Đọc lại Định Hải

Nhà thơ Định Hải (tức Nguyễn Biểu, sinh năm 1937), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, nguyên Trưởng ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam, là một tên tuổi ở khu vực viết cho trẻ em. Hiện nay còn rất ít nhà văn viết cho trẻ em cùng thế hệ với ông còn sống nhưng đã nghỉ viết vì lý do sức khỏe.

Ông về nhà xuất bản Kim Đồng từ năm 1962 và từ đó ông dùng tên xã nơi sinh ra ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa làm bút danh để viết cho độc giả trẻ thơ. Bài thơ Tiếng chim buổi sáng được viết tại quê nhà năm ấy thuộc số bài thơ đầu tiên dành cho trẻ thơ mà độc giả trẻ già nhiều thế hệ đã tiếp cận rất nhiều lượt trên sách, báo, trong đó có sách tuyển chọn chung hoặc riêng của tác giả. Nhà thơ có khoảng mười lăm tập thơ dành cho trẻ em, trong đó có ba tập tuyển chọn. Sách của Định Hải được nhà xuất bản Kim Đồng đưa vào "Tủ sách vàng" hai lần.

Đọc lại Định Hải - 1

Nhà thơ Định Hải 

1. Bước sang tuổi bốn mươi được một năm, một sự kiện làm nên tên tuổi Định Hải đến với ông. Đấy là, năm 1978, Định Hải đưa một đoàn thiếu nhi Việt Nam sang Cộng hòa Dân chủ Đức dự Trại hè thiếu nhi quốc tế. Cơ may ấy tạo điều kiện thuận lợi cho đời văn của ông. Ngay sau chuyến đi, ông viết được chùm thơ chục bài, truyền cảm hứng đến các em nhỏ nước nhà về tình hữu nghị giữa các dân tộc trên toàn thế giới.

Định Hải có 5 bài trong sách giáo khoa tiểu học thì ba bài sinh ra từ chuyến đi lịch sử ấy: Bài ca về trái đất, Một mái nhà chung, Nếu chúng mình có phép lạ. Riêng Bài ca về trái đất được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc, mang tên Trái đất này là của chúng mình. Trẻ em nhiều thế hệ đã hát vang khắp hai miền Nam - Bắc vào những dịp vui chung. Giai điệu khá lôi cuốn, phù hợp với trẻ em của bài hát đã chắp cánh cho bài thơ.

Cùng với bài hát, ba bài thơ chung chủ đề liên tiếp được tái bản theo năm học của ngành giáo dục đồng thời in đi in lại nhiều lần trong sách chung, sách riêng đã khiến Định Hải được đứng trên đỉnh cao sự nghiệp văn chương của mình. Thơ ông, theo cách hiểu quen thuộc của số đông độc giả, là đã định hình từ đó cho đến nay, không có gì để nói thêm nữa.

Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Sau độ lùi bốn mươi năm, chúng ta cần có cái nhìn khác về những bài thơ nói trên của Định Hải và cần tìm ra những bài thơ khác, hay nhất của ông đã được viết từ lâu mà ít độc giả quan tâm.

Đọc lại Định Hải - 2

Những bài thơ nói trên giống nhau ở giọng điệu kể việc, nói trực tiếp về suy nghĩ của tác giả một cách chân mộc, thật thà, có tính tư tưởng mà ít tính nghệ thuật. Đó là những bài thơ rất có ích cho trẻ thơ và cả người trưởng thành. Sự có mặt "tưng bừng" của chúng vào những năm 1978, 1979, 1980 là dễ hiểu, là rất cần thiết. Nếu không có Định Hải, hoặc Định Hải không có chuyến đi ấy thì không có chùm thơ. Nhưng đấy không phải là thơ hay, kể cả bài Tiếng chim buổi sáng quá quen thuộc, được tái bản nhiều đến mức nhà thơ đi đến đâu thì bài thơ cứ đi theo đến đó.

Bên cạnh nhiều bài thơ hay, rất hay thì sách giáo khoa từ năm 2020 trở về trước khi chưa có nhiều bộ sách thì có một số bài thơ bình thường cùng với đôi ba bài non kém về nghệ thuật. Không phải biên tập viên và người phụ trách không biết. Không phải bài hay nào cũng vào được sách giáo khoa và không nên cho rằng vào được sách là thơ văn nào cũng hay cả.

Nhưng muốn ra sách thì phải có đủ bài, đúng từng chủ điểm, phù hợp đối tượng tiếp nhận theo quan niệm của người làm sách. Tìm được văn bản phù hợp lại phải lược trích, điều chỉnh câu chữ. Ngay cả thơ Trần Đăng Khoa cũng bị cắt. Thơ văn trong sách giáo khoa có bài hay nhiều, có bài hay ít nhưng dứt khoát phải có ích về giáo dục đạo đức, bồi dưỡng tâm hồn và nhân cách cho độc giả nhỏ tuổi - độc giả không phải ở ngoài xã hội mà đang ở trong học đường.

2. Trở lại với Định Hải, ông có những bài thơ khác vừa có ích vừa hay, rất hay. Ngoài bài Gọi bạn may mắn có ở sách giáo khoa, thì có sáu bài khác. Đưa ra những bài thơ khác, khẳng định là hay, chỉ nhằm bổ sung cho thơ của Định Hải chứ không phải hạ thấp sáng tác của ông đã ra đời cách nay quá lâu, đã được khẳng định.

Thơ văn dành cho trẻ em có những yếu tố sau đây cần được đáp ứng một cách tốt nhất. Một là: ngây thơ, ngộ nghĩnh, trong trẻo, giản dị; Hai là: hành động, hài hước, phi lý; Ba là: hình ảnh, sắc màu, âm thanh, mùi vị,...; Bốn là: mới mẻ, kỳ lạ, biến hóa...; Năm là: chất truyện kể; Sáu là: quan hệ và đối thoại...; Bảy là: chất dân gian; Tám là: biện pháp nghệ thuật đồng thoại; Chín là: ngôn ngữ chọn lọc, vẻ đẹp của tác phẩm. Không phải tác phẩm nào cũng phải có đủ các yếu tố nêu trên, có tác phẩm tích hợp nhiều yếu tố.

Chúng ta có thể xếp bảy bài thơ của Định Hải hay nhưng ít được nhắc đến theo 4 nhóm: trạng thái tâm lý hồn nhiên, ngộ nghĩnh, bất ngờ (Lấy đường cho em, Đánh trận giả); cái đẹp ảo diệu của thiên nhiên và xã hội (Trăng rằm, Tiếng ve); cái đẹp huyền bí, khó hiểu của thế gian (Trò chơi của biển); đức tính ân nghĩa và lòng trắc ẩn (Cuốc mẹ cuốc con, Gọi bạn).

Đọc lại Định Hải - 3

Sau đây là ý kiến thẩm định về chùm thơ nói trên mà chúng tôi cho rằng hay nhất, có nhiều ưu điểm nhất về sáng tạo nghệ thuật của Định Hải, có thể cao hơn cả những bài được tái bản nhiều lần của ông. Bắt đầu là bài Lấy đường cho em:

Bữa ăn đang vui vẻ

Bỗng bé thốt kêu lên

- Đường, lấy đường cho em

Cả nhà đều ngơ ngác.

Hóa ra ăn phải ớt

Bé không chịu được cay

Tìm cách gì chữa khỏi

Bé nghĩ đến đường ngay!

Bài thơ hướng đến độc giả lứa tuổi bé nhất. Cảnh huống quá bất ngờ. Không ai để ý khi ăn phải ớt quá cay, muốn giảm cay ngay lập tức thì làm cách gì. Thường là chỉ biết uống thêm nước canh, thêm thức ăn cho chất cay hòa lẫn, nhạt đi... Em bé nghĩ ngay ra là thêm đường vào thì bớt cay là chắc chắn. Mối liên hệ bù trừ cho nhau giữa ớt và đường là thế.

Vậy là trong sinh hoạt hằng ngày có xuất hiện một mối quan hệ có tính ngược nhau mới, do một em nhỏ tìm ra. (Điều ấy giúp người lớn hiểu thêm hoặc xem lại các mối quan hệ đắng - ngọt, cay - chua, mặn - nhạt trong đời sống muôn mặt). Thế thì, ở trường hợp khác, em bé cũng có thể kêu: "Vắt chanh ngay cho con" (?).

Tiếp theo là bài Đánh trận giả quen thuộc:

Trận đánh đã bắt đầu

Quân ta ào lên trước

Một tên giặc ngã nhào

"Chết" rồi, không dậy được!

"Chết" là không nhúc nhích

Sao nó cứ lồm cồm?

Tính ăn gian, chẳng thích

Chơi thật thà, vui hơn.

Thằng giặc cuống cả chân

Nhăn nhó kêu rối rít

- Đồng ý là tao "chết"

Nhưng đây... tổ kiến càng!

Xem qua, thấy hay nhưng có thể nhiều người cho rằng "nếu để tôi viết, tôi cũng viết được". Thật ra, tìm được một tứ thơ thú vị để làm nên bài thơ này kiểu này thật không dễ dàng. Trẻ nhỏ hay chơi trò đánh trận giả hoặc trốn tìm (ú tim), tức là đánh giả, trốn giả. Kẻ bị đánh phải chết, nhưng ở bài thơ của Định Hải lại không chết được bởi tổ kiến càng bắt "kẻ địch" phải động đậy mà kêu lên, chạy đi.

Hoặc trò trốn tìm, trốn được rồi mà cứ đứng ngồi yên một chỗ lâu quá, để bạn đi rất khó khăn, người ta chán bỏ cuộc chơi thì mất vui, cho nên đôi lúc lại chủ động "ông ơi, tôi ở bụi này" đánh động để người ta tìm ra, mình ú òa lên, được khen là trốn kỹ quá. Hai bài thơ vừa nêu thuộc nhóm mô tả trạng thái tâm lý hồn nhiên, ngộ nghĩnh, bất ngờ của trẻ thơ.

Tiếp tục, chúng ta sẽ khảo sát hai bài Trăng rằm và Tiếng ve. Bài Trăng rằm (có 6 khổ, trích ra đây ba khổ đầu).

Thuyền của bố trăng non

Giữa biển trời bát ngát

Trung thu trăng lại tròn

Bồng bềnh trên sóng bạc

Dịu hiền trăng của mẹ

Bên cửa sổ na thơm

Mát tươi trang giáo án

Trăng theo mẹ tới trường

Trăng của bà vàng óng

Quyện với guồng tơ quay

Vòng tiếp vòng năm tháng

Bà ơi, trăng lại đầy.

Thơ về trăng thì rất nhiều, bởi trăng đã là biểu tượng văn hóa có từ hình ảnh được nhân hóa từ thiên tạo. Hầu như nhà thơ nào viết cho trẻ em đều có thơ trăng - nhiều nhất là trăng vui Tết Trung thu. Trần Đăng Khoa có bài về trăng thuộc loại hay bậc nhất. Tuy thế, thơ trăng của các tác giả khác cũng có vẻ đẹp riêng. Thơ Định Hải cũng vậy.

Giữa biển trời cao rộng, bát ngát sóng bạc, trăng của bố là tất cả từ khi còn là trăng non đến trăng tròn mùa thu. Ấy là cái đẹp toàn thể từ non nớt, mỏng mảnh ban đầu đến đầy đặn, tròn trịa trong không gian cao rộng đầy thử thách. Trăng của mẹ hiền dịu thảo thơm như người vợ, người mẹ, cô giáo chăm chút các con cùng cả nhà bên vườn cây hoa trái và sách vở học hành, ngày ba bữa ăn đầm ấm, yên vui. Trăng của bà óng ả với vòng quay năm tháng đời người. Trăng và ánh vàng nghìn năm song hành cùng bà trăm tuổi. Định Hải còn có bài Vui trăng (Dòng sông trăng tắm, Đỉnh núi trăng treo). Nhưng bài Trăng rằm hay hơn.

Nếu thơ trăng miêu tả cái đẹp về hình ảnh thì thơ về Tiếng ve cho thấy cái đẹp về âm thanh. (Bài thơ có 6 khổ, lược đi khổ thứ nhất).

Cành thấp, cành cao

Giấu trong vòm biếc

Tiếng ve quấn quýt

Đan cài vào nhau.

Tiếng trước tiếng sau

Không chia lẻ được

Thành bản đồng ca

Trào như thác nước.

Tiếng ve trong suốt

Nâng trời cao lên

Tiếng ve ngân lướt

Chân trời rộng thêm.

Con đường làng em

Đi trong bản nhạc

Đi trong bát ngát

Tiếng ve trưa hè.

Đi trong sắc đỏ

Hoa phượng lập lòe

Con đường như suối

Sôi trào tiếng ve...

Định Hải có ba bài thơ về con ve cùng tiếng kêu của nó vào mùa hè. Hai bài Dàn nhạc ve và Hoa phượng - nhạc ve không hay bằng bài Tiếng ve. Ở đây, tác giả dùng hình ảnh để tả âm thanh. Ông dùng màu sắc (hoa phượng, vòm biếc xanh của cây lá) để tả tiếng ve. Nhà thơ dùng cả không gian để làm vang lên tiếng ve (vườn cây, bầu trời, chân trời), dùng tiếng động, âm thanh để tả tiếng ve (Trào như thác nước). Cành thấp cành cao, Tiếng trước tiếng sau, mọi âm thanh, sắc màu, sự vật, sự việc đan cài, quấn quýt vào nhau, như một bản nhạc hòa tấu vừa êm lướt, trong suốt, vừa dâng trào như thác đổ giữa không gian làng quê ở thời điểm trưa hè. Trăng rằm và Tiếng ve là hai bài thơ thuộc nhóm cái đẹp ảo diệu của thiên nhiên, thôn quê, con người, thỏa mãn nhu cầu thứ 3, 4, 6, 9 trong 9 yêu cầu về thơ hay đã nêu.

Nhóm thứ ba có một bài thơ lẻ Trò chơi của biển nói về sự huyền bí, khó hiểu của thế gian:

Dã tràng vo tròn trên cát

Sóng xô xóa nát viên tròn...

Sóng ùa lên rồi sóng tan

Dã tràng lại vê viên khác...

Sóng sóng theo nhau lớp lớp

Sóng tan lại thấy dã tràng...

Bài thơ hấp dẫn đối với mọi lứa tuổi. Cảnh sóng liếm nhanh vào bãi cát rồi lại vội vàng rút ra biển, đã được đưa vào nhiều bài thơ với những ẩn ý thú vị và sâu sắc khác nhau. Đến với trẻ em, bài thơ nói lên đức tính kiên trì chịu đựng của con dã tràng khi cặm cụi vo tròn viên cát mà luôn luôn, mãi mãi bị con sóng của đại dương phá hoại, xóa sạch một cách phũ phàng. Ý nghĩa giáo dục đạo đức trẻ em ẩn phía sau bài thơ.

Đọc qua một lần, các em chỉ thấy thú vị, nể và yêu con dã tràng, không giận biển cả, bởi đấy là việc của đại dương, thế thôi (Bão lụt cũng vậy, bản thân các hiện tượng thiên nhiên không có lỗi gì). Sự tò mò, tìm hiểu cái lạ kỳ, vô lý sẽ khuyến khích trẻ nhỏ ham hiểu biết, trau dồi trí tưởng tượng. Bài thơ này đáp ứng được nhu cầu thơ hay ở các mục 4, 6, 8. Trò chơi của biển cũng có thể khiến độc giả lớn tuổi ngẫm ngợi về nỗi dâu bể của đời người, của thế gian.

Nhóm thứ tư có hai bài Cuốc mẹ cuốc con và Gọi bạn đề cập đức tính trọng ân nghĩa và lòng trắc ẩn. Trước tiên nói đến bài thứ nhất, có thể chưa quen đối với nhiều độc giả. (Bài bốn khổ, không dẫn khổ thứ hai).

Một đêm về nhà bạn

Ở miền quê ruộng đồng

Bao nhiêu năm hò hẹn

Hôm nay vui thỏa lòng.

(...)

Chợt nghe tiếng chim cuốc

"Chiếp chiếp" trong giỏ tre

Tiếng chim non thảng thốt

Rạn nứt cả đêm hè.

Lại nghe ngoài bờ ruộng

Tiếng cuốc mẹ héo hon!

Gần quá mà xa quá

Cuốc mẹ và cuốc con!

Tiếng ếch kêu, cuốc kêu đã từng vang lên thảng thốt trong nhiều bài thơ hướng về thôn quê với những nỗi niềm hoài cổ về cố hương. Bài thơ viết từ năm 1968, nói về một người (có thể là tác giả) đến thăm nhà bạn thân sau nhiều năm hò hẹn. Đêm ấy người khách nghe tiếng cuốc kêu, tiếng kêu về nỗi xa lìa biệt ly, tiếng kêu về khát vọng đoàn tụ, hạnh phúc.

Trong tuyển tập thơ của Định Hải, bài này đặt giữa phần thơ hướng đến độc giả trưởng thành. Chúng tôi cho rằng đây cũng là bài thơ hay thuộc về trẻ em. Trong giỏ tre, Tiếng chim non thảng thốt/ Rạn nứt cả đêm hè. Cùng lúc, ngoài đồng xa vang vọng Tiếng cuốc mẹ héo hon! Đây là thủ pháp đồng thoại ẩn. Bài thơ nói nỗi biệt ly của loài cuốc như chính của con người. Trớ trêu là cả hai mẹ con gần quá và xa quá. Chúng không tìm nhau ở ngoài đồng bãi (khi khả năng gặp lại nhau rất cao) mà tìm nhau, biết nhau khi ở rất gần. Con không thể thoát ra, mà mẹ thì không thể đến. Chỉ một đêm nghe hai mẹ con loài cuốc đáp lời nhau thất thần, bải hoải mà nhiều đêm sau tác giả còn nghe tiếng vọng bàng hoàng vọng vào tâm tưởng, rồi trao nỗi ám ảnh đến nhiều độc giả không chỉ một lần. Đó là tiếng kêu khẩn thiết mong ngăn chặn hành vi xâm hại thiên nhiên môi trường. Hơn thế, đấy còn là tiếng kêu bi thảm về nỗi xa lìa, cách trở, mất tự do chính đáng của con người.

Bài thơ cuối cùng nói đến ở đây là Gọi bạn quá quen thuộc - một trong những bài thơ hay nhất của Định Hải đã vào sách giáo khoa, nó cùng dạng với bài Cuốc mẹ cuốc con.

Từ xa xưa thuở nào

Trong rừng xanh sâu thẳm

Đôi bạn sống bên nhau

Bê vàng và Dê trắng.

Một năm trời hạn hán

Suối cạn, cỏ héo khô

Lấy gì nuôi đôi bạn

Chờ mưa đến bao giờ!

Bê vàng đi tìm cỏ

Lang thang quên đường về

Dê trắng thương bạn quá

Chạy khắp nẻo tìm Bê.

Đến bây giờ - Dê trắng

Vẫn gọi hoài: - Bê! Bê!

Bài thơ có tứ, được triển khai theo dạng đồng thoại, kể câu chuyện - như là cổ tích - về hai con gia súc Bê vàng và Dê trắng lạc nhau. Tiếng Dê trắng gọi bạn Bê vàng "Bê! Bê!" trên đồng bãi hết ngày này sang ngày khác, như vọng về từ nghìn năm dâu bể. Bài thơ đề cao tình nghĩa chủy chung, không chỉ đối với bạn cùng loài mà là bạn khác loài (Bê và Dê).

Bài thơ vừa có ích về ý nghĩa giáo dục đạo đức, vừa hay ở phía giáo dục thẩm mỹ. Đối chiếu với 9 yêu cầu về tác phẩm hay viết cho trẻ em, do chúng tôi gợi ý, thấy bài thơ này thỏa mãn yêu cầu sáng tạo nghệ thuật ở các mục 5 (chất truyện), 6 (quan hệ, đối thoại), 7 (chất dân gian), 8 (đồng thoại), 9 (ngôn ngữ văn chương, vẻ đẹp của tác phẩm).

3. Trên đây là cách nhìn khác và mới về thơ Định Hải viết cho trẻ em. Trong chùm thơ 7 bài khá hay này, chỉ một bài cũ được giữ lại (Gọi bạn). Thiết nghĩ, thơ văn dành cho trẻ em, có ích là cần thiết (tùy theo từng hoàn cảnh xã hội - lịch sử nhất định) nhưng có ích mà sáng tạo nghệ thuật quá hạn chế thì nên chọn tác phẩm hay trước tiên. Bởi xét cho cùng, đã hay là có ích.

Những điều giảng giải về đạo đức công dân dễ viết hơn, sẽ dễ thuyết phục hơn nếu thông qua truyện hoặc văn bản chính luận. Sự thuyết phục ấy ở loại văn ngoài văn chương vẫn được chấp nhận phần lớn là do áp đặt (đúng đắn, cần thiết) từ thầy cô phải dạy cho học trò phải học. Thụ hưởng văn chương lại phải theo một quy luật khác - quy luật thẩm mỹ, buộc quy luật sáng tạo phải tương ứng.

Chúng tôi đưa ra chùm thơ bảy bài của Định Hải là để bàn luận, khẳng định đúng ưu điểm của thơ ông, không nhằm làm lãng quên thành tựu mà nhà thơ đã vươn tới cách nay bốn mươi năm. Mong rằng độc giả sẽ có cái nhìn mới hơn, chính xác hơn về mặt mạnh của thơ Định Hải khi hiện nay trình độ sáng tạo và cảm thụ về thơ văn viết cho trẻ em đã được nâng cao lên rất nhiều so với trước đây.

Định Hải cũng viết nhiều cho độc giả trưởng thành, có bài xuất sắc mà hầu như chưa ai nói đến. Chúng tôi sẽ bàn vào dịp khác. Riêng khu vực viết cho trẻ em, với bảy bài thơ nêu trên cùng một số bài khác, ông xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của độc giả mọi lứa tuổi.

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống