Trao 16 huy chương cho vở diễn xuất sắc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc

Sau gần 2 tuần diễn ra nhiệt huyết tại thành phố Hải Phòng, sáng 17-11, Liên hoan kịch nói toàn quốc - 2021 đã khép lại với hơn 100 huy chương được trao cho các đơn vị, nghệ sĩ xuất sắc.

Trao 16 huy chương cho vở diễn xuất sắc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc - 1

Ban tổ chức trao Huy chương vàng cho các đơn vị có vở diễn xuất sắc

Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, liên hoan lần này có nhiều vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật, có sức hấp dẫn công chúng, bám sát những vấn đề của cuộc sống đương đại, phát huy được thế mạnh của loại hình kịch nói, tạo nên "liều vắc xin tinh thần" cho công chúng trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Các vở diễn ở nhiều thể loại, đề tài, từ lịch sử đến hiện đại, từ chiến tranh đến hòa bình, từ nông thôn đến thành thị được các nghệ sĩ dự thi thỏa sức sáng tạo, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, truyền đi những thông điệp đậm tính nhân văn. Liên hoan cũng cho thấy sự nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp của các nghệ sĩ và nhiều tài năng của nghệ thuật kịch nói cần được quan tâm, phát triển.

Trao 16 huy chương cho vở diễn xuất sắc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc - 2

Trao giải cho tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ xuất sắc.

Liên hoan kịch nói toàn quốc - 2021 có sự tham gia của 14 đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp với 20 vở diễn. Đánh giá tổng kết liên hoan, Nghệ sĩ nhân dân Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật nhận định, các đơn vị nghệ thuật đều đầu tư vào những khâu chính như kịch bản, đạo diễn, diễn xuất và yếu tố kỹ thuật như thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng, do vậy, các nghệ sĩ có điều kiện tốt để bộc lộ tài năng sáng tạo, người xem được thưởng thức toàn diện cái đẹp, cái hay, tính hấp dẫn của vở diễn. Các đề tài, nội dung vở diễn tham dự rất phong phú, mới mẻ, có tính dự báo.

Liên hoan cũng cho thấy sân khấu kịch nói đang có nhiều thay đổi về nội dung và hình thức. Trong đó, nhiều đạo diễn đã sử dụng thủ pháp ẩn dụ, giả định, độc thoại... để xử lý kịch, đem lại những cảm xúc mới cho khán giả. Đặc biệt, các đơn vị nghệ thuật đầu tư xứng tầm cho âm nhạc, khéo léo đưa những chất liệu truyền thống như dân ca Bắc Bộ, ca Huế, ca trù, bài chòi, hát bội... vào vở diễn, tạo nên không gian đặc trưng vùng miền...

Trao 16 huy chương cho vở diễn xuất sắc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc - 3

Vở diễn "Làng song sinh" của Nhà hát Kịch Hà Nội nhận Huy chương vàng vở diễn và giải Đạo diễn xuất sắc. 

Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao 6 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc, 7 Huy chương đồng cho các vở diễn xuất sắc. Trong đó, 6 Huy chương vàng thuộc về vở "Làng song sinh" (Nhà hát Kịch Hà Nội); "Thiên mệnh", "Điều còn lại" (Nhà hát Kịch Việt Nam); "Con đò của mẹ" (Đoàn kịch, Nhà hát Công an nhân dân); "Hố đen" (Nhà hát Kịch nói Quân đội); "Làm vua" (Sân khấu Lệ Ngọc).

Ban tổ chức cũng trao 28 Huy chương vàng, 42 Huy chương bạc và 16 Huy chương đồng cho các diễn viên xuất sắc tham gia.

Ngoài ra, còn có các giải cá nhân: Tác giả Nguyễn Đăng Chương - Tác giả xuất sắc; Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Trung Hiếu - Đạo diễn xuất sắc; nhạc sĩ Đức Trịnh - Nhạc sĩ xuất sắc; Nghệ sĩ ưu tú Doãn Bằng - Họa sĩ xuất sắc.

Nguồn www.hanoimoi.com.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Người Việt có câu “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ", trong đó tháng 3 âm lịch giỗ Mẹ là để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.