Văn học thiếu nhi đương đại: "phát lộ" những tín hiệu tươi sáng

Văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên đã giành được sự chú ý mới về văn hóa và chính trị ở Việt Nam và cũng đang có những bước phát triển thú vị ở châu Âu. Ở châu Âu, mảng văn học này không chỉ tiếp thu các chủ đề mới mà còn thích ứng với các cuộc tranh luận chính trị và xã hội hiện tại mà không làm mất đi tiêu chí văn học và thẩm mỹ.

Đó là những câu chuyện được đề cập tại Hội thảo "Văn học Thiếu nhi và Thanh thiếu niên đương đại tại Việt Nam và Châu Âu" diễn ra vào chiều 16/9 tại Viện Goethe (Hà Nội).

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ hoạt động của Mạng lưới các cơ quan văn hóa châu Âu (EUNIC) với sự hợp tác với Đại sứ quán các nước Ý, Tây Ban Nha, Thụy Điển và sự hỗ trợ của phái đoàn Liên minh châu Âu, nhằm tạo không gian cởi mở cho việc trao đổi về sự phát triển trong nước và các xu hướng toàn cầu của văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên.

Động lực của sự kiện này bắt nguồn từ những nỗ lực tăng cường của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam kể từ năm 2021 nhằm quảng bá sách dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên Việt Nam. Sáng kiến ​​này nằm trong chiến lược phát triển văn hóa quốc gia 2030.

Văn học thiếu nhi đương đại: "phát lộ" những tín hiệu tươi sáng - 1

Toàn cảnh Hội thảo "Văn học Thiếu nhi và Thanh thiếu niên đương đại tại Việt Nam và Châu Âu"

Văn học thiếu nhi - mạch nguồn róc rách chảy 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định sự quan tâm của văn học Việt Nam dành cho thế hệ thiếu nhi và thanh thiếu niên. Nhà thơ chia sẻ, hầu hết các nhà văn của chúng ta đều viết cho các em.

Có người chỉ viết cho chính con mình mà thành nhà văn - nhà thơ xuất sắc viết cho thiếu nhi như Duy Khán, Xuân Quỳnh. Có người trọn đời dâng hiến cho trẻ em, vì ngoài trẻ em, không viết cho đối tượng khác như Võ Quảng, Định Hải. Có người viết cho nhiều đối tượng, nhưng phần tinh túy nhất lại dành cho trẻ em như Tô Hoài với “Dế mèn phiêu lưu kí”, Đoàn Giỏi với “Đất rừng phương Nam”...

Đặc biệt, mảng văn học dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên tại Việt Nam còn nhiều tác giả nhí mà bạn đọc quốc tế biết đến. Tác phẩm của các em còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và được xuất bản ở một số nước như Pháp, Hunggari, Bungari, Đức, Tiệp Khắc… Mảng sáng tác của các em rất phong phú và đa dạng. Có em viết cho chính mình, có em viết cho bạn bè mình đọc, đặc biệt, có em lại viết cho cả người lớn đọc.

Văn học thiếu nhi đương đại: "phát lộ" những tín hiệu tươi sáng - 2

Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu tại Hội thảo 

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, để khuyến khích hoạt động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên nước nhà, thời gian qua Hội Nhà văn Việt Nam đã tích cực triển khai những hoạt động như tổ chức cuộc thi Văn học Dế mèn, tiến hành thành lập Quỹ Văn học Thiếu nhi, phát động cuộc vận động sáng tác trẻ và sáng tác cho thiếu nhi và mỗi năm Hội đều chọn in những ấn phẩm đặc sắc phát tặng miễn phí cho các trẻ em vùng sâu vùng xa...

“Viết cho trẻ em là một việc rất khó. Một tác phẩm đích thực viết cho trẻ em phải là một tác phẩm mà trẻ em đọc thích mà người lớn đọc cũng thích. Thậm chí tuổi càng cao đọc càng thấy thích. Bởi trong một đứa trẻ, bao giờ cũng có một người lớn đang trưởng thành và trong một người lớn nào cũng có một đứa trẻ không bao giờ già đi. Ai chơi được với trẻ em, người đó sẽ bất tử”, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định.

Lực lượng sáng tác dồi dào 

Thể hiện góc nhìn lạc quan về sự phát triển của văn học dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên tại Việt Nam, nhà văn Nguyễn Thụy Anh chia sẻ, kể từ dấu mốc năm 2014, Chính phủ quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam (hiện đổi tên là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam), ứng xử của xã hội với việc đọc đang thay đổi, mọi người quan tâm hơn rất nhiều đến việc đọc sách. Và cũng trong quá trình này, bức tranh về văn học hướng đến độc giả là thiếu nhi và thanh thiếu niên cũng trở nên phong phú và cực kỳ chất lượng.

Văn học thiếu nhi đương đại: "phát lộ" những tín hiệu tươi sáng - 3

Nhà văn Nguyễn Thụy Anh phát biểu tại Hội thảo. Bà đồng thời là một Tiến sĩ Giáo dục học, sáng lập viên và chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con tại Hà Nội

“Một điều vui mừng nữa là đội ngũ tác giả viết văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên đang tăng lên, họ đang từng bước tiếp cận với đối tượng độc giả này, thể hiện rõ rệt nhất là sự phổ biến của các hoạt động đọc sách, giao lưu với tác giả được tổ chức bởi các nhà xuất bản như Kim Đồng, Nhã Nam, Alpha Books hay tại Viện Goethe, Viện Pháp…”, nhà văn Nguyễn Thụy Anh nhìn nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan về lực lượng sáng tác thì đánh giá về sự đón nhận của độc giả và giới chuyên môn đối với văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên tại Việt Nam - bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng cho rằng - đây lại là mảng sách gặp nhiều khó khăn vì phải cạnh tranh gay gắt với nhiều loại hình giải trí khác cũng như là ngay cả với mảng sách dịch.

“Những năm gần đây xuất hiện rất nhiều giải thưởng dành riêng cho văn học thiếu nhi thực sự là nguồn động viên lớn cho tác giả và các nhà xuất bản. Tuy nhiên, giải thưởng về chuyên môn không phải là một sự bảo chứng trong việc sách phát hành tốt, số lượng đầu sách văn học thiếu nhi chưa nhiều, số lượng bản in tương đối khiêm tốn và con đường phát triển văn học thiếu nhi tại Việt Nam vẫn còn nhiều chông gai”, đại diện NXB Kim Đồng nhấn mạnh.

Văn học thiếu nhi đương đại: "phát lộ" những tín hiệu tươi sáng - 4

Hội thảo có sự tham gia sôi nổi của các đại diện đến từ những NXB quan tâm tới văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên như NXB Kim Đồng, NXB trẻ, NXB Phụ nữ, Nhã Nam...

Trong khuôn khổ hội thảo, Giáo sư Bjorn Sundmark tại Đại học Malmo (Thụy Điển) - tác giả của nhiều ấn phẩm về văn học thiếu nhi đã đề cập đến những vấn đề nổi cộm của văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên tại Châu Âu. Ông nhấn mạnh đến tính độc lập, quyền tự quyết của trẻ em và thanh thiếu niên được xã hội Châu Âu quan tâm và thể hiện như thế nào qua các tác phẩm viết cho thiếu nhi và thanh thiếu niên.

Qua hội thảo này, có thể thấy những sáng tác dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên cùng việc ươm mầm văn hóa đọc cho thế hệ măng non đã và đang nhận được sự quan tâm lớn không chỉ từ chính những người cầm bút mà còn từ phía những nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội và những đơn vị xuất bản sách.

Nhìn lại diện mạo văn học dành cho độc giả nhí từ trước tới nay, chúng ta vẫn thấy mạch nguồn róc rách chảy, mang tới các tác phẩm nâng đỡ tâm hồn và chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ. Từ đây chúng ta có quyền kỳ vọng về một tương lai mảng văn học này sẽ vươn những sải cánh cao hơn trên bầu trời văn chương đương đại. 

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).