Xây dựng nhà C1 (kỳ cuối)

Loạt bài Quần đảo Trường Sa của Việt Nam của Thiếu tướng Hoàng Kiền được đăng tải trên 6 số của Thời báo Văn học Nghệ thuật. Kỳ đầu tiên xuất bản trên số 27/2021 ra ngày 8/7/2021 và kỳ 6 đăng tải trên số 32/2021 ra ngày 12/8/2021. Loạt bài này đã vinh dự được nhận giải C giải báo chí Quốc gia lần thứ XVI năm 2021 diễn ra vào tối 21/6/2022 tại Hà Nội. Arttimes.vn trân trọng đăng tải lại loạt bài này để bài báo được đến với đông đảo bạn đọc.

Quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Kỳ 1)

Diễn biến ở Trường Sa trước sự kiện Gạc Ma (kỳ 2)

Sự kiện Gạc Ma (kỳ 3)

Chuyến công tác đặc biệt Trường Sa theo kế hoạch (kỳ 4)

Tiếp tục xây dựng nhà C3 (kỳ 5)

Sau sự kiện 14/3/1988, trên khu vực quần đảo Trường Sa, Trung Quốc thường xuyên duy trì từ 10-15 tàu, trong đó có 4 - 6 tàu chiến. Đầu tháng 9/1988, họ cho tàu trinh sát điện tử bằng vô tuyến điện xuống trinh sát 21 đảo và bãi đá của ta đang đóng giữ, uy hiếp chiếm lại và tuyên truyền về chiến lược biển, kinh tế biển, tập trung vào những lô dầu khí, thềm lục địa phía Nam của ta.

Nhân dân khắp nơi trong cả nước phát động phong trào vì Trường Sa, cùng hướng về Trường Sa. Các nguồn lực của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các địa phương ủng hộ tập trung xây dựng và bảo vệ Trường Sa. Vũ khí, trang bị kỹ thuật được tăng cường, công trình chiến đấu được tập trung xây dựng.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai nhiệm vụ tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa, trong đó có ưu tiên củng cố công trình trên các đảo chìm và bổ sung thêm công trình trên các đảo nổi, đẩy mạnh chiến dịch Bảo vệ chủ quyền Trường Sa "CQ 88".

Xây dựng nhà C1 - Những Pháo đài vững chắc trên các  "đảo chìm" ở Biển Đông

Để tăng cường thế trận phòng thủ, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định xây dựng các Nhà C1 trên các đảo chìm ngay trong năm 1988.

Phòng Công binh Hải quân khẩn trương triển khai nhiệm vụ. Trên cơ sở nhà C1 đầu tiên đã xây dựng năm 1987 tại Thuyền Chài, được bổ sung thêm cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và vững chắc hơn. Kết cấu bê tông cốt thép đổ tại chỗ kết hợp xây đá chẻ và bê tông cốt thép lắp ghép. Nhà C1 vừa là công trình chiến đấu vừa kết hợp kho vũ khí, hậu cần, vừa là nhà ở cho bộ đội. Có hầm chứa nước ngọt vững chắc, có hầm chống được bom đạn của địch để bảo toàn lực lượng, có công sự chiến đấu vững chắc,  công sự bảo đảm, các công trình sinh hoạt của bộ đội.

Trước yêu cầu cấp bách cần xây dựng các Nhà C1 bảo vệ các "đảo chìm ", Quân chủng Hải quân đã báo cáo lên cấp trên đề nghị bảo đảm nguồn lực đầu tư xây dựng lớn. Bộ Chính trị có nghị quyết, Thường trực Ban bí thư có chỉ thị, Hội đồng Bộ trưởng có quyết định, từ tháng 6 năm 1988, các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Quảng Ninh, Bình Trị Thiên, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, mỗi địa phương đảm nhiệm làm 1 nhà C1 ở "đảo chìm" trên quần đảo Trường Sa.

Để xây dựng các nhà C1, mỗi nhà cần khoảng gần 3.000 tấn vật liệu, kinh phí của địa phương, tàu vận tải của các địa phương, mỗi công trình cần khoảng 100 công nhân của địa phương ra xây dựng. Nhu cầu cần số lượng cán bộ kỹ thuật cao, ngoài Phòng Công binh Hải quân, Ban Công bịnh Vùng 4, hai trung đoàn Công binh 83 và 131, Bộ Tư lệnh Hải quân còn điều động thêm các kỹ sư của Phòng Xây dựng cơ bản, Phòng Doanh trại, Vùng 1, Nhà máy Ba Son tăng cường ra hướng dẫn kỹ thuật. Lực lượng công binh Hải quân hỗ trợ một số địa phương về nhân lực trực tiếp xây dựng. Do rất nhiều khó khăn nên có 5 / 8 tỉnh thành tham gia xây dựng nhà C1, trong đó có 3 tỉnh hoàn thành trong năm 1988 gồm:  Quảng Nam - Đà Nẵng ở Tốc Tan, Nghĩa Bình ở Đá Lớn, Bình - Trị - Thiên ở Đá Nam.

Nghĩa Bình đảm nhiệm xây dựng nhà C1 ở Đá Lớn C, tỉnh huy động  5 chiếc tàu chở vật liệu và 100 công nhân. Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho Trung đoàn 83 tổ chức một phân đội 35 cán bộ chiến sĩ ra phối hợp xây dựng. Công trình hoàn thành theo kế hoạch.

Nhà C1 ở Đá Nam do Bình-Trị-Thiên xây dựng hoàn thành vào tháng 9 đến tháng 10 năm 1988 bị sóng lớn đánh vào làm hư hỏng rất nặng. Trung đoàn 83 nhận nhiệm vụ ra sửa chữa. Thi công vào tháng 10, 11 gặp cơn bão số 6 ở Trường Sa vô cùng gian nan nguy hiểm. Trên đường về lại gặp bão, sóng dập cho say mềm hết cả, đến đảo Trường Sa Đông tàu lại mắc cạn phải dừng lại, lương thực cạn, quần áo ướt hết, một chuyến đi vô cùng gian nan nguy hiểm của đơn vị thuộc Trung đoàn Công binh 83.

Tỉnh Phú-Khánh làm nhà Thuyền Chài, do rất nhiều khó khăn về lực lượng xây dựng và vận tải, triển khai từ năm 1988 sang năm 1989 mới thi công và hoàn thành công trình.

Hải Phòng đảm nhiệm xây dựng nhà C1 ở Đá Đông. Khó khăn của Hải phòng là không điều được tàu ra Trường Sa. Đến tháng 5 tháng 1989, Hải Phòng vẫn không điều được tàu, sau đó đã phải thuê tàu Sông Côn của Nghĩa Bình để đưa vật liệu và đội thi công của Công ty Xây lắp Hải Phòng ra Trường Sa làm nhiệm vụ.... Khi thi công xong, tàu Hải quân đưa đoàn vào đất liền.

Năm 1988, Trung đoàn 131 hoàn thành hành 5 nhà C1: Nhà tại đảo Tiên Lữ, Núi Le, Đá Lớn, Đá Đông, Đá Lát. Cả 5 nhà C1 các đơn vị đều thi công vượt Tiến độ thi công và  đảm bảo chất lượng công trình .

Khối lượng vận chuyển ra đảo rất lớn, với hơn 40.000 tấn. Quân chủng Hải quân đã huy động lực lượng tàu vận tải của Hải quân gồm Lữ đoàn 125 trực thuộc Quân chủng, các tàu thuộc Vùng 4, Lữ đoàn 649 của Tổng cục Hậu cần phối hợp.

Nhà nước điều các tàu vận tải Sông Thao, Hạ Long 01, Bạch Đằng 18 cho Hải quân.

Liên Xô viện trợ cho Hải quân 1 tàu kéo 3000 CV, 1 tàu nước 1300 CV.

Huy động 6 pông tông của Bộ Giao thông Vận  tải. Nhà nước cấp vật tư để đóng 10 pông tông mới.

Chính phủ giao cho Bộ Tư lệnh Hải quân ký hợp đồng với các nhà máy đóng tàu vận tải 1.000 tấn, 980 CV biên chế cho Lữ đoàn 125, bắt đầu triển khai đóng  tàu Trường Sa. Với lực lượng vận tải được huy động cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vận chuyển xây dựng và bảo vệ Trường Sa.

Trong năm 1988 đã xây dựng được 8 nhà C1, kể cả nhà C 1 xây dựng trên đảo chìm Thuyền Chài năm 1987 là 9 nhà trên các "đảo .

Hai nhà kế hoạch xây dựng năm 1988, sang năm 1989 mới hoàn thành là Nhà C1 Thuyền Chài và Nhà C1 Đá Đông, tổng số là 11 nhà.

Với các nhà C1 được xây dựng, thế trận phòng thủ các đảo chìm đã được nâng lên một bước quan trọng.

 Tiếp tục xây dựng nhà C1 củng cố thế trận phòng thủ trên các đảo chìm 

Từ năm 1989 được nguồn vốn đầu tư của nhà nước trong Chương trình Biển Đông - Hải đảo, nhiệm vụ xây dựng nhà C1 chuyển sang giai đoạn mới. Trên cơ sở các nhà C1 xây dựng trong giai đoạn 1986-1988 điều chỉnh bổ sung thiết kế mở rộng thêm hành lang, chuyển kết cấu bê tông cốt thép lắp ghép sàn và mái nhà sang bê tông cốt thép đổ tại chỗ, tăng cường bê tông thanh lắp bảo vệ chân ta luy, năm 1992 bổ sung thêm ụ chống sóng cho chân ta luy. Từ năm 1993 trở đi, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, cho phép nâng cấp các nhà C1 đã xây dựng, bổ sung các nhà C1 ở một số điểm đảo cần thiết. Thiết kế mở rộng hành lang cơ động chiến đấu bên trong, tăng chiều dày lớp bê tông kháng lực, mạ kẽm cốt thép để tăng tuổi thọ cho công trình. Tăng diện tích nhà bếp, nhà kho. Các trang thiết bị, bàn ghế giường tủ gỗ tốt, 100% thiết bị, đinh vít, bản lề, ke cửa, đinh đóng đều làm bằng thép không gỉ, bảo đảm bền vững lâu dài.

Từ năm 1996 trở đi thiết kế nhà C1 được thay đổi cơ bản cả về kiến trúc và giải pháp kết cấu. Có 2 nhà cải tạo nhà C1 - 88 còn lại đều xây dựng nhà C1 mới bên cạnh nhà C1 cũ, cách nhau 50 mét, có cầu nối thông 2 nhà. Một số điểm đóng quân trên "đảo chìm" xây dựng cụm 2 - 3 nhà C1 liên kết với nhau bằng các đường hào bê tông cốt thép. Một số nhà C1 có sân đỗ cho máy bay trực thăng trên mái, một số điểm đảo có bãi đỗ trực thăng trong cụm nhà C1, tất cả các cụm nhà C1 có bến cập xuồng, khơi luồng cho xuồng cập bến thuận lợi.

Thiết kế nhà C1 tiếp tục được điều chỉnh bổ sung. Tăng cường chiều dày các lớp bê tông cốt thép khu vực phòng tránh cố thủ, chiến đấu, nâng cao sức sống cho công trình chống lại các loại bom đạn của địch tấn công. Tăng cường thêm các lô cốt, trận địa hoả lực vòng ngoài nhà để chiến đấu phòng không và chống đổ bộ đường biển. Hệ thống đường cơ động ngầm liên hoàn trong và ngoài nhà khép kín vững chắc. Tường bao quanh các tầng ở và sinh hoạt được làm bằng kết cấu bê tông cốt thép thay đá chẻ trước đây.

Với kiến trúc và kết cấu mới, Nhà C1 đã tăng cường rất nhiều khả năng bảo đảm chiến đấu giữ đảo.

Cải tiến khu vực ở, sinh hoạt của bộ đội các phòng vuông vắn, có phòng Hồ Chí Minh, nhà ăn khang trang, khu kho, bếp được mở rộng, có khu WC khép kín được cải tiến thêm cho thuận tiện . Các nhà C1 mới hoàn thiện đẹp, cả bên ngoài và bên trong, tạo thành doanh trại chính qui của phân đội giữ đảo trên Biển Đông.

Giai đoạn này triển khai đồng bộ  trên 24 điểm đóng quân của trên 12 "đảo chìm" và bãi cạn Phan Vinh. Mỗi nhà C1 khoảng 8.000 đến 10.000 tấn vật liệu phụ thuộc chiều sâu của vị trí  nhà trên bãi cạn san hô , thi công trên đảo chìm vô cùng khó khăn. Hai Trung đoàn sau là Lữ đoàn Công binh 83, 131 đã nghiên cứu biện pháp tổ chức thi công phù hợp để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lương công trình.

Lực lượng thi công mỗi khung khoảng 70 người tính toán đủ để thi công từ tháng 4 đến hết tháng 7 hoàn thành thu quân về trước mùa bão gió. Trung đoàn thông qua kế hoạch thi công rất chặt chẽ, kèm theo tiến độ cung cấp vật liệu từ trong bờ ra để Sở chỉ huy vận tải điều động tầu chở hàng cho hợp lý. Có hai hạng mục thi công bê tông trong môi trường ngập nước đó là bể chứa nước ngọt và ụ tiêu sóng. Cả hai hạng mục đều tính toán chọn thời điểm khi thuỷ triều thấp nhất để thi công. Trong đó nhiều nhà C1 ngập nước khá sâu không thể thi công ụ tiêu sóng trong môi trường khô, đã áp dụng thi công bằng phương pháp vữa dâng ứng dụng rót hỗn hợp bê tông khô theo máng. Tường thành các tầng rất dầy, khối lượng bê tông lớn, mặt bằng chật hẹp nên phải chia tổ thi công bê tông liên tục hai ba ca để bảo đảm bê tông liền khối hoặc phải tính toán mạch ngừng cho hợp lý. Khối lượng công việc thi công một công trình nhà C1 rất lớn, khung xây dựng tổ chức lao động liên tục từ khi ra đảo đến khi thu quân vào bờ không ngừng nghỉ. Trang thiết bị sinh hoạt được sản xuất đồng bộ khi công trình sắp hoàn thành đưa ra để lắp đặt.

Tổng cộng từ năm 1987 đến năm 2013 đã xây dựng 35 nhà C1 trên 12 "đảo chìm" và bãi cạn Phan Vinh với 24 điềm đóng quân.

- 6 "đảo chìm" mỗi đảo có 1 điểm đóng quân gồm: Đá Nam, Đá Thị, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Đá Lát và 1 điểm trên bãi cạn đảo nổi Phan Vinh.

- 1 "đảo chìm"  có 2 điểm đóng quân là Núi Le

- 5 "Đảo chìm" mỗi đảo có 3 điểm đóng quân gồm: Đá Lớn, Tốc Tan, Đá Tây, Đá Đông, Thuyền Chài.

Mỗi điểm đóng quân trên đảo chìm có 1; 2; 3 nhà C1 được bố trí theo yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ đảo.

Tổng số 35 nhà C1, có 10 nhà xây dựng mới kiên cố, còn 25 nhà xây dựng trước được cải tạo, nâng cấp. Trong đó có 10 nhà được cải tạo giai đoạn 1, 10 nhà cải tạo giai đoạn 2, 12 nhà được nâng cấp sủa chữa. Trong đó có 7 nhà C1 được xây dựng mới và nâng cấp với với qui mô lớn hơn, độ kiên cố rất cao ở Phan Vinh A và B, Tốc Tan, Núi Le, Đá Đông, Đá Tây, Đá Lớn. Có 3 nhà C1 có sân bay trực thăng trên nóc ở Thuyền Chài, Đá Lớn, Tốc Tan. Có hai cụm nhà xây dựng bãi đỗ trực thăng trên nền san hô ở Đá Lớn và bãi cạn Phan Vinh.

Các công trình nhà C1 như những pháo đài vững chắc sừng sững giữa Biển Đông, lá cờ đỏ sao vàng tung bay in hình trên trời xanh biểu hiện chủ quyền của Tổ quốc ta. Thật tự hào, với trí tuệ, công sức của quân và dân ta mà trực tiếp nhất là bộ đội Công binh Hải quân đã xây dựng nên những công trình kê cao thềm Tổ quốc trên Biển Đông.

Hoàng Kiền

Tin liên quan

Tin mới nhất