Một tư duy cá biệt về văn chương

Nhà nghiên cứu văn học, dịch giả Ngô Tự Lập – tác giả cuốn lý luận văn học “Văn chương như là quá trình dụng điển” vừa có buổi giao lưu với độc giả Hà Nội vào chiều 1/10. Đây là sự kiện mở đầu chương trình “Thơ, dòng chảy thơ – Thực hành mở trong văn hoá đương đại”* diễn ra từ 1/10 - 26/11/2022, với chuỗi sự kiện Trò chuyện - Toạ đàm – Đêm thơ nhạc – Ra mắt sách thơ ảnh – Kịch đồng sáng tạo nhằm chia sẻ, kết nối các thực hành văn hoá và nghệ thuật đa phương tiện từ mối liên kết chung thi ca.

Là một người có niềm đam mê đặc biệt với văn chương nghệ thuật, Ngô Tự Lập làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu luận, sáng tác ca khúc, đồng thời cũng là một dịch giả, nhà nghiên cứu văn học.

Cách tiếp cận của Ngô Tự Lập không đi theo lối mòn mà luôn khai phá và kiếm tìm những hướng tiếp cận mới, lạ, độc đáo, đặc biệt là về phương diện lí luận. Phong cách của ông thường không xuất phát từ những chuẩn mực và phương thức đã ổn định, mà thiên về sáng tạo để phát hiện, phát kiến theo một lối đi rất riêng biệt.

Một tư duy cá biệt về văn chương - 1

Nhà nghiên cứu văn học Ngô Tự Lập tại buổi trò chuyện “Văn chương như là quá trình dụng điển” (Ảnh: Phạm Hằng)

"Văn chương như là quá trình dụng điển" là một minh chứng cho kiểu tiếp cận mang đậm phong cách Ngô Tự Lập, nó vượt ra khỏi những quy chuẩn và hệ thống lí luận truyền thống và đương đại, mà tác giả đã đặt cho nó cái tên là “Lãng mạn xã hội”.

Theo chia sẻ của tác giả, cuốn sách này được ông dày công nghiên cứu và hoàn thành sau hai năm “làm việc căng thẳng và đầy hứng khởi về trí tuệ” tại Trường Illinois State University (Hoa Kỳ), dưới sự giúp đỡ của các giáo sư, đồng nghiệp và bạn bè tại Khoa Ngôn ngữ và Văn học Anh cùng Nhà xuất bản Dalkey Archive Press.

Nhìn văn chương từ bình diện dụng điển, Ngô Tự Lập lý giải với độc giả vì sao người châu Âu thích tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh hơn những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Ký ức, sự khốc liệt chiến tranh trong tiểu thuyết của Bảo Ninh bắt gặp ký ức thân phận của nhiều con người, của ký ức tập thể về những cuộc chiến khác nhau trên thế giới. Nhưng làng quê, sự xung đột quá đặc thù Việt Nam trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp lại có một không gian - thời gian quá riêng, không phải là văn hóa, ký ức chung của đa số nhân loại.

Từ những lập luận thấu đáo khởi đi bằng lý thuyết mới từ phương Tây, ông đã đưa vấn đề cốt lõi của cuốn sách trở về gần với quan niệm văn chương truyền thống phương Đông: cho rằng nghiên cứu văn học nếu chỉ dừng lại ở văn bản thì chỉ là một sự hoang tưởng.

Nghiên cứu văn học phải là nghiên cứu con người, tìm thấy mối tương quan giữa tác phẩm và bối cảnh sinh ra nó, tương tác giữa tác giả với người thưởng thức. Và khi nhìn nhận như thế, mới thấy được hết chiều kích ý nghĩa, tồn tại sống động của văn học trong xã hội loài người.

Một tư duy cá biệt về văn chương - 2

Cuốn sách "Văn chương như là quá trình dụng điển" (Ảnh: Phạm Hằng)

“Mặc dù ít khi nói thẳng ra, nhưng trong quan niệm của đại đa số các nhà giáo, nhà văn và cả các nhà phê bình, tác phẩm văn học là một sản phẩm được quyết định hoàn toàn bởi văn tài của tác giả, kẻ đóng vai trò của Thượng Đế trong quá trình sáng tạo.

Quan niệm máy móc này có một hệ quả hiển nhiên: tác phẩm văn học có thể xem như một đối tượng độc lập với người tiếp nhận, chẳng khác gì một chiếc ghế hay một hộp bánh, với những đặc điểm xác định và bất biến, có thể mô tả, truyền đạt, phân tích một cách khách quan. Chính với quan niệm như vậy mà các nhà văn vẫn tuyên bố: “Thời gian là vị quan tòa công bằng nhất”, không biết rằng mình đang tự lừa dối mình.

Thực ra, từ lâu, người ta đã nhận thấy rằng văn học không phải là một sản phẩm với những đặc điểm xác định, mà là một quá trình – quá trình tương tác giữa tác giả, người đọc, thực tại lịch sử và ngôn ngữ. Trong quá trình này, tác giả không phải là kẻ quyết định tuyệt đối, và người đọc cũng không phải là kẻ thụ động.

Mặt khác, thực tại lịch sử và ngôn ngữ cũng không ngừng thay đổi và phụ thuộc vào tác giả và người đọc. Giá trị của tác phẩm không bất biến. Ngay cả các kiệt tác, các điển phạm trong một nền văn học cũng là những sản phẩm lịch sử, được một cộng đồng người lựa chọn cho những yêu cầu lịch sử, vì thế cũng thay đổi cùng với thời gian”. (Văn chương như là quá trình dụng điển)

Một tư duy cá biệt về văn chương - 3

Tác giả Ngô Tự Lập đã có buổi giao lưu đầy nhiệt huyết với độc giả về cuốn sách "Văn chương như là quá trình dụng điển", về chủ đề “Thơ, dòng chảy thơ – Thực hành mở trong văn hoá đương đại” (Ảnh: MYAN Poetry & Art)

Trên quy chiếu ngôn ngữ, tác giả có góc nhìn thiên về các nhà tư tưởng hậu hiện đại khi tìm ra hàm nghĩa vấn đề là "văn chương không thể tồn tại bên ngoài xã hội, và như vậy nó luôn biến đổi cùng với xã hội" và nhận ra "trong các lý thuyết kinh điển, không lý thuyết nào có thể lý giải đầy đủ về bản chất của văn chương".

“Công trình này đề xuất một cách tiếp cận có thể gọi là Voloshinovian, mặc dù khi bắt đầu viết những chương đầu, khoảng giữa thập niên 1990, tôi chưa có điều kiện nghiên cứu tác phẩm của Voloshinov, Medvedev và Bakhtin một cách thấu đáo.

Cách tiếp cận này cũng có thể gọi là “Lãng mạn xã hội” bởi nó vẫn giữ lại ý tưởng của Chủ nghĩa lãng mạn, theo đó văn học được hiểu như là một thứ văn bản truyền tải hoặc gợi nên những cảm xúc nhất định. Tuy nhiên, ở đây cảm xúc không phải là cái gì siêu việt, phổ quát và phi lịch sử, mà là kết quả của kiến tạo xã hội”, ông viết. 

Dễ thấy "Văn chương như là quá trình dụng điển" của Ngô Tự Lập là một công trình lý luận văn học được viết với cấu trúc, văn phong hiện đại, lập luận kỹ lưỡng và thiên về duy lý, gợi mở nhiều suy nghĩ về văn chương trong đời sống.

Tuy nhiên, hướng đi của ông có thể đã chạm tới cốt lõi những phạm trù, khái niệm về văn chương hay vẫn là một ẩn số đối với người đọc, điều đó còn phải được kiểm nghiệm và chứng minh trong hành trình giải mã văn chương – một loại hình nghệ thuật đặc thù.

Một tư duy cá biệt về văn chương - 4

Nhà nghiên cứu văn học Ngô Tự Lập tại buổi giao lưu (Ảnh: Phạm Hằng)

*Chương trình do MYAN Poetry & Art khởi xướng, với sự phối hợp tổ chức và hỗ trợ của XplusX Studio, Montauk by LP Club, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD, Hanoi Grapevine, Tung Tăng Studio và Noirfoto Darkroom – Studio – Gallery). Sự kiện không chỉ bổ ích cho những ai muốn khám phá bí ẩn của quá trình sáng tác, tiếp nhận và phê bình văn chương, mà còn gợi mở về những vấn đề về sáng tạo, đời sống tinh thần của con người nói chung.

Công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2006 – 2016, Ngô Tự Lập giảng dạy nhiều môn về văn hóa và văn học như: Lý luận Văn học, Lý luận và Phê bình Điện ảnh, Luật, Giao tiếp xã hội - kinh doanh, Hoa Kỳ học. Từ năm 2016, ông là Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI).

Ông còn là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, đã xuất bản hơn 20 cuốn sách, trong đó có 4 cuốn truyện ngắn, 2 tập thơ, 5 tập tiểu luận và nhiều công trình dịch thuật từ tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Anh.

Ông cũng giành được nhiều giải thưởng, được đề cử giải thưởng PEN cho hạng mục Thơ dịch với tập thơ “Black Star”. Một số tác phẩm của ông được dịch và in tại Pháp và nhiều nước khác. Tháng 10/2019, ông được Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất