo ra một vùng riêng của Hội Nhà văn trong suốt 20 năm, dù nó tuyệt vời bao nhiêu nhưng khi trở thành một thói quen sẽ phát sinh nhiều điểm hạn chế cần thay đổi. Các hội viên trên 65 tuổi chiếm hơn 70%, dưới 50 tuổi rất ít hơn và dưới 40 cực ít. Tất cả giống như một gia đình nhiều thế hệ, có ông bà, cha mẹ và con cháu. Việc mâu thuẫn là không thể tránh khỏi. Nhưng sự mâu thuẫn, khác biệt cần được đồng hành trên một nền tảng chung, hướng tới nền văn chương chân – thiện – mỹ.

Ban chấp hành mới chắc chắn là áp lực, vì thế chúng tôi mời nhà văn Hữu Thỉnh đảm nhiệm chức danh cố vấn. Nhưng về cách thức giải quyết vẫn là của chúng tôi – một thế hệ mới với những nhìn nhận mới.

-   Ông có sợ việc đảm nhận quá nhiều vai trò quản lý sẽ làm mất đi thời gian sáng tác của mình không?

Điều đó luôn luôn đe dọa và có khả năng cao xảy ra với tất cả mọi người. Nhưng tôi có một bí mật cho sáng tạo. Tôi chuẩn bị một triển lãm diễn ra vào tháng 1 với 60 bức tranh lớn, tôi chuẩn bị viết cuốn sách thứ hai về Mem và Kya cho cháu tôi, tôi chuẩn bị ra 2 tập thơ mới, tôi cũng chuẩn bị khởi công viết kịch bản một bộ phim truyện liên quan tới thành Cổ Loa. Tôi biết cách phân thân mình ra như lâu nay tôi vẫn làm chuyện đó. Nhưng sự phân thân lần này sẽ khó hơn những lần trước bởi những chức vụ quan trọng sắp tới.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc ông đạt nhiều thành công trong một cương vị mới!

None

Hiền Lương

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Người Việt có câu “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ", trong đó tháng 3 âm lịch giỗ Mẹ là để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.