Tuyển sinh viên nước ngoài sụt giảm do Covid-19?

(Arttimes)- Bên cạnh tuyển sinh người học trong nước, nhiều cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam còn chiêu sinh đào tạo sinh viên người nước ngoài.

Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều trường lo ngại số lượng tuyển sẽ bị giảm trong năm nay.

Ngành Việt Nam học chiếm ưu thế

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV TPHCM) - ĐHQG TPHCM, hiện đào tạo 74 sinh viên, học viên là người nước ngoài, trong đó chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Bên cạnh đó, trường còn có nhiều học viên tham gia chương trình trao đổi học thuật trực tuyến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… với các đơn vị trực thuộc.

Theo ThS Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, SV, học viên người nước ngoài theo học tại trường chủ yếu tập trung các ngành như Việt Nam học, Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ học. Số học viên đang học tại trường vì họ ở Việt Nam đã lâu, có công việc ổn định tại TPHCM.

Năm 2021, nhà trường tiếp tục tuyển sinh người nước ngoài học ngành Việt Nam học. Các thí sinh sẽ xét tuyển với điều kiện: Đã tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông ở nước sở tại, có chứng chỉ kỳ thi năng lực tiếng Việt... Hiện kỳ thi năng lực tiếng Việt vẫn được nhà trường tổ chức thường xuyên, thí sinh dự thi chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và cả người nước ngoài đang ở Việt Nam. Trường hợp trúng tuyển mà chưa thể qua Việt Nam, khoa Việt Nam học tổ chức dạy trực tuyến để  bảo đảm tiến độ học tập.

“Số liệu cho thấy số lượng sinh viên nước ngoài học tại trường có xu hướng giảm vì tác động của dịch Covid-19. Khoa Việt Nam học của trường đang thực hiện đào tạo trực tuyến bậc ĐH ngành Việt Nam học để thích ứng với đặc điểm dịch bệnh hiện nay…” - ThS Trần Nam chia sẻ.

Trong khi đó, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), lực lượng SV, học viên là người nước ngoài chủ yếu đến từ Lào và Campuchia. Theo TS Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh & Công tác SV HCMUTE, năm 2020 - 2021, toàn trường có 44 SV Lào, Camphuchia, trong đó có 37 SV đang theo học toàn khóa tại trường và 7 SV đang học tại Trường Dự bị Đại học TPHCM, sẽ sang học tại trường vào năm học 2021 - 2022.

“Do chương trình đào tạo chất lượng, nhiều ngành đạt chuẩn AUN-QA cùng chính sách ưu đãi, thu hút sinh viên nước ngoài như miễn học phí và tiền ở ký túc xá trong suốt thời gian học tập; cấp học bổng khuyến học, hỗ trợ khó khăn đột xuất... nên có nhiều sinh viên, chủ yếu là Lào và Campuchia đến học tập tại trường. Năm học 2020 – 2021, trường tiếp nhận 5 sinh viên Lào và 1 sinh viên Campuchia” - TS Trần Thanh Thưởng cho hay.

Tương tự, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM (NLU) hiện có 21 SV, học viên đến từ Campuchia, Lào, Palestin. Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng NLU, sinh viên nước ngoài đến học tập tại trường theo 2 diện (hiệp định và ngoài hiệp định). Năm 2021, nhà trường vẫn giữ nguyên việc tuyển sinh viên nước ngoài theo chỉ tiêu, thủ tục của Bộ GD&ĐT.

Tuyển sinh viên nước ngoài sụt giảm do Covid-19? - 1

Một buổi sinh hoạt chuyên đề của các SV Campuchia, Lào tại LHU. Ảnh: NTCC.

Chia sẻ khó khăn

ThS Trần Nam trao đổi: Hầu hết sinh viên quốc tế an tâm về tình hình phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam nên họ đi làm, học, nghiên cứu rất thoải mái. Có thể thấy, đây là điểm cộng của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Có nhiều người sau khi tốt nghiệp mong muốn ở lại làm việc lâu dài vì Việt Nam đang có nhiều lợi thế phát triển và môi trường y tế tốt.

Nói về điều kiện để SV nước ngoài theo học tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), TS Trần Thanh Thưởng nói: Về kiến thức giáo dục phổ thông, sinh viên Lào, Campuchia không bằng sinh viên Việt Nam nên khi tham gia học chung ĐH ban đầu khó theo kịp. Bên cạnh đó, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 2 nên sinh viên Lào, Campuchia gặp khó khăn với các thuật ngữ chuyên ngành. Vì vậy, đa số các em không nắm bắt kịp kiến thức đang học.

Để chia sẻ những khó khăn, HCMUTE thông qua lãnh đạo khoa theo sát việc học tập của sinh viên nước ngoài, giao cho trợ giảng, giảng viên phụ trách lớp dạy phụ đạo thêm cho sinh viên. Ngoài ra, nhà trường cũng ban hành hướng dẫn cho phép sinh viên nước ngoài được thi lại 2 lần nếu chưa đạt một học phần nào đó; cho phép các em kéo dài thời gian hoàn thành môn học so với sinh viên Việt Nam... Bên cạnh đó, nhà trường cũng tìm mọi cách để hỗ trợ các em từ chỗ ở, sinh hoạt, thể thao, giải trí, hoạt động đội nhóm, thăm hỏi, động viên vào dịp lễ, Tết.

Bên cạnh các trường công lập, một số cơ sở GDĐH ngoài công lập cũng tuyển sinh viên nước ngoài theo học. Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai) hiện có hơn 100 SV nước ngoài theo học. Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU, số lượng SV nước ngoài học tập tại trường theo nhiều dạng khác nhau như học ĐH chính quy, chương trình thạc sĩ, trao đổi sinh viên. SV phần lớn đến từ Campuchia, Lào và một số sinh viên trao đổi đến từ Nhật, Hàn, Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Thái Lan...

“Trong những năm gần đây, du học sinh theo học tại trường phát triển khá tốt về chất lượng đầu vào. Sự đóng góp của các em trong hoạt động đào tạo của nhà trường được đánh giá ngày càng tích cực hơn. Ngoài việc tập trung học tập, các em còn nỗ lực tham gia hoạt động phong trào, sân chơi khoa học của nhà trường và đạt được giải thưởng cao. Du học sinh là cầu nối trao đổi ngôn ngữ, văn hóa giữa SV Việt Nam và SV quốc tế. Nhà trường cũng thường xuyên cùng các Đại sứ quán tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với các doanh nghiệp đang đầu tư tại địa phương, qua đó doanh nghiệp cũng biết đến trường nhiều hơn” - PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ…

Lưu học sinh học tập tại trường đều ngoan, hòa nhập môi trường học tập tốt, nắm bắt được khối lượng kiến thức khá nhanh dù có một khó khăn nhỏ ban đầu là ngôn ngữ. Vì các em học tiếng Việt ở miền Bắc nhưng lại học lại ở miền Nam nên hơi bỡ ngỡ. Năm nay, vì dịch bệnh Covid-19 nên các em cũng có phần vất vả trong việc xuất và nhập cảnh. - TS Trần Đình Lý 

Theo Giáo dục & Thời đại  None

Tin liên quan

Tin mới nhất