Văn chương và cuộc khám phá thế giới tâm linh từ góc nhìn văn hóa (Qua một số tiểu thuyết Việt Nam xuất bản gần đây)

(Arttimes) - Nhà văn Pháp André Malraux (1901-1976) đã có một nhận định sáng suốt: “Thế kỷ hai mươi là thế kỷ của tâm linh”, có thể vẫn rất đúng cho cả thế kỷ hai mươi mốt.

Soi chiếu vào đời sống tinh thần xã hội và văn chương đương đại Việt Nam chúng ta thấy ứng nghiệm. Nếu tham chiếu vào tiểu thuyết – được xem như một thứ “máy cái” của văn chương – chúng ta càng thấy hiệu lực thực tiễn. Những tiểu thuyết chúng tôi dẫn ra sau đây làm bằng chứng không phải đã là đại diện đầy đủ cho tiểu thuyết đương đại Việt Nam mang dấu ấn tâm linh, đức tin, tự do tín ngưỡng. Tất nhiên. Nhưng nó có tính đại diện vì những thành công nhất định, ở những mức độ khác nhau, được dư luận văn giới thống nhất đánh giá.

Văn chương và cuộc khám phá thế giới tâm linh từ góc nhìn văn hóa (Qua một số tiểu thuyết Việt Nam xuất bản gần đây) - 1

Ảnh minh họa

Có thể kể ra một số cuốn tiểu thuyết tiêu biểu theo trình tự thời gian xuất hiện: Đêm thánh nhân (1999) của Nguyễn Đình Chính, Cõi người rung chuông tận thế (2002) của Hồ Anh Thái, Không & Sắc (2003) của Bùi Anh Tấn, Thượng đế thì cười (2003) của Nguyễn Khải, Và khi tro bụi (2006) của Đoàn Minh Phượng, Cách trở âm dương (2009) của Vũ Huy Anh, Họ vẫn chưa về (2009) của Nguyễn Thế Hùng, Đội gạo lên chùa (2011) của Nguyễn Xuân Khánh, Ngược mặt trời (2012) của Nguyễn Một, Hoang tâm (2013) của Nguyễn Đình Tú, Chân trần (2013) của Thùy Dương, Hình nhân thụ huyết (2014) của Đỗ Doãn Quát, Tưởng tượng và dấu vết (2014) của Uông Triều, Mình và họ (2014) của Nguyễn Bình Phương, Hỗn độn (2015) của Nguyễn Khắc Phục, Người thợ mộc và tấm ván thiên (2016) của Ma Văn Kháng, Mưa đỏ (2016) của Chu Lai, Trong vô tận (2019) của Vĩnh Quyền,…

Có nét gì gần gũi giữa những cuốn tiểu thuyết in đậm dấu ấn tâm linh, đức tin, tự do tín ngưỡng mà chúng tôi vừa dẫn ra ở trên? Trước hết, có thể nói ngay về cái gọi là “cảm thức tôn giáo” rất rõ rệt, cảm thức này gắn với cái gọi là “đức tin” (hay gọi là “niềm tin tôn giáo”), có ý nghĩa nhân loại và xuyên thời đại. Sở dĩ vấn đề “đức tin” được đặt ra khá thống thiết trong văn chương nói chung, tiểu thuyết nói riêng là bởi trong đời sống hiện thực nó đạng bị xâm thực, đang trở nên suy thoái dẫn đến những khủng hoảng và bế tắc về tinh thần của con người thời đại (con người có thể chết nếu bị mất niềm tin). Nhà bác học Anber Einstein - chủ nhân của Thuyết Tương Đối - đã viết: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi phương diện trên trong cái nhất thể đầy ý nghĩa và Phật giáo đáp ứng đủ các điều kiện ấy”. Nhưng thiết nghĩ, trên thế giới ngày nay có 10 tôn giáo lớn (theo sách Mười tôn giáo lớn thế giới, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1999), thì nhận định của nhà bác học có lẽ phổ quát cho tất cả các tôn giáo, không riêng gì Phật giáo chăng?

Ở chủ đề này - tôn giáo và đức tin - trong sự quan sát của chúng tôi, Vũ Huy Anh nổi lên như một cây bút mà động hướng tập trung vào một “khối” đặc thù (đời sống của các giáo dân Thiên chúa) qua các tiểu thuyết tiêu biểu như Cuộc đời bên ngoài (1984), Trái cấm vườn địa đàng (1986), Trăm năm thoáng chốc (2004), Cách trở âm dương (2009). Rất nhiều những vùng được gọi là “nhạy cảm”, nhưng độc giả nhận thấy tinh thần sáng suốt của lý tính và cái tình của người viết bện chặt từ đầu đến cuối trong bốn mươi năm có lẻ cầm bút. Nhà văn tự tin nói về đức tin từ cảm thức anh minh về tôn giáo. Ai đó ví von viết về cảm thức tôn giáo khác nào nghệ sỹ xiếc biểu diễn trên dây, căng thẳng và hồi hộp vì nguy hiểm. Ở đây đòi hỏi cả lý và tình của người viết. Nhà văn Vũ Huy Anh đã có những thành công nhất định khi nhận được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1984, cho tiểu thuyết Cuộc đời bên ngoài; Tặng thưởng Cuộc thi tiểu thuyết 2002-2005, của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết Trăm năm thoáng chốc.

Thể hiện “cảm thức tôn giáo” trong văn chương đương đại, có trường hợp nhà văn mạnh dạn đặt vấn đề có tính gây hấn cảm xúc: có thể phong thánh cho những con người bình dân lầm lụi được không, nếu người đó là một biểu tượng của đức tin, của sự tận hiến (?!). Còn nhớ vào năm cuối cùng của thế kỷ trước, tiểu thuyết Đêm Thánh Nhân (1999) của Nguyễn Đình Chính đã đốt nóng dư luận văn đàn đương thời. Khen và chê đều hết mức. Trong Lời tựa cho tác phẩm của mình, tác giả viết: “Chẳng lẽ tình thương yêu đồng loại, lòng đam mê muốn sống và sự thật thà sám hối lại chữa được bệnh tâm hồn con người ư? Tập sách Đêm Thánh Nhân cố gắng lấy cái đó làm ý tưởng tiểu thuyết của mình”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong Lời bạt đã nhận xét: “Tôi chỉ muốn nói rằng, họ chính là những con người đáng được phong thánh bởi sự lầm than và tốt đẹp của chính họ”.

Trong hiện trạng khủng hoảng tinh thần (dĩ nhiên cần nhận thức về một kiểu “khủng hoảng phát triển”) thì tâm linh chính là “nơi chốn đi về” của đời sống tinh thần con người (nó đối lập với một đời sống thực tồn, đầy tinh thần hiện sinh). Nói cách khác thì đó là hành động phóng chiếu, thăng hoa của tâm hồn con người trong bối cảnh đời sống quá nhiều áp lực; tâm linh vì thế  cũng ý có nghĩa như là nơi chốn trú ngụ (thậm chí là “thư giãn”) của con người (nhưng cũng cần loại trừ những mưu toan lợi dụng tâm linh, dẫn tới hệ lụy “mua thần bán thánh”, như nhỡn tiền chúng ta quan sát thấy trong bạt ngàn hơn 8000 lễ hội một năm ở Việt Nam hiện nay chứa đựng không ít biến thái tiêu cực). Gần đây các nhà hoạt động chính trị còn nói về một “niềm tin chiến lược” khi bàn luận về các vấn đề vĩ mô có quan hệ đến vận mệnh nhiều quốc gia, không chỉ trong phạm vi khu vực mà mở rông hơn ra không gian toàn cầu, nhân loại.

Trở về với tâm linh, rất có thể, là cơ hội để con người khám phá ra bản thể của mình. Con người vẫn được coi như một phần của tự nhiên, sinh ra từ tự nhiên, nó cần được giao hòa với cái “nôi vĩ đại” của loài người. Cuộc sống thời kĩ trị đã lôi kéo con người rời xa tự nhiên, ném nó vào dòng thác của tiện nghi đồ vật, của hưởng thụ văn minh kĩ thuật. Trở về với tâm linh có thể là một “liệu pháp tinh thần” để con người sống hài hòa hơn (trước hết là với tự nhiên), đức độ hơn, có ý nghĩa “người” hơn. Trên chủ đề này, một số tiểu thuyết của Thùy Dương như  Thức giấc (2009), Nhân gian (2010), Chân trần (2013) hướng đến thế giới tâm linh của con người thời hiện đại. Đặc biệt nhà văn chú ý đến năng lực ‘thông linh” của một số người có cái khả năng liên kết, giao hòa âm – dương. Vì thế không gian sống của con người có vẻ như được nới rộng kích tấc, đồng thời “bản thể” con người cũng được khám phá trong một không giạn nhiều chiều. Nếu nói quá trình của văn học Đổi mới (từ sau năm 1986) chính là đi từ con người “tập thể’ đến “cá thể” và cuối cùng là “bản thể” thì thế giới tâm linh chính là ánh phản sâu sắc nhất của bản thể con người trong muôn vàn phức tạp và bí ẩn của nó. Trên chủ đề này các tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh như Mẫu thượng ngànĐội gạo lên chùa, nếu có thể nói, thấm đượm cảm thức tâm linh, đức tin. Jack Kornfield, tác giả cuốc sách Tâm đạo, hành trình tâm linh, những nguy cơ và triển vọng (Nxb Thời đại, 2010) đã viết: “Ngày nay, khi phải hối hả lao vào cuộc mưu sinh, chúng ta chỉ bận tâm đến những vấn đề làm sao có được vị trí tốt trong xã hội, làm sao để nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là để thỏa mãn những nhu cầu vật chất của bản thân…cho nên ít bận tâm chăm sóc, thậm chí quên đi đời sống tinh thần. Đã từ lâu chúng ta không còn liên lạc với bản thân mình (…). Con đường tìm lại chính mình là hành trình theo tiếng gọi nội tâm sâu thẳm – con đường tâm linh”.

Thế giới tâm linh được chắp cánh bởi “cái kì ảo” (như là một hình thức nghệ thuật, chứ không phải là một hình thức thể loại văn chương, như hiện nay có hai quan điểm trái ngược nhau). Thậm chí đôi lúc độc giả có thể thốt lên “hoang đường!” khi đọc tiểu thuyết (kể cả nếu như thế, thiết nghĩ, cũng cần thiết). Cái kì ảo có thể giúp cho trí tưởng tượng của con người ngày càng bay cao, bay xa. Tâm linh trên đôi cánh của “kì ảo”, biết đâu sẽ “nối dài các giác quan” của con người, cũng có nghĩa là biên độ của không gian - thời gian tồn tại của con người sẽ được mở ra vô cùng tận. Liệu có một thế giới “âm” và một thế giới “dương” hay không? Về khoa học chính xác và lý tính thì dễ dàng có câu trả lời “không!”. Nhưng về phương diện tâm linh thì không có câu trả lời dứt khoát. Từ xa xưa trong tâm thức loài người nói chung, người Việt nói riêng thì có cả ba không gian tồn tại: âm phủ - trần gian - thiên đàng. Nghĩa là rất có thể con người đang sống đấy mà đã được chấm sổ Nam Tào trước là “âm phủ” hay “thiên đàng” sau khi chết, tùy thuộc vào đạo đức tốt hay xấu (ai đó gọi chính xác là “tâm đạo”). Cõi người rung chuông tận thế (2002) của Hồ Anh Thái, Âm dương cách trở (2009) của Vũ Huy Anh, Họ vẫn chưa về (2009) của Nguyễn Thế Hùng, Ngược mặt trời (2012) của Nguyễn Một, Hình nhân thụ huyết (2014), của Đỗ Doãn Quát, Hỗn độn (2015) của Nguyễn Khắc Phục là những cuốn tiểu thuyết thành công khi mượn “cái kỳ ảo” để khai phóng thế giới tâm linh.

Thế giới tâm linh chứa đầy những linh cảm kỳ diệu. Những linh cảm dựa trên linh giác. Chúng ta đã từng nghe câu chuyện cảm động về bức thư của một liệt sỹ ở mặt trận Thành cổ Quảng Trị năm 1972, viết cho người thân, trong đó nói rõ khoảng thời gian anh hi sinh và thân xác sẽ nằm ở vị trí nào. Nhân vật người lính Nguyễn Huy Cường ra trận trong tiểu thuyết Mưa đỏ (2016) của Chu Lai vốn là một nhạc sỹ tương lai. Anh đang học năm cuối ở Nhạc viện Hà Nội, xung phong ra chiến trường và bước ngay vào chiến địa Quảng Trị 81 ngày đêm máu lửa. Linh cảm về ngày ra đi nhưng không có ngày trở về của người lính thời chiến, anh đã dồn sức viết xong bản giao hưởng lớn về đời sống, về con người, về tình yêu. Tác phẩm nghệ thuật để đời của người lính được hoàn thành ngay giữa làn đạn. Ngay sau ngày hòa bình đầu tiên của đất nước nó được trình diễn ở Nhà hát Lớn, Hà Nội. Trong số khán giả thưởng thức có người Mẹ vĩ đại của anh. Hoang tâm (2013) của Nguyễn Đình Tú với nhân vật Anh, người từng mất ngủ mười năm, sống thường trực trong những ảo giác, trong thế giới của tâm linh, đã có những linh cảm kỳ lạ, đôi khi mang màu sắc siêu nhiên. Nhân vật Anh trong Mình và họ (2014) của Nguyễn Bình Phương dường như cũng biết trước về cái chết của mình (Anh là một thương binh nặng từ chiến trường biên giới phía Bắc, năm 1979 trở về). Phải chăng có những “cái chết được báo trước” tương tự như trong tác phẩm Ký sự về một cái chết đã được báo trước của nhà văn Côlômbia Gabriel Garcia Marquez?

Có người giải thích đơn giản rằng sở dĩ tâm linh, đức tin, tự do tín ngưỡng phát triển và ngự trị trong đời sống tinh thần của con người thời hiện đại là bởi hậu quả của tình trạng khủng hoảng các giá trị. Trước thực tế người Việt Nam phiêu diêu vào hơn 8000 lễ hội một năm thì cách giải thích này có vẻ đúng. Nhưng đúng chỉ ở một khía cạnh. Vấn đề là chính do đời sống đem lại động hướng tâm linh của con người thời đại. Đặc biệt khi có một quan niệm phổ biến về “sự trưởng thành của tâm linh”. Cũng chính tác giả  sách Tâm đạo, hành trình tâm linh, những nguy cơ và triển vọng (đã dẫn ở trên) nhấn mạnh, theo chúng tôi là thuyết phục: “Đặc tính cuối cùng của sự trưởng thành tâm linh là tính thường hằng. Một số truyền thống gọi đó là sự thực hành hậu- khai sáng (…) Tính thường hằng giúp ta hiểu lẽ đời (…). Tính thường hằng của đời sống tâm linh có được khi lòng ta biết tin tưởng, biết ơn quà tặng của đời người. Khi chúng ta đúng là chính mình, không vờ vĩnh hoặc mưu mô, chúng ta an nghỉ trong vũ trụ”./.

None

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất