Tập thơ "Không giới hạn" của GS Hà Minh Đức: Những lá thơm hái lúc về già

(Arttimes) - Trong một bài thơ có tên là Nội dung và hình thức, nhà thơ tài danh Chế Lan Viên đã có một liên tưởng vô cùng độc đáo: “Những lá thơm hái lúc về già/Hái những lá có hương tư tưởng/Khi cây đã hóa trầm trong ruột/Lá đủ rồi, phải đợi gì hoa?” Bài thơ này nằm trong tập Đối thoại mới (Nxb Văn học H. 1973). Chúng tôi xin mượn câu thơ đầu trong bài thơ trên để nói về tập thơ Không giới hạn của GS Hà Minh Đức.

Tính đến năm 2021 này, Hà Minh Đức đã cho ra đời 9 tập thơ. Với số lượng đó, có thể gọi ông là một nhà thơ đúng theo nghĩa của nó. Tuy nhiên số lượng tập thơ hay số lượng bài thơ không phải là yếu tố quyết định tạo thành sự nghiệp thi ca. Nói đến Hà Minh Đức, người ta vẫn thiên về sự nghiệp phê bình văn học, sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy. Ông là một trong những vị giáo sư đầu ngành, đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ sinh viên văn học và báo chí. Ông đã nhận được danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ, về Văn học Nghệ thuật, Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác phẩm lý luận và phê bình văn học. Làm thơ đối với Hà Minh Đức, do đó có thể coi là một thú vui hơn là một công việc có tính nghề nghiệp.

Tập thơ "Không giới hạn" của GS Hà Minh Đức: Những lá thơm hái lúc về già - 1
GS Hà Minh Đức bên bàn làm việc. Ảnh Internet

 Về tuổi đời, Hà Minh Đức thuộc thế hệ sau, rất sau so với các nhà thơ xuất hiện trong Phong trào Thơ mới (1932 – 1945). Về tuổi làm thơ thì khoảng cách lại càng xa hơn. Gần 60 năm sau khi Thơ mới ra đời thì thơ của Hà Minh Đức mới xuất hiện. Thế nhưng, điều thú vị là, Hà Minh Đức lại rất gắn bó với các nhà thơ mới trong sinh hoạt văn nghệ ở giai đoạn sau. Bởi vì sự nghiệp thi ca của nhiều nhà thơ từ phong trào Thơ mới đã được phục hồi ở giai đoạn 1960 – 1970. Đây lại đúng vào thời thanh xuân của các nhà phê bình như Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng Mạnh, Phương Lựu,… Hà Minh Đức đã có cơ hội tiếp xúc rộng rãi với các nhà thơ lớn tuổi hơn mình như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Anh Thơ…Và ông đã dành cho mỗi nhà thơ một đầu sách nghiên cứu về họ.

Nhà thơ tài hoa Chế Lan Viên cũng rất gắn bó với nhà phê bình mẫn tiệp Hà Minh Đức, cả hai đều là những tác gia chuyên nghiệp, đều có những đóng góp hết mình cho nền thơ Việt Nam hiện đại. Chế Lan Viên đã viết lời tựa cho một tác phẩm lý luận tiêu biểu của Hà Minh Đức có tên là Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, xuất bản từ non nửa thế kỷ trước (1974). Nhà phê bình cũng đã nhiều lần tiếp xúc với nhà thơ, mời nhà thơ về khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội để nói chuyện thơ, và cũng có một cuốn dành riêng cho nhà thơ: Chế Lan Viên, người trồng hoa trên đá (2010).

Chế Lan Viên đã hái “những lá thơm” ở tuổi già trong đời thơ của mình vào lúc ông mới ngoại ngũ tuần. Cái già trong Đối thoại mới của Chế Lan Viên chưa phải là cái già thật sự của tuổi tác, mà là cái già của kẻ “tri thiên mệnh”, tự biết mình đã đến một giới hạn. Tiên lượng cái giới hạn của thời gian còn lại là quá ngắn nên nhà thơ Chế Lan Viên đã chạy đua với “thời gian nước xiết”, và đã giục giã mình “Viết thêm! Viết nữa! Viết vào!” Chính nhờ có cuộc chạy đua này, Chế Lan Viên đã bổ sung thêm cho đời hàng trăm bài thơ tâm huyết nữa, sự nghiệp thơ của ông đã được bồi đắp thêm với ba tập Di cảo thơ.

Còn các tập thơ của Hà Minh Đức hầu hết đều xuất hiện khi ông đã ở tuổi ngoại lục thập, thất thập... Nghĩa là, thơ ông là thơ của một người già thật sự, già cả về tuổi đời, già cả về cảm xúc và tư duy. Tập Không giới hạn, xuất bản năm 2021, khi ông “đã ghé sang tuổi chín mươi” (từ dùng của nhà thơ Hữu Thỉnh).

Tuổi thất thập từ thời nhà thơ Đỗ Phủ (Trung Quốc) đến khi Cụ Hồ viết Di chúc được coi là “cổ lai hy”, tức là trên một ngàn ba trăm năm trước, đến những năm 1960, tuổi thọ trung bình của nhân loại vẫn còn rất thấp. Nhưng ngày nay, ngoại thất thập đã trở thành tuổi thọ trung bình chung. Theo như công bố của truyền thông thì tuổi thọ trung bình của người Việt hiện nay là khá cao (nam 73, nữ 74). Nói như thế để thấy tuổi 70, 80, 90 ở ta hiện nay đã là khá phổ biến. Ở tầm tuổi ấy thì cái quỹ thời gian còn lại không nhiều, nhưng lại được coi là “thừa thời gian”. Cái cảm giác thừa thời gian này đã làm cho nhiều người phải tìm cách “tiêu phí” bớt, để giải thoát khỏi trạng thái nhàn cư, một trạng thái tự thấy mình trở thành người thừa. “Cầm kỳ thi họa” là những thú vui tao nhã của các bậc sĩ nhân quân tử ngày xưa. Lê Quý Đôn, nhà bác học, nhà thơ Việt Nam thế kỷ XVIII, cho rằng, thơ là việc làm nhàn rỗi của các bậc thánh nhân, các quan công khanh và sĩ đại phu. Làm thơ là để di dưỡng tính tình. Tác giả Hà Minh Đức đi vào lĩnh vực sáng tạo thi ca có lẽ một phần cũng là để “giải nhàn”, tìm đến một thú vui tao nhã, để “di dưỡng tính tình”.

Với tác giả Không giới hạn, làm thơ vừa là một kiểu ghi nhanh “nhật ký tâm trạng”, vừa là một cách tập thể dục cho trí tuệ, để đầu óc có một hoạt động tích cực, không bị xơ, không bị đơ. Mục đích cao nhất của sáng tạo thi ca ở đây là, viết để giữ cho mình một trạng thái “tỉnh thức”. Tác giả đã nói rõ điều này ngay trong Lời nói đầu của tập thơ: “Với tuổi già, trí óc nhiều khi như ngủ đông, nhưng khi bừng tỉnh lại muốn bộc lộ, muốn nói, muốn viết đôi điều suy nghĩ của mình”. Như vậy, có thể coi Không giới hạn là một tập thơ ghi lại những trạng thái tinh thần và sự vận động trí não tích cực của một vị trưởng lão đang trên đường đi tới “bách niên”.

Tập thơ có tiêu đề là “Không giới hạn”, nhưng là một tập hợp, mà trong đó bao gồm ba thi phẩm có tên gọi riêng: Hạnh phúc nào không cô đơn (28 bài); Nồng nàn lửa hạ (25 bài); Bóng chiều đã nhạt nẻo về còn xa (25 bài). Không giới hạn là tên gọi chung. Cái tên này không mang ý nghĩa cụ thể có tính nội dung, mà đó là một thuộc tính chung nhất của toàn bộ tư duy thơ. Ở bài thơ mở đầu, có tính đề từ cho cả ba thi phẩm, nhà thơ đã nói rõ Không giới hạn ở đây là “Hãy loại bỏ những gì ràng buộc”. Có thể hiểu là nhà thơ không tự giới hạn thơ mình về đề tài, chủ đề, nội dung, tư tưởng… Đó là một tâm trạng rất tự do, là “tòng tâm sở dục” của người già xưa. Cảm nhận thời gian của nhà thơ Hà Minh Đức là thanh thản, không có gì bức bối, không có gì giục giã. Ngược lại, ông còn thấy dài và xa. Bóng chiều đã nhạt nẻo về còn xa là tên gọi chính xác và sâu sắc nhất cho cảm giác của thi nhân về thời gian trong Không giới hạn.

Tên gọi này thật sự gây cho ta xúc động. Nó có nguồn gốc từ một câu thơ trong Truyện Kiều. Đây là lời Vương Quan nói với hai người chị, khi chiều rồi mà cả đoàn đi chơi xuân cứ nấn ná, bịn rịn quanh nấm mộ và câu chuyện Đạm Tiên. Thúy Kiều cứ nhìn nấm mộ mà khóc thương cho số phận của kẻ hồng nhan. Nàng than thở: “Thấy người nằm đó biết sau thế nào”. Nghĩa là Kiều thấy mộ Đạm Tiên mà thêm lo cho cái “hồng nhan” của mình, biết rồi số phận mình có kết cục như thế này không. Vương Quan phải nhắc chị một cách quả quyết: “ …chị nói hay sao/Một lời là một vận vào khó nghe/Ở đây âm khí nặng nề/Bóng chiều đã ngả, dặm về còn xa”. Như vậy, câu thơ trong văn cảnh Truyện Kiều vốn mang một ý nghĩa cụ thể, trực tiếp. Đó là lời khuyên của Kim Trọng để chị em nhanh chóng rời khỏi nấm mộ và câu chuyện người bạc mệnh. Còn tên gọi thi phẩm của nhà thơ Hà Minh Đức thì hơi khác một chút, ở hai từ: “nhạt” và “nẻo”, thay cho “ngả” và “dặm”: Bóng chiều đã nhạt nẻo về còn xa (HMĐ); Bóng chiều đã ngả, dặm về còn xa (Kiều). Tuy có khác đi hai chữ như thế nhưng nếu chỉ nhận biết qua bề ngoài của văn bản, ta thấy về nghĩa đen, nghĩa thông tin bao quát của hai câu thơ không khác nhau nhiều. Nhưng xét về nghĩa hàm ẩn thì câu của Hà Minh Đức đã mang một nội hàm bao la hơn, biểu tượng ẩn dụ hơn. Bóng chiểu không còn là bóng chiều cụ thể. Về không phải về nhà. Xa không phải là khoảng cách không gian. Nếu ngầm hiểu, bóng chiều ở đây là thời gian, là tuổi tác đã cao; về là đi vào vĩnh viễn; xa là lâu … thì ta như thấy có một hình tượng, một chủ thể hay là một nhân vật trữ tình qua câu thơ: “Bóng chiều đã nhạt nẻo về còn xa”. Có một kẻ lữ hành đang độc bộ trên con đường thăm thẳm về phía chân trời vô định. Và hình như có tiếng kêu khe khẽ: sao mà xa đến thế!

Người lữ hành là nhân vật trữ tình trung tâm của cả tập thơ, xuất hiện ngay ở bài đầu tiên. “Người lữ hành nửa đường dừng bước/Cánh chim mỏi tìm về rừng cây” (Không giới hạn). Chúng ta đã bắt gặp hình tượng những người lữ hành trong thơ ca cổ điển khá nhiều. Là tác giả chuyên nghiên cứu và giảng dạy về tác phẩm của Hồ Chí Minh (có 9 công trình nghiên cứu về HCM), GS Hà Minh Đức chắc chắn đã rất tâm đắc với bài “Mộ” (Chiều tối) của Hồ Chí Minh (Nhật ký trong tù). Bài Mộ có hình ảnh một con chim mỏi cánh tìm về rừng cây kiếm chốn ngủ (Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ). Toàn cảnh của bài Mộ là một bức tranh của buổi chiều tối, có sự chuyển cảnh từ bầu trời đến mặt đất, từ lúc còn ánh sáng trời với một bóng chim cô quạnh bay về rừng, một đám mây lẻ loi trên bầu trời. Và ở dưới mặt đất là một cô thôn nữ đang xay ngô, công việc cũng rất đơn điệu, xay đến khi xong thì cái lò đã cháy đỏ. Vậy thì cái thông điệp ở đây chính là sự đơn côi, một cánh chim đã mỏi, một làn mây cô đơn bay chầm chậm, một cô thôn nữ xay ngô miệt mài. Người lữ hành cũng cảm thấy cô đơn, cảm thấy mỏi mệt, nhưng chưa được dừng chân.

Còn nhân vật lữ hành trong bài Không giới hạn cũng đã mỏi, đã định dừng bước nhưng sau đó đã: Tiến về phía trước và hy vọng “Đời vui tươi nâng bước chân ai/Người đi xa sẽ về tới đích”. Trở lại với tên gọi chung của cả tập thơ và tên gọi của từng thi phẩm, ta sẽ tìm cách “giải mã” được phần nào cái bí mật của Không giới hạn.  Hạnh phúc nào không cô đơn; Nồng nàn lửa hạ; Bóng chiều đã nhạt nẻo về còn xa là tên gọi của ba thi phẩm, được sắp xếp hình như không phải ngẫu nhiên mà theo một trật tự nghệ thuật. Đó là một triết lý về cuộc đời của chính nhà thơ, của nhân vật số một trong mọi bài thơ. Ta như nhìn thấy một người già, một bậc trưởng lão, có đầy đủ sự nghiệp, vinh quang và danh vọng, đã có một thời tỏa sáng, một thời nồng nàn, giờ đây đang ở cuối chặng hành trình, cảm thấy mình đang đi dần vào một không gian nhạt nắng phai sương, một khoảng trống vắng và trời đang tối dần. Hiểu theo nghĩa bị động, tiêu cực thì hạnh phúc và cô đơn là song hành, dù có qua nồng nàn lửa hạ, cuối cùng bóng chiều cũng sẽ tới, và ta sẽ phải một mình đi đến hết hành trình. Nhưng biện luận theo nghĩa tích cực thì hạnh phúc và cô đơn là song hành, ta đã có một thời tỏa sáng thì ta cũng phải chấp nhận ánh chiều tà. Ta hài lòng về quá khứ, về một thời nồng nàn lửa hạ, một thời xán lạn vừa mới đi qua. Ánh sáng của thời hoàng kim ấy vẫn soi cho ta đi hết quãng đường dài.

Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Hồ Thế Hà đã có những bài viết, những cách tiếp cận riêng, khá sâu sắc đối với Không giới hạn. Hữu Thỉnh cho rằng, “Trong Không giới hạn, nổi lên ba trụ cột của cảm xúc: thời sự, thế sựthao thức về một tình yêu chói lóa đã trôi qua và khao khát một cuộc sống bình yên” (Không giới hạn…tr.7). Hồ Thế Hà viết: “Với tác phẩm này, tác giả nghiêng về trữ tình tự thuật sự cô đơn, bất hạnh của chính mình và tha nhân, dù có lúc niềm tin sắp cận kề” (Báo Văn nghệ số 15 năm 2021). Chúng tôi cho rằng, đó là những nhận định khá chính xác. Chúng tôi muốn khẳng định thêm, trong Không giới hạn, buồn và cô đơn là tâm trạng khá phổ biến, nếu không nói là thường trực. Nhân vật trữ tình trong đó vừa chấp nhận lại vừa chống chọi lại trạng thái cô đơn. Tên gọi của thi phẩm đầu tiên: Hạnh phúc nào không cô đơn là mệnh đề đã bao hàm sự chấp nhận, thừa nhận. Tác giả khẳng định cô đơn không chỉ là trạng thái của những kẻ bất hạnh, những số phận hẩm hiu, những sự đợi chờ vô vọng của các chinh phụ, cung phi ngày xưa. Cô đơn là chuyện của ngày nay khi “Xã hội vô tâm, con người vô cảm/Tình đời nhiều nỗi đắng cay”. Chấp nhận cô đơn nhưng không để nó ngự trị, chi phối đời mình. Nhà thơ tâm tình với “em”, nhưng cũng là để tự khuyên mình: “Như con thuyền dập dìu trong gió/Vẫn còn đó hạnh phúc mong manh/Hãy giữ lấy cho niềm vui nảy nở/Xin em đừng nghĩ đến cô đơn/Cơn gió lạnh chiều về luôn ám ảnh”.

Đa số các bài thơ trong tập Không giới hạn được sáng tác vào hai năm 2017 – 2018. Đây là những bài thơ nghĩ nhiều về hạnh phúc, tình yêu, mà triết lý của nhà thơ là “Niềm vui bền vững là hạnh phúc gia đình”. Câu chuyện gia đình của nhà thơ là một câu chuyện buồn nhiều hơn vui.

Nỗi cô đơn, nỗi buồn trong Không giới hạn là nỗi cô đơn, nỗi buồn có thực của nhân vật trữ tình, nó phản ảnh chân thật hoàn cảnh riêng của chính nhà thơ. Nó hoàn toàn khác với nỗi cô đơn, nỗi buồn của nhiều nhà thơ trong Phong trào Thơ mới: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu). Nỗi buồn, nỗi cô đơn của nhà thơ Hà Minh Đức ở tuổi ngoại tám mươi là nỗi buồn tâm trạng của kẻ nhìn về phía trước người thân không còn ai. Nhìn lại phía sau, không thấy người tiếp nối. Các cụ thân sinh đều đã về giời, người mẹ thân thương vừa mới ra vào trong căn nhà nhỏ này, giờ đã đến lúc bốc mộ. Người con trai đẹp đẽ tuấn tú chỉ còn là bức ảnh treo trên bàn thờ, mà chính mẹ cha già phải hương khói cho anh. Tất nhiên, nhà thơ vẫn còn người thân, người bạn đời đã chia sẻ buồn vui với mình trên nửa thế kỷ, và cùng chịu chung số phận “Hai người nhưng chẳng bớt cô đơn” (Xuân Diệu). Nhà thơ còn có một người con gái trưởng thành, gia đình bình yên với  những đứa cháu ngoại, chắt ngoại đáng yêu. Đó là chưa kể đến các thế hệ môn sinh, đồ đệ, học trò cũ của thầy. Nhưng hình như tất cả những quan hệ còn lại ấy, không cân nổi những gì đã mất. Để chống lại nỗi ám ảnh về những cái mất mát to lớn, nhà thơ đã phải vịn vào những kỷ niệm, hoài niệm đẹp của một thời “Nồng nàn lửa hạ”. Chúng ta đọc được ở đây, rất nhiều những câu thơ, lời thơ da diết về tình yêu, tình cảm lứa đôi. Đa số là những mối tình chớm nở, khi “thoáng qua”, khi cháy sáng. Có những cuộc lỡ hẹn, nhưng không lỡ làng, không đơm hoa kết trái, mà rất trong sáng, rất chân tình. Những cảm xúc dạt dào, tràn đầy khát vọng yêu đương nhưng luôn có giới hạn: “Thượng đế thì xa quả cấm thì gần/Liệu chừng mực trong cơn thèm khát” (Quả cấm). Nồng nàn yêu thương, nồng nàn lửa hạ, nhưng phải dừng lại ở đỉnh cao nhất là nụ hôn: “Giây phút yêu thương giữa hai người xa lạ/Nồng nàn/Tin cậy/ “Nụ hôn” /Ấm mãi môi em/Con tim nói lời cảm tạ” (Nụ hôn). Có thể nói, trong Không giới hạn, mọi cái đều buông thả, trừ tình yêu.

 

“Những lá thơm hái lúc về già” còn nhiều sắc màu và hương vị khác. Đáng chú ý là nhiều bài viết về các nhà thơ tiền bối một cách trân trọng, mến yêu: Hồ Xuân Hương, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Hoàng Cầm…Nhiều câu chuyện thời sự cũng được đưa vào với những bình luận khách quan, đầy trách nhiệm: Cuộc phỏng vấn của Tổng thống Nga Putin; Tên lửa đạn đạo Triều Tiên; Biển Đông dậy sóng…

Nhưng như trên đã phân tích, hình ảnh nhân vật trữ tình chủ yếu trong Không giới hạn là hình ảnh một người khách lữ hành đã đi tới cuối chặng hành trình, gối mỏi, chân chồn, buồn và cô đơn, nhưng rất cố gắng để giữ bình yên. Hai bài thơ in liền nhau có tên là “Không ai gọi cho tôi” và “Giấc ngủ của người già” cuối tập thơ đã cho ta một thông điệp khá nghiêm túc, thậm chí là đáng báo động về một tình trạng cô độc và tâm lý bất an của tuổi cửu thập. Một cuộc sống lùi xa khỏi phố phường, khỏi trung tâm, về nơi thôn dã tưởng rằng sẽ được thảnh thơi. Không ngờ, như thế lại rơi vào trạng thái cô độc thực sự. Mọi sợi giây ràng buộc, liên hệ với xã hội dường như đã bị cắt hết. Chỉ còn cái điện thoại là phương tiện duy nhất có thể giao lưu, mối dây duy nhất của chủ thể nối với xã hội. Nhưng, từ sáng đến tối khuya, không một tiếng chuông, chủ nhân vẫn đợi chờ và đến hết ngày người cô đơn đã hoàn toàn thất vọng, và nhận thấy mình đã bị bỏ quên, mình chẳng còn cần thiết cho ai. “Hằng ngày tôi vẫn lắng nghe/Không ai gọi cho tôi/Chỉ nghe tiếng chim hót/Líu lo chẳng thành lời/Họ quên tôi rồi/Tôi chẳng còn gì để được nhớ/Cuộc đời không cần đến tôi”…Ta nghe một lời than cất lên ở cuối bài thơ: “Sao không ai gọi cho tôi/Tôi dần xa cõi người”. Bài “Giấc ngủ của người già” đã nhấn sâu thêm thực trạng bất an của chủ thể: “Đã cạn dần sức lực của một đời người/Giấc ngủ chập chờn mộng ảo…/Lộc chẳng còn gì ở trên đời/Xin người hãy đến với giấc mơ/Như cánh chim phiêu bạt trong chiều lộng gió/Một tổ ấm chia vui chuyện đã xa rồi/Một đời trăn trở lo toan/Giấc ngủ đêm có đem lại bình an cho tuổi già”. Ta như nhìn thấy một  một con chim lẻ đàn, mỏi mệt, không còn tổ ấm nữa và giờ đây, chỉ còn đơn giản  là ước mơ một giấc ngủ yên. Hai chữ “bình yên” là mong muốn cuối cùng, cao nhất của người già.

Chúng tôi không muốn nói đến ở đây những “giới hạn” của Không giới hạn. Những lá thơm được hái ở đây như là thứ lá của một cái cây cổ thụ cá biệt, riêng có của nhà thơ Hà Minh Đức. Trong thế giới độc giả rộng lớn, sở thích hương vị, khẩu vị của mỗi người mỗi khác. Có người thích hoa mà không thích lá. Có người không thích hoa lá, mà thích quả, thích cây, thích bóng râm, thích gỗ…Những độc giả này sẽ không thích những chiếc lá trong tập Không giới hạn. Họ sẽ đòi hỏi, thơ phải đột phá, phải mạnh mẽ, phải có điểm ngời sáng bất ngờ của trí tuệ. Chưa nói đến sự gia công gọt rũa ngôn từ, sự lựa chọn thi ảnh và thi tứ phải tinh vi, đầy sáng tạo. Những đòi hỏi ấy, Không giới hạn chưa đáp ứng được.

Không giới hạn là tập thơ của một ông giáo già, đã ngót ngét tuổi chín mươi. Nó đã ghi lại một cách khá chân thành tâm trạng của một vị trưởng lão, ghi lại những kỷ niệm, hoài niệm của một đời người, từ sao Hôm đến sao Mai, từ Nồng nàn lửa hạ đến Bóng chiều đã nhạt…, từ Đi hết một mùa thu cho đến Ở giữa ngày đông…Dấu ấn cuộc hành trình gần chín mươi năm đó là lòng nhân hậu, bao dung, là tình cảm sâu nặng đối với mọi người, nhất là những người thân đã mất. Con người đó hạnh phúc trong đời sống xã hội, nhưng buồn và cô đơn trong cuộc sống cá nhân. Con người đó đã thực sự được vẻ vang trong nghề nghiệp, trong đời sống xã hội - một học giả tên tuổi với 79 tác phẩm viết chung và viết riêng. Nhưng con người đó thấm thía nỗi buồn và cô đơn, khi đến buổi chiều tà. Con người đó vẫn rất điềm tĩnh chấp nhận số phận và ung dung mải miết đi về phía cuối chân trời.

Nguyễn Bá Thành

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.