Tô điểm “vườn hoa âm nhạc” đầy hương sắc

Với mong muốn lưu giữ, lan tỏa giá trị âm nhạc của vùng đất Hà Tây xưa, Hà Nội nay, mới đây nhà báo, nhạc sĩ Phan Phương (bút danh Fan Fương, hiện công tác tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) đã sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Hà Tây xưa dòng sông âm nhạc vẫn mênh mang” (NXB Dân trí).

Cuốn sách dày dặn với gần 200 trang đã tập hợp có hệ thống 116 ca khúc của nhiều tác giả sáng tác về Hà Tây qua các thời kỳ, trong đó có những ca khúc rất đỗi gần gũi, quen thuộc như: “Hà Tây quê lụa”, “Áo lụa Hà Đông”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”, “Về Hà Tây đi em”… Có lẽ trong các tỉnh, thành phố trên dải đất hình chữ S thì không nhiều nơi có được nhiều sáng tác như Hà Tây. Đặc biệt trong đó có những tên tuổi lớn của nền âm nhạc nước nhà, như: Nguyễn Xuân Khoát, Hoàng Vân, Lê Yên, Trần Hoàn, Trần Chung, Phạm Duy, Phạm Tuyên, Văn Ký… mà họ phần nhiều không phải sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này. Điều đó cho thấy sức hút lạ kỳ của dòng sông Đáy thơ mộng, của những bờ đê xanh ngút ngàn, của những làng nghề truyền thống… và nhất là sự mến khách, chân thành của người dân nơi đây đã là nguồn cảm hứng bất tận, dồi dào cho các nhạc sĩ.

Tô điểm “vườn hoa âm nhạc” đầy hương sắc - 1
Nhà báo, nhạc sĩ Phan Phương.

Tập sách chia làm 3 phần lấy cảm hứng từ cảnh sắc thiên nhiên, phong tục tập quán cùng những thành tựu về phát triển kinh tế và đời sống từ khi bắt đầu thành lập tỉnh đến thời kỳ Đổi mới, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về Hà Tây đã ra đời. Trong đó, do tính đặc thù của âm nhạc, nhiều ca khúc viết về mọi mặt của tỉnh đã từng nhanh chóng được phổ biến, truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, một phần những ca khúc đó được nhắc đến trong tập sách này. Tồn tại trên địa giới hành chính 27 năm với cái tên Hà Tây, năm 2008 toàn bộ tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội và cũng bởi thế mà văn hóa tâm linh, văn hóa làng nghề và văn hóa các dân tộc của mảnh đất này đã giao thoa và hòa nhập với văn hóa lõi của Thăng Long để hình thành vùng văn hóa đặc sắc của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Thế nhưng, các nhạc sĩ thì vẫn đang tiếp tục miệt mài sáng tác để cho ra những tác phẩm âm nhạc mới mà những cảm xúc sáng tạo của họ đối với vùng đất Hà Tây xưa vẫn còn rất dồi dào.

Tô điểm “vườn hoa âm nhạc” đầy hương sắc - 2
Bìa cuốn sách “Hà Tây xưa dòng sông âm nhạc vẫn mênh mang”

Trong số hàng trăm ca khúc về mảnh đất Hà Tây có lẽ “Hà Tây quê lụa” của tác giả đến từ xứ sở “hoa vàng cỏ xanh” Phú Yên Nhật Lai luôn ở vị trí đầu bảng. Và đặc biệt hơn với tiếng hát của Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương – một người con của mảnh đất cố đô Hoa Lư, đã trở thành nhạc hiệu của Đài PT-TH Hà Tây trong suốt nhiều năm. Một sản phẩm âm nhạc đến từ những “vị khách” nhưng đã “đánh đúng, đánh trúng” vào trái tim của không chỉ người dân Hà Tây và còn là người dân cả nước. Đó cũng là ca khúc mà tác giả của tập sách này đã trân trọng xếp ở vị trí đầu tiên trong chuỗi các ca khúc về Hà Tây.

Tất cả ca khúc của các tác giả trong tập sách này đều có những nét đẹp riêng, ý nghĩa riêng như một “vườn hoa âm nhạc” đầy hương sắc, khiến chỉ mới lướt qua ai cũng muốn một lần về thăm Hà Tây xưa đúng như giai điệu và lời ca tha thiết trong ca khúc kết thúc tập sách này - một ca khúc trữ tình vừa như lưu luyến, vừa như rủ rê, vừa như mời gọi - đó là bài “Về Hà Tây đi em” của nhạc sĩ Đoàn Bổng – một người con của mảnh đất Hà Tây. Dù nay tỉnh Hà Tây không còn tồn tại trên địa giới hành chính nhưng những ca khúc về vùng đất này thì vẫn có sức sống lâu bền cùng thời gian và là niềm tự hào lớn lao của người dân quê lụa mỗi khi hát lên.

Theo QĐND
None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.