Triết gia Trần Đức Thảo - Một hiện tượng hiếm, lạ

(Arttimes) - Trần Đức Thảo sinh ngày 26 tháng 9 năm 1917, tại thôn Song Tháp. Xã Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Thời trẻ khi học ở trường Albert Saraut, Trần Đức Thảo đỗ tú tài triết học vào loại xuất sắc và được vào học Trường Luật tại Hà Nội.

Năm 1936, Trần Đức Thảo được nhận học bổng sang Paris, thi đỗ đầu vào trường Cao đẳng sư phạm Nomal Superieure. Năm 19381939, ông tốt nghiệp Thạc sĩ Triết học hạng nhất tại Pháp lúc mới 26 tuổi, rồi được bổ chức Giáo sư tại Đại học Sorbonne Paris. Ông say sưa nghiên cứu Triết học, cộng tác với nhiều Tạp chí Triết học ở châu Âu. 

Năm 1944, Paris giải phóng, Trần Đức Thảo được cử làm Báo cáo viên chính trị tại Đại hội kiều dân Đông Dương, họp trong toà thị chính Avignon. Trước Đại hội, Trần Đức Thảo trình bày bản dự thảo cương lĩnh đòi thiết lập nền dân chủ Đông Dương. Ông tự mình viết rất nhiều truyền đơn và tổ chức họp báo vận động, kêu gọi kiều dân, dư luận xã hội Pháp ủng hộ cuộc cách mạng chính nghĩa ở Việt Nam. Năm 1945, ông cùng Lê Viết Hường thay mặt Hội kiều dân Đông Dương làm việc với Maurice -Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp tại trụ sở Đảng về tình hình Đông Dương.

Triết gia Trần Đức Thảo - Một hiện tượng hiếm, lạ - 1 Triết gia Trần Đức Thảo 

Nhận thấy những hoạt động của ông tố cáo trực tiếp các lợi ích bẩn thỉu của chế độ thực dân, nhà cầm quyền lập tức bắt Trần Đức Thảo. Nhiều nhà khoa học Pháp, báo Nhân Đạo (L’humanite), Thời hiện đại (Lestemps modernes)… liên tục lên tiếng đòi chính quyền trả tự do cho Trần Đức Thảo. Trước phản ứng gay gắt của dư luận, nhà cầm quyền Pháp chơi trò “gắp lửa bỏ tay người”, tung tin lập lờ rằng Trần Đức Thảo dường như có quan hệ với phát xít Đức. Nhưng điều đó không làm cho dư luận nhầm lẫn. Giới trí thức thực sự hiểu rõ ông là ai, bởi tên tuổi ông còn gắn với Hutsserl một kẻ thù của tư tưởng phát xít. Cuối cùng chúng phải thả người con của tự do nhưng không quên giám sát ông chặt chẽ. Để minh chứng cho tinh thần bất khuất của một người con yêu nước, Trần Đức Thảo kiên quyết không tiếp tục làm việc với Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS). Ông dạy triết học tư, viết sách để kiếm sống. Trong một cuộc họp báo kêu gọi ủng hộ cách mạng Việt Nam, một nhà báo Pháp hỏi: “Với tư cách là một Triết gia, ông cho rằng người Việt Nam sẽ hành động thế nào khi quân đội viễn chinh Pháp đổ bộ? - Trần Đức Thảo đáp lại ngắn gọn, đanh thép: “Nổ súng!”. Hồ Chí Minh từ khi lãnh đạo cách mạng tháng Tám thành công đã có ảnh hưởng lớn đối với giáo sư triết học Trần Đức Thảo. Chính tư tưởng, cuộc đời cao đẹp của Người đã được Trần Đức Thảo chiêm nghiệm, vận dụng trong hoạt động sáng tạo khoa học cho đến cuối đời. Tháng 10/1945, ông và 50 kiều bào ta bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam về “tội” vi phạm an ninh nhà nước. Báo L’Humanite (Nhân đạo) và báo Les temps modernes (Thời hiện đại) đăng bài phản đối hành động đàn áp đó. Ba tháng bị đoạ đầy trong xà lim khiến ông thấm thía nhiều điều. Ra tù ông liên tiếp viết bài cho nhiều tờ báo Pháp, bác bỏ những luận điệu vu khống Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ năm 1946, ông nghiên cứu thiên về chủ nghĩa Mác, gia nhập Đảng cộng sản Pháp và Hội Việt Kiều ở Paris. Giới Triết gia châu Âu xem Trần Đức Thảo là tác giả của phương pháp hiện tượng luận của Hussertl và chủ nghĩa duy vật biện chứng hàng đầu thế giới. Năm 1946-1947, Trần Đức Thảo đã viết nhiều bài ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 9/1948, ông đăng một bài nổi tiếng trên Tạp chí Les temps modernes số 36 với tiêu đề Nội dung và thực chất của hiện tượng luận tinh thần. Với bài báo này, Trần Đức Thảo được giới triết học coi như đã tạo lập một trường phái mới về Hegel, một xu hướng triết học tiến bộ. Ngày 4/1/1949, Trần Đức Thảo được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm thành viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia. Khi đó Trần Đức Thảo đang còn ở Pháp. Năm 1952 đến đầu 1953, Trần Đức Thảo làm việc tại văn phòng đồng chí tổng bí thư Trường Chinh. Năm 1953 -1954, ông tham gia nghiên cứu thực tế trong quân đội, trong các trường đại học, trung học chuyên nghiệp ở Việt Bắc, tham gia cải cách ruộng đất ở Phú Thọ. Năm 1954, ông tham gia Ban nghiên cứu Văn -Sử -Địa, tiền thân của Uỷ ban khoa học xã hội và Ban tuyên huấn Trung ương sau này. Năm 1954 -1956 Trần Đức Thảo trở thành Giáo sư Triết học, Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, chủ nhiệm khoa lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. 

Thời gian 1958 -1965, mặc dù chịu nhiều nỗi oan khiên nhưng ông luôn khoả lấp nỗi buồn bằng nghiên cứu khoa học. Sau vụ Nhân văn giai phẩm, theo gợi ý của chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Chính Phủ Phạm Văn Đồng, Trường Chinh và Nguyễn Văn Huyên, Trần Đức Thảo về làm chuyên gia cao cấp Nhà xuất bản Sự thật -Chính trị Quốc gia. Tại đây Giáo sư có điều kiện tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo triết học, có điều kiện trao đổi khoa học với các nhà khoa học, triết học trên thế giới, đặc biệt là các nhà triết học Pháp. Từ đây Trần Đức Thảo chủ yếu nghiên cứu về các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác -Lê nin. Từ tháng 3/1991 đến tháng 4/1993, Trần Đức Thảo được mời sang Pháp để vừa hoàn tất công trình triết học: Vấn đề con người và chủ nghĩa lí luận không có con người kết hợp với chữa bệnh. Trần Đức Thảo có ý định viết riêng một tác phẩm về Tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh, tiếc rằng điều ấy chưa kịp thực hiện thì ông đã qua đời. Ông mất tại Paris hồi 8 giờ 10 phút, ngày 24 tháng 4 năm 1993.

Di hài ông được đưa về mai táng tại khu A nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội. Trần Đức Thảo được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì. Năm 2000, Giáo sư Triết học Trần Đức Thảo được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội.

Đời thường của triết gia

Năm 1949, nữ sinh Nguyễn Thị Nhứt sang Pháp để ôn thi vào trường Đại học Sorbonne. Theo lời bạn học, cô đến học ôn môn triết học của thầy Thảo ngay tại nhà trọ của thầy. Hai người tỏ ra quí mến nhau, nhưng mỗi khi gặp, thầy chỉ toàn nói chuyện triết học. Dường như đối với các triết gia, nhu cầu thường trực của họ là được yên tĩnh để suy tưởng, nên những nhu cầu cá nhân khác hình như không thiết yếu lắm. Tuy nhiên, tình yêu cũng rạo rực trong trái tim triết gia một lần. Trước khi về nước, ông chỉ nói rằng nếu còn gặp lại thì sẽ sống với nhau. Sau này, khi bà về nước, họ trở thành vợ chồng với một đám cưới đơn sơ. 

Sống với ông, bà hiểu ra tâm trí ông đều dồn cả vào triết học. Hầu như ông không cả để ý đến những nhu cầu cá nhân hàng ngày, thậm chí còn không hài lòng khi được chăm sóc. Nhiều lần bà ngồi ăn cơm một mình trong khi chồng ở ngay phòng bên cạnh. Một mình bà không thể giữ được tình cảm thủa ban đầu. Bà lại bị viêm tử cung và cũng không thể có con, nên đã lặng lẽ ra đi. 

Gia đình không hiểu đời sống của triết gia, muốn tìm cho ông người bạn đời khác nhưng ông đã từ chối. Ông sống một mình và tự lo sinh hoạt cá nhân hàng ngày. Do bị tiểu đường, nên món ăn chính của ông là lạc rang và đậu xanh. Theo cháu ông kể lại, thì khi triết gia vào bếp, từ hai món nấu đó sẽ nấu thành những món ăn chưa từng thấy trong các sách nội trợ. Để lấy chỗ đựng sách, ông cho dẹp hết đồ đạc như giường, tủ, chăn màn, dày dép, chén đĩa… Căn phòng chỉ còn chiếc đi văng lớn chất đầy sách, có chừa một khoảng nhỏ mắc sãn màn.

Trần Đức Thảo là một nhà khoa học lớn với sự nghiệp đồ sộ 

Theo J.P.Han, Tổng biên tập Tạp chí Les lettres francaises (Văn chương Pháp) đánh giá, Trần Đức Thảo là một trong những triết gia Việt Nam xuất sắc nhất. Nếu tính quãng thời gian tu nghiệp tại Pháp và những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp, được ấn hành tại Pháp của ông thì Trần Đức Thảo còn là một triết gia Pháp. Những phát kiến và tư tưởng của ông được các triết gia cùng thời như Jean Paul Sartre, Louis Althusser, Jacques Derrida, Pierre Bourdieu… công nhận. Tư tưởng của Trần Đức Thảo được các đồng nghiệp cùng thế hệ khâm phục, điều đó không phải bàn cãi. Riêng đối với nhà triết học J.F.Poirier, tác phẩm Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng của Trần Đức Thảo đã đánh dấu bước chuyển biến của ông từ hiện tượng luận sang chủ nghĩa duy vật biện chứng. Từ đây rất nhiều nhà triết học Pháp đã tiếp nối Trần Đức Thảo đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa Mác và cổ súy cho tư tưởng chủ nghĩa Mác.

J.F.Poirier cũng cho rằng, Trần Đức Thảo là nhà triết học duy nhất mạo hiểm, công bố kết quả nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ, ngay trong thời điểm vấn đề này bị cho là không mang tính khoa học và nhiều thập kỉ bị giới nghiên cứu tẩy chay. Sự dũng cảm đó thật đáng ngưỡng mộ. Trong buổi Tọa đàm về Trần Đức Thảo ngày 8-10-2010, ông J.F.Poirier nói, chúng tôi sẽ tìm cách tái bản cuốn sách Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng của Trần Đức Thảo. Ngoài ra cũng sẽ tiến hành thu thập, tập hợp tất cả các tác phẩm của Trần Đức Thảo, bằng tiếng Việt và tiếng Pháp để làm thành bộ sưu tầm, cố gắng làm hồi sinh tên tuổi của con người mà theo GS Trần Văn Giàu, là nhà triết học duy nhất của chúng ta.

Năm 1939, Trần Đức Thảo đỗ rất cao vào Đại học Sư phạm phố Ulm. Ông tốt nghiệp cao học với bản luận văn Phương pháp hiện tượng học của Hutsserl, Ông nhận bằng tốt nghiệp Thạc sĩ triết học hạng nhất, khi đó mới còn rất trẻ. Lúc bấy giờ, một số tờ báo ở Pháp và Đông Dương đã coi việc một người Việt Nam đỗ đầu kì thi Thạc sĩ tại Đại học Sư phạm phố Ulm là một hiện tượng hiếm lạ, biểu hiện của một tài năng xuất chúng. Ngay sau đó, vị thạc sĩ trẻ đăng kí viết luận án tiến sĩ triết học về đề tài hiện tượng của Husserl. Bấy giờ ở Pháp và nhiều nước châu Âu đang nằm dưới ách thống trị của phát xít Hitler. Giới triết học phương Tây hy vọng, có thể khôi phục tinh thần của văn minh nhân loại qua việc nghiên cứu Hegel và Husserl. Edmund Husserl là nhà triết học Đức nổi tiếng, bị bọn Hitlesr cấm giảng dạy tại các trường Đại học ở Tây Âu.

Người hướng dẫn Trần Đức Thảo viết luận án tiến sĩ là giáo sư Jean Cavailles rời bỏ Paris ra “bưng biền” tham gia kháng chiến chống phát xít. Điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc “nhận đường” của nhà triết học Việt Nam trẻ tuổi. Tháng 8/1951, cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng dày 368 trang, luận án tiến sĩ của Trần Đức Thảo, được Nhà xuất bản Minh Tân in ở Paris. Công trình triết học đầu tiên này của Trần Đức Thảo đã gây một tiếng vang lớn trong giới học thuật phương Tây. Từ điển các nhà triết học, NXB Đại học Paris năm 1984, đã nhận định: “cuốn sách của nhà Triết học Việt Nam (Trần Đức Thảo) là một tác phẩm gây sửng sốt, mà tính táo bạo trong cách nhìn nhận và sự sáng tỏ trong cách diễn đạt đã nhanh chóng được coi là kinh điển…

Cuốn sách đóng vai trò quan trọng trong việc đào luyện nhiều nhà triết học trẻ”. Năm 1973, Nhà xuất bản Xã hội ở Paris in cuốn sách chuyên khảo Nghiên cứu nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức của Trần Đức Thảo, dày 344 trang. Lời giới thiệu của Nhà xuất bản cho biết: Nhà triết học Việt Nam đã để lại “dấu ấn trong cả một thế hệ trí thức Pháp qua những bài giảng của ông tại Đại học Sư phạm phố Ulm cũng như qua cuốn sách in năm 1951” (tức cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng). Nhiều tiểu luận triết học của ông được in đều đặn trên Tạp chí La Pensec (tư duy) ở Paris: Hạt nhân của phép biện chứng; Từ hiện tượng học đến phép duy vật biện chứng của trí thức… Những tác phẩm tiếp theo như Vấn đề con người và chủ nghĩa lí luận không có con người; Sự ra đời của con người đầu tiên… cho đến tác phẩm cuối Logic của thực tại sống động khiến ông nổi danh trên thế giới. Cuối năm 1988, cuốn Vấn đề con người và chủ nghĩa “lí luận không có con người” viết bằng tiếng Việt và được chính tác giả dịch sang tiếng Pháp, đề cập nhiều vấn đề triết học hiện đại theo quan điểm Mác xít, được in tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Quyến: “Giữa triết học kinh viện và cuộc đời thực có khoảng cách lớn. Nhưng Trần Đức Thảo, người được coi như triết gia biện chứng duy vật lịch sử xuất sắc của Việt Nam thế kỉ XX (Giải thưởng Hồ Chí Minh), đã hi vọng tìm thấy chân lí ngay trong đời sống thực một ngày. Và niềm hi vọng đã trả lời trong những tác phẩm triết học uy tín của ông trên thế giới. Điều kì diệu là ông đã viết các tác phẩm ấy bằng chất liệu rút ra từ đời sống thực ngay chính trên Tổ quốc thiêng liêng của mình”. 

Trong lời giới thiệu cuốn sách Nghiên cứu nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ, Nhà xuất bản Paris viết rằng, tư tưởng của triết gia Trần Đức Thảo đã ghi dấu ấn quan trọng đến tinh thần của cả thế hệ trí thức, sinh viên Pháp những năm 50. Ngay tại nước Đức, đất nước của triết học cũng có nhiều triết gia tư nhân là môn đệ của Trần Đức Thảo. Trong bài viết: Giáo sư Trần Đức Thảo, một tài năng triết học nổi tiếng thế giới, tác giả Hàm Châu cho biết: mấy tháng cuối năm 2007, nhân kỉ niệm lần thứ 90 ngày sinh của nhà triết học Trần Đức Thảo, trong giới trí thức nước ta, đã diễn ra một số hoạt động nhằm tưởng nhớ và tôn vinh tài năng cũng như nhân cách của ông, đồng thời khẳng định một lần nữa những đóng góp quí báu mà ông đã mang lại cho triết học thế giới. Triết học - nhất là triết học hiện đại - là một lĩnh vực khoa học hết sức trừu tượng, đòi hỏi phải có năng lực tư duy khái quát rất cao. Việc xuất hiện một tài năng triết học hiện đại ở một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, khoa học chưa phát triển như nước ta là một hiện tượng hiếm lạ. Đến với triết học duy vật biện chứng từ những năm còn rất trẻ trung, sôi nổi, cho đến những năm đau buồn cay đắng về sau, ông vẫn không vì thế mà quay ra “đốt cháy” những gì mình từng “tôn thờ” thời trẻ. Vẫn một lòng chìm đắm say mê nghiên cứu triết học. Nhân cách ấy, sự nghiệp ấy rất đáng để chúng ta tôn kính và phải suy ngẫm. 

Trần Đức Thảo là một trí thức yêu nước 

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Hiện tượng của Husserl tại trường Đại học Sorbonne danh tiếng, ông nghiễm nhiên trở thành triết gia được giới trí thức chờ đợi và kính trọng. Càng tiến triển trên con đường vinh quang, gặp gỡ nhiều tầng lớp trí thức, Trần Đức Thảo càng nhận rõ số phận đất nước, quê hương mình. Ông từng viết rất nhiều truyền đơn kêu gọi dư luận Pháp ủng hộ cách mạng chính nghĩa ở Việt Nam… Tại Pháp, tháng 5 và 6 năm 1946, Trần Đức Thảo nhiều lần tiếp xúc với chủ tịch Hồ Chí Minh, xin Người cho về nước xây dựng Tổ quốc. Nhưng Hồ Chí Minh đã khuyên Trần Đức Thảo ở lại Pháp để tiếp tục học tập và nghiên cứu khoa học, hoạt động phong trào Việt kiều yêu nước và tranh thủ sự ủng hộ của các trí thức Pháp đối với nước ta, nhất là trí thức trong Đảng cộng sản Pháp.  Năm 1946-1947 Trần Đức Thảo đã viết nhiều bài ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Đảng cộng sản Đông Dương chống các lực lượng phản cách mạng, chống bọn thực dân Pháp xâm lược Đông Dương. Ngày 4/1/1949, khi còn đang ở Pháp, Trần Đức Thảo được Hồ Chí Minh cử làm thành viên Hội đồng giáo dục Quốc gia. Thực hiện lời hứa của mình với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mấy tháng sau ông rời Paris trở về Tổ quốc qua đường London -Prague -Moskva -Bắc Kinh-Tân Trào. Trần Đức Thảo trở thành một vị giáo sư đại học giữa rừng già chiến khu. Hầu như trong cả cuộc đời hoạt động của mình, Trần Đức Thảo chủ yếu tập trung nghiên cứu lịch sử nhân loại từ thời tiền sử, cổ đại, trung cổ, đến thời đại hiện nay; nghiên cứu nguồn gốc loài người, nghiên cứu lịch sử dân tộc…

Trần Đức Thảo coi triết học của mình là: “Triết học duy vật biện chứng nhân bản, là cái góp phần sáng tạo chủ nghĩa Mác, gắn bó mật thiết với tư tưởng nhân văn Hồ Chí minh”. Đọc Trần Đức Thảo chúng ta nhận thức sâu sắc tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh về sự kế thừa để phát triển con người, phát triển nòi giống, phát triển các quan hệ xã hội tốt đẹp. Trên cơ sở đó, chúng ta càng khẳng định được tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là toàn diện. Tư tưởng ấy được đặt trên một nền móng lý luận vững chắc, đây là sức thuyết phục. Tư duy triết học Trần Đức Thảo đã mở ra cho chúng ta phương pháp để nhận thức cơ sở lý luận - thực tiễn, cơ sở lịch sử xã hội của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh một cách sâu sắc. Ông có ý định viết riêng một tác phẩm về tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh, nhưng rất tiếc điều đó chưa kịp thực hiện thì Trần Đức Thảo đã vĩnh biệt chúng ta.  Điểm lại những mốc chính trong cuộc đời và những công trình chủ yếu trong sự nghiệp nghiên cứu và sáng tạo lý luận của Giáo sư Trần Đức Thảo, chúng ta đã nhận thấy, Trần Đức Thảo đúng là “một hiện tượng hiếm lạ”.

Đối với thế giới, ông là một nhà triết học tài ba, nổi tiếng ở nhiều quốc gia. Đối với dân tộc, ông là một nhà khoa học lớn và là một nhà trí thức yêu nước -luôn nhất quán trong việc tiếp thu và phát triển chủ nghĩa Mác gắn với chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Đối với học trò, ông là người thày mẫu mực, đáng kính đã chỉ cho họ chọn được cái chân trong tri thức, cái thiện trong hành động, cái mĩ trong sự hoàn thiện các quá trình nghiệm sinh để xứng đáng là con người. Đối với cuộc đời, dù phải chịu biết bao bất hạnh nhưng triết gia Trần Đức Thảo vẫn là người chiến binh của niềm hi vọng.  Những danh hiệu cao quí: Huân chương Độc lập hạng nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000) mà ông được Nhà nước truy tặng đã khẳng định, dù gặp nhiều trắc trở nhưng cuối cùng, giá trị khoa học đích thực của những công trình nghiên cứu mà ông là tác giả cũng được nhà nước và giới khoa học nước nhà trân trọng, thừa nhận. 

Nguyễn Thị Minh Bắc None

Tin liên quan

Tin mới nhất