Tuổi thanh xuân tươi đẹp của chúng tôi

(Arttimes) - Với thế hệ chúng tôi, tuổi thanh xuân là thời kỳ đầy những khao khát, ngây thơ, hăng hái nhiều khi quá mức, sẵn sàng xung phong ra chiến trường, giáp mặt chiến tranh, nhưng lại rất lúng túng và thiếu tự tin khi phải đối diện với những toà soạn báo, những biên tập viên xuất bản. Tôi nhớ hồi đó, được in một bài thơ hoặc một truyện ngắn là một sự kiện ghê gớm lắm với tác giả trẻ, có thể khiến họ lâng lâng đến hàng... tháng.

Có người viết văn, làm thơ từ năm 17 tuổi và lập tức nổi tiếng. Có người mãi ngoài 40 xuân mới chính thức "vào cuộc" văn chương, và cũng từ đó mới thành... nhà văn trẻ. Nên có thể, ta sẽ gặp giữa cuộc hội ngộ nhà văn trẻ những mái đầu tóc xanh đen bóng mượt như vừa "bóc ra" từ trang quảng cáo dầu gội đầu, xen lẫn những mái tóc nhà văn trẻ bắt đầu tiêu muối khói sương. Họ đều là những nhà văn trẻ cả, người chín sớm, người chín muộn, người mãi mãi xanh non... Chỉ có điều, thời kỳ được gọi là nhà văn trẻ có lẽ là thời kỳ sung sướng nhất trong cuộc đời người cầm bút.

Năm 1970, trước khi đi chiến trường, tôi có cảm giác không khí Hà Nội lúc ấy căng ra vì tin chiến sự và vì... thơ. Khắp nơi nghe bạn bè bàn về thơ, người không dính dáng lắm tới văn học cũng bàn về thơ, cũng hồi hộp chờ sự xuất hiện hàng tuần của những bài thơ mới, của những tác giả mới, đương nhiên đó là những tác giả trẻ. Ngày ấy, những tác phẩm "từ miền Nam gửi ra", từ tuyến lửa khu Ba khu Bốn Vĩnh Linh, Quảng Trị gửi ra được người ta đón nhận như những người thân của mình mới từ chiến trường trở về. Có lẽ, đó là thời kỳ may mắn nhất cho văn học, thời mà văn học được "ưu tiên, ưu đãi" mặc dù không có tem phiếu hay sổ mua hàng đặc biệt. Bây giờ nghĩ lại, những yếu tố thuận lợi ấy cho sự tiếp nhận văn học mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải điều kiện đủ cho văn học. Điều kiện đủ lại ở chính nội lực của người sáng tác, ở sự tự ý thức cao độ của người sáng tác. Thời kỳ ấy, sau khi đã mệt mỏi vì những cuộc đưa tiễn dù rất cảm động trong thơ, nhiều nhà thơ trẻ, cả những người chỉ trẻ chứ chưa phải là nhà thơ trẻ như tôi, đã bằng nhiều cách để được trực tiếp đi chiến trường, để trở thành "người được đưa tiễn". Giống như cách mà trước đó, nhà thơ Nguyễn Mỹ và Lê Anh Xuân đã từ những Cuộc chia ly màu đỏNhớ mưa quê hương đi thẳng tới chiến trường với những bài thơ đầy linh cảm:

"Tôi không ngớt nghĩ về em và tôi thấy

Tôi phải đến ngay nơi đối mặt quân thù

Không chỉ tình yêu vượt núi lớn, sông sâu

Đây là chuyện giữa con người với quỉ..."

(Tôi không ngớt nghĩ về em và tôi thấy - Nguyễn Mỹ)

Tuổi thanh xuân tươi đẹp của chúng tôi - 1
Ảnh minh họa

Những ngày cuối thu năm 70 ấy, tôi mang một ba lô gạch hớn hở đi bộ trong các phố Hà Nội rồi đi thẳng lên Quảng Bá, nơi các bạn tôi đang tập trung trong một khoá "đào tạo cấp tốc" các nhà văn trẻ để bổ sung cho lực lượng văn nghệ ở khắp các chiến trường miền Nam. Gặp những Lê Điệp, Nguyễn Khắc Phục, Trần Vũ Mai, Nguyễn Văn Đồng, Vũ Ân Thy, Đỗ Nam Cao, Phạm Quang Nghị, Lê Quang Trang... đang hì hục sáng tác trong các lớp học khá tuềnh toàng của khu sáng tác Quảng Bá, tôi đeo ba lô gạch đi thẳng vào... lớp, và lập tức được đón tiếp như một chú bộ đội mới ở chiến trường ra, mặc dù tôi vừa từ một... quán bia hơi ở Đường Thành - Phùng Hưng lên, sau khi đã tu vội được "hai cái ba hào" - tức một lít bia hơi. Tôi không may mắn được vào lớp học này, dù đã cố xin, nhưng rồi tôi lại may hơn các bạn tôi ở đó, là được đi chiến trường trước họ ba tháng.

Chắc rồi, một lúc nào người ta sẽ viết về lớp đào tạo nhà văn trẻ đặc biệt này, về những đóng góp của lớp nhà văn ấy cho văn học cách mạng, và cho văn học nói chung. Và trước hết, người ta sẽ nói về một người thầy đặc biệt của lớp học ấy, nhà văn Nguyên Hồng, người đã thành nhà văn trẻ nổi tiếng ngay từ năm 18 tuổi. Bao nhiêu là nước mắt của Nguyên Hồng đã chảy trong lớp học (Nguyên Hồng vốn mau nước mắt) cùng với các học trò của mình, những người lúc ấy cũng chưa thật tự tin là mình sẽ thành nhà văn trẻ, nhưng lại có linh cảm mình sẽ viết được một cái gì đấy khi thực sự ở giữa chiến trường. Và nhà văn đàn anh Nguyên Hồng khóc cũng vì ông linh cảm một điều: trong số những cô gái chàng trai có thể trở thành nhà văn trẻ này, sẽ có người mãi mãi không còn cơ hội để trở thành nhà văn trẻ: họ chết trẻ, là liệt sĩ trẻ trước khi kịp trở thành nhà văn trẻ. Linh cảm của Nguyên Hồng là đúng. Giữa đường Trường Sơn, trạm 54, Nguyễn Văn Long, người trẻ nhất trong lớp đào tạo nhà văn trẻ cho chiến trường, đã vĩnh viễn nằm lại. Long đã từng viết những bài thơ đầy xúc cảm và cũng đầy linh cảm trước khi đi chiến trường. Trần Vũ Mai, người bạn cùng lớp viết văn với Long, sau này thành một nhà thơ tài năng và đầy cá tính, người đã chịu đựng nổi cuộc chiến tranh nhưng đã không chịu đựng nổi cuộc hoà bình và đã vĩnh viễn ra đi năm 1991, Mai đã có cuộc chia tay với Long ở trạm 54 mà Đoàn Tử Diễn thuật lại trong nhật ký của mình được công bố sau khi Mai qua đời: "Chia tay, Long ôm lấy mình (Trần Vũ Mai) khóc như người ta trút nước, không buông ra được... Nửa gói đường còn lại cùng một mẩu sâm phòng thân, Mai gửi lại Long. Đêm hôm đó Mai ra chiều nghĩ ngợi. Võng hắn động cựa tới gần sáng. - Diễn ạ, Long khó qua được lắm. Tao linh cảm. Một cảm giác rất lạnh khi nó ôm lấy tao" (Trích nhật ký Đoàn Tử Diễn). Vậy là trạm 54 đường dây 559, nơi bắt đầu con đường rẽ về chiến trường khu Năm. Vượt khoảng đó đúng hai mươi trạm, trạm 73, và trước đó khoảng 3 tháng, tôi cũng đã bị cơn sốt rét đầu tiên quật đổ:

"buổi sáng ấy tôi bước vào tuổi 25

ở đường dây 559 - trạm 73

ngày sinh nhật bắt đầu bằng cơn sốt

cổ đắng khô ngồi thở trên đỉnh dốc

bạn mở bi-đông nhường hớp nước cuối cùng

hớp nước cuối cùng giữa cơn sốt đầu tiên

ngày sinh nhật tuổi 25 mình được uống"

(Trường ca Những người đi tới biển)

Người bạn đã nhường cho tôi hớp nước cuối cùng ấy - một dược sĩ cao cấp mới ra trường - cũng đã không qua hết con đường Trường Sơn: anh nằm lại ở một trạm xá đường dây 447 thuộc đất Cam-pu-chia:

"Tin người bạn vừa nằm xuống

đến với tôi từ một giọng bình thường

một người chưa quen

gió vần vụ trên nóc rừng buổi sớm"

(Nguồn sáng trắng)

Và tôi đã kịp thành người lính, trước khi có thể thành nhà thơ trẻ. Bạn bè của tôi cũng vậy, chẳng ai ngờ mình sẽ thành cái gì. Nguyễn Khắc Phục mặc dù giàu trí tưởng tượng, chắc không hình dung nổi sau này mình lại thành nhà văn - nhà viết kịch nổi tiếng và ăn khách đến thế, người đã viết hàng trăm kịch bản phim và sân khấu, đã có những bộ tiểu thuyết dày sù sụ mà anh em trong nghề vẫn gọi đùa là theo "trường phái cục gạch". Phạm Quang Nghị chắc cũng không ngờ sau này mình trở thành Bộ trưởng Bộ Văn hoá, và sau 10 năm là Bí thư Thành ủy Hà Nội, khi về hưu, Phạm Quang Nghị đã chính thức thành một “nhà văn chín muộn”. Còn Nguyễn Văn Đồng bạn tôi lại trở thành một chủ quán kiêm đầu bếp một quán bánh cuốn vỉa hè vì trót ôm giấc mộng văn chương... Rồi Đỗ Nam Cao lành hiền và khiêm nhượng trước khi từ giã cõi đời đã thành một nhà thơ dân tộc - hiện đại với những bài thơ tuyệt hay và đầy linh cảm. Bạn tôi, mỗi người một số phận, một cảnh ngộ, nhưng họ đã từng... trẻ, từng khát khao cháy lòng được đi chiến trường, được qua những thử thách trong chiến tranh mà viết được chút gì, và sau cùng, có thể trở thành... nhà văn trẻ. Phần tôi, suốt những năm ở chiến trường, người ta thì "thăng tiến" hoặc cùng lắm là "thăng trầm", còn tôi chỉ thấy trầm mà chẳng thấy thăng, nhưng tự thâm tâm, tôi biết, mình đã được nhiều lắm. Nhiều lúc bị "hành" đến "lên bờ xuống ruộng" thì sau đó, lại chợt thấy mình... được, được "hành" để rắn chắc thêm, bình tĩnh thêm, từng trải hơn. Trong một lần qua Đồng Tháp Mười trong chiến dịch "Mùa hè đỏ lửa" năm 1972, tôi đã tình cờ gặp một người bạn ở cái lớp viết văn đáng nhớ ấy khi đang cùng "chém vè" tránh những cặp mắt điên đảo của đám trực thăng "cá rô":

Tôi gặp thằng bạn thân trong một chuyến bất ngờ

đêm Mỹ Long hai đứa nằm lộ đất

trải dưới trời một tấm ni-lông

nơi khi chiều B52 bừa ba đợt

nơi mấy năm rồi hố bom không đếm hết

nơi tôi chợt thốt niềm mơ giản dị của mình:

"chừng nào thật hoà bình

ra lộ 4 trải ni-lông nằm một đêm cho thoả thích"

thằng bạn tôi đăm đăm

nhìn một ngôi sao mọc trong hố bom nhoè nước

đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được

chứa đầy một hố bom và một ngôi sao"

(Một người lính nói về thế hệ mình)

Hy vọng, giờ đây khi những hố bom đã được san lấp, thì trong mắt bạn tôi chỉ còn những ngôi sao của một đêm Đồng Tháp Mười ngan ngát hương sen, hương cỏ. Dù bạn tôi có giữ trọng trách gì, thì tôi vẫn tin, những khát khao, những dằn vặt, và cả những phút im lặng ngày ấy vẫn nhắc được chúng tôi nhớ đến thời tuổi trẻ không đến nỗi hoài phí của mình. Vâng, khi chúng tôi trẻ, chúng tôi đã từng ước mơ mình sẽ trở thành những nhà văn trẻ, những nhà thơ trẻ.

Còn bây giờ, khi đã về già, chúng tôi mỗi lần gặp nhau lại hồi ức về những năm tháng thanh xuân ở chiến trường của mình, cả những năm tháng sau hòa bình mà mình vẫn sống như một người kháng chiến cũ. Tôi và các bạn mình đều khẳng định chắc như cua gạch một điều: đó là những tháng năm thanh xuân và “hậu thanh xuân” đẹp nhất của đời mình.

Thế cũng là được chứ ạ?

Thanh Thảo

Tin liên quan

Tin mới nhất