Đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, vì sao cần lấy ý kiến nhân dân?

Nếu có đơn thư kiến nghị về việc xét duyệt danh hiệu, đơn vị chức năng sẽ tiếp nhận và xử lý các kiến nghị đơn thư trong vòng 2 ngày. Hình thức xử lý là trả lời bằng văn bản và trao đổi cho đến khi thuyết phục được cá nhân, tổ chức đã gửi đơn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đăng tải danh sách hồ sơ do 5 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 để lấy ý kiến của nhân dân. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 26/7 đến hết ngày 16/8, trước khi Hội đồng cấp Nhà nước họp theo quy định.

Nếu có đơn thư kiến nghị về việc xét duyệt danh hiệu, đơn vị chức năng sẽ tiếp nhận và xử lý các kiến nghị đơn thư trong vòng 2 ngày. Hình thức xử lý là trả lời bằng văn bản và trao đổi cho đến khi thuyết phục được cá nhân, tổ chức đã gửi đơn.

Ngoài ra, Vụ Thi đua khen thưởng sẽ phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn và Cục Điện ảnh theo từng chuyên ngành để cùng xử lý. Việc mở lại hội đồng phải được xem xét dựa trên cấp có thẩm quyền.

Trong danh sách các hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu lần này, lĩnh vực có số hồ sơ nhiều nhất là sân khấu với 88 hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 215 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT. Danh sách nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND gồm: NSƯT Đỗ Doãn Bằng (Nhà hát Tuổi Trẻ), NSƯT Nguyễn Xuân Bắc (Nhà hát Kịch Việt Nam), NSƯT Phạm Chí Trung (Nhà hát Tuổi Trẻ), NSƯT Nguyễn Tiến Quang (Quang Tèo - Nhà hát Kịch nói Quân đội), NSƯT Trịnh Kim Chi (Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh), NSƯT Trần Lực (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội)…

Đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, vì sao cần lấy ý kiến nhân dân? - 1

Xuân Bắc, Trịnh Kim Chi, Chí Trung có tên trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND.

Lĩnh vực âm nhạc có 45 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND gồm: NSƯT Huỳnh Tấn Minh (Tấn Minh - Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), NSƯT Hoàng Xuân Bình (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), NSƯT Bùi Công Duy (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), NSƯT Ma Thị Bích Việt (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Bộ Quốc phòng), NSƯT Đoàn Thanh Lam (Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam), NSƯT Lê Thị Hồng Năm (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam)... và 67 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT.

Lĩnh vực điện ảnh có 1 hồ sơ đề nghị xét tặng NSND là NSƯT Hồ Quảng (Công ty Cp Hãng phim hoạt hình Việt Nam) và 16 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT.

Lĩnh vực múa có 3 hồ sơ đề nghị xét tặng NSND gồm: NSƯT Trần Ly Ly (Cục Nghệ thuật biểu diễn), NSƯT Đỗ Văn Hiền (Đỗ Hiền, biên đạo múa, TP Hà Nội), NSƯT Bùi Xuân Hanh (diễn viên, biên đạo múa, TP. Hồ Chí Minh) và 38 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT.

Lĩnh vực phát thanh - truyền hình có 2 hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND gồm: NSƯT Lê Hồng Thụy (Lê Thụy, TP. Hồ Chí Minh), NSƯT Vũ Thị Kim Dung (Đài Tiếng nói Việt Nam) và 12 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT.

Theo thông lệ, việc xét tặng danh hiệu sẽ thông qua 4 hội đồng: Hội đồng cơ sở; Hội đồng cấp tỉnh, thành, bộ và hội đồng cuối cùng gồm Hội đồng cấp Nhà nước và Hội đồng chuyên ngành. Một hồ sơ đề nghị xét tặng sẽ phải trải qua hơn 40 thành viên của hội đồng xét tuyển đến từ mọi miền.

Riêng năm nay, bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng cho biết, sau khi thảo luận, thành viên hội đồng đã bỏ phiếu kín và công bố kiểm phiếu ngay tại hội đồng, tất cả các công việc đều được thực hiện công khai, minh bạch.

Ngoài ra, cơ chế xét duyệt năm nay thay đổi so với hai đợt xét năm 2015 và 2018. Trong hai đợt xét trước đó, tỷ lệ đồng thuận phải trên 90% số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp nhưng năm nay, tỷ lệ này giảm còn 80%.

Sau khi 139 hồ sơ xét danh hiệu NSND được công bố, nhiều nghệ sĩ và dư luận tỏ ra bức xúc khi danh sách năm nay thiếu những cái tên như NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Quốc Cơ - Quốc nghiệp.

Đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, vì sao cần lấy ý kiến nhân dân? - 2

Việc NSƯT Lê Thiện - "Bà nội quốc dân" vắng mặt trong danh sách xét NSND gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Nói về lý 4 nghệ sĩ trên không đạt danh hiệu NSND, bà Nguyệt cho biết, kết quả đánh giá cho thấy các trường hợp trên đều không đạt tỷ lệ phiếu đồng thuận trên 80% tổng số thành viên hội đồng có mặt.

Lãnh đạo Vụ Thi đua khen thưởng thông tin thêm, với danh hiệu NSND, ngoài việc xét theo giải thưởng hoặc xét theo trường hợp đặc biệt là không có giải thưởng thì hội đồng sẽ đánh giá, xét duyệt dựa theo 4 tiêu chí đã quy định.

Cụ thể, ngoài đánh giá tài năng nghệ thuật, các thành viên hội đồng còn thảo luận về quá trình đóng góp và hoạt động nghệ thuật của các cá nhân, trong đó phải là những nghệ sĩ có đóng góp đặc biệt nổi trội có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa trong từng loại hình ngành nghề nghệ thuật.

Hiện nay, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" được quy định tại Nghị định 40/2021/NĐ-CP và Nghị định 89/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:

(1) Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương;

(2) Có phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình, ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ;

(3) Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên;

(4) Đã được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” và sau đó đạt một trong các tiêu chí sau:

- Có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân).

Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP.

- Có ít nhất 03 giải Vàng quốc gia (nếu không có 01 giải Vàng là của cá nhân).

Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP.

- Có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định tại hai khoản vừa nêu trên nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp cụ thể sau:

+ Nghệ sĩ là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật;

+ Nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước;

+ Nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất