Tuyên Quang: Du lịch Tân Trào - đến để không quên

(Arttimes) - Bên triền núi Hồng mênh mang hùng vĩ, những nếp nhà sàn người Tày đẹp như tranh vẽ, đường bê tông sạch sẽ nối nhau đến từng ngõ nhỏ, tiếng đàn Tính đằm thắm lan tỏa dập dìu, mê hoặc - Tân Trào, mảnh đất cội nguồn lịch sử cách mạng sứ Tuyên, nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tác văn thơ cách mạng đầy hào hùng đang đổi thay diện mạo từ kinh tế, du lịch, bản sắc văn hóa. Ghi chép của Thời báo Văn học Nghệ thuật về mảnh đất cội nguồn lịch sử cách mạng xứ Tuyên.

“Vang vang khúc ca xưa, trong mái Lán Nà Nừa, ôi con đường nhỏ Bác đã đi qua,  ơi sông Đáy này Bác đã dừng chân, hình Bác còn đây cùng với núi rừng...”. Lời ca từ trong bài hát Đường về Tân Trào (NS Tân Điều) như thôi thúc gọi mời tất thảy tìm về Tân Trào, đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng nhất của lịch sử cách mạng.

Tuyên Quang: Du lịch Tân Trào - đến để không quên - 1

Làng du lịch sinh thái Tân Trào, (Sơn Dương, Tuyên Quang), điểm tham quan tuyệt đẹp khi đến với Tân Trào

Thay đổi diện mạo từ phát triển du lịch văn hóa sinh thái

Khu di tích lịch sử Quốc gia Tân Trào (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), là mảnh đất linh thiêng kỳ bí, lưu danh sử sách, chất chứa nhiều giá trị văn hóa truyền thống của vùng quê cách mạng. Là Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng, nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Làng văn hóa Tân Lập là "trái tim" của Tân Trào.

Trò truyện với phóng viên Thời báo Văn học Nghệ thuật, Ông Trương Văn Vần, một trong những chủ hộ được Nhà nước hỗ trợ làm ngôi nhà sàn khang trang, xúc động nói: Dân làng Tân Lập mãi không bao giờ quên ơn Đảng, Chính phủ đã quan tâm. Người dân Tân Lập không thể tin, cuối năm 2014 xã Tân Trào là xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới. Điện, đường, trường, trạm khang trang chẳng khác nào miền xuôi. Năm 2015, Nhà nước có chính sách mới, xây dựng Tân Lập thành làng cách mạng, làng văn hóa để phát triển du lịch và phát huy giá trị văn hóa bản sắc dân tộc. Có 12 hộ gia đình được Nhà nước hỗ trợ, mỗi gia đình 200 triệu đồng xây mới một căn nhà sàn khang trang. Đây là số tiền rất lớn và quý giá làm thay đổi cuộc sống và diện mạo của bản làng Tân Lập. Tưởng như trong truyện cổ tích, "người giàu cũng ước", người làng Tân Lập vỡ òa trong hạnh phúc, thật mà cứ ngỡ như mơ.

Tuyên Quang: Du lịch Tân Trào - đến để không quên - 2

Ông Trương Văn Trình (SN 1966, Trưởng thôn) cho biết: Hiện nay làng có 187 hộ gia đình với gần 800 nhân khẩu. Năm 2015, làng là mô hình đầu tiên của Tỉnh thực hiện phát triển kinh tế du lịch - du lịch sinh thái cộng đồng (homestay). Phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, được Nhà nước hỗ trợ đào tạo kỹ năng làm hướng dẫn viên, các kiến thức làm du lịch,...làng chú trọng làm đa dạng các đặc sản ẩm thực Tây Bắc bằng chính những sản vật từ rừng tự nhiên, và do chính bàn tay người dân tăng gia sản xuất: rau dớn nộm, rau ngót rừng nấu canh, thịt trâu khô xào măng chua, cơm lam, xôi ngũ sắc, thịt gà thả đồi, thịt vịt thả suối, rượu nếp 2 lần,... ai có cơ duyên một lần đến đây du ngoạn phong cảnh vùng quê cách mạng, non nước hữu tình và được thưởng thức đặc sản do chính người dân chân chất, tài hoa chế biến, chắc hẳn sẽ chẳng thể quên hương vị núi rừng thiên nhiên hòa quyện, để rồi men rượu say “quên cả lối về”. Làng thành lập đội văn nghệ để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng, biến nó thành sản phẩm du lịch độc đáo. Diễn viên được chọn từ người trong làng, họ tự luyện tập múa hát, tự sắm các trang phục của người dân tộc để biểu diễn. Mỗi khi có lễ hội, khách đến thăm, đặc sản đặc sắc không thể thiếu là các làn điệu Then, tiếng đàn Tính, điệu múa xòe quyến rũ được những chàng trai, cô gái bản Tân Lập hồn nhiên trong trang phục dân tộc truyền thống rực rỡ, phô diễn cho du khách đắm say thưởng lãm.

Tuyên Quang: Du lịch Tân Trào - đến để không quên - 3

Khu di tich Lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào đang được đầu tư xứng tầm để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch

Từ khi trở thành Làng văn hóa, diện mạo của làng thay đổi nhanh chóng, thu nhập từ làm du lịch chưa nhiều, nhưng mỗi người dân ở đây từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi đều thay đổi nhận thức, ý thức giữ gìn và trân quý ngôi làng cách mạng mang đậm dấu ấn lịch sử, giàu bản sắc văn hóa và linh thiêng này. Anh Nguyễn Văn Bế (SN 1968, cháu nội của Ông Nguyễn Tiến Sự - Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long, nay là làng Tân Lập), cho biết: Nhà tôi mỗi năm đón hàng nghìn khách du lịch, khách tây, khách ta đủ cả. Mùa xuân hay những ngày cuối tuần, ngày lễ hội, khách đến tham quan đông lắm. Đình làng, đường bản Tân Lập dập dìu khách qua lại, đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười. Ông nội tôi kể lại, làng Tân Lập khi ấy chỉ có hơn 20 gia đình dân tộc Tày, nhà nào cũng được trưng dụng phục vụ cách mạng. Nhà đặt cơ quan in báo; nhà đặt điện đài liên lạc; nhà dành cho bộ đội, cảnh vệ đóng quân. Đặc biệt, căn nhà sàn bằng gỗ của ông nội tôi đây là nơi Bác Hồ ở và làm việc những ngày đầu khi chuyển từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (21/5 đến cuối tháng 5/1945). Nhà của ông Hoàng Trung Dân, là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc trong thời gian tiến tới Tổng khởi nghĩa (21/5 - 16/8/1945).

Một ngày đầu xuân Tân Sửu (3/1961), Bác Hồ trở lại thăm quê hương cách mạng Tân Trào, thăm làng Tân Lập. Bác ân cần hỏi thăm từng gia đình, dặn dò người dân phải tăng cường giúp đỡ nhau sản xuất để thoát nghèo và xây dựng cuộc sống mới, các cháu nhỏ phải được chăm lo học hành,...Bác nhắc lại những tháng ngày gian khó được đồng bào che chở để làm nên cách mạng tháng Tám thành công, để kháng chiến thắng lợi. Trung ương Đảng và Chính phủ không bao giờ quên ơn công lao đó. Tất cả như thấm từng lời của Bác, ai cũng rưng rưng cảm động tình cảm của Bác dành cho chiến khu xưa.

Tuyên Quang: Du lịch Tân Trào - đến để không quên - 4

Dưới cây đa Tân Trào

Giàu tiềm năng, cần những giải pháp hữu hiệu để phát triển

Tân Trào “nằm trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20”. Hội tụ được nhiều yếu tố quý giá để hình thành các loại hình, sản phẩm du lịch thế mạnh; đặc biệt loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch vui chơi giải trí và du lịch tâm linh, lịch sử - văn hóa. Một số điểm du lịch đẹp nguyên sơ, có giá trị lâu dài cần được đầu tư, công bố, khai thác như: thác đá Ba Khe, đập Lũng Tảu,...cần chuyển đổi một số cánh đồng phù hợp từ trồng lúa sang trồng các loại hoa, đây sẽ là điểm nhấn có sức hút lớn du khách đến tham quan, chụp ảnh, livestream, mua sắm các sản vật địa phương, ăn uống, nghỉ dưỡng,... sẽ là cách làm du lịch dễ thực hiện, sớm có hiệu quả, có sức lan tỏa nhanh, phù hợp với kinh tế hiện tại. Các Sở, ngành cần có kế hoạch hỗ trợ tiếp sức, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, bằng nhiều kênh, nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, lấy công nghệ 4.0 là then chốt. Kết nối với các doanh nghiệp lữ hành hình thành các tua, tuyến thu hút du khách đến với Tân Trào ngày càng nhiều hơn, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

None

Xuân Trường

Tin liên quan

Tin mới nhất