Về cuốn sách ảnh - thơ “Theo dấu chân Đại tướng”

Trước khi in thành sách, những bức ảnh có minh hoạ thơ do nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung sáng tác đã ra mắt công chúng qua cuộc triển lãm dưới tiêu đề “Theo dấu chân Đại tướng” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Cuộc triển lãm cuốn hút người xem, bởi hình thức khác lạ, lần đầu tiên triển lãm ảnh thời sự mà dưới mỗi bức ảnh có minh hoạ những vần thơ, dung dị, tứ thơ sâu sắc, khiến người xem càng hiểu thấu đáo hơn, dễ nhớ hơn nội dung ảnh. Sức hấp dẫn của cuộc triển lãm chính là ở chỗ đó.

Nói cho đúng, thì nhà thơ Mỹ Dung vì sự cảm phục công đức Đại tướng, chị đã làm 111 bài thơ để kỷ niệm ngày sinh của Đại tướng lần thứ 111. Từ những bài thơ đó, tác giả thơ đi tìm trong số hàng ngàn bức ảnh chụp về Đại tướng để tìm ra những bức ảnh trong những sự kiện, phù hợp cho mỗi khổ thơ. Cho nên nói thơ minh hoạ ảnh là không chính xác, ngược lại chọn từng bức ảnh phù hợp với từng khổ thơ. Ở đây tư duy nhà thơ và nghệ sỹ nhiếp ảnh có sự giao thoa, đồng điệu.

Để góp phần giúp độc giả giữ mãi nhưng bức ảnh quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả của những bài thơ minh hoạ tiếp tục cho in thành sách, dày 120 trang, khuôn khổ 25x25cm trên giấy couché bóng, với 2 ngữ Việt và Anh, phát hành vào  tháng 8 năm 2022, nhân kỷ niệm 111 năm ngày sinh của Đại tướng.

Về cuốn sách ảnh - thơ “Theo dấu chân Đại tướng” - 1

Tác giả tặng sách cho gia đình Đại tướng.

Nổi lên ở bìa một hình lá cờ “quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm của bại tướng De Castries là chân dung Đại tướng trong bộ quân phục màu lá cây, giản dị với nụ cười tươi rói của một vị tướng tài ba đã hạ gục 10 vị tướng của hai cường quốc Pháp và Mỹ.

Là một nhà sư phạm đã bước qua tuổi 83, nhưng tình yêu đối với  văn học nghệ thuật và sức làm việc, khó có ai sánh kịp, người đã từng ra mắt độc giả tập tiểu thuyết “Chuyện tình viên phó sứ”, làm rung động hàng triệu trái tim bạn trẻ, được tái bản nhiều lần và được NXB Thế giới dịch sang Anh ngữ để phát hành rộng rãi không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Nhà báo Mỹ Dung còn cho xuất bản nhiều tập thơ tình, chan chứa tình người, mặc dầu đã ở tuổi “xưa nay hiếm”.

Mỹ Dung, một nữ thi sỹ, nhưng hiểu khá tường tận bộ môn “nghệ thuật ánh sáng”, không chỉ “đọc” được, “cảm thụ” được ảnh mà còn nắm rất rõ phương pháp tạo hình, “khoảnh khắc” bấm máy, đặc biệt chị còn “thẩm thấu” được giá trị lịch sử của từng bức ảnh mà các nhà nhiếp ảnh ghi được về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vì thế trong quá trình đi tìm ảnh, chị đã chọn được từng bức ảnh tương ứng với tứ thơ của mình.

Bởi thế, người xem tuy chưa xem ảnh, nhưng thoạt nghe qua những vần thơ do chị sáng tác, đã có thể hình dung được nội dung, giá trị nghê thuật của tác phẩm ảnh ấy.

Với chỉ 4 câu thơ mộc mạc, giản dị đã chuyển tải đầy đủ “tứ ảnh” mà người nghệ sỹ  nhiếp ảnh muốn mang đến cho công chúng thưởng thức.

Bác Hồ: Tư lệnh toàn quyền

“Tướng quân tại ngoại” mới làm nên

Chia tay Đại tướng Bác Hồ nhắc

“Trận này phải chắc thắng” – Đừng quên.

Rõ ràng đọc qua 4 câu thơ (không cần xem ảnh) ta đã hình dung được rằng: Đứng trước tấm bản đồ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao nhiệm vụ cho Đại tướng toàn quyền chỉ huy chiến dịch, với điều kiện “chắc thắng mới đánh” và “đánh là phải thắng”. Đó không chỉ là mệnh lênh quân sự mà còn là mênh lệnh của trái tim.

Để làm được những vần thơ phù hợp với ảnh như thế, đòi hỏi nhà thơ hiểu tường tận “chân tơ kẻ tóc” của bức ảnh không chỉ về nội dung mà cả về hình thức: Ánh sáng, đường nét, bố cục của ảnh, có được như vậy mới làm thăng hoa nghệ thuật của tác phẩm.

Để mô tả khí phách anh hùng của liệt sỹ anh hùng Phan Đình Giót, nhà thơ viết:

Hoả lực địch tuôn ra xối xả

Xung kích ta không thể tràn lên

Phan Đình Giót lấy thân mình lấp cửa mở

Súng địch ngừng – bộ đội xông lên.

Người làm thơ hay, chưa hẵn đã mô tả được hình ảnh nhiếp ảnh. Bởi nhà thơ chưa “thẩm thấu” được tạo hình của bức ảnh.

Nhìn tác phẩm ảnh, người xem rung cảm được trước hết ngoài hình thức thể hiện, còn phải nắm được hành động trong ảnh xẩy ra ở đâu, lúc nào, nó diễn ra nhứ thế nào, tại sao có hành động ấy và ai là người làm nên hành động đó? Một loạt câu hỏi đặt ra cho người xem và khi đã nắm được vấn đề đặt ra trong tác phẩm, thì những vần thơ mà nhà thơ sáng tác mới có thể trả lời thoả mãn những câu hỏi. Nói một cách khác để hiểu một tác phẩm ảnh không chỉ nhìn vào những gì hiện ra trên mặt bức ảnh, mà phải tận hiểu những ý ẩn nằm phía sau bức ảnh.

Về cuốn sách ảnh - thơ “Theo dấu chân Đại tướng” - 2

Vì vậy, làm thơ đã khó, tìm ảnh phù hợp với thơ càng khó khăn gấp bội. Muốn tìm được bức ảnh hợp với thơ mình, đòi hỏi phải hiểu sâu hình ảnh. Ngược lại, khi những vần thơ nói được nội dung ảnh thì sức lan toả bức anh sẽ rất rộng lớn và sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian.

Những ai đã từng đọc 4 câu thơ của cố nhà thơ Tố Hữu ngợi ca bức ảnh “cô dân quân Nguyễn Thị Lài dẫn tên giặc lái Mỹ Robinson” của nhà báo Phan Thoan:

O du kích nhỏ giương cao súng

Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu

Ra thế, to gan hơn béo bụng

Anh hùng đâu cứ phái mày râu.

Cái tài của nhà thơ, chỉ với 4 câu thơ thôi đã khái quát được đầy đủ sự thất bại thãm hại của giặc Mỹ. Mỹ giàu, Mỹ khoẻ, nhưng Mỹ không mạnh. Mỹ vẫn thua một Việt Nam nhỏ bé. Bốn câu thơ của Tố Hữu đã làm thăng hoa bức ảnh, sức lan toả của nó khắp toàn cầu và đọng mãi đến hôm nay và mãi mãi mai sau.

Ngoài những vần thơ cho từng bức ảnh, nhà thơ Mỹ Dung còn biết chọn vấn đề  của Đại tướng đã được các nhà nhiếp ảnh thể hiện và được mọi người quan tâm, Đó là:

Chiến thắng Điện Biên Phủ

Võ Nguyên Giáp vị tướng của lòng dân

Cuộc đời thanh bạch cho đến khi trở về đất mẹ thân thương.

Vì vậy, tập ảnh có sức lan toả lớn, sống mãi với thời gian, không chỉ vì cuộc đời sáng chói của Đại tướng, thanh thản ra đi để lại cho đời biết bao tiếc nuối, mà còn bởi sự sống động của những bức ảnh do các nhiếp ảnh gia thể hiện cùng sự minh hoạ bằng những vần thơ tuyệt vời của nhà báo Mỹ Dung, tạo nên một bữa tiệc “ảnh - thơ” hiếm có.

Trần Mạnh Thường

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.