Triển khai công tác văn học: Hội nghị “mở màn” nhiệm kỳ mới của Hội Nhà văn Việt Nam: Rành mạch, toàn diện, có điểm nhấn và có giải pháp

(Arttimes) - Ngày 14/04/2021, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ( Số 9, Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác văn học năm 2021 và nhiệm kỳ X.

Đến dự có ông Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) bà Trần Phương Lan – Phó Vụ trưởng vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương); ông Kiều Cao Chung - Vụ phó Vụ 5 (Ban Tuyên giáo Trung ương); nhà thơ Hữu Thỉnh – Bí thư Đảng Đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, cố vấn Ban chấp hành (BCH) Hội Nhà văn khóa X; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; các Phó Chủ tịch Hội: nhà thơ Trần Đăng Khoa – Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, nhà văn Nguyễn Bình Phương – Trưởng ban Sáng tác, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội; nhà văn Khuất Quang Thụy – Trưởng ban Kiểm tra, Tổng biên tập báo Văn nghệ ; nhà thơ Trần Hùng – Trưởng ban Tổ chức – Hội viên; các ủy viên BCH gồm nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Bích Ngân, Hữu Việt, Phan Hoàng, Vũ Hồng, Lương Ngọc An; các nhà văn Ủy viên Ban Kiểm tra cùng 53 nhà văn là thành viên của 6 Hội đồng và Ban văn học.

Triển khai công tác văn học: Hội nghị “mở màn” nhiệm kỳ mới của Hội Nhà văn Việt Nam: Rành mạch, toàn diện, có điểm nhấn và có giải pháp - 1

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trình bày báo cáo

Đây là Hội nghị đầu tiên BCH gặp các Hội đồng chuyên môn và các Ban công tác khóa X, nhiệm kỳ 2020 - 2025, sau thành công của Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, diễn ra ngày 24 và 25.11.2020.

Mở đầu Hội nghị, Nhà thơ Trần Hùng – Trưởng ban Tổ chức – Hội viên đã công bổ quyết định thành lập các Hội đồng và các Ban văn học. Theo đó, ngoài 4 Hội đồng cũ nhiệm kỳ trước là Văn xuôi, Thơ, LLPB, Dịch thuật ở nhiệm kỳ X thành lập thêm 2 ban văn học là Ban Nhà văn Trẻ và Ban Nhà văn Thiếu nhi. Nhà thơ Trần Hùng công bố Quy chế kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, với những quy định, quy trình được xây dựng chặt chẽ hơn, từ Hồ sơ xin vào Hội, Xử lí hồ sơ, xét kết nạp và tổ chức kết nạp hội viên. Tiếp đó, Nhà văn Nguyễn Bình Phương – Trưởng ban Sáng tác công bố Quy chế giải thưởng của Hội Nhà văn, với những quy định, phương thức giới thiệu tác phẩm, Đối tượng xét giải và cơ cấu giải thưởng cũng được xây dựng, hoàn thiện rất chặt chẽ. Tất cả các bộ phận tham mưu, giúp việc, phục vụ đều phải phối hợp hữu cơ để Hội đồng xét giải đúng quy chế và tiến độ.

Trong Hội nghị diễn ra đầy trang trọng, hứng khởi của nhiệm kỳ mới, ông Kiều Cao Chung – Vụ phó Vụ 5 (Ban Tuyên giáo TW) đã công bố Quyết định về việc chỉ định nhân sự tham gia Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, nhiệm kỳ 2020 -2025). Theo đó, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch giữ chức Bí thư Đảng đoàn; Các ủy viên Đảng đoàn là Phó Chủ tịch Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Trưởng ban Kiểm tra Khuất Quang Thụy. Công bố của ông Kiều Cao Chung như thổi một luồng sinh khí mới, kì vọng mới vào một BCH đang tích cực “đổi mới để phát triển”.

Triển khai công tác văn học: Hội nghị “mở màn” nhiệm kỳ mới của Hội Nhà văn Việt Nam: Rành mạch, toàn diện, có điểm nhấn và có giải pháp - 2 Quang cảnh Hội nghị

Đúng như tên gọi và chủ đề của Hội nghị: Triển khai công tác văn học, Chủ tịch – Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã có bài trình bày và báo cáo triển khai công tác nhiệm kỳ. Lần đầu tiên họp mặt đầy đủ các thành viên Hội đồng và Ban văn học, ông nói rõ, việc thành lập các Hội đồng, Ban văn học được cân nhắc rất kỹ, rồi bằng hình thức bỏ phiếu của các Ủy Viên BCH khóa X. Dù dư luận có ý kiến này khác, hoặc chưa thể toàn bích, nhưng ông khuyến khích, kêu gọi và gắn trách nhiệm: “Các thành viên Hội đồng phải chứng minh cho vai trò của mình, uy tín của mình, sự cầm cân nảy mực khách quan công tâm của mình….”

Với việc BCH giải tán một số Ban như Văn học Chuyên đề, Văn học Công nhân, ông nói rõ hơn tại Hội nghị. Thứ nhất, nếu tồn tại các Ban này đương nhiên phải thành lập các Ban khác như: Quốc phòng, An ninh, vv. Văn học ở đề tài nào, cuối cùng vẫn tập trung cho sáng tạo. Bởi sáng tạo là tối thượng, là bản chất của văn học nghệ thuật.

Đối với Ban Nhà văn nữ, tuy vẫn duy trì tồn tại, nhưng cần hạn chế những cuộc tụ tập, những chuyến đi, áo dài…quay phim chụp ảnh, lên mạng mà, làm sao hoạt động vừa mang tính chuyên môn, vừa phải “nữ tính”; làm sao vẻ đẹp của phái yếu phải đồng hành với vẻ đẹp của sáng tạo. Hội sẽ có những phần thưởng xứng đáng cho các nhà văn nữ.

Đối với Ban Nhà văn Trẻ, ông cho biết sẽ có giải thưởng trẻ cho các tác giả trẻ. Gọi là giải thưởng Tác giả trẻ hàng năm. Làm được điều này sẽ khuyến khích sáng tác trẻ, sáng tác mới, thực sự làm hành trang và “bệ phóng” cho nền văn học nước nhà trong tương lai. Với Ban Văn học Thiếu nhi, dù hoạt động đều đặn nhưng chưa có giải thưởng. Vậy, cũng bằng mọi cách, xây dựng và kiếm tìm giải thưởng thông qua việc sàng lọc các tác phẩm xứng đáng.

Lâu nay, BCH các khóa đặc biệt là ở khóa X này rất quan tâm, trăn trở cho các cơ quan báo chí của Hội (giờ tồn tại là báo Văn nghệ và tạp chí Nhà văn và Tác phẩm ). Đặc biệt, BCH nhiều lần làm việc với báo Văn nghệ trong việc cải tổ đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu mới của xã hội cũng như của hội viên. Thế nên tại Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều nhận định và kêu gọi: “Với thời 4.0 này, báo in không thể chạy theo tia ra được (còn phải hạch toán lỗ, lãi ), nhưng báo Văn nghệ và tạp chí Nhà văn và Tác phẩm cần phải tăng vị thế của nhà văn trong xã hội, cần phải có thêm những tác phẩm xứng đáng với Thời đại, Nhân dân! Hãng phim Hội Nhà văn, do các dự án “co” lại, chúng ta chuyển sang tuyên truyền xây dựng chân dung Nhà văn Việt Nam. Đây là việc làm cần thiết. Nó không chỉ là tư liệu, hình ảnh mà còn là sự tri ân. Các dự án cho dịch thuật quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, sẽ từng bước thực hiện xây dựng khả thi, hiệu quả hơn. Ngày Thơ Việt Nam không chỉ tổ chức phạm vi ở Văn Miếu (Hà Nội) mà mỗi năm có thể chuyển đến các địa điểm khác nhau trên đất nước cho thay đổi không gian, tạo ra những hứng khởi cho người làm thơ và công chúng yêu thơ ca.”

Cuối cùng Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều khẳng định và kết luận: Làm được những điều trên mới chứng tỏ, chỉ khi nào Văn học đồng hành cùng với cuộc sống và xã hội, nó mới trở nên giá trị!

Triển khai công tác văn học: Hội nghị “mở màn” nhiệm kỳ mới của Hội Nhà văn Việt Nam: Rành mạch, toàn diện, có điểm nhấn và có giải pháp - 3

Ông Vũ Minh Nhật - Vụ Trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ  (Ban Tuyên giáo Trung Ương) phát biểu

Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trương Vụ Văn hóa – Văn nghệ đã có đôi lời cảm tưởng trước Hội nghị triển khai công tác văn học của Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu tiên diễn ra trong nhiệm kỳ mới. Ông vui mừng đánh giá và ghi nhận, chỉ sau 3 tháng kết thúc Đại hội X, BCH mới đã xây dựng, hoàn thiện hàng loạt quy chế, nội dung hoạt động công tác Hội một cách bài bản, khoa học, chiến lược để kịp thời triển khai ngay cho công việc. Về những chủ trương đường lối, định hướng, Ban Tuyên giáo Trung ương luôn có những văn bản sâu sát trong chỉ đạo hoạt động Văn hóa – Văn nghệ, trong đó Hội Nhà văn đã lĩnh hội và triển khai hiệu quả. Ông cho biết, tới đây Ban sẽ tham mưu với Ban Bí thư tổng kết thực tiễn sau 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong đó có tổng kết “50 năm nền Văn học – Nghệ thuật nước nhà”. Vậy vai trò của Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam là vô cùng quan trọng.

Triển khai công tác văn học: Hội nghị “mở màn” nhiệm kỳ mới của Hội Nhà văn Việt Nam: Rành mạch, toàn diện, có điểm nhấn và có giải pháp - 4

Nhà thơ Hữu Thỉnh đóng góp với Hội nghị

Phát biểu với Hội nghị, Nhà thơ Hữu Thỉnh –  Bí thư Đảng Đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, cố vấn BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X luôn giành những tình cảm trách nhiệm cao nhất. Ông nói rõ: Đây là Hội nghị mở màn, không chỉ một năm mà cho cả 5 năm, nên cần những hoạch định cụ thể. Ông đánh giá cao bài phát biểu và báo cáo Chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều trong Triển khai công tác văn học của nhiệm kỳ và “chốt ” lại: “Rành mạch, toàn diện, có điểm nhấn và có giải pháp” đó là những điểm nổi trội của người từng làm Phó Chủ tịch Hội 2 khóa, nên Nguyễn Quang Thiều rất thuần thục trong vai trò mới là người đứng đầu của tổ chức Hội Nhà văn chúng ta". Từ những "điểm nhấn" dành cho cá nhân, ông "triển khai" nhanh một số điểm nhấn khác. Đó là Báo Văn nghệ: "Cửa sổ diện mạo của Hội Nhà văn thì có nhiều, nhưng quan trọng nhất là từ báo Văn nghệ. Vì đây là "cửa sổ" nối công chúng với nhà văn. Vậy chúng ta phải cải tổ mạnh mẽ". Điểm nhấn quan trọng nữa là, cần phải xã hội hóa văn học. Đây không chỉ là mong mỏi, kỳ vọng của nhà thơ Hữu Thỉnh mà còn là sự hứa hẹn, quyết tâm của Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều trong phần kết luận Hội nghị: "Xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam xứng đáng là nơi tập hợp, là trung tâm đoàn kết, phát hiện và khích lệ sáng tác, là nơi sẻ chia, đồng hành với những băn khoăn, trăn trở của hội viên"!

None

Đức Dũng (tổng thuật)

Tin liên quan

Tin mới nhất