Đoàn kết xây dựng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trở thành tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh toàn diện

Sáng ngày 12/6/2022, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam long trọng tổ chức Hội nghị Ủy ban toàn quốc mở rộng (khóa X) tại TP Đà Nẵng.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Đỗ Việt Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; các đồng chí đại diện Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Vụ Văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương.

Đoàn kết xây dựng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trở thành tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh toàn diện - 1

PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Về phía lãnh đạo TP Đà Nẵng có đồng chí Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Về phía Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp; TS Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Liên hiệp; NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp; nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Phó Chủ tịch Liên hiệp, Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam; NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội; các Ủy viên đoàn chủ tịch Liên hiệp, lãnh đạo các Hội VHNT chuyên ngành trung ương, lãnh đạo các Hội VHNT địa phương, Tổng biên tập các báo, tạp chí thuộc Liên hiệp và các Hội VHNT trực thuộc.

Tại Hội nghị, đồng chí Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Liên hiệp trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ chủ yếu 6 tháng cuối năm 2022 của Liên hiệp và hoạt động của các tổ chức thành viên đầy đủ và toàn diện.

Từ sau Đại hội nhiệm kì 2020-2025 của Liên hiệp đến nay, hoạt động VHNT của Liên hiệp và các tổ chức thành viên luôn theo đúng định hướng đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng; phát huy vai trò nòng cốt, chủ động, linh hoạt, kịp thời điều chỉnh kế hoạch, triển khai công tác, thích ứng với tình hình phòng chống dịch theo đúng quy định của Nhà nước, đảm bảo các hoạt động trọng tâm trên các lĩnh vực đạt kết quả tốt.

Văn nghệ sĩ giữ được tinh thần chủ động, say mê và có tính trách nhiệm cao với công việc sáng tạo. Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều cuộc hội thảo lớn diễn ra với nhiều phương thức đổi mới, có hiệu quả… Những biến động của xã hội là rất đáng quan tâm nhưng với bản lĩnh vững vàng và tấm lòng chân thành, những người làm văn học nghệ thuật đã không bị va vấp trong quá trình sáng tạo, nghiên cứu, sưu tầm của mình.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, Đảng đoàn và Thường trực Đoàn Chủ tịch chỉ đạo các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, các Hội VHNT tỉnh, thành phố tập trung, nỗ lực thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

1. Tiếp tục làm việc với các cơ quan, Bộ, ban, ngành về tổ chức của Liên hiệp (Thống nhất về mô hình hoạt động, bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ...).

2. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đẩy nhanh việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kinh phí năm 2022 trong thời gian sớm nhất Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội VHNT địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025.

3. Phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Trại sáng tác tại Nhà sáng tác Nha Trang.

4. Ra mắt Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp và tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề “Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam – Thực trạng – Giải pháp và Nhiệm vụ trong tình hình mới”. Hiện tại đã có 34 tham luận của Các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và địa phương.

5. Tổ chức kỉ niệm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 – 25/7/2022).

6. Tổ chức xét Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2022 đảm bảo chất lượng, nhiều đổi mới.

Ủy ban toàn quốc cũng nhất trí cao biểu quyết công nhận bốn Ủy viên mới của Đoàn Chủ tịch trong danh sách gồm PGS, TS Đỗ Lệnh Hồng Tú giữ chức vụ Chủ tịch Hội Điện ảnh; nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; KTS Nguyễn Trường Lưu giữ chức vụ Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Hồ Chí Minh; nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đăk Lăk đại diện khu vực Tây Nguyên. Như vậy, Đoàn Chủ tịch đã được kiện toàn tổng thể với 26 ủy viên.

Đoàn kết xây dựng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trở thành tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh toàn diện - 2

Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tặng hoa chúc mừng bốn Ủy viên mới của Đoàn Chủ tịch 

Tại Hội nghị, các đại biểu trình bày tham luận về những vấn đề rất cấp thiết để thực hiện nhiệm vụ của Liên hiệp và các Hội trong thời kỳ mới. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng đóng góp ý kiến liên quan đến việc xây dựng tổ chức hội ở địa phương.

Theo ông, điều quan trọng vào lúc này là làm sao thống nhất được nhận thức về địa vị chính trị của hệ thống tổ chức các Hội VHNT từ trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Làm thế nào để tổ chức Hội VHNT thực sự được xem là một tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 là ngân sách nhà nước đảm bảo cân đối kinh phí hoạt động của tổ chúc chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội, chứ không phải theo Khoản 8 Điều 8 luật này: Kinh phí hoạt động của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự đảm bảo; ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ nhà nước giao theo quy định của Chính phủ.

KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra ý kiến thiết thực để tìm giải pháp phù hợp triển khai ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, cùng việc triển khai kết luận 76-KL/TW và đề xuất giải pháp phối hợp kết nối đồng hành hoạt động giữa các Hội trong khối VHNT các cấp như Liên hiệp cần có những dự định và đề xuất kết nối hoạt động của các lĩnh vực trong những chương trình sự kiện đồng nhất giữa các Hội và Liên hiệp, chứ không dừng ở việc chỉ tổng hợp báo cáo các lĩnh vực, các hội gửi lên thành báo cáo chung như hiện nay.

Các hội cần chủ động tìm kiếm những cơ hội giới thiệu và kết nối đồng hành trong hoạt động chuyên môn. Các hội chuyên ngành theo chiều dọc cũng cần có những đổi mới, đặc biệt là những chương trình chuyên môn sâu. Tạo động lực hoạt động của các ngành trong khối VHNT hiện nay còn yếu và bấp bênh, Liên hiệp cần có định hướng tổ chức chung để cải thiện vấn đề này. Các hội cần có sự kết nối với hệ thống chính quyền các cấp để thể hiện hiệu quả vai trò của cả Liên hiệp và các hội.

Nghệ sĩ Đặng Thị Phượng, Chủ tịch Hội VHNT Tây Ninh nêu ra thực trạng và đề xuất về tổ chức, chế độ, chính sách đối với người làm việc tại hội và tổ chức bộ máy Hội VHNT tỉnh, thành phố, đồng thời đề nghị Liên hiệp phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực tham mưu Chính phủ phân bổ kinh phí hỗ trợ năm 2022 trễ nhất vào đầu quý III nhằm tạo điều kiện cho các hội sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trung ương. Bà cũng bày tỏ mong các đồng chí lãnh đạo cần lắng nghe hơn nữa ý kiến từ cơ sở.

Nhà thơ Hải Thanh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc nêu những băn khoăn về cơ chế chính sách đối với văn nghệ không nhiều.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao Liên hiệp và các hội dù gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua vẫn hoàn thành công việc có khối lượng lớn với nhiều nỗ lực đạt được nhiều thành tựu đồng thời nêu ra những hạn chế còn tồn tại.

Đoàn kết xây dựng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trở thành tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh toàn diện - 3

 Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm

Phó Trưởng ban Tuyên giáo trung ương yêu cầu Liên hiệp và các hội cần tập trung vào các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất là cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đẩy đủ nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên lĩnh vực VHNT, đặc biệt là các ý kiến kết luận, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 từ đó tạo ra sự chuyển động về nhận thức, tư tưởng chính trị để nâng cao tầm nhìn, đưa hoạt động của Liên hiệp và các hội phát triển ngang tầm với tình hình mới của đất nước.

Thứ hai là tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, mô hình và phương thức hoạt động để Liên hiệp thực sự là tổ chức đầu mối thống nhất, xuyên suốt, vững mạnh, đóng góp tích cực trong việ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển VHNT phù hợp với nhiệm vụ và yêu cầu mới. Có biện pháp để nâng cao tinh thần đoàn kết, thống nhất để Liên hiệp thực sự trở thành mái nhà chung đầm ấm, giàu tình nghĩa, là một tập thể đoàn kết vì sự nghiệp phát triển VHNT nước nhà, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Thứ ba là khắc phục tình trạng nghiệp dư hóa, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tất cả các lĩnh vực, chú trọng phát hiện, nuôi dưỡng, phát huy tài năng, tạo mọi điều kiện để tài năng phát triển, quy hoạch đội ngũ, tìm những giải pháp đúng với đối tượng; từng bước đổi mới phương thức hoạt động, hỗ trợ có chiều sâu để có những sáng tác thâm nhập thực tế, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ tiếp cận sâu rộng, tích lũy vốn sống và trải nghiệm.

Thứ tư là nâng cao hơn nữa chất lượng giải thưởng của liên hiệp và các hội, thông qua đó để định hướng sáng tạo, lan tỏa các giá trị.

Thứ năm là Liên hiệp cần chủ động, tích cực có kế hoạch để tham gia tích cực vào việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, chuẩn bị tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật nước nhà sau ngày thống nhất, triển khai xây dựng các hệ giá trị quốc gia: hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình chuẩn mực con người Việt Nam.

Đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, hiện nay cơ chế tài chính phức tạp, chặt chẽ và thận trọng hơn nên có nhiều yêu cầu, đòi hỏi và tiêu chí mới nên việc kinh phí hoạt động cấp cho các hội có phần chậm trễ, Bộ cố gắng tháo gỡ khó khăn và hướng dẫn các hội để giải ngân nhanh nhất.

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Đỗ Hồng Quân cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo để cùng Đảng đoàn, ủy ban toàn quốc triển khai những công việc theo hướng ngày càng chặt chẽ, cụ thể và có hiệu quả hơn.

Thông tin thêm tại Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp thông báo, được phép của Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Liên hiệp đã ký quyết định thành lập Thời báo Văn học nghệ thuật là cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam theo quy hoạch báo chí của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 4/2020, trong đó có ấn phẩm Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Liên hiệp và các hội thông qua Thời báo là cơ quan ngôn luận chính và là cơ quan ngôn luận chung của giới văn nghệ sĩ.

PV

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.