Thầy Phùng Văn Tửu - Những gì còn lại

(Arttimes) - Thế là cả một tuần bị nhốt trong nhà lạnh của bệnh viện, Thầy mới chính thức rời cõi tạm, nhẹ bước về cõi tiên, yên nghỉ bên thế giới những bậc hiền tài ở chốn vĩnh hằng...

Thầy Phùng Văn Tửu - Những gì còn lại - 1
Thầy Phùng Văn Tửu (1935 - 2022)

Bị kẹt do dịch Covid ở thành phố Hồ Chí Minh, không thể ra tiễn biệt Thầy lần cuối, tôi thắp nén nhang, ra ban công nơi có hoa, trái, vái vọng Thầy... kính mong Thầy kính yêu đại xá. Khi nhang vừa tàn, cũng là lúc em gái tôi ở Hà Nội (cũng là học trò của Thầy hồi ở Đại học Sư phạm Vinh), vừa đi viếng thầy về, gọi cho tôi:

- Đám tang Thầy trang trọng và đông đảo lắm, chị ạ. Anh Phi và em đã thắp hương viếng Thầy giùm chị. Riêng em, đã khấn thầm những lời chị gửi gắm.

- Chị cảm ơn anh Phi, cảm ơn em gái thật nhiều.

Hôm 9/3, được tin Thầy mất, tôi choáng váng một hồi lâu, dù chuyện này tôi đã lường trước từ mấy tháng nay rồi. Nhớ lại lần cuối cùng đến thăm thầy ở Việt - Xô cùng với Băng Tâm (bạn cùng lớp với tôi), đôi mắt vốn tinh anh của Thầy năm xưa, chỉ hé mở một chút, đôi môi chỉ mấp máy, một âm thanh nhỏ phát ra như một hơi thở, phải thật chú ý, mới nghe được: “Cảm ơn Dư Khánh, Băng Tâm...”. Rồi Thầy đưa bàn tay gầy guộc ra khỏi tấm chăn mỏng cho chúng tôi. Chúng tôi nắm chặt bàn tay còn ấm nóng... Chúng tôi nhìn nhau. Im lặng và thầm nghĩ: Thế là vẫn còn hy vọng, dù mỏng manh...

Bây giờ thì không còn gì để hy vọng nữa rồi. Cũng không ngờ đó là lần cuối được gặp Thầy. Từ đấy đến nay, đã quá nửa năm, với bao nhiêu biến động khôn lường. Và người thầy kính yêu của chúng tôi, đã vĩnh viễn đi xa, không cách gì níu lại nữa. Vẫn biết sinh tử là lẽ thường, ai rồi cũng phải một lần ra đi, nhưng với Thầy Tửu, có một cái gì như không thể chấp nhận được. Bởi trong tôi, bao giờ cũng có một Thầy Tửu... vẫn thế, không gì có thể làm đổi thay, một Thầy Tửu thông tuệ, nhã nhặn, hiền hòa, thân tình, mực thước. Cả thời gian lẫn không gian, cả những biến đổi của thời cuộc, chính thể... chẳng có gì có thể làm thay đổi được Thầy. Bao giờ thì Thầy cũng vẫn thế.

Tôi vẫn thầm nghĩ: Thầy Tửu là một con người phi thời gian tính. Thế thì Thầy phải vĩnh hằng chứ!

Tôi được may mắn gặp và học thầy Phùng Văn Tửu từ 1964. Thuở ấy, Thầy là một chàng trai Hà Thành chưa đến 30, từ Hà Nội vào Vinh, rồi từ Vinh đến các miền quê hẻo lánh (cả huyện miền núi) của các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa.

Bằng chiếc xe đạp Mercier nhẹ tênh (phần thưởng mà Nam Phương hoàng hậu trao tặng cho giải nhất cuộc thi học sinh giỏi toán thời Thầy học Đệ Tứ ở Hà Nội), Thầy đã cùng chúng tôi rong ruổi trên những nẻo đường quê gập ghềnh thời chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Thế mà chàng trai Hà Thành ấy nhập cuộc rất nhanh, cứ như... không có gì xảy ra, vẫn nhẹ nhàng, hiền hòa, vui vẻ. Có cảm giác như Thầy đang thong thả đi bên lề của cuộc chiến sục sôi, của không khí " ba sẵn sàng", " tất cả cho tiền tuyến" thuở ấy ...

Nhớ lại giờ đầu tiên Thầy bước vào lớp, bước chân nhẹ như bấc, cất lời cũng nhẹ thế, chậm rãi, không lôi cuốn, không hùng hồn nhưng ngấm dần bởi những gì tinh tế, sâu sắc và dí dỏm... gây ấn tượng và đọng lại dài lâu. Phông kiến thức của Thầy vừa rộng vừa sâu, nhưng dạo ấy Thầy chỉ nói vừa đủ và thật giản dị cho cái lũ sinh viên bọn tôi mà Thầy biết rất rõ, dù có đi sâu hơn cũng chẳng ích gì, và chắc khó mà vào được cái đầu của những học trò ở cái thuở sách vở tham khảo hầu như không có, thư viện cũng không, việc đào hầm để tránh máy bay, vào rừng chặt tre nứa để làm lán trại... còn cấp thiết và quan trọng hơn cả việc học hành.

Mãi sau này, có điều kiện để đọc sách Thầy viết, tôi mới có dịp được tiếp cận một thế giới văn học rộng lớn, không chỉ giới hạn trong văn học Tây Phương với cách tiếp cận mới mẻ, đa dạng. Trước mắt tôi là lớp lớp những cuốn sách Thầy gửi tặng trong đó có những cuốn đã úa màu thời gian, những tác phẩm dịch của Aragon, của Gide, của Kafka, của Marcel Ayme, của Rousseau... và bao nhiêu những nghiên cứu chuyên sâu về tác giả... Không thể kể nổi.

Càng về sau này, Thầy đã cho ra mắt những công trình nghiên cứu có tầm cỡ, bộc lộ một sự chọn lựa và định hướng rõ rệt và mở ra một hướng tiếp cận để hướng người đọc đi sâu tìm hiểu những cách tân về nghệ thuật, trong mối tương quan với những giá trị truyền thống, trong mối tương quan giữa văn học Pháp (cả Phương Tây) và văn học của nhân loại nói chung (đặc biệt văn học Việt Nam)...

Những ngày vừa qua, để làm dịu đi sự trống vắng, chông chênh, tôi đã đem những cuốn sách Thầy viết gần đây đọc lại, nhiều đoạn, nhiều chương, thấy lòng ấm áp hơn vì có cảm giác rõ rệt, Thầy vẫn bên tôi, hiện diện ngay trong những trang viết mình đang đọc ...

Thật khó hình dung ra một Thầy Tửu lúc nào cũng thanh thản ung dung, cùng những cuộc giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp và học trò bao thế hệ..., lại có đủ thời gian và tâm huyết để cho ra đời những công trình đồ sộ, không thể kể hết tên, hàng chục công trình khảo cứu, dịch thuật có giá trị ít ai sánh nổi. Dù viết về vấn đề gì, phổ cập hay nâng cao, bao giờ Thầy cũng tìm cách biến những vấn đề vốn phức tạp, khó hiểu thành ra giản dị dễ hiểu bằng những lý lẽ và lập luận khúc chiết, những dẫn văn chọn lọc, chuẩn xác, chú thích kỹ lưỡng, tỉ mỉ, phần lớn được dựa vào văn bản gốc, mà Thầy thường gọi là "ngôn ngữ nguyên sinh" để phân biệt với "ngôn ngữ thứ sinh" tức từ bản dịch, hoặc từ nhận định của người khác. Điều này đã tạo nên độ tin cậy rất cao khi đọc sách của Thầy.

nhưng cũng gây khó cho những người đọc kém ngoại ngữ, thường vẫn phải sử dụng thứ ngôn ngữ thứ sinh như phần lớn thế hệ chúng tôi.

Tuy nhiên những thông điệp mà Thầy gửi vào các trang sách của mình, những bài học quý giá mà bạn đọc rút ra từ cách viết, từ phương pháp cảm thụ và tiếp nhận văn học, từ kiến thức mới mẻ mà Thầy mang lại mãi là những hành trang cho lũ chúng tôi trong việc giảng dạy, và nghiên cứu văn học ở bất kì bộ môn nào. Không chỉ giới hạn ở Văn học phương Tây. Bởi vì, từ lĩnh vực chuyên sâu là Văn học phương Tây, Thầy đã có những liên hệ đối chiếu với văn học thế giới và đặt ra những vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận nghiên cứu văn học nói chung. Trong đó Văn học Việt Nam là mảng kiến thức được Thầy quan tâm thường trực với sự hiểu biết sâu sắc, tường tận.

Cuốn Cách tân nghệ thuật văn học Phương Tây (NXB Khoa học xã hội, 2017) là công trình được xuất bản cuối cùng của Thầy, ra đời khi Thầy đã phải nằm viện để chữa ung thư máu cũng là công trình dày dặn nhất, hơn 650 trang, là kết tinh của cả một chiều dài thao thức, bền bỉ nghiên cứu một vấn đề, mà theo chỗ tôi được biết, Thầy đã quan tâm từ rất lâu, ngay từ thuở còn phải đi sơ tán, ở nhà dân. Cuốn sách đồng thời cũng là sự tiếp nối những tác phẩm ra đời trước đó.

Ở cuốn sách này, Thầy đã mở khá rộng và sâu phạm vi nghiên cứu của mình. Tác phẩm không chỉ đóng khung trong lĩnh vực tiểu thuyết mà còn đi sâu vào những thể loại khác như thơ, kịch, không chỉ dừng lại ở văn học Pháp mà mở ra phạm vi rộng lớn của văn học nhân loại, không chỉ quan tâm đến văn học hiện đại mà còn đặt nó trong mối tương quan mật thiết đến những giá trị truyền thống trong tiến trình đổi mới không ngừng. Những vấn đề trên đã được thầy trình bày với kiểu cấu trúc mới lạ và cách tiếp cận tác phẩm thật kỹ lưỡng độc đáo, mới mẻ.

Cuốn sách trên được Thầy ghi tặng tôi tháng 10/2017 trong dịp sinh nhật với nét chữ vừa tươi mới, nắn nót và bay bướm vẫn còn đây. Chẳng hiểu vì lẽ gì, dạo ấy tôi chỉ đọc lướt qua... Nhiều lần tìm lại, không thấy, ngỡ là ai đó đã "cuỗm" đi rồi. Tình cờ thế nào, nó lại bỗng hiện ra trên giá sách, vào đúng cái ngày thầy ra đi vừa rồi.

Thầy Phùng Văn Tửu - Những gì còn lại - 2
Một số tác phẩm của Thầy Phùng Văn Tửu

Tôi ôm cuốn sách, đọc ngấu nghiến, giờ này cũng chưa đọc hết. Nhưng tôi thật sự ngạc nhiên khi bắt gặp trong tác phẩm này 2 vở kịch về đề tài Việt Nam:

1. Vở kịch Người đi dép cao su (L'homme aux sandales de caoutchouc) của nhà văn Angieri, rất nhiều năm ở Pháp. Cuốn sách được viết bằng tiếng Pháp, xuất bản ở Pháp năm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời chưa bao lâu.

2. Vở kịch V như Việt Nam (V Comme Vietnam) của Armand Gatti, ra đời vào năm 1967, đề tài là cuộc đụng độ sinh tử giữa những người lính Việt Nam (Việt Cộng) với Lầu Năm Góc.

Tác giả là người Pháp gốc Ý, là nhà báo, nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà đạo diễn nổi tiếng... Đây là tác phẩm viết theo đơn đặt hàng của tổ chức Liên hiệp nghiệp đoàn đại học hành động vì hòa bình ở Việt Nam. Vở kịch được dịch ra nhiều thứ tiếng và đã gây tiếng vang ở nhiều nơi trên thế giới.

Cả hai vở kịch trên đều mang nội dung xã hội chính trị thời sự Việt Nam với vô vàn những biến cố và những nhân vật có thật, như thật nhưng được viết bằng cảm hứng của một nhà thơ với tình yêu nước Việt và tiếng Việt sâu sắc. Khi chọn hai tác phẩm này, thầy Tửu cũng hòa nhập vào cảm hứng sáng tạo đó và quan tâm khám phá những đổi mới của những nhà biên kịch từ văn bản tác phẩm đến dàn dựng sân khấu và chú ý đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Từ đây nhiều vấn đề được đặt ra - những vấn đề quan trọng của lịch sử xã hội Việt Nam, những vấn đề về sáng tạo nghệ thuật , những vấn đề về loại thể và rất nhiều các vấn đề khác nữa vượt qua tầm hiểu biết của tôi.

Tiếc thay, ân hận thay, tôi đã không đọc kỹ tác phẩm này khi Thầy còn sống, để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, để học hỏi thêm, biết bao nhiêu điều chắc sẽ vô cùng bổ ích, lý thú. Dù sao, tôi đã đọc lại nó, để cảm phục, yêu quý và nhớ Thầy nhiều hơn, và không thể quên được, Thầy của mình đã làm nên những thành tựu đó trong điều kiện sống như thế nào.

Nhớ lại thời sơ tán, bên cạnh khung cửa sổ bé nhỏ của một nhà sàn, trên chiếc ghế con thấp và chiếc bàn cũng nhỏ, Thầy phải ngồi khom lưng, chân không duỗi thẳng được, nơi đó, thầy đã nung nấu và thai nghén cho những công trình tương lai mà chúng ta đang có trong tay. Ngay cả khi đã trở về Hà Nội từ thập niên 70, cả nước ở trong thời kì gian khó, cô Ngọc (vợ Thầy) bị bệnh nặng, hai cháu Vinh, Long còn nhỏ, Thầy Tửu phải đảm trách vai trò "nội tướng" của gia đình.

Đến thăm Thầy trong một góc nhà nhỏ ở số 70 phố Hàng Gai, tôi thấy lại hình ảnh Thầy vẫn phải khom lưng trên chiếc bàn nhỏ năm xưa. Thầy còn kể, để cho Ngọc và hai cháu được ngủ yên, Thầy phải tắt đèn, làm việc dưới ánh đèn chiếu ra từ nhà tắm... Vẫn bằng cái giọng dí dỏm hài hước quen thuộc.

Phải biết những điều này mới có thể hình dung được nghị lực từ bên trong của một người Thầy mảnh khảnh lớn đến dường nào và biết trân quý hơn những gì Thầy đã để lại cho chúng ta và thế hệ mai sau.

Về phần mình, tôi luôn thấy mình là một người hạnh phúc và may mắn khi được là người học trò thân thiết của Thầy trong hơn nửa thế kỷ qua. Thầy đã dành cho tôi thật nhiều sự quan tâm, ưu ái. Nếu không có thầy gợi ý và truyền cảm hứng, tôi đã không cho ra đời được cuốn Thi pháp học và vấn đề giảng dạy văn học trong nhà trường - một cuốn sách đã được tôi ấp ủ từ trước đó rất lâu. Thầy đã gợi ý, đọc bản thảo kỹ lưỡng, giúp tôi sửa những sai sót ngay cả trong phần văn học Việt Nam. Thầy chê phần 2 của cuốn sách ấy (Thi pháp của một số khuynh hướng và trào lưu văn học) và đề nghị tôi viết lại phần này. Thầy đã cho trò thật nhiều nhưng cũng yêu cầu ở trò không ít. Tôi tự biết thầy chê điều gì và cũng muốn viết lại theo đề nghị của Thầy. Nhưng tôi cũng tự biết mình không đủ sức.

Cảm ơn Thầy về tất cả những gì Thầy đã để lại, cho tôi, cho chúng ta, và cho tất cả những ai biết tin vào điều thiện, tin vào sự cứu chuộc của cái đẹp, tin vào sự tồn tại lâu bền và sự kì diệu của văn học... Những điều mà Thầy Phùng Văn Tửu đã dành trọn đời cống hiến và để lại cho chúng ta...

Gửi tới hương linh Thầy tất cả lòng biết ơn và lòng thương tiếc vô hạn. Học trò năm xưa và mãi mãi của Thầy.

 

Nguyễn Thị Dư Khánh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống