Xây dựng "Luật phát triển văn học nghệ thuật": Phải hướng tới sự phát triển của đất nước

Như mong muốn của nhà thơ Hữu Thỉnh – nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã đến lúc giới văn học nghệ thuật nước nhà cần có một bộ luật về phát triển văn học nghệ thuật để làm hành lang cho các hoạt động của mình. Cá nhân tôi rất tán thành đề xuất này của nhà thơ Hữu Thỉnh. Tuy nhiên, theo thiển ý riêng thì luật này phải gắn với công nghiệp văn hoá: Tức là chính văn học nghệ thuật phải có những vận động tự thân để tạo ra doanh thu cho mình thay vì trông chờ vào những đầu tư của Nhà nước.

>>> Đề xuất của nhà thơ Hữu Thỉnh: "Cần thiết xây dựng luật phát triển văn học nghệ thuật”

Xây dựng "Luật phát triển văn học nghệ thuật": Phải hướng tới sự phát triển của đất nước - 1

Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Tổng thư ký Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam.

Trong những suy nghĩ của mình, tôi không muốn bàn về những hành lang pháp lý cho những cái đã có và một số cái đang có. Lý do vì với những định hướng đó đã có quá nhiều người theo đuổi và sẽ là thừa nếu tiếp tục thảo luận, bàn cãi. Vì thế, cái cần bàn đến là về những sự sôi động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà văn học nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc cùng với những vấn đề của tương lai mà văn học nghệ thuật có trách nhiệm phải hướng đến vì mục tiêu phát triển của đất nước.

Nếu nói về những cái đang có thì đó là công nghệ thông tin và Internet. Không chỉ giới trẻ mà ngay cả với không ít người cao tuổi cũng không thể sống thiếu những hành trang này. Và cũng giống như bao nhiêu người khác, các văn nghệ sĩ ngày nay cũng là những tín đồ số, tức là phải sử dụng đến các công cụ này trong sáng tác và trao đổi học thuật.

Riêng với nhiếp ảnh, việc chụp ảnh bằng phim có lẽ đã trở thành dĩ vãng và hiện tại có thể nói là 100% nghệ sĩ nhiếp ảnh đã quen dùng với ảnh kỹ thuật số. Nguyên nhân vì máy ảnh số và điện thoại thông minh có khả năng ghi hình đã hết sức phổ biến. Và máy ảnh cơ học cũng đã dừng sản xuất nhiều năm nay cùng giá thành rất đắt so với nhiếp ảnh số với những ai kiên trì, hoài cổ về nghệ thuật nhiếp ảnh.

Còn với mỹ thuật mà đặc biệt là với các hoạ sĩ trẻ thì việc thành thạo sử dụng các phần mềm đồ hoạ cũng là rất bình thường bất kể họ có được cung cấp các kiến thức này trong nhà trường hay không. Cũng hệt như vậy với ngành âm nhạc, các phần mềm soạn nhạc nay cũng rất phổ biến và việc soạn nhạc trên máy tính còn có một ưu điểm rất lớn là có thể xây dựng được tổng phổ cùng với việc lưu trữ thuận lợi để có thể tiếp tục công việc bất cứ lúc nào thay vì phải làm lại từ đầu với các nhạc cụ truyền thống.

Riêng với sáng tác văn học và sân khấu, đương nhiên cũng phải phản ánh về cuộc sống đương đại mà trong đó không thể thiếu sự hiện diện của khoa học công nghệ trong đời sống. Theo đó, thay vì tổ chức các trại sáng tác theo hình thức truyền thống, nên chăng cần tạo điều kiện để các nhà văn, biên kịch có cơ hội giao lưu, hợp tác với các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Và nếu như văn học nghệ thuật có một sự gần gũi với khoa học công nghệ thì đó chính là những sự cổ vũ có hiệu quả nhất cho sự phát triển của khoa học công nghệ.

Xây dựng "Luật phát triển văn học nghệ thuật": Phải hướng tới sự phát triển của đất nước - 2

"Luật này phải gắn với công nghiệp văn hoá: Tức là chính văn học nghệ thuật phải có những vận động tự thân để tạo ra doanh thu cho mình thay vì trông chờ vào những đầu tư của Nhà nước" - Phó Tổng thư ký Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam.

Còn về những cái sẽ có, đó là những gì sẽ diễn ra trong tương lai mà cụ thể là thể loại nghệ thuật về khoa học giả tưởng trên nhiều phương diện văn học, sân khấu, điện ảnh… Hiện nay, khoa học giả tưởng ở Việt Nam vẫn chưa có được bao nhiêu và sẽ là hồ đồ nếu cho rằng nền khoa học của đất nước còn chưa đủ trình độ phát triển để có thể trở thành chất liệu cho văn học nghệ thuật như ở các nước phát triển.

Cuối cùng, nói đến sự cần thiết của "Luật phát triển văn học nghệ thuật" thì cũng phải nói đến chính vấn đề luật pháp vì một khi khoa học công nghệ phát triển thì cũng nảy sinh những vấn đề về luật pháp. Vì thế, bằng trí tưởng tượng phong phú của chính mình cùng những sự hiểu biết đủ tầm về khoa học công nghệ, bản thân các nhà văn phải có trách nhiệm trong chuyện này qua những tác phẩm có thể viết ra để đặt vấn đề cho những hành lang pháp lý cần có trong tương lai.

Tựu trung lại, vì tương lai phát triển của nước nhà, văn học nghệ thuật Việt Nam phải được định hướng tới những cái sẽ có. Mong rằng, việc xây dựng "Luật phát triển văn học nghệ thuật" ngoài những vấn đề mang tính lịch sử, truyền thống thì việc hướng tới tương lai phải là điểm nhấn. Điều đó chắc chắn cũng không nằm ngoài định hướng của Đảng và Chính phủ về một nền văn hoá nước nhà hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.

>>> Trao đổi đề xuất xây dựng “luật phát triển văn học nghệ thuật”: Luật phải đi vào cuộc sống

“Lĩnh vực nào có luật điều chỉnh, lĩnh vực đó phát triển bền vững!“

Nguyễn Đức Hoàng (Phó Tổng thư ký Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam)

Tin liên quan

Tin mới nhất