Bức tranh tổng quan về di sản Hà Nội trong việc xây dựng thành phố sáng tạo

Với bề dày hơn 1000 năm văn hiến, kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của Hà Nội vừa là khởi ngồn sáng tạo, vừa là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển sáng tạo.

Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022, ngày 23/11, Khoa các Khoa học Liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học “Di sản trong thành phố sáng tạo Hà Nội”, tọa đàm nhằm chia sẻ các góc nhìn khác nhau về vai trò của di sản văn hóa và mối quan hệ của di sản với thành phố sáng tạo với trường hợp cụ thể là Thành phố Hà Nội.

Buổi tọa đàm khoa học tập hợp các chuyên gia nghiên cứu từ các lĩnh vực đô thị, di sản và công nghiệp văn hóa sáng tạo với nhiều hướng tiếp cận khác nhau cả ở góc độ lý thuyết cũng như thực hành: PGS. TS Nguyễn Thị Hiền; TS Nguyễn Thu Thuỷ; PGS. TS Phạm Quỳnh Phương; TS Lê Phước Anh; TS Lư Thị Thanh Lê; TS Trần Hậu Yên Thế.

Bức tranh tổng quan về di sản Hà Nội trong việc xây dựng thành phố sáng tạo - 1

tọa đàm "Di sản trong thành phố sáng tạo Hà Nội" được tổ chức tại hội trường lịch sử Ngụy Như Kon Tum thành lập từ năm 1906 thời Đại học Đông Dương (Đông Pháp Đại Học).

Hiểu đúng đắn về bảo tồn các di sản văn hóa

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, di sản văn hóa là một phần quan trọng và không thể tách rời của nhiều thành phố trên thế giới, các di sản văn hóa không chỉ là nhân chứng cho lịch sử phát triển, nhân tố tạo nên giá trị và bản sắc của mỗi thành phố mà trên thực tế nó cũng đồng thời phản ánh sức sáng tạo của những cộng đồng cư dân trong việc tạo dựng cuộc sống và vun đắp các thành tựu văn minh qua nhiều thế hệ.

Bức tranh tổng quan về di sản Hà Nội trong việc xây dựng thành phố sáng tạo - 2

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, trong quá trình vận động và thực hành trong đời sống, không ít nơi di sản lại bị xem là những trở lực cho sự phát triển. Quan điểm bảo tồn di sản theo các khuôn mẫu truyền thống khiến cho việc bảo tồn di sản được hiểu như một hoạt động tốn kém gắn liền với vai trò của nhà nước và các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, sự phát triển của các đô thị hiện nay, bao gồm các đô thị di sản đòi hỏi một sự phát triển sáng tạo, năng động với sự tham gia của nhiều cộng đồng xã hội.

Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu khẳng định: “Việc bảo tồn các di sản văn hóa nên được hiểu trong mối quan hệ biện chứng với tính chất sáng tạo của các đô thị hiện đại trên thế giới”.

Hà Nội sẵn sàng đặt văn hóa và sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển

Hà Nội là một trong số ít các đô thị di sản trên thế giới có bề dày phát triển hàng nghìn năm, điều kiện đó chính là nền tảng tạo nên một thành phố lịch sử văn hóa với hàng nghìn di tích và sự tồn tại cho đến ngày nay của nhiều loại hình di sản văn hóa khác nhau.

Hà Nội trong những thập niên vừa qua đang từng bước vươn lên trở thành một trong những thành phố sáng tạo tiêu biểu ở Đông Nam Á, thông qua nhiều sáng tạo nghệ thuật và sự phát triển của cộng đồng sáng tạo trẻ trung và đầy tiềm năng.

Ngày 30/10/2019, Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo và cùng với 245 thành phố khác trên thế giới tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Từ danh hiệu Thành phố vì hòa bình năm 1999, 20 năm sau, với danh hiệu Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã trở mình và mang theo những khát vọng hội nhập mới trong kỷ nguyên sáng tạo số hóa và toàn cầu hóa. Trong khát vọng ấy, Hà Nội đã và đang khai thác nguồn lực sẵn có, trong đó có quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú.

PGS. TS Phạm Quỳnh Phương nhận định: “Điều này cũng có nghĩa là Hà Nội đã sẵn sàng để đặt văn hóa và sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển thành phố. Đây là trong một trong những tiến trình đầy hoài bão của Hà Nội trong thời gian tới”.

Bức tranh tổng quan về di sản Hà Nội trong việc xây dựng thành phố sáng tạo - 3

PGS. TS Phạm Quỳnh Phương phát biểu tại tọa đàm.

Về mặt lịch sử, theo PGS. TS Phạm Quỳnh Phương, một thành phố sáng tạo được xem là một thành phố mà sự biểu đạt của con người được thể hiện trong nghệ thuật, trong công nghệ, trong khoa học.

“Sáng tạo có thể đến từ bất kỳ người nào, bất kể nguồn nào, bất kể ai, giải quyết vấn đề theo những cách thức sáng tạo nào, đó có thể là nhân viên sáng tạo, doanh nhân, người gìn giữ di sản, công chức nhà nước,… Sáng tạo không chỉ là có ý tưởng mà còn là năng lực để thực hiện ý tưởng đó. Mỗi công dân ở Hà Nội ai cũng có quyền sáng tạo đối với thành phố” - PGS. TS Phạm Quỳnh Phương cho biết.

Bức tranh tổng quan về di sản Hà Nội trong việc xây dựng thành phố sáng tạo - 4

Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ.

Bên cạnh đó, buổi tọa đàm cũng bàn luận về các vấn đề xoay quanh những vấn đề từ lý thuyết đến thực tiễn, đến hiện trạng, cũng như nêu ra một số thách thức của những di sản trong thành phố sáng tạo. Thông qua phần trình bày của các diễn giả, công chúng không chỉ thấy được bức tranh tổng quan về di sản Hà Nội trong việc xây dựng thành phố sáng tạo hiện nay mà còn nhìn thấy việc khai thác và các cách thức tạo nên sự sáng tạo từ trong di sản.

Ngoài ra, các bài thuyết trình cũng giới thiệu các quan điểm về thành phố sáng tạo thông qua các tiếp cận lý thuyết của nhiều lĩnh vực, từ di sản học cho đến nghiên cứu kiến trúc, đô thị như không gian di sản hay không gian công cộng. Cuối cùng, tọa đàm sẽ là cơ hội để các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ thực hành và các nhà quản lý chia sẻ kinh nghiệm phát triển và ứng dụng di sản trong thành phố sáng tạo.

PGS. TS Nguyễn Thị Hiền đã trình bày một khái niệm quan trọng, có tính lý luận trong nghiên cứu di sản, có thể liên quan trực tiếp đến không gian thành phố sáng tạo, đó là khái niệm cánh quan dòng chảy di sản, được nhìn như một không gian kiến trúc xã hội mở, không giới hạn trên toàn cầu, kết nối con người và làm mờ đi các danh giới về địa chính trị, không có trung tâm, không có phân biệt trong và ngoài.

TS Nguyễn Thu Thuỷ quan tâm đến các nghiên cứu trường hợp như vấn đề thương hiệu của thành phố sáng tạo thông qua một trường hợp nghiên cứu du lịch làng nghề. TS Trần Hậu Yên Thế chạm đến vấn đề không gian của nhà tập thể như là tiềm năng của không gian sáng tạo đương đại.

Tọa đàm khoa học “Di sản trong thành phố sáng tạo Hà Nội” là một trong những sự kiện cuối cùng của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022, đánh dấu việc khép lại tuần lễ Thiết kế Sáng tạo đồng thời mở ra những định hướng mới trong việc tổ chức các hoạt động thiết kế, sáng tạo trong những năm tiếp theo.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.