Hải Phòng tưng bừng và sâu lắng Ngày Thơ Việt Nam

Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố kết hợp với Hội Nhà văn Hải Phòng và các hội chuyên ngành khác tổ chức chương trình Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 với tên gọi “Hải Phòng - Nhịp điệu mới”.

Rất nhiều lãnh đạo của Ban tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, Đảng ủy, UBND quận Hồng Bàng, BCH Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng, BCH Hội Nhà văn Hà Nội; ban giám hiệu và các câu lạc bộ thơ tại các trường THPT trên địa bàn các quận cùng 150 Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng đã tham dự sự kiện vào ngày 4/2 (tức ngày 14 tháng Giêng), trước thềm Tết Nguyên tiêu, tại Trung tâm Hành chính quận Hồng Bàng (Hải Phòng), 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Liên Hiệp VHNT Hải Phòng Tô Hoàng Vũ nhấn mạnh ý nghĩa ngày thơ Việt Nam và vai trò của thi ca với cuộc sống người dân đất Cảng, nêu bật những thành công của các nhà văn, nhà thơ thành phố với tư cách là một trong 3 trọng điểm của thi ca Việt cùng với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Mở đầu là chương trình ca nhạc mừng đảng mừng xuân, mừng thành phố đổi mới do các nghệ sĩ Hội âm nhạc thực hiện. Những ca khúc hào hùng sâu lắng và ngọt ngào chất trữ tình về mùa xuân, đất nước quê hương… đã để lại được rất nhiều cảm xúc. Sau tiếng trống mở hội của Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT vang lên, bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lên vừa vang động vừa sâu lắng mở đầu cho nguồn thơ đất cảng tuôn trào.

Tại đây 26 thi phẩm được chọn lọc từ hàng trăm tác phẩm gửi về tham dự đã được trình bày. Những bài thơ được các nghệ sỹ chuyên nghiệp trình bày trên nền nhạc đã thực sự chinh phục được khán giả. Trong khi đó phần lớn các bài thơ do các tác giả tự trình diễn lại thuyết phục người đọc bởi tính chân thật, cách ngắt nghỉ câu, sự biểu cảm của người viết…

Hải Phòng tưng bừng và sâu lắng Ngày Thơ Việt Nam - 1

Chương trình Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 với tên gọi “Hải Phòng - Nhịp điệu mới”

Nhà thơ Đinh Thường - Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng cho biết: "Hải Phòng có truyền thống tổ chức Ngày Thơ Việt Nam để tôn vinh thi ca. Theo đó, mỗi năm thường chọn một địa điểm tổ chức ở các quận huyện gắn với văn hóa đặc trưng vùng miền như tại khu tưởng niệm Vương Triều Mạc (Quận Dương Kinh), khu Di tích quốc gia đặc biệt Trạng Trình (Vĩnh Bảo) hay quần thể di tích Bạch Đằng Giang (Thủy Nguyên)…

Tuy nhiên sau những năm ảnh hưởng của đại dịch Covid phải dừng tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, năm nay chúng tôi tổ chức tại Quận Hồng Bàng, đây là quận đã 2 lần được Đảng, Nhà nước phong danh hiệu anh hùng. Các tác phẩm thơ được trình bày năm nay khá phong phú về thể loại, người viết tự do sáng tạo hình thức thể hiện và nội dung. Bên cạnh các chủ đề ngợi ca đất nước, thành phố còn có rất nhiều những bài thơ mang tâm sự riêng phản ánh khát vọng rất con người". 

Điểm mới của Ngày thơ năm nay tại Hải Phòng là có nội dung giao lưu thơ văn giữa các nhà thơ với giáo viên và các học sinh yêu văn chương của các trường THPT đến tham dự. Em Tuấn Anh (THPT Ngô Quyền) chia sẻ: "Em lần đầu thấy các nhà văn nhà thơ của thành phố, hóa ra các nhà văn vốn gần gũi ở ngay cạnh em và nghe các nhà thơ đọc thơ em rất xúc động. Mong sao nhà trường tổ chức được những buổi gặp gỡ như thế này để chúng em hiểu hơn về thi ca, về các nhà thơ thay vì chỉ tưởng tượng trên sách giáo khoa…". 

Cũng trong dịp này, Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng trao quyết định kết nạp 13 Hội viên Hội Văn học Dân gian của thành phố.

Long Hải - Tuấn Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất