Trái tim mùa đông...

(Arttimes) - "Đường vào tim em ôi băng giá.Trời mùa Đông mây vẫn hay đi về. Vẫn mưa, mưa rơi trên đường thầm thì. Vì đâu mưa em không đến? Đường vào tim em mây giăng kín.Bàn chân anh chen lối đi không thành. Những đêm khuya mưa buồn một mình..."

...Nói thật ra ngày ấy, nếu tôi nghe lời mẹ tôi, đi học ở trường nhạc Hà Nội, thì tôi đã thành nghệ sỹ biểu diễn, cùng lứa với những Châu Sơn, Bùi Công Thành, Tạ Đôn, Phan Lạc Hoa, Kiều Minh, Mai Lâm, Lưu Minh, Doãn Tiến, Đoàn Chiến… Thế nhưng phần hồi nhỏ chưa hiểu hết sức quyến rũ của âm nhạc, lại thêm thấy cái cảnh những thằng Châu Sơn, Quốc Hùng cứ phải dừng con quay, đồng xèng đang chơi dở, ôm vội hộp đàn hớt ha hớt hải chạy ra nhảy tàu điện đi lên mãi tận Ô Chợ Dừa học trường nhạc, thấy ngại ngùng quá nên quyết không theo …

Tuy không học ở trường nhạc, nhưng với nhiều bạn học ở đây tôi lại thân lắm. Từ thuở ấu thơ ở trong khu văn công Mai Dịch, Cầu Giấy, với những Châu Sơn, Quốc Hùng (sau này thằng Hùng về Đoàn quân khu Tả ngạn). Rồi Kiều Minh, Mai Lâm, Tạ Đôn, Chung Hổ, Doãn Tần, Xuân Huỳnh… những ngày cùng nhau chung màu áo lính ( tôi Tổng cục Hậu cần và các bạn Tổng cục Chính trị). Riêng Kim Quang (tục gọi là Quang su hào) cũng thế hệ nghệ sỹ này, nhưng tôi chơi thân với nó lại trong một bối cảnh khác...

Kim Quang (Quang su hào) cũng học trường nhạc, đàn cello. Phải nói  khoa cello ngày ấy chẳng hiểu sao nhiều em xinh tươi thế. Như Thúy Lan vợ Bùi Công Thành, hay Vũ Hồng Ánh mà ông bạn họa sỹ  Mai Châu của tôi đeo đuổi suốt thời trai trẻ, rồi em Trần Thị Mơ  - Thái Nguyên cứ đàn lên là nghiêng nước nghiêng thành - nước đây là ông Dương Minh Đức, mà thành đây là ông Ngô Hoàng Quân.

Hồi đó, Kim Quang có một nhóm bạn thân, bao gồm Doãn Tiến và Phạm Cao Đạt, cùng là học sinh khoa dây. Tiến người Hải Phòng, học cello với Quang, còn Đạt người Thái Bình học violon. Nhưng tôi lọt vào nhóm bạn này, và sau rất thân với họ, lại vì tình yêu thơ văn. Tôi đi lính về, có làm thơ, dù làm thơ cũng ú ớ thôi, nhưng chẳng hiểu sao thằng Đạt, thằng Doãn Tiến lại thích. Thằng Doãn Tiến thì đã đành, vì nó chính là em ruột nhà thơ Thanh Tùng - tác giả Thời hoa đỏ nổi tiếng "Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ bước lặng trên con đường vắng năm nao". Tiến yêu thơ ca từ trong máu, và sau này mối tình đầu cũng với một em sinh viên cùng khoa văn với tôi. Thằng Đạt cũng yêu thơ ca lắm, hay làm thơ vào một cuốn sổ nhỏ ngả màu vàng khè. Sau này nó về Đoàn ca múa Tây Nguyên, ở đây có hai nhà thơ  nổi tiếng là Trúc Cương và Nguyễn Xuân Thâm, nhưng xem ra nó vẫn thích thơ tôi hơn , tối tối vẫn mong tôi vào khu văn công Cầu Giấy, pha trà đọc thơ cho nhau nghe.Thằng thứ ba trong tổ tam tam ấy chính là Quang su hào. Nói thật nó thì chẳng ham hố thơ ca gì, nhưng  lại đặc biệt thân với tôi vì nó là cháu ruột nữ nghệ sỹ Thanh Nga, người vợ đầu của nghệ sỹ Trung Kiên và là mẹ của nhạc sỹ Quốc Trung. Cô Thanh Nga đẹp và hát hay lắm, cùng nhà hát với mẹ tôi, cùng hát giọng soprano, cùng là lĩnh xướng của Acabela Ru con, và hai chị em yêu quý nhau như ruột thịt (Khi ấy chú Trung Kiên còn đi học ở Liên Xô, mỗi bận về phép vào đoàn thăm cô Thanh Nga, thì cô chú hay gặp nhau ở căn phòng nhỏ của mẹ tôi, như chú Mai Khanh và cô Lệ Chi những ngày trẻ yêu nhau).

Thằng Quang người nhỏ nhắn, lành hiền. Nó ở cùng cô chú Thanh Nga, Trung Kiên trong một ngôi nhà cổ ở phố Chợ Đuổi ( nay là phố Tuệ Tĩnh). Có lần tôi đến chơi, thấy nó ngồi kéo đàn, tiếng đàn mượt mà ngọt ngào lắm. Nói thật, có hai người làm tôi si mê và hiểu sức quyến rũ của đàn cello, chính là thằng Kim Quang này khi tiếng đàn nó vang lên, và một nữ nghệ sỹ là Thúy Lan( mẹ của  Bùi Công Duy). Khi em ngồi bên đàn, mái tóc xõa xuống và tiếng đàn bay lên, thì chính thức mà nói rằng:" Thôi rồi Lượm ơi"...

Có một lần tôi đến chơi với Kim Quang, lại không thấy nó tập đàn, mà rủ tôi đi ra phố. Hai thằng đi bộ từ Tuệ Tĩnh, qua hồ Ha Le, tới ngã tư Trần Hưng Đạo về hướng Cung hữu nghị Việt Xô. Nghĩ có lẽ tối nay Quang diễn ở đây, nên rủ mình ra xem tập. Nhưng lại không thấy rẽ vào Cung, mà rẽ  đi vào chùa Quán Sứ.. “Tao lên thăm mẹ” Quang nói với tôi. Thú thực tôi sững sờ. Thì hóa ra mẹ Quang đã lên chùa đi tu, từ khi bố Quang mất đi...

Quang và tôi  đứng đợi mẹ dưới cây đại ít phút thì mẹ Quang ra, là một sư bác trong sắc phục tu hành, áo nâu quần nâu. Gương mặt bà rất đẹp, phúc hậu, đôi mắt nhìn u buồn. Bà âu yếm nhìn con rất lâu, nghe Quang nói đôi điều gì đấy, rồi xoa đầu Quang. Quang cứ cúi đầu lặng lẽ nghe mẹ nói, nghe tay mẹ âu yếm xoa trên đầu mình. Còn trên mắt tôi một giọt nước mắt bỗng nhiên dào ra... Một lát sau, khi nghe mẹ nói "Thôi con về đi", Quang chào mẹ và cùng tôi ra về. Bà tiễn hai đứa ra tới cửa chùa, đứng nhìn theo con rất lâu. Còn Quang đi bên tôi lặng lẽ, nó nói mình ra hồ Ha Le ngồi chơi đi. Tôi biết nó tâm hồn đang xao động...

Sau buổi ấy, tôi càng thương mến Quang hơn. Vì cha mất, mẹ đã nương cửa Phật, dù có yêu thương con bao nhiêu, bà cũng không thể gần con, chăm sóc con. Thành ra Quang vẫn có mẹ mà luôn thiếu hơi ấm, thiếu bàn tay người mẹ. Một mái nhà dẫu nhà gianh vách đất, nhưng có hơi ấm của mẹ, có bóng mẹ cùng ánh đèn dầu hắt lên tường mỗi tối, một bữa cơm ngon có đĩa rau muống luộc, bát cà giòn tay mẹ xới cho ta - phải tay mẹ mới có thể là ngon - Quang đều không có. Thảo nào mắt nó hay đượm buồn, thảo nào nhiều cuộc vui nụ cười nó hay tắt nửa chừng, thảo nào nhiều đêm đi chơi về, nó cứ lủi thủi như không biết về đâu, dù chú Trung Kiên, cô Thanh Nga hết mực thương yêu nó...

 Có lẽ nó là người nghệ sỹ biểu diễn - những người luôn phải huyên náo, ồn ào và chói sáng dưới ánh đèn màu - nhưng cũng là kẻ đơn độc nhất, côi cút nhất giữa cuộc đời này.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi học bên sư phạm, còn các bạn học bên trường nhạc - chúng tôi chia tay nhau mỗi đứa về mỗi phương trời. Doãn Tiến về Nhà hát ca múa nhạc TW (sau này là Phó Giám đốc Nhà hát), Phạm Cao Đạt về Đoàn ca múa Tây Nguyên (sau này là Đoàn ca múa Kon Tum) và định cư ở Kon Tum. Kim Quang về Đoàn ca múa Bông Sen, vừa biểu diễn cello, vừa chơi ghi ta bass trong dàn nhạc nhẹ nổi tiếng của đoàn. Nó đã bắt đầu để tóc xõa ngang vai, quần jean, áo pull, giầy adidas thời trang, lên sân khấu chân nam đá chân xiêu lia lịa, khán giả trẻ Sài gòn thích lắm,và cũng từng đi diễn 5 châu 4 biển (nó được xếp vào những tay guitar bass hàng đầu Sài Gòn ngày ấy, cùng những Long Bass, Lý được, khôn như Ngọc Tân có thằng con trai duy nhất cũng gửi học đàn chú Quang). Lại thêm sân khấu Sài Gòn khác Hà Nội, dù tới hàng chục đoàn nghệ thuật nhưng đêm nào cũng phải đi biểu diễn, có đi diễn mới có “lương”, không như nghệ sỹ ngoài Bắc có biên chế, có lương tiền ổn định, chỉ đi biểu diễn theo kế hoạch lấy phục vụ chính trị làm đầu. Thành ra Kim Quang ở Bông Sen - Đoàn nghệ thuật nhà nước, nhưng dường như  365 đêm một năm là 365 đêm diễn, đêm nào cũng diễn, chỉ trừ một đêm là đêm giao thừa. Rồi trong nước ngoài nước, rồi liên hoan nghệ thuật này festival kia, chẳng mấy khi bạn rảnh rổi để chúng tôi đàn đúm hàn huyên, hoặc để bạn giao lưu với bên ngoài xã hội. Chỉ nghệ thuật, nghệ thuật và nghệ thuật, chỉ Bông Sen, Bông Sen và Bông Sen….

Thế rồi một ngày gần đây, điện thọai tôi bỗng reo lên, nhìn ra thấy tên Quang su hào. Mừng quá! Nó hỏi “Ông đang ở đâu đấy?”. Tôi chưa kịp trả lời thì nó hớn hở reo lên: “Ngày 4 này tao cưới vợ. Mày ra với tao nhé”. Tôi lặng đi, mừng quá. Vì hơn ai hết tôi hiểu những thăng trầm tình cảm của nó, số phận đơn côi của nó. Và hơn ai hết, tôi mong nó có một mái ấm gia đình, một bàn tay nấu cho nó một bữa cơm ngon, muối cho nó một quả cà giòn, luôc cho nó một đĩa rau xanh… Ừ, chỉ cần đơn giản thế thôi chứ cao lương mỹ vị nó đã từng có đầy.

Tôi không ra được, nên nhắn với những Giáp Thịnh, Chu Hoài Phương: Ngày mồng 4 này, tức ngày mai, một người bạn rất thân của chú, một nghệ sỹ  rất tài hoa và uyên bác là nghệ sỹ Nguyễn Hoàng Kim Quang sẽ lấy vợ - mà vợ của anh ấy là một giọng hát cổ điển rất xuất sắc, là nghệ sỹ ưu tú Mai Tuyết - Trưởng khoa Thanh nhạc của bọn cháu - Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật.  Chú Quang gọi chú ra dự, và nói nhất thiết chú phải lên sân khấu để đọc thơ mừng đám cưới. Nhưng thật tiếc là chú không ra được. Chú muốn nhờ Giáp Thịnh sẽ hát  mừng hôn lễ của bạn chú  O Sole Mio nhé. Lại nhờ Chu Hoài Phương hãy hát Bésame mucho - thay lời  chú tặng cho các bạn: “Yêu nhau đi/ mình không nên tiếc chi /Ta trao nhau muôn môi hôn đam mê và trong say đắm này/ Ta yêu nhau/ có trăng sao trên trời/ Chiếu muôn ngàn ánh soi tình ta bừng muôn sắc hồng”. 

Trái tim mùa đông... - 1

Vợ chồng Nghệ sĩ Kim Quang - Mai Tuyết

 Tôi cũng gửi lời ra Mai Tuyết, người nghệ sỹ trẻ cùng nhà hát năm xưa với mẹ tôi:  "Anh đã kể cho em và tất cả bạn bè nghe về cuộc đời và nghệ thuật của bạn anh, và từ hôm nay là người chồng yêu qúy của em. Anh chỉ xin em một điều, cuộc đời bạn anh là thế đấy, hiền lành, chân thật, tài hoa và đơn côi, chỉ mong cho mãi đến sau này, ở cuối chặng đường, bạn anh được cầm tay em và thốt lên rằng: “Cám ơn em, cám ơn em đã mang lại cho anh những hạnh phúc mà không một ai, không một người phụ nữ nào trên đời này có thể mang đến cho anh được”. Anh chỉ xin em một điều như thế với bạn anh thôi, Mai Tuyết nhé!

*

Mùa đông rồi, tôi nghe nói Hà Nội lạnh lắm. Tôi bảo với Bảo Long, con trai ca sỹ Ngọc Tân, nay là một ông chủ khách sạn ở Sài Gòn, và cũng là  môn đệ guitar bass, đệ tử ruột của Kim Quang rằng: “Thầy cháu bây giờ định cư ở Hà Nội rồi, không vào lại Sài Gòn với chú cháu mình nữa”. Thằng Bảo Long ớ ra ngạc nhiên, nhưng khi nghe tôi nói vì chú ấy đã lấy vợ ở Hà Nội, thì nó lại an tâm và mừng rỡ  lắm. Chẳng riêng gì Bảo Long, mà nhiều bạn bè Sài Gòn chung tâm trạng này. Quang su hào được rất nhiều bạn bè Sài Gòn yêu quý.

Quá nửa đời phiêu bạt, anh lại về úp mặt vào sông quê”. Thế đấy, Kim Quang cello bạn tôi... Nhưng quan trọng nhất, từ mùa đông này, bạn đã có một mái nhà ấm áp, một bếp lửa hồng thắp lên sưởi ấm cuộc đời mình. Tôi đồ rằng đã hơn nửa đời người, nhưng hôm nay bạn mới thấm thía hết hạnh phúc. Bởi lẽ đời người ta, chỉ thật sự hạnh phúc khi có hai điều: được làm công việc mình thích, và được sống với người mình yêu. Thì hôm nay giữa Hà Nội bạn đang có cả hai điều ấy. Một ngọn lửa vô cùng ấm áp đã được nhóm lên, trong một căn phòng tràn đầy âm thanh và những giai điệu ngọt ngào..

"Từng cơn mưa hắt hiu bên ngoài song thưa

lắm khi mưa làm hồn ta nhớ mãi ngày qua.

Nhớ con phố xưa vẫn âm thầm đợi

nhớ đôi vai ngoan em sợ trời mưa gió.

Từng ngày ta vẫn đưa em về qua phố,

vẫn trên cao trời mưa lũ, vẫn tiếng buồn xưa..."

Cảm ơn em, Mai Tuyết, trái tim mùa đông đã hết lạnh lùng, đã làm một ngọn lửa bừng lên sưởi ấm cho bạn anh.

None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T