Triết học văn hoá trong đạo đức Hồ Chí Minh

Triết học văn hóa là thuật ngữ được sử dụng trong triết học phương Tây với nhận thức bản chất và ý nghĩa của hiện tượng văn hóa. Vào những năm 80 của thế kỉ XX, những vấn đề triết học văn hóa được nhiều nhà khoa học Xô Viết ứng dụng và phát triển. Nó là nội dung quan trọng và sang trọng trong triết lý phát triển.

Nói quan trọng bởi văn hoá là sự vật, hiện tượng nằm trong giới tự nhiên có quá trình vận động biện chứng: phát sinh, phát triển, biến hóa bất tận, vận động không ngừng. Nói sang trọng, bởi triết học văn hoá giúp cho con người đi từ yếu đuối đến cường tráng, đi từ tất yếu đến tự do, giải nhiều bài toán mâu thuẫn vốn thường xuyên đặt ra trong đời sống tự nhiên và đời sống xã hội của con người. Trong cuốn Biện chứng của tự nhiên, Ph. Engels đã phân loại vận động của vật chất thành năm hình thái cơ bản: cơ, lý, hóa, sinh và xã hội có liên quan tới bài viết này, mà hệ giá trị đạo đức do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra với từng đối tượng người nghe nhằm giáo dục, mà còn nâng cao dân trí toàn dân.

Triết học văn hoá trong đạo đức Hồ Chí Minh - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (năm 1951).

Triết học văn hóa trong đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện trước hết là trong văn hóa ứng xử: với thiên nhiên, với xã hội, với con người. Văn hóa phương Đông thiên về hướng nội. Chữ hòa trong triết học Khổng giáo được Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo, hợp với thế nước, lòng dân. Chữ hòa được người xưa dùng nhiều vì là gốc của lễ. Hòa vi quý, trái lại, lễ (trong tam cương) Bác Hồ thường ít dùng, nếu có dùng thì với động cơ sáng tạo để đạt mục đích: Thiện. Hòa giải là triết lý của phát triển được tuyên ngôn qua các thời đại, là một giá trị truyền thống lâu đời của cộng đồng đa dân tộc. Ý thức tự cường, lòng tự hào dân tộc là động lực giữ nước, là chiều cao văn hiến mà cốt lõi là hòa hiếu. Chính sách “tâm công” để đối xử với nước lớn của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, phương lược nhìn xa, trông rộng của Quang Trung, đối ngoại thì mềm dẻo, linh hoạt, đó là kế sách của kẻ thắng để ở bên cạnh nước lớn mà vẫn yên ổn. Còn chuyện “gươm núi Sóc, cọc Bạch Đằng” là điều bất đắc dĩ, chứ không hề có ý thức hiếu chiến, thượng võ.

Trong thời đại chúng ta, Hồ Chí Minh và các nhà hoạt động chính sách hòa hay chiến đều bắt nguồn từ sự đại độ, biết đề ra những điều kiện để hòa giải nếu cần. Triết lý văn hoá của Hồ Chí Minh hết sức minh bạch và có nguyên tắc: Chấp nhận sự đối thoại giữa các chính kiến, khoan hồng với kẻ thù khi thua trận, kế sách an dân thời hậu chiến, lúc thiên tai, chính sách đại đoàn kết với các dân tộc trong cộng đồng, tôn trọng tự do tôn giáo và tín ngưỡng, tiếp thu tinh hoa văn hoá các nước. Về các triết thuyết tôn giáo, có lần Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thật lòng: “Tuy Khổng Tử là phong kiến, tuy học thuyết của Khổng Tử có nhiều cái không đúng, song những điều hay trong đó thì ta nên học” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996, tr.46). Nho giáo là triết học nhập thế, chủ trương mọi người ai cũng phải lấy tu thân làm gốc, đề cao học vấn, lễ giáo, truyền thống hiếu học. Phật giáo tuyên ngôn: từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, coi trọng châm ngôn “Ở hiền, gặp lành”, làm điều thiện, tránh điều ác. Đạo giáo khuyên con người sống thanh cao, không màng danh lợi, yêu thiên nhiên và hòa quyện vào thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm bạn, và chính Người là chủ thể sáng tạo thơ văn đã lấy nguồn cảm hứng từ một ánh trăng, một làn gió, một rặng đào, có chim rừng, nắng sớm, mây bay, v.v…

Về ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao chữ nhân (nhân đạo, nhân nghĩa), được nâng thành một triết lý: Chủ nghĩa nhân đạo cách mạng. Ở đây, Bác đã kế thừa luận điểm của Karl Marx . Mác nói: “Về thực chất, chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa nhân đạo”. Chủ nghĩa nhân đạo mà Bác dùng là những giá trị của con người. Con người là tất cả, là vốn quý nhất. Khi Tổ quốc lâm nguy, Bác nêu cao vị trí hàng đầu của con người trong quan hệ với vũ khí: “Người trước súng sau”. Nhân là lợi ích của con người, là sự phát triển toàn diện của con người: “Ham muốn tột bậc của Người là “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” chứ không dừng lại ở sự ban phát ân huệ như giảm thuế, hạ giá thành sản phẩm, ân xá tội phạm, tôn trọng bậc cao niên, quan tâm thế hệ trẻ, trọng dụng nhân tài. Bởi chỉ có những hành động đó thì chữ Nhân của chủ nghĩa Mác không cao hơn chữ Nhân của giai cấp phong kiến. Về chính trị “đức hóa” theo đạo nhân là một bước tiến của lịch sử Trung Quốc cổ đại. Tâm đắc của Hồ Chí Minh đối với chính sách nhân dân có lẽ bắt nguồn từ những dòng văn này của vị chủ thuyết đạo Khổng: “Người có nước, có nhà không sợ ít của, mà chỉ sợ chia không đều; không sợ ít dân, chỉ sợ không yên ổn; vì sợ rằng, chia đều thì sẽ không nghèo, hòa mục thì sẽ không ít, yên ổn thì sẽ không nghiêng đổ” (Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam, tập I.KHXH, 1973, 303).

Trong đạo đức chịu ảnh hưởng triết học phương Đông, Hồ Chí Minh thường khám phá nội hàm rộng, khai thác triết lý sâu vào vận dụng giáo dục đạo đức cho cán bộ cách mạng, khai thác triết lý sâu và vận dụng giáo dục đạo đức cho cán bộ cách mạng, trước hết là những ai nắm quyền lực quản lý đất nước. Trong ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), Bác Hồ đảo lại trật tự (trí, tín, nhân, dũng, liêm). Vì sao vậy? Phương pháp thừa kế di sản văn hoá trong nước hay nước ngoài của Hồ Chí Minh thường theo logic giá trị của cái đúng, cái hay, loại bỏ cái sai, cái không hợp thời, tuân theo sự vân động giữa cái bất biến và cái khả biến. Các phạm trù trí - tín trong triết thuyết Khổng Tử không nằm ngoại lệ, khi người viết: “tri thức là sức mạnh”, khi Người đã đọc Lê Quý Đôn: “Phí trí bất hưng”. Không phải vô cớ mà chữ trí được Bác dùng nhiều. Ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám còn ngổn ngang trăm sự của nước Việt Nam trẻ tuổi, Người đã kêu gọi: Chống giặc đói, chống giặc dốt, chống ngoại xâm. Ba thứ giặc đều đặc biệt hiểm nguy: vừa có ngoại xâm, vừa có nội phản, nội phản là bọn Việt gian bán nước, nhưng đối với một nhà hoạt động chính trị lỗi lạc như Hồ Chí Minh, thì thứ giặc “nội phản “ bên trong đáng sợ hơn nhiều, vì đó là vô hình, đó là dân dốt, kinh tế kiệt quệ. “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” - câu này có nhiều nghĩa: phải làm cho dân biết chữ, khi đã biết chữ thì họ không đứng ngoài chính trị; chống lại chính sách thuộc địa thâm độc của thực dân “Làm cho ngu dân để dễ trị”; có tri thức, có đội ngũ trí thức được coi là nòng cốt mới xây dựng được xã hội mới. Ngày này, trí thức càng cần thiết khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đến với thế kỷ chúng ta. “Đảng và Chính phủ ta rất quý những người tri thức của nhân dân, vì nhân dân” (Huấn thị cho lớp nghiên cứu chính trị của trường Đại học nhân dân Việt Nam ngày 27/07/1956).

Còn chữ tín? Trong ba điều hệ trọng của phép nước từ xưa đến nay đều coi chữ tín là hàng đầu (túc thực, túc binh, dân tín). Đây là mối quan hệ giữa Chính phủ và dân. Triết lý của chữ Tín đối với Hồ Chí Minh đặt lợi ích của dân là trước hết không có nghĩa là coi nhẹ kinh tế, quân sự. Ý nghĩa sâu xa của câu nói là giữ chữ tín trong mọi quan hệ xã hội, nhất là giữa tầng lớp lãnh đạo và người dân. Dân tin sẽ tạo ra sức mạnh: Thực túc, binh cường. Dân không tin thì thuyền bị đắm, làm sụp đổ vương triều thống trị. Một xã hội phát triển theo hướng nhân văn luôn luôn coi cái gốc của mọi quyền lực đều từ nhân dân mà ra, và nó trở lại phục vụ nhân dân. Muốn như vậy, phải có lòng tin hai chiều: Chính phủ trọng dân, nghe dân nói, còn dân tin yêu, ủng hộ việc thực thi của Chính phủ. Nếu đạo đức mới là tấm gương soi gồm những phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của người cầm quyền vì lợi ích của dân, thì pháp trị dưới chế độ mới phải cấu trúc theo phương châm: Làm sao cho dân biết dân chủ và hưởng quyền dân chủ. Trong quan hệ giữa đức hóa và pháp trị diễn ra như quy luật của tất yếu và tự do. Muốn được tự do cần tôn trọng quy luật tất yếu của thiên nhiên, của xã hội. Ngược lại, khi ý thức người dân thực hiện theo những luật lệ, pháp chế, quy chuẩn của xã hội thì con người được tự do, thánh thiện. Đối với Hồ Chí Minh “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”, mạnh bằng quyền biến của Dân: “Hễ Chính phủ nào mà làm hại dân chúng, thì dân chúng phải đạp đổ Chính phủ ấy đi và gây nên Chính phủ khác”.

Hơn ba mươi năm bôn ba ở hải ngoại, chủ yếu là phương Tây, Hồ Chí Minh đã tự kiếm sống, tự đấu tranh để làm cách mạng theo chủ nghĩa Lenin, chống chính sách ngu dân với mục đích giành độc lập dân tộc, nhưng Người luôn luôn canh cánh nỗi lo sự xâm lược văn hoá của đế quốc Mỹ và những hành vi thâm độc của “nền văn minh” Pháp. Người đã tự học trong những trường đại học của đường đời, của biển cả trí thức nhân loại. Người ý thức được sớm về những nhược điểm của phương pháp tư duy trực giác, thiếu khúc chiết, chưa đủ khả năng lập thuyết của các bậc học giả tiền nhân ở phương Đông, làm cho tư duy bị kẹt vào vỏ bọc phong kiến phương Bắc, nên khi gặp chủ nghĩa Lenin là Người “xúc động đến phát khóc lên!”, coi đây là con đường giải phóng đồng bào đang bị đọa đày, dân tộc đang bị nô lệ. Ngoài ra, trong tư duy triết học của mình, cũng có sự hội tụ tình cờ giữa phương pháp duy lý, thực tiễn với phép biện chứng của chủ nghĩa Marx–Lenin mà Người là học trò xuất sắc của R.Descartes.

Liên quan đến đề tài triết học văn hoá trong đạo đức Hồ Chí Minh, bài viết này xin được dừng lại ở hai nội dung: Một là: Lenin và Hồ Chí Minh với đạo đức nhà báo. Ngay từ những điều kiện lịch sử thời kỳ tân kinh tế (NEP), Lenin nêu câu hỏi: Chúng ta thiếu gì? - Thiếu tính văn hoá; sự hiểu biết quản lý…Vậy tính văn hoá nằm ở đâu? - Ở quá trình dân chủ hóa báo chí, bởi trí thức báo chí là cội nguồn có tinh thần dân chủ hơn cả. Nếu biết định hướng thì ngay cả “sự thật khép kín”, tô hồng thành tích cũng có thể đáng suy nghĩ. Còn đối với người quản lý văn hoá, báo chí là công việc khó. Vì đó là quản lý cái vô hình (tâm trạng, tâm lý, tình cảm, tri thức, nguyện vọng) của người đọc, người nghe,… và quyền quản lý cái hữu hình, tức chất lượng báo chí, phải phát hiện cái mới, cái sáng tạo, cái nhạy cảm của thời cuộc đưa đến cho công chúng. Phong trào nêu gương người tốt, việc tốt, người mới, việc mới được Bác Hồ nêu ra từ năm 1958 là một hiện tượng có ý nghĩa triết học nhân sinh; Tôi tin là bác đã đọc được ý của nhà sư phạm Nga Xô Viết Makarenko “gương mẫu là cha đẻ của giáo dục”. Từ một tia lửa nhỏ của bài học đạo đức, phong trào sẽ thổi bùng thành ngọn lửa ánh sáng cho số đông, cho cộng đồng. Tuyên truyền, quảng bá chưa đủ, còn phải biết tổ thức thực tiễn. Những câu nói giản dị của Người, nhất là đối với giới chức lãnh đạo, giáo dục, trí thức như: nói phải đi đôi với làm; lý luận phải liên hệ vơi thực tiễn tiễn; học phải đi đôi với hành,... là phép biện chứng giữa hai nguồn tri thức của nhân loại. Thiếu một, người trí thức sẽ không hoàn thiện, có độ chênh giữa đức và tài.

Hai là, có người hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sao Cụ không viết sách; cụ trả lời: Một là vì tôi không viết được. Hai là vì thánh hiền phương Đông và phương Tây đã để lại cho chúng ta khá nhiều sách. Chúng ta chỉ cần nghiên cứu và áp dụng cho đúng hoàn cảnh là đủ….”. Trên thực tế, Bác viết báo rất nhiều bằng nhiều thứ tiếng, báo Pháp, báo Tàu, báo ta và của các nước, báo bí mật, báo công khai, nếu gom góp lại có đến nhiều tập sách dày mà chỉ có một chủ đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Về sách, cuốn nổi tiếng nhất là Lên án đế quốc chủ nghĩa Pháp, về ký có Nhật ký chìm tàu, về kịch có Con rồng tre (được câu lạc bộ Paris diễn nhiều lần, các nhà phê bình Pháp khen hay), về thơ có Nhật ký trong tù và nhiều bài ca tuyên truyền cổ động chính sách,v.v…

Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với phần lớn những bậc thầy văn hoá châu Âu, châu Á hoặc được biết, được đọc những văn phẩm lớn của họ. Dù đó là danh họa Picasso với câu nói nổi tiếng về nhân dân ta là “dân tộc của những hiệp sĩ” (1968) hay truyện viết Cha Serghi  của Lev Tolstoy  với nhiều lời tôn vinh một đại văn Nga, tự coi mình là người học trò nhỏ của nhà văn vĩ đạo; dù đó là Osip Mandelstam hay Pavel Antokolsky – nhà thơ lớn Nga, đã dịch Nhật ký trong tù với lời ca ngợi Người là “nhà dân chủ, ấp ủ niềm ước mơ về hạnh phúc nhân loại”; dù là đại thi hào Ấn Độ R.Tagore hay thơ ngụ ngôn của La Fontaine hoặc Tây Du ký, thơ Đỗ Phủ, v.v…. thì đối với Người cái trước hết là những lời khuyên của những nhà khoa học, nhà văn hoá các thế hệ sau cần tiếp cận ý nghĩa các hiện tượng nói trên qua câu nói: “Văn hóa của các dân tộc cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều điều hơn cho văn hoá của mình” (Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb Văn hóa, 1995, tr.438). Câu nói ấy còn có tác dụng về phương pháp luận cho đến hôm nay, khi việc hội nhập văn hoá đòi hỏi sự tích hợp, sự khái quát cao, chứ không nghiên cứu thiếu tính hệ thống, thiếu tính triết luận của văn hoá, văn học. Còn câu nói nổi tiếng: “Phải phát triển hết cái hay, cái đẹp của dân tộc tức là cùng đi tới chỗ nhân loại: là chạm tới bản sắc dân tộc, tính dân tộc, những logic giá trị đúng của dân tộc - là cơ sở, là tiền đề của quá trình tích hợp giá trị văn hoá, hội nhập văn hoá trong điều kiện lịch sử hiện nay. Kiến thức của nhân loại mênh mông như biển, cao như núi, nhưng với Hồ Chí Minh, đúng như nhà văn nổi tiếng Osip Mandelstam từ năm 1923 dự báo: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai….” Đúng! Văn hóa tương lai là nền văn hoá của con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, lấy lợi ích con người là mục đích của sự vận động, sự chuyển dịch trong ứng xử đối với thiên nhiên, đối với xã hội và con người. Minh triết Việt là ở đó.

GS. HỒ SĨ VỊNH

Tin liên quan

Tin mới nhất