Tay trống lừng danh của The Rolling Stones, Charlie Watts qua đời - “Hòn đá tảng” ngừng lăn

(Arttimes) - Ngày 24/8, Bernard Doherty, người đại diện của Charlie Watts, thông báo rằng thân chủ của mình đã qua đời ở tuổi 80.

“Với nỗi buồn vô hạn, chúng tôi muốn thông báo về sự ra đi của Charlie Watts đáng kính. Ông đã ra đi thanh thản trong một bệnh viện ở London vào sáng sớm hôm nay trong vòng tay yêu thương của gia đình. Charlie là một người chồng, người cha và người ông được yêu mến và cũng là một thành viên của The Rolling Stones, một trong những tay trống vĩ đại nhất trong thế hệ của mình."

Trên mạng xã hội, các thành viên Mick Jagger, Keith Richard, Ronnie Wood, Bill Wyman (rời nhóm năm 1993) đều gửi lời tiếc thương người đồng đội. Ngoài ra, người hâm mộ cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Paul McCartney, Ringo Starr, Elton John, Max Weinberg, Roger Daltrey, Roger Taylor, Brian May … đều ca ngợi Charlie Watts là một tay trống vĩ đại và gửi lời chia buồn đến ban nhạc cùng gia đình nhà Watts.

Tay trống lừng danh của The Rolling Stones, Charlie Watts qua đời - “Hòn đá tảng” ngừng lăn - 1

Tay trống Charlie Watts. Ảnh: trên trang cá nhân của Mick Jagger

Gia nhập The Rolling Stones từ năm 1963, góp mặt trong 30 album phòng thu, 23 album trực tiếp, Charlie Watts đã đồng hành và cùng gặt hái thành công và danh vọng với ban nhạc trong suốt gần 60 năm qua. Ông là một mảnh ghép hoàn hảo và là một trong những tay trống vĩ đại nhất mọi thời đại.

Tình yêu âm nhạc của một chàng kỹ sư thiết kế đồ họa

Charlie Watts sinh ngày 2/6/1941, tại Wembley, tây bắc London, Anh, có người cha Charles làm tài xế và người mẹ Lillian là nội trợ. Lớn lên trong bom đạn chiến tranh khi Hitler liên tục ra lệnh cho không quân phát xít Đức tàn phá London. Charlie là một cậu bé năng động, thích vẽ, chơi nhạc, criket và bóng đá, phòng ngủ của Charlie hồi đó là nơi ông và người bạn thân Dave Green chia sẻ đam mê âm nhạc và tập chơi cùng nhau. Ở tuổi 15, ông nhận ra đam mê của mình với trống và đó là bước ngoặt lớn của cuộc đời mình.

“May mắn thay, bố mẹ tôi đủ tâm lý và tinh ý để mua cho tôi một bộ trống. Trước đó tôi đã tự mua một cây đàn banjo, tháo cổ và bắt đầu chơi như chơi trống. Ngoài ra tôi cũng lấy dao và dĩa gõ lên mặt bàn, đôi lúc là dùng mặt báo như mặt trống, và lấy bút lông làm dùi.”, ông hồi tưởng.

Sau khi tốt nghiệp trường Nghệ thuật Harrow Art (nay thuộc trường Đại học Westminster, London), ông sống bằng nghề thiết kế đồ họa cho một công ty quảng cáo, ngoài ra ông cũng tham gia hoạt động âm nhạc, như tham gia cùng người bạn Dave Green hay gia nhập ban nhạc của Alexis Korner, huyền thoại dòng blues của Anh trước khi trở thành tay trống của The Rolling Stones.

Hòn đá tảng của The Rolling Stones

Vào năm 1962, Brian Jones sáng lập ban nhạc The Rolling Stones, cùng với những thành viên như Mick Jagger (ca sĩ), Keith Richards (guitar), Bill Wyman (bass), Ian Stewart (piano, sau ông đảm nhiệm vị trí quản lý các chuyến lưu diễn của ban nhạc). Ban nhạc lúc này gặp nhiều vấn đề khi các tay trống đều không tỏ ra phù hợp với âm nhạc của nhóm. Khi Watts gặp Jones, Stewart, Jagger, và Richards, ông đã đồng ý lời mời vào ban nhạc sau một thời gian do dự, đó là lúc The Stones bắt đầu câu chuyện huyền thoại của mình.

Vào năm 1965, bản single “(I Can't Get No) Satisfaction” đã thống trị bảng xếp hạng âm nhạc, đây là một bước ngoặt vô cùng quan trọng khi đưa ban nhạc lên một vị thế mới, thậm chí ngang hàng với The Beatles. Sau đó là những album đã trở thành biểu tượng của nhạc rock như "Aftermath" (1966), “Between the Buttons” (1967), “Beggars Banquet” (1968), “Let It Bleed” (1969), "Sticky Fingers" (1971), "Some Girls" (1978) hay "Tattoo You" (1981). Ước tính The Rolling Stones đã bán hơn 200 triệu bản, trở thành một trong những ban nhạc bán chạy nhất mọi thời đại, ban nhạc nhận giải Grammy cho thành tựu trọn đời, trở thành biểu tượng của nhạc rock và luôn được xướng tên trong những ban nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại.

Những thành tựu này không thể không nhắc đến đóng góp của Charlie Watts, người được coi như là trái tim, là xương sống của ban nhạc.

Nhắc về âm nhạc của The Rolling Stones, người ta thường sẽ nghĩ ngay đến hai nhạc sĩ chính là Jaggers và Richards, hay sự đa dạng mà Jones hay Mick Taylor từng mang đến, nhưng họ cần có tiếng trống của Watts thổi hồn vào giai điệu.

Phong cách của Watts thực tế mang hơi hướng jazz, bản thân Watts cũng tự nhận mình là nghệ sĩ nhạc jazz. Hồi những năm 1970, ông đã từng cùng với Stewart, Korner lập ra ban nhạc Rocket 88, hay sau đó cùng Green lập ra một ban nhạc mang tên ông, đó giống như những công việc ngoài giờ để thỏa đam mê với jazz.

Không dễ khi một tay trống nhạc jazz tham gia ban nhạc rock, Watts đã phải rất nỗ lực để có thể khắc phục trở ngại đấy. Vượt qua tất cả, ông không chỉ là một chỗ dựa vững chắc, mà còn mang đến sự phong phú cho âm nhạc của The Stones. Richards từng thừa nhận điều này trong cuốn sách “Cuộc đời” (Life) của ông, rằng phong cách chơi trống của Watts là một sự đặc biệt, và sự đặc biệt đó là bí mật cho sự thành công của ban nhạc. Watts nỗ lực để giữ nhịp cho bài hát và các đồng đội cũng nỗ lực để theo được nhịp trống của Watts.

Nói về vai trò của Watts, Ronnie Wood từng chia sẻ: “Chúng tôi sẽ không thể hoạt động hay tiến xa nếu không có động cơ, Charlie chính là động cơ đó."

Bill Wyman thì nói: “Charlie cũng quan trọng với ban nhạc không kém gì Mick và Keith. Tôi không nghĩ sẽ có tay trống nào có thể thay thế được sự quan trọng của cậu ấy, và cậu ấy cũng biết điều đó”

Với Jagger, ông sẽ cảm thấy tự tin để cháy hết mình khi có Watts và dàn trống phía sau.

Với Richards, đơn giản: “Thiếu Charlie, sẽ không có hòn đá (chỉ The Rolling Stones) nào cả”

Quý ông khiêm nhường và nghị lực

Mọi người biết đến Charlie Watts là một tay trống huyền thoại, người đã góp phần ảnh hưởng và định hình cả rock nói riêng và âm nhạc nói chung. Lẫy lừng như vậy, nhưng không rực rỡ mà khiêm tốn, ông thầm lặng đóng góp cho lợi ích chung của tập thể và sống tránh xa thị phi.

Mick Jagger đã trải qua hàng ngàn cuộc tình, Keith Richards và Brian Jones, tuy không nhiều như Jagger nhưng cũng rất phong lưu, đến nỗi người mẫu Anita Pallenberg là một trong những nguyên nhân làm tan vỡ tình bạn hai người, Bill Wyman cũng không phải là người chồng tốt. Chất kích thích cũng khiến The Stones đau đầu, nó từng giết chết sự nghiệp và cuộc đời của Jones, khiến Richards và Jagger nhiều lần vướng vào vòng lao lý. Ngoài ra, Richards cũng trải qua nhiều rắc rối với đồng đội vì muốn trở thành người ảnh hưởng nhất, sau khi lấy được vị trí đó từ Jones, ông cũng tìm cách loại bỏ Taylor, khiến tay guitar tài năng cũng chủ động rời nhóm. Ngay cả Jagger và Richards cũng từng trỉ trích nhau, khiến quan hệ hai người và ban nhạc từng bị đóng băng trong một thời gian.

Còn Watts sống điềm tĩnh, hòa nhã và chung thủy. Ông có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và một lòng với bà vợ Shirley. Người vợ lớn hơn 3 tuổi đã hạ sinh cho ông một cô con gái và là chỗ dựa vững chắc của ông cho đến hết cuộc đời, điều từng khiến Wyman cảm thấy ghen tị. Ông hòa đồng, yêu quý đồng đội, tránh những điều có thể gây bất hòa. Ông không quá nổi bật với công chúng, mà tận tâm cống hiến lặng lẽ, nhiều lúc ông cũng đóng góp thiết kế bìa album, poster, áo phông, logo cho ban nhạc.

Về sự thầm lặng của mình, Watts tâm sự: “Tôi không thích có đoạn độc tấu trống riêng trong bài hát, tôi rất ngưỡng mộ những ai làm vậy, rất nổi bật, nhưng tôi ưu tiên việc duy trì nhịp điệu và giữ cái hồn của bài hát, để mọi người có thể thoải mái bay bổng với âm nhạc, đó mới là thách thức với người chơi rock.”

Tất nhiên, Watts cũng có nhiều lúc không giữ được mình. Richards có kể Watts từng đấm Jagger và nói: “Tôi không phải là tay trống của riêng cậu, đừng gọi tôi như thế”, và chuyện đã có thể trầm trọng hơn nếu Richards không can thiệp và phải mất một thời gian để Watts bình tĩnh lại. Trầm trọng hơn là vào những năm 1985, khi ban nhạc gặp nhiều khó khăn và thậm chí có nguy cơ sụp đổ, với riêng Watts, cô con gái 17 tuổi Seraphina thì bị đuổi học vì sử dụng ma túy. Căng thẳng, áp lực và thất vọng, Watts lao vào rượu bia và heroin, gần như hủy hoại bản thân, suýt đánh mất gia đình và tất cả mọi thứ. Nhưng trước khi công chúng biết, ông đã âm thầm và mạnh mẽ tự cai nghiện, rồi dành thời gian và công sức vun đắp cho gia đình. Watts cũng từng bị ung thư vòm họng, và ông cũng nhẹ nhàng chiến thắng căn bệnh quái ác đó, sau một ca phẫu thuật thành công.

Charlie Watts sẽ mãi được nhớ đến là một tay trống vĩ đại và quan trọng của lịch sử âm nhạc, cùng với đó, hình ảnh một quý ông điềm đạm, khiêm nhường, hào hoa, thanh lịch mà nghị lực sẽ luôn được in sâu trong tâm trí những người yêu quý và khâm phục ông.

Thật khó để tưởng tượng tương lai của ban nhạc sẽ như thế nào khi không còn Charlie Watts, nhưng trước nhất, xin hãy cùng dành sự mến mộ đến Charlie Watts và gửi những lời chia buồn sâu sắc đến gia đình ông và The Rolling Stones.

(Bài viết tham khảo từ các trang The Guardian, The Conversation, New York Post, Big 95, ETCanada)

None

Phạm Chu Quang Vinh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).