Tóm lược những lời phát biểu tại Tọa đàm Phim và những thông điệp văn hóa Đại thi hào Nguyễn Du

(Arttimes) - Tọa đàm “Phim và những thông điệp văn hóa Đại thi hào Nguyễn Du” tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp.

PGS. TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam:

Cảm giác đầu tiên của tôi đây là một công trình rất công phu, trong đó chứa đựng hàm lượng văn hóa rất cao. Đây là công trình nghệ thuật mang tính tập thể, ở đó chọn lựa được rất nhiều chi tiết, chọn lựa được những khúc thời gian của lịch sử đất nước dân tộc gắn liền với Đại thi hào Nguyễn Du từ thuở thiếu thời đến khi từ giã cõi đời. Tôi nghĩ đây là tác phẩm có ý nghĩa rất tốt trong thời đại ngày nay, đề cao vai trò của văn hóa.

Về âm nhạc rất tốt, nhẹ nhàng, phù hợp với diễn biến và khung cảnh phim.

Tóm lược những lời phát biểu tại Tọa đàm Phim và những thông điệp văn hóa Đại thi hào Nguyễn Du - 1
PGS, TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng hoa đoàn làm phim 

Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam:

Hôm nay là lần thứ hai tôi được xem lại bộ phim tài liệu truyện Đại thi hào Nguyễn Du. Cũng là để tự trải nghiệm cảm giác vì sao qua 180 phút mà bộ phim vẫn làm mình xúc động và có chút đắm say đến vậy ! Đã có một số phim tư liệu về Thi hào Nguyễn Du ra đời, nhưng phải đến bộ phim có dung lượng đồ sộ này, tôi mới cảm nhận được sức lay động, cuốn hút từ những thông điệp văn hóa gửi gắm qua từng thước phim theo thể tài mới lạ ở Việt Nam: Phim tài liệu truyện - nghệ thuật. Thành công xuất sắc của một bộ phim tài liệu nghệ thuật bắt nguồn từ sự cẩn trọng, kỳ công xây dựng kịch bản, kỳ công lựa tìm diễn viên, kỳ công tìm chọn trường ghi hình cùng sự đồng vọng, ủng hộ của các cấp lãnh đạo của chính quyền các tỉnh Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Thái Bình và cộng đồng dân chúng. Từng lời thoại của các nhân vật dường như không năm ngoài ý tưởng hay chính lời thơ của Nguyễn. Hợp lý và sâu sắc, sinh động đến thú vị. Gần ba năm đầu tư sức lực, kinh phí để làm một bộ phim tâm huyết của chủ đầu tư, đạo diễn, cùng nhóm xây dựng kịch bản và dàn diễn viên tài năng đã được đáp ứng bằng thành quả nghệ thuật đáng trân trọng này. Cứ nghĩ rằng, dường như mỗi người Việt Nam đã và đang có một chân dung Nguyễn Du trong tâm trí mình, tưởng đã quá ư quen thuộc, nhưng đến với bộ phim đồ sộ này, chắc chắn vẫn nhận được cái mới lạ, hấp dẫn và nhiều điều bổ ích vô giá khác. Được biết, bộ phim Đại thi hào Nguyễn Du đã và đang trên đường nhập cuộc tranh tài tại Liên hoan phim toàn quốc tại Cố đô Huế sắp tới. Xin chúc mừng và cầu mong mọi sự tốt lành đến với những người con có tấm lòng thành với Di sản và cuộc đời của Danh nhân văn hóa Thế giới  - Đại thi hào Nguyễn Du.

Theo nhà Kiều học Trần Đình Tuấn – Chủ biên kịch bản:

Dòng họ Nguyễn Tiên Điền là một trong những dòng họ điển hình và danh giá xứ Nghệ, cho nên chúng tôi rất thận trọng trong công tác tìm kiếm tài liệu. May mắn là có những tài liệu quý, bằng rất nhiều nguồn chúng tôi đã tình cờ phát hiện được, hay cũng từ những bạn đồng nghiệp mà có những tài liệu rất ít được chú ý đến, và khi chúng tôi đưa lên màn hình thì cũng làm cho nhiều người thấy ngỡ ngàng.

Đơn cử tư liệu về Gia Huấn Ca của dòng họ Nguyễn Tiên Điền qua một bài nghiên cứu đăng trên một tạp chí, có cả nguyên bản chữ Nôm, rất có giá trị khi dùng để hình dung tổng thể văn hóa của một dòng họ. Trong Truyện Kiều có một câu rất hay thường được nhắc đến là: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mấy bằng ba chữ tài”, để hiểu gốc tích câu này và  tại sao nhà thơ lại có ý tưởng như thế? Có thể hiểu là Gia Huấn Ca của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, ngay từ câu mở đầu đã ghi: “Thiện lương là quốc bảo / Kinh sử ở Tiên Điền”. Điều đó đã gợi lên cho chúng tôi cả về văn hóa của một dòng họ, cũng như nhiều dòng họ của Việt Nam cũng lấy đạo tích thiện làm nền tảng của gia huấn hay là gia quy”.

Tiến sĩ Phạm Xuân Mừng - Nhà sản xuất (chủ đầu tư):

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, tôi muốn làm một việc gì đó để tưởng nhớ đến cụ - Đại thi hào dân tộc Việt Nam và danh nhân văn hóa thế giới. Đặc biệt, thông qua việc làm phim tôi muốn gửi đến mọi người một thông điệp: “Hãy quan tâm hơn đến văn hóa dân tộc, đến những giá trị văn hóa cốt lõi”.

Để có được những thước phim sống động, sát với lịch sử, đoàn làm phim đã rất công phu trong việc thu thập tư liệu lịch sử, thậm chí vấn đề tư liệu lịch sử là nỗi niềm trăn trở của cả đoàn làm phim trong quá trình thực hiện bộ phim Đại thi hào Nguyễn Du. Có được thành công bước đầu như ngày hôm nay là một sự cố gắng, lao động vất vả hơn ba năm trời. Phim tài liệu truyện là một thể loại mới ở Việt Nam, còn đối với thế giới đã phát triển từ lâu.

Cha tôi một người nông dân gần như đã thuộc làu Truyện Kiều và ông thường lấy Truyện Kiều để răn dạy con cháu. Chính từ tình cảm đó đã truyền lại cho tôi sự ngưỡng mộ vô cùng về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Tin rằng, công chúng sẽ đón nhận phim và trân trọng những gì chúng tôi đã làm. Tôi chỉ mong ước sau khi xem phim, mọi người thêm yêu quý Nguyễn Du và Truyện Kiều cũng như những tác phẩm bất hủ khác của đại thi hào.

Nhiều người hỏi tôi: Ông bỏ ra kinh phí tương đối lớn (gần 15 tỷ đồng) để làm bộ phim tài liệu, thu lại số tiền này đã khó nói gì đến có lãi? Mục đích chính của tôi là được thỏa mãn mong ước của mình, là được làm một cái gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời. Mặt khác, bộ phim được xây dựng hết sức cẩn thận, công phu, và nghiêm túc, dễ đi vào lòng người. Là người con của quê hương Hà Tĩnh, từ tấm bé tôi đã rất yêu Truyện Kiều và kính trọng tài đức của cụ Nguyễn Du.  Đặc biệt, bộ phim này cần được đưa vào hệ thống nhà trường để công chiếu cho học sinh, sinh viên xem và học tập. Đấy là điều chúng tôi mong muốn nhất .

Đạo diễn Nguyễn Văn Đức

Trước năm 2018  tình cờ tôi xem được bộ phim Tài liệu về Đại thi hào Nguyễn Du trên VTV1. Rồi sau đó vào Youtube tôi xem được thêm vài phim Tài liệu khác cũng làm về Đại thi hào Nguyễn Du. Với cảm nhận cá nhân những nhà làm phim đã hết sức cô gắng thể hiện thông qua nghiệp vụ chuyên môn, xong phim vẫn không có sự mới mẻ và lôi cuốn. Lúc đó tôi nghĩ nếu dùng phương pháp làm phim Tài liệu truyện (có diễn viên diễn xuất và phục dựng bối cảnh lịch sử) thì sẽ hay và gây được cảm xúc với người xem.    

Những khó khăn, thuận lợi trong quá trình quay bộ phim này?

- Khó khăn:

Trên khắp các bối cảnh ( Bích Câu - Thăng Long, Tiên Điền- Nghi Xuân- Hà Tĩnh, Từ Sơn - Bắc Ninh, Quỳnh Côi – Thái Bình - Huế …) nơi cụ Nguyễn Du sinh ra, làm việc, rồi mất không còn như xưa, do đó đoàn phim phải phục dựng lại hầu hết các bối cảnh đó.

 Thời gian trong phim trải qua ba triều đại: Cuôi thời kỳ Lê - Trịnh, Thời kỳ Tây Sơn và đầu thời kỳ Nhà Nguyễn, nhưng cơ bản phục trang vẫn gần như là của thời kỳ cuối Lê - Trịnh – Theo một số tư liệu đáng tin cậy nên đoàn phim đã căn cứ vào các dữ liệu lịch sử lúc bấy giờ để chọn trang phục đảm bảo tính lịch sử cao.

 Với diễn viên: Yêu cầu đầu tiên là diễn viên không có sự can thiệp của thẩm mỹ viện trên mặt ( đặc biệt đối với các nhân vật nữ). Ưu tiên những gương mặt mới lạ. Cố gắng đảm bảo hình thức tương ứng với các tầng lớp, đẳng cấp mà nhân vật thể hiện ( từ vua, quan, trí thức, học trò và quần chúng nhân dân lao động). Đặc biệt với hình ảnh Nguyễn Du vì thể hiện suốt quá trình từ khi Người sinh ra, lớn nên và tới lúc tạ thế, ( các lớp cắt về thời gian: Khi Nguyễn Du (5- 6)  tuổi; (8- 10) tuổi; (13 – 15) tuổi và (18 – 55) tuổi nên yêu cầu các diễn viên đảm bảo có nét hao hao giống nhau. Đoàn phim đã rất công phu tuyển chọn và đảm bảo được yêu cầu này. Với các hình tượng trong Truyện Kiều: Thúy Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Tú Bà, Kim Trong, Từ Hải … tuy chỉ là hình tượng được tưởng tượng trong tâm trí người đọc nhưng đoàn phim cũng cố gắng khắc họa và chọn diễn viên sao cho được gần gũi nhất có thể…

 Thời tiết và dịch bệnh cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sản xuất phim. Mưa gió, dịch cúm và cả dich COVID đã không buông tha những người làm phim.

Thuận lợi:

Đoàn phim đã nhận được sự ủng hộ rất lớn cả vật chất và tinh thần của các cấp lãnh đạo và nhân dân tại các bối cảnh quay như: (Hà Tĩnh – quê cha; Bắc Ninh – quê mẹ; Thái Bình – quê vợ; Thành phố Huế - nơi Nguyễn Du làm quan trong triều đình và một số địa phương khác…). Tất cả những người tham gia đoàn làm phim từ các nghệ sĩ đến các bộ phận sản xuất đều làm việc hết mình vì tình yêu mến, kính trọng Đại thi hào Nguyễn Du. Nhân dân tại các bối cảnh quay cũng nhiệt tình ủng hộ đoàn làm phim và mong mỏi sẽ được xem một bộ phim Tài liệu lịch sử tái hiện lại bằng câu chuyện có hình ảnh kể về cuộc đời Đại thi hào và tác phẩm Truyện Kiều.

 

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.