"Tình ca ban mai" - Bài thơ tặng vợ của Chế Lan Viên

Chế Lan Viên là nhà thơ không làm nhiều thơ tình so với các nhà thơ khác. "Tình ca ban mai" là trường hợp hiếm hoi. Ông làm ít thơ tình, nhưng hay. Bài này có thể nói là một bài thơ tình đặc sắc, chẳng phải chỉ so với các bài khác của ông mà so với thơ tình trong nền thơ hiện đại Việt Nam.

Em đi như chiều đi

Gọi chim vườn bay hết

Em về tựa mai về

Rừng non xanh lộc biếc

Em ở trời trưa ở

Nắng sáng màu xanh che

Tình em như sao khuya

Rãi hạt vàng chi chít

Sợ gì chim bay đi

Mang bóng chiều đi hết

Tình ta như lộc biếc

Gọi ban mai lại về

Dù nắng trưa không ở

Ta vẫn còn sao khuya

Hạnh phúc trên đầu ta

Mọc sao vàng chi chít

Mai, hoa em lại về….

Chủ thể cảm xúc cuả bài thơ là anh, là chàng trai, là người đàn ông. Chàng trai đã đề cao tới mức như là tuyệt đối hóa vai trò của người con gái trong đời sống tinh thần của mình. Có em như là có tất cả. Em đi rồi cũng đồng thời mang theo cả sự sống đi luôn:

Em đi như chiều đi

Gọi chim vườn bay hết.

“Em đi” là cụ thể. “Chiều đi” là trừu tượng. Lấy cái trừu tượng để ví với cái cụ thể là ngược. Thường thì người ta phải nói ngược lại, tức là “chiều đi” như “em đi”. Buổi chiều đi, tức là sang đêm, mang theo bầy chim trong vườn bay hết. Vậy trong vườn còn lại gì? Một cái vườn không chim, chỉ còn là vườn cây trong đêm tối. Không còn âm thanh (tiếng chim), không có màu sắc (đêm tối không nhìn thấy gì dù trong vườn có cây, hoa - chỉ là một màu đen của đêm). Cuộc sống như vậy thì tẻ ngắt, u tối. Đó là vì “em đi”.

Hai câu thơ đầu gợi âm điệu như một nguồn ánh sáng vụt tắt. Nhưng đến hai câu thơ sau thì ánh sáng lại bừng lên bởi “mai về”- tức là ban mai trở lại, cũng là bởi “em về” đã mang theo điều đó:

Em về tựa mai về

Rừng non xanh lộc biếc.

Nếu “em đi” khiến anh mất tất cả, khiến anh cảm thấy cuộc sống như vô nghĩa thì khi “em về”, anh lại như thu lượm được tất cả, mà đầy đặn, tràn trề hứa hẹn, bởi sự sống dồi dào. Đó là cả một “rừng non xanh lộc biếc”. Trẻ trung, căng tràn nhựa, mơn mởn, non tơ. Đó là sức trẻ, là tình yêu. Dẫu những người đang yêu nhau có thể đã qua tuổi trẻ - với nghĩa đen - thì họ vẫn cứ đầy sức trẻ.

Em đi. Em về. Nhưng em có lại đi nữa không? Đó là băn khoăn, là nỗi lo lắng của chàng trai. Khi ấy:

Em ở, trời trưa ở

Nắng sáng màu xanh che

"Tình ca ban mai" - Bài thơ tặng vợ của Chế Lan Viên - 1

Nhà thơ Chế Lan Viên và vợ

Đến nay, tôi vẫn băn khoăn không hiểu Chế Lan Viên viết “xanh tre” hay “xanh che”? Vì bài này in ở nhiều chỗ. Có văn bản in tre, lại cũng có nhiều văn bản in che. Hồi Chế Lan Viên còn sống, trong một lần gặp ông ở thành phố Hồ Chí Minh, líu tíu thăm hỏi, chuyện trò, tôi đã quên khuấy không hỏi ông sự thể thế nào. Bởi tôi thấy cả hai từ đều có nghĩa. Tre với nghĩa danh từ nghĩa là ánh nắng rực rỡ làm sáng thêm màu xanh những cây tre. Còn che với nghĩa động từ là che chở. Nhưng tôi cảm thấy “xanh che” hay hơn. Có lẽ đây mới là ý của tác giả. Hy vọng điều này sẽ có dịp được sáng tỏ nếu tìm được bút tích bản thảo viết tay của nhà thơ.

Chàng trai đề cao vai trò của cô gái trong đời sống tinh thần của mình đến nỗi miêu tả tình yêu của nàng đẹp, ngoạn mục, huyền diệu như những ngôi sao khuya trên bầu trời tựa hồ dày đặc muôn hạt vàng được rắc:

Tình em như sao khuya

Rãi hạt vàng chi chít

Tình yêu đích thực, cao đẹp, cao thượng bao giờ cũng lạc quan, tràn đầy niềm tin cho dù người trong cuộc có thể buồn, nhớ, giận hờn, thậm chí có lúc tưởng như bế tắc, tuyệt vọng do hiểu lầm nhau. Bởi vì bản chất của tình yêu là luôn hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất. Không phải ngẫu nhiên Chế lan Viên xây dựng tứ thơ tình gắn với thời gian buổi sáng, lúc ban mai. Và tên bài thơ là "Tình ca ban mai". 

Âm hưởng toàn bài toát lên vẻ sáng sủa, quang đãng, long lanh, rực rỡ của nắng, của màu xanh, của lộc biếc - toàn những hình ảnh chứa chan sức sống. Có lẽ mọi hy vọng tốt đẹp nhất của hai người trong cuộc được dồn vào hai câu thơ có thể coi như đỉnh điểm của toàn bài:

Tình ta như lộc biếc

Gọi ban mai lại về…

Cả bài chẳng nói gì đến hoa mà cuối cùng lại nhắn gửi “Mai, hoa em lại về…’’. Có chút gì đó rất riêng tây, “bí mật” của nhà thơ chăng? Em tên là Mai, là Hoa - thật cụ thể - một cô gái nào đó ngoài đời bước vào thơ của thi sĩ chăng? Có thể lắm. Và cũng có thể không phải. Chỉ là một chút mập mờ, úp mở, cho có vẻ hư hư, thực thực. Chẳng sao, lại còn rất nên để gây sự chú ý, tô thêm ấn tượng độc đáo cuối cùng cho người đọc lúc khép lại bài thơ. Tất cả những điều đó không quan trọng. Chỉ biết bài thơ mở ra rất nhiều. Và tình yêu của đôi lứa như được chắp cánh từ ba dấu chấm lửng cuối cùng của bài thơ.

Chế Lan Viên là bút danh. Nhà thơ có tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, ra đời năm 1920 ở quê hương là Cam Lộ (Quảng Trị) nhưng có tuổi thơ và lớn lên ở Bình Định. Ông sớm nổi tiếng từ năm 17 tuổi với tập thơ đầu tay có tên Điêu tàn, là một trong những nhà thơ xuất xắc nhất của phong trào Thơ mới trước cách mạng tháng 8/1945. Thơ ông nhất quán cả sự nghiệp là tính chất suy tưởng, triết luận sâu sắc. Ông có 2 câu thơ cực kỳ nổi tiếng hầu như ai cũng biết mà không nhiều người rõ tác giả:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn

(Tiếng hát con tàu)

Bài thơ "Tình ca ban mai" tuy là một bài thơ tình chải chuốt, sang trọng, rất lãng mạn nhưng vẫn mang rõ tính chất rất riêng của Chế Lan Viên trong thơ như đã nói. Được biết, bài này ông viết để tặng người vợ thứ hai là nhà văn Vũ Thị Thường - tác giả truyện "Cái hom giỏ" nổi tiếng một thời.

Ông qua đời năm 1989 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 69 tuổi.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San đã phổ bài thơ này thành ca khúc cùng tên. Để phù hợp với tính chất trong sáng có phần thánh thiện và sang trọng của bài thơ, nhạc sĩ đã tạo một giai điệu gợi đúng không khí của một ban mai rực rỡ, huy hoàng. Nhịp 6/8 tạo nên sự đung đưa của những chuyển động xôn xao trong những buổi sớm mai khi bình minh vừa mới thức dậy.

Trong sáng tác ca khúc, phổ thơ là việc khó bởi nếu không biết tiết chế để lựa chọn những lời lẽ phù hợp với sự phát triển của giai điệu trong một khúc thức hợp lý thì sẽ bị sa lầy vào kết cấu luộm thuộm, lôi thôi. Rất may là bài thơ của Chế Lan Viên đã rất hoàn chỉnh về bố cục của thể hai đoạn trong ca khúc nếu phổ thành bài hát. Vậy nên nhạc sĩ Nguyễn Đình San hầu như đã giữ nguyên bài thơ để phổ nhạc mà không cần phải cắt xén, thêm bớt như thông lệ vẫn làm.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày