Xuất bản Việt Nam với phát triển văn hóa đọc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một nhận định: “Số sách vở nhiều hay ít cũng chứng tỏ trình độ văn hóa của một dân tộc thấp hay cao”. Bảy mươi năm qua, ngành xuất bản Việt Nam đã không ngừng phát triển và đóng góp một phần to lớn vào tiến trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

Trong các yếu tố tác động đến sự phát triển của văn hóa đọc, hoạt động xuất bản đóng một vai trò quan trọng. Không có một số lượng sách phong phú và có chất  lượng được xuất bản thì không thể nói tới phát triển văn hóa đọc. Vì vậy, tại nhiều  quốc gia, số lượng sách được xuất bản hằng năm đã được xác định là một chỉ số quan trọng đánh giá trình độ phát triển văn hóa nói chung và văn hóa đọc nói riêng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một nhận định: “Số sách vở nhiều hay  ít cũng chứng tỏ trình độ văn hóa của một dân tộc thấp hay cao”. Bảy mươi năm qua, ngành xuất bản Việt Nam đã không ngừng phát triển và đóng góp một phần to lớn vào tiến trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

Theo phân công của Ban Tổ chức Hội thảo quốc gia “Xuất bản Việt Nam - 70  năm xây dựng và phát triển”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trình bày tham luận với nội dung gồm 3 phần:

-  Hoạt động xuất bản góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Hoạt động xuất bản với những đóng góp trong phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

- Một số giải pháp nâng cao chất lượng xuất bản phẩm góp phần phát triển văn hóa đọc.

Xuất bản Việt Nam với phát triển văn hóa đọc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - 1

Hội thảo “Xuất bản Việt Nam - 70  năm xây dựng và phát triển”

I- HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN  GÓP PHẦN XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM  TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cơ chế, chính sách phát triển hoạt động xuất bản đã được hình thành và được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật. Sứ mệnh của hoạt động xuất bản đã được quy định trong Luật Xuất bản và một số văn bản có liên quan. Điều 3 Luật Xuất bản năm 2012 đã xác định: “Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa  văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh chống mọi tư tưởng  và  hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Tiếp đó trong Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm: “Phát  triển  hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu về xuất bản phẩm của nhân dân, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Với việc thực thi Luật Xuất bản và Quy hoạch phát triển xuất bản, in và phát hành  xuất bản phẩm, ngành xuất bản đã tích cực phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đóng góp một phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Số lượng sách xuất bản hằng năm đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến đường  lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao dân trí, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Xuất bản Việt Nam với phát triển văn hóa đọc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - 2

Luật Xuất bản

70 năm qua, những người làm công tác xuất bản đã không ngừng đổi mới tư duy, bắt nhịp thời cuộc. Nhờ có sự đổi mới căn bản về hoạt động xuất bản và công tác phát hành, trong những năm qua ngành xuất bản vẫn giữ được sự ổn định và có sự tăng trưởng cả về số đầu sách và số bản. Nếu như trong suốt 9 năm kháng chiến, ngành xuất bản mới chỉ xuất bản được 8.687.000 bản sách1 thì đến nay số lượng sách được xuất bản hằng năm đã tăng trưởng hơn 40 lần. Chỉ trong vòng 10 năm gần đây (từ năm 2012 đến năm 2021) số lượng xuất bản phẩm đã tăng gấp 2 lần mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19: Từ 16.500 đầu sách với gần 190 triệu bản (năm 2012) đã tăng lên 32.948 đầu sách với gần 400.610.118 bản (năm 2021). Chính nguồn sách xuất bản phong phú này đã thể hiện trình độ văn hóa của dân tộc ta được nâng cao và phát triển hằng năm.

Trong các giai đoạn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng phát triển đất nước, các xuất bản phẩm đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành lý tưởng sống cho bao thế hệ bạn đọc. Những cô gái, chàng trai như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc cùng bao chàng trai, cô gái ra mặt trận với quyển sách trong ba lô vững niềm tin đi vào cuộc chiến không quản ngại hy sinh. Năm 2015, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng kết về chặng đường xây dựng và phát triển của ngành văn hóa Việt Nam đã khẳng định: có hai phong trào góp phần quan trọng vào chiến thắng đế quốc Mỹ, đó là phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” và “Đọc sách có hướng dẫn”. Từ những cuốn sách được xuất bản, các thư viện đã tích cực giới thiệu đến bạn đọc để hình thành nên nền tảng tri thức và lý tưởng cách mạng.

Trong tiến trình phát triển 70 năm của ngành xuất bản, các nhà xuất bản thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đóng góp một phần không nhỏ, có thể kể đến: Nhà xuất bản Thế giới, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch và trước đây còn có Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin. Ra đời trong những ngày tháng khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trưởng thành qua các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hơn 70 năm qua, Nhà xuất bản Văn học luôn đồng hành cùng những biến động của đất nước, hòa chung nhịp thở của đời sống nhân dân và phong trào văn nghệ cả nước.

Xuất bản Việt Nam với phát triển văn hóa đọc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - 3

“Triển lãm chuyên đề Xuất bản Việt Nam 70 năm xây dựng và phát triển”

Nhà xuất bản Văn học đã công bố nhiều tác phẩm văn học có giá trị từ cổ đại đến hiện đại của Việt Nam và các nước trên thế giới, phục vụ cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác, phê bình văn học nghệ thuật và đông đảo các tầng lớp bạn đọc nhằm thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận tri thức, nâng cao văn hóa và làm phong phú hơn đời sống tinh thần, góp phần hình thành, phát triển nhân cách con người mới, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Với những đặc thù riêng, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc đã xuất bản, in, phát hành các xuất bản phẩm về: văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số; đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân tộc và văn hóa dân tộc, nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phổ biến kiến thức để nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên các mặt chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, kinh tế, khoa học - kỹ thuật; tuyển chọn giới thiệu những tinh hoa văn hóa các dân tộc trên thế giới nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhà xuất bản Thế giới đã tích cực xuất bản, in ấn, phát hành các xuất bản phẩm bằng tiếng nước ngoài, song ngữ hoặc tiếng Việt để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước, giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam với thế giới.

Mỗi nhà xuất bản, tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của mình đều có những đóng góp tích cực không chỉ bảo tồn, phát huy và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn giúp cho người đọc mở mang hiểu biết, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và dân tộc.

II- HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN VỚI NHỮNG ĐÓNG GÓP TRONG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC Ở VIỆT NAM

Công tác xuất bản trong nhiều năm qua đã gắn liền với việc phát triển văn hóa đọc. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định: “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi... Đến năm 2010, phấn đấu đưa sách đến cấp huyện và đưa sách đến phần lớn các xã để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm. Tập trung củng cố và phát triển hệ thống thư viện, các loại phòng đọc, trước hết là ở cơ sở...”.

Nội dung và chất lượng xuất bản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu đọc của các độc giả. Thực tế đã chứng minh, ngành xuất bản sách đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc. Ngành xuất bản và phát hành sách phát triển sẽ là nền tảng, là cơ sở cho phát triển văn hóa đọc. Mối quan hệ giữa xuất bản và văn hóa đọc là mối quan hệ biện chứng: khi ngành xuất bản phát triển, nhiều sách hay, sách đẹp với nhiều định dạng khác nhau: sách in, sách điện tử, sách nói, sách đa phương tiện được phát hành đến tay người đọc sẽ tạo sự hứng thú, say mê đọc sách, làm tiền đề thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.

Sau khi Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017, các thư viện đã phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản trong việc đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sách, xuất bản phẩm đến với công chúng, bạn đọc, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, tọa đàm giới thiệu tác giả, tác phẩm... ngay tại thư viện. Thư viện đã trở thành cầu nối giữa nhà xuất bản, tác giả, tác phẩm với bạn đọc.

Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức được giải thưởng sách hay sách đẹp có ý nghĩa hằng năm. Trước đó Hội Xuất bản Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức hoạt động này. Giải thưởng Sách quốc gia đã vinh danh nhiều cuốn sách hay, sách đẹp. Tuy nhiên, giải thưởng chỉ là bước đệm cho chuỗi hành trình khó nhọc tiếp theo để sách đến được tay nhiều độc giả. Có thể nhận thấy: Giải thưởng Sách quốc gia không chỉ là dịp tôn vinh các cuốn sách có giá trị cao về nội dung, tư tưởng, thẩm mỹ mà còn tạo nên hiệu ứng, sự quan tâm, chú ý của người đọc thông qua công luận.

Bên cạnh đó, những năm qua, ngành xuất bản đã có nhiều chương trình phối hợp chặt chẽ với ngành thư viện thông qua việc tổ chức nhiều sự kiện tôn vinh văn hóa đọc, bồi dưỡng hình thành tình yêu đọc sách. Các hoạt động khuyến đọc và cung cấp xuất bản phẩm đã được tổ chức dưới nhiều hình thức: trực tiếp và trực tuyến, tạo ra một môi trường đọc thân thiện, hấp dẫn. Nhờ đó, văn hóa đọc đã không ngừng được lan tỏa, phát triển. Những ngày hội sách và văn hóa đọc thu hút hàng vạn người tham gia. Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh chân thực, sinh động công cuộc xây dựng đất nước và đời sống của nhân dân thông qua những tác phẩm có giá trị về khoa học, nghệ thuật, có tư tưởng lành mạnh và giàu tính nhân văn, bạn đọc đã được tiếp cận với tinh hoa của nền văn hóa dân tộc và của các nền văn hóa khác trên toàn thế giới.

Quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới trong phát triển văn hóa đọc cũng được đẩy mạnh thông qua nghiên cứu, trao đổi và giao lưu nhằm quảng bá, giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị của Việt Nam tới độc giả khắp thế giới, đồng thời chọn lựa, giới thiệu đến bạn đọc trong nước những tinh hoa của khoa học, văn học nghệ thuật của thế giới.

Xuất bản Việt Nam với phát triển văn hóa đọc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - 4

Ngành xuất bản sách đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc.

III- MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA NGÀNH XUẤT BẢN TRONG XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC

1. Nâng cao chất lượng công tác xuất bản

Đây là một giải pháp rất quan trọng. Để làm được điều đó, các nhà xuất bản, đơn vị làm sách cần chú trọng và quan tâm một số nội dung sau:

- Đào tạo đội ngũ dịch giả, biên tập để bảo đảm chất lượng cả về nội dung và hình thức, phù hợp với văn hóa Việt Nam: Để nâng cao chất lượng công tác xuất bản, trước hết cần nâng cao năng lực của biên tập viên, cộng tác viên các nhà xuất bản, của chuyên viên đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu thuộc Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sở Thông tin và Truyền thông của các tỉnh, thành phố. Thời gian qua, hiện tượng một số cuốn sách, xuất bản phẩm, nhất là sách dịch, vi phạm Luật Xuất bản một cách tinh vi vẫn được phát hành, cho thấy bên cạnh việc còn nhiều hạn chế về số lượng, có lẽ đội ngũ này còn thiếu chuyên gia am hiểu về mỗi lĩnh vực xã hội, về mỗi tác giả, mỗi xu hướng tư tưởng, văn hóa - nghệ thuật... cụ thể. Nếu đúng vậy, cần sớm kiện toàn, vì đó là những người đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự có mặt của sách và xuất bản phẩm trong đời sống.

- Chú trọng truyền thông, quảng bá sách, giúp bạn đọc có được thông tin đúng đắn về tác phẩm; lựa chọn được tác phẩm có giá trị.

- Chú trọng công tác khai thác bản quyền để có được đầu sách tốt, phù hợp, có ý nghĩa nhân văn, giáo dục hoặc giải trí lành mạnh.

2. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản

- Có biện pháp để ngăn chặn tình trạng xuất bản phẩm không có bản quyền, đem lại sự công bằng cho những người làm sách nghiêm túc, cũng như giúp bảo đảm chất lượng ấn phẩm đối với người tiêu dùng.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết triệt để nạn in lậu sách, bảo vệ quyền lợi của tác giả, dịch giả, nhà xuất bản cũng như bạn đọc.

- Rà soát, xây dựng, ban hành và sửa đổi những cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động xuất bản phù hợp với các quy định của Luật Xuất bản năm 2012, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

- Cần có cơ chế cạnh tranh, đấu thầu việc in ấn các loại sách có được nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước để giảm giá thành sách.

3. Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông

Trong thời gian tới, hai Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung vào việc thúc đẩy một số nội dung sau:

- Đẩy mạnh truyền thông quảng bá các xuất bản phẩm; phối hợp tổ chức các sự kiện trọng đại của dân tộc gắn với việc đọc và tôn vinh văn hóa đọc.

- Tăng cường các sách đặt hàng đối với các nhà xuất bản thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sách lưu chiểu cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, chuyển giao các xuất bản phẩm địa phương cho các thư viện tỉnh, thành phố lưu giữ lâu dài các di sản văn hóa thành văn của dân tộc và của các địa phương.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tin liên quan

Tin mới nhất