Kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam: Tôn vinh Ông Tổ của ngành xiếc chuyên nghiệp

Sáng 5/12, tại Rạp Xiếc trung ương, Liên đoàn Xiếc Việt Nam (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày ra mắt buổi diễn xiếc chuyên nghiệp đầu tiên với tên gọi Xiếc Việt Nam (5/12/1922 – 5/12/2022) do cố Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển tổ chức - người luôn được thành kính, được suy tôn là Ông Tổ của ngành xiếc chuyên nghiệp.

Lễ kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam “NSND Tạ Duy Hiển – Tự hào Xiếc Việt Nam” là dịp để các nghệ sĩ xiếc trong cả nước cũng như khán giả yêu mến nghệ thuật xiếc tôn vinh sự đóng góp to lớn của cố NSND Tạ Duy Hiển trong việc tạo dựng và phát triển nghệ thuật xiếc Việt Nam đồng thời khơi gợi niềm tự hào, sự đam mê của các nghệ sĩ trong việc kế thừa truyền thống, mở rộng giao lưu và nâng tầm xiếc Việt Nam trên toàn thế giới.

Buổi lễ có sự tham dự của Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, vụ, các cơ quan đơn vị, các nghệ sĩ lão thành, tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam: Tôn vinh Ông Tổ của ngành xiếc chuyên nghiệp - 1

Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức Lễ Kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam, tôn vinh những đóng góp to lớn của cố Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Hiển.

Phát biểu tại buổi lễ, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, Lễ kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam là dấu mốc thể hiện niềm vinh dự và tự hào của toàn bộ các Nghệ sĩ Xiếc hiện nay với những thành tựu, những tài sản quý báu của thế hệ đi trước đã để lại.

“Các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ cố gắng, giữ gìn, duy trì và phát triển ngành Xiếc Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp hơn nữa” - NSND Tạ Duy Ánh nhấn mạnh.

Kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam: Tôn vinh Ông Tổ của ngành xiếc chuyên nghiệp - 2

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới toàn thể các Nghệ sĩ Xiếc nhân dịp kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam. Ông Tạ Quang Đông cho biết, cách đây tròn 100 năm, ngày 5/12/1922, chương trình biểu diễn mang tên Xiếc Việt Nam do cố NSND Tạ Duy Hiển đặt tên và ra mắt phục vụ khán giả đã đi vào lịch sử của ngành Xiếc Việt Nam. NSND Tạ Duy Hiển đã làm việc, cống hiến nhiều tài sản phục vụ cho kháng chiến, tình yêu nghề và sự sáng tạo, tận hiến của người nghệ sỹ đã góp phần xây dựng những trang đẹp nhất của lịch sử nghệ thuật xiếc Việt Nam.

Kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam: Tôn vinh Ông Tổ của ngành xiếc chuyên nghiệp - 3

NSND Tạ Duy Hiển

“Chúng ta tự hào và xúc động khi nhớ về những đóng góp lớn lao của cố NSND Tạ Duy Hiển và truyền thống của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Lịch sử truyền thống đơn vị đã tạo nên nguồn động lực không chỉ trong thi đua sáng tạo nghệ thuật mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước” - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

Thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đồng chí Tạ Quang Đông ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng lễ kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam với những đóng góp lớn lao trong nghệ thuật xiếc của cố NSND Tạ Duy Hiển và Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong những năm qua.

Kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam: Tôn vinh Ông Tổ của ngành xiếc chuyên nghiệp - 4

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu.

Xiếc là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, có thể được rất nhiều các loại hình nghệ thuật khác hỗ trợ để tạo ra những trường cảm xúc mới, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm100 năm Xiếc Việt Nam, đã diễn ra Hội thảo với chủ đề “Xiếc truyền thống trong xu thế mới”. Được nhận định là Hội thảo quan trọng có ý nghĩa định hướng cho sự phát triển ngành xiếc hôm nay, trong xu thế hội nhập và phát triển.

PGS. TS Phạm Duy Khuê khẳng định, sáng tạo nghệ thuật để đáp ứng sự phát triển thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của công chúng luôn là khát vọng của nghệ sĩ nói chung và những nghệ sĩ xiếc Việt Nam nói riêng. Nếu kể từ trong cội nguồn, từ các trò chơi dân gian, được các nghệ sĩ dân gian nâng cấp và biểu diễn chơi, khoe tài một cách vô tư nơi làng quê, thì nghệ thuật xiếc Việt Nam đã có từ rất lâu đời.

Kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam: Tôn vinh Ông Tổ của ngành xiếc chuyên nghiệp - 5

100 năm Xiếc Việt Nam là dấu mốc thể hiện niềm vinh dự và tự hào của toàn bộ các Nghệ sĩ Xiếc hiện nay với những thành tựu, những tài sản quý báu của thế hệ đi trước đã để lại.

Cũng khẳng định vị thế của xiếc Việt Nam trong lịch sử, PGS. TS Trần Trí Trắc cho biết: “Xiếc Việt Nam đã xuất hiện từ lâu nhưng đến cụ Tạ Duy Hiển thì xiếc Việt Nam đã trở thành chuyên nghiệp. Xiếc Việt Nam đã có nhiều thành tựu đáng tự hào trong thời kỳ chiến tranh giữ nước cũng như trong việc xây dựng hòa bình. Thời gian qua, nó vẫn là một trong những loại hình năng động nhất, vững bền nhất trước những thách thức lớn của cơ chế thị trường”.

Theo PGS. TS Trần Trí Trắc, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để có thể thực hiện những sứ mệnh cao cả do Đảng và nhân dân giao phó thì ngành xiếc cần phải có những nhà biên đạo xiếc chuyên nghiệp, những nhà nghiên cứu lý luận xiếc chuyên nghiệp, những nhà kỹ thuật, kỹ sư khoa học – công nghệ xiếc chuyên nghiệp. Nếu không có sự hiện diện của những bộ phận mang tính chuyên nghiệp này thì khó để phát triển xiếc Việt Nam trong tương lai.

Kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam: Tôn vinh Ông Tổ của ngành xiếc chuyên nghiệp - 6

Tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại Lễ kỷ niệm.

PGS. TS Trần Trí Trắc cho biết, xiếc Việt Nam chưa xuất hiện một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp thì làm sao sánh vai, cạnh tranh với các nước khác. Rõ ràng nghệ thuật xiếc Việt Nam không thể đứng ngoài và thờ ơ với những thành tựu mới của khoa học công nghệ, không thể không vận dụng những thành tựu tiên tiến của khoa học và công nghệ vào những sáng tạo mới của mình.

“Công việc này rất cần thiết nhưng không phải ai cũng làm được, mà phải là những kỹ sư khoa học có tâm hồn nghệ sĩ và am hiểu sâu sắc về xiếc” - PGS. TS Trần Trí Trắc nhấn mạnh.

Kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam: Tôn vinh Ông Tổ của ngành xiếc chuyên nghiệp - 7

Nhân dịp này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tổ chức khánh thành Khu tưởng niệm NSND Tạ Duy Hiển và dâng hương tri ân nghệ sĩ.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.