Chiếc khoen đồng (Kỳ 1)

Trong làng văn, Phạm Lưu Vũ vốn nổi tiếng từ lâu là một ẩn sĩ của “văn phái thần chưởng” luyện chữ như thể luyện gươm và ngày ngày du ký trong cõi mộng mỵ vô vi vô cùng của nhiều sắc đạo. Lần hiếm hoi này, ông “tái - xuất - giang- hồ- văn” trong cuộc thi truyện ngắn 2018-2020 của Tạp chí Nhà văn&Tác phẩm và lập tức đoạt ngay giải nhất với hai truyện ngắn “Chiếc khoen đồng” và “Giọt lệ Nam Xương”.

Lấy tích cổ, chuyện xưa mà ứng tác triết luận để bàn chuyện ngày nay là chiêu thức mà nhiều tác giả đã vận dụng. Nhưng viết được như văn phong của Phạm Lưu Vũ cũng đã là khó, đấy mới là cái tài của người dùng chữ. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu truyện ngắn đoạt giải nhất “Chiếc khoen đồng” của nhà văn Phạm Lưu Vũ.

Họ Phan tên Tất Đắc, người làng Kinh, thuộc đất Nam Xương, gia cảnh nghèo túng, tài sản chỉ gồm mấy sào ruộng và một con trâu.

Vợ chồng, con cái sống trên mảnh đất của cha ông không biết đã bao nhiêu đời, mái nhà lợp rạ, vì kèo, đòn tay bằng tre, gỗ sơ sài, song lại được gác trên dấu tích còn lại của những bức tường cổ dày mấy tấc đã lở lói, rêu phong, dựng trên một cái nền cao ráo và kiên cố. Một hôm có vị khách lạ đã đứng tuổi, mặc một bộ nâu sồng tìm đến, dạo quanh nhà ngắm nghía cái kiến trúc quái gở, kim cổ vô duyên ấy một hồi lâu, hỏi họ tên Tất Đắc rồi tự giới thiệu mình là chuyên gia sưu tầm cổ vật. Bảo với Tất Đắc:

“Tôi đã bỏ công tìm tòi, nghiên cứu khá nhiều về lai lịch nhân sự ở vùng này, phát hiện có một dòng họ Phan ở đây, vốn có gốc từ họ Mạc, lưu lạc từ miền Trung ra. Chẳng hay anh đã biết đến điều đó chưa?”.

Tất Đắc cũng nhớ láng máng, liền trả lời:

“Thì tôi cũng chỉ biết lờ mờ. Họ Phan làng tôi vốn nhỏ nhất làng, chỉ chưa đầy chục nhà, màtôi đây chính là trưởng họ. Nghe các cụ truyền lại cũng có gốc từ họ Mạc…”.

Ông khách nghe nói mừng rỡ:

“Lúc vừa hỏi thăm tới đây, tôi cũng đã nghi nghi. Cái nền nhà này có vẻ rất cổ, dấu tích còn lại cũng đủ thấy lối kiến trúc hình chữ Công (工). Ngày xưa chỉ những hạng có tước lộc, vai vế… mới xây nhà kiểu đó. Anh là trưởng họ, chắc do cụ Tổ để lại?” Tất Đắc không giấu vẻ ngán ngẩm, trả lời:

“Tôi cũng chả biết cụ Tổ tôi xưa có tước lộc, vai vế gì, mà chỉ thấy con cháu đời nay nghèo rớt. Mảnh đất này đúng là do các cụ để lại, không biết đến tôi là đời thứ mấy…”.

Ông khách thấy đã đến lúc đi thẳng vào vấn đề, bèn nói:

“Tôi từng lục gia phả của Mạc tộc ở viện lưu trữ quốc gia. Cuối đời nhà Mạc, có hoàng tử thứ 17 của vua Tuyên tông nhận lệnh đi dẹp loạn ở Nghệ An, cùng đi có một vị trong họ được phong tước quận công. Công việc dẹp loạn không thành, quan quân tan vỡ cả, hoàng tử nhà Mạc phải lẩn trốn, sống lẫn với dân, cải sang họ Thái, thành ra Tổ của họ Thái ở trong ấy. Riêng vị quận công kia tìm đường trở ra Bắc, đến vùng này thì dừng lại, đổi sang họ Phan, có lẽ là vị Tổ của họ Phan làng này chăng? nếu chiếu theo gia phả mà tính đến anh, thì là đời thứ 14…”.

Tất Đắc nghe nói trong lòng bắt đầu cảm thấy tò mò, muốn biết thêm về vị quận công mơ hồ là ông Tổ của mình ấy. Liền hỏi:

“Thì cũng là một ông quận công thất trận, phải đổi họ mà trốn tránh… Vậy có gì đặc biệt mà ông phải lặn lội về tận đây để tìm hiểu làm gì”.

Ông khách bắt đầu thấy có hứng, bèn kể:

“Nguyên nhà Mạc thời ấy phong nhiều quận công. Lại đặt ra lệ, mỗi khi đúc ấn quận công phải làm lễ tế quỷ thần, do đích thân vua Mạc chứng kiến, vị quận công phải viết một định ước truyền thừa vào tờ giấy điều, đọc to lên ba lần rồi bỏ vào lò đốt. Khi đồng chảy ra, phải tự cắt ngón tay, rỏ máu vào nồi nấu đồng trước khi rót ra khuôn. Lại đếm số giọt máu rỏ xuống. Ai không rỏ được giọt nào thì bị bãi quận công ngay lập tức.

Lạ cái là vị nào cắt sâu mấy cũng chỉ rỏ được một giọt, hai giọt, ba giọt… cao nhất là năm giọt. Duy có vị quận công này rỏ được tới 15 giọt. Đời bấy giờ căn cứ vào số giọt máu ấy mà gọi kèm theo tước của các vị quận công, là nhất điểm, nhị điểm, tam điểm… quận công. Vị này là “thập ngũ điểm quận công”. Vì cớ ấy, cho nên tôi mới phải lặn lội tìm tới đây…”.

Tất Đắc càng nghe càng thấy hấp dẫn tò mò, xen lẫn cảm động thấu tim gan, mạch máu trong người bắt đầu chảy rần rật, noãn khí chiêu cảm với tổ tiên bắt đầu phát tác, linh cảm thấy điều kinh dị tiếp theo sẽ thốt ra từ miệng ông khách lạ. Quả nhiên ông ta cứ như thể vừa đọc được ý nghĩ của Tất Đắc, liền kể tiếp, giọng trầm ngâm:

“Nhà Mạc chỉ trụ ở kinh thành Thăng Long được năm đời thì bị diệt. Vua Mục tông, tức là Mạc Mậu Hợp bị treo sống ba ngày trước khi bị chém. Lạ một điều là các vị quận công thời ấy, người nào cũng chỉ truyền được số đời theo đúng số giọt máu rỏ xuống khi đúc ấn thì tuyệt tự, thế có phải là điều kinh dị hay không…?”.

Tất Đắc nghe đến đây thì rùng mình lặng người, buột mồm cất lời, nghe như tiếng than:

“Vậy nếu tôi quả là đời thứ 14, thì chỉ còn được một đời nữa thôi sao…?”.

Ông khách nghe nói cũng giật mình, hỏi ngay: “Anh đã có con trai rồi chứ?”.

Tất Đắc trả lời không chút ngập ngừng:

“Tôi sinh được hai thằng, lớn sáu tuổi, bé ba tuổi…”.

Ông khách gật gù, chậm rãi nói như người giảng đạo, giọng ôn tồn như an ủi, mà lời xem ra không phải an ủi:

“Gia phả chẳng qua cũng chỉ là danh tự, ghi chép các đời người, tức là chép những truyền thừa, từ đời này sang đời khác của danh tự thế gian. Truyền thừa của thế gian gọi là “tộc tướng”, trỏ cái tướng bề ngoài, hằng đời hằng pha tạp, cũng y như các loại bản sắc thế gian, ví dụ phong tục, văn hóa… vậy. Đó không phải truyền thừa của nguyên khí. Truyền thừa của nguyên khí trỏ cái bản chất ở bên trong, gọi là “tộc tính”. Tộc tính không bao giờ pha tạp, cũng không biến đổi, dẫu đến hàng trăm đời, ngàn đời... Tôi tìm về đây, cũng là để muốn biết cái nguyên khí của vị “thập ngũ điểm quận công” kia, nó sẽ truyền thừa như thế nào mà thôi”.

Tất Đắc nhất thời chưa hiểu hết câu nói của ông khách. Còn đang cố cắt nghĩa trong đầu thì ông ta đã ngoắt sang việc khác, trỏ tay xuống nền nhà mà hỏi:

“Nếu đây đúng là nền nhà của ngài, thì biết đâu chiếc ấn quận công ấy vẫn còn được chôn giấu ở đâu đó? Anh ở đây có bắt gặp vật gì lạ hay không?”.

Câu hỏi của ông khách khiến Tất Đắc giật nảy mình, có cảm giác chân tay rụng rời, mồm há hốc ra mà không biết trả lời như thế nào, chỉ lắc đầu, lẩm bẩm:

“Không thấy gì, không thấy gì… thưa ông”.

Ông khách nom vẻ bối rối Tất Đắc thì mười phần đã hiểu ra chín rưỡi, song cũng không hỏi gì thêm, chỉ an ủi mấy câu, nghe ra còn lửng lơ, khó hiểu hơn nữa, rằng kiếp người là vô thường, thì vật cũng vô thường. Nay nó là cái này, mai nó sẽ biến thành cái khác, thì việc ấy cũng chẳng có chi lạ, có điều quý vật tất sẽ tầm quý nhân cho mà xem. Rồi từ biệt ra về.

Phan Tất Đắc sở dĩ giật mình rụng rời, là vì cách đó mấy năm, trong lúc đào chỗ nền nhà phía Tây để làm chuồng lợn, bất ngờ gặp một chiếc hộp gỗ đã mủn, rụng ra những mảnh sơn ta màu đỏ, vẫn còn cứng, sắc như mảnh kính. Mở ra bên trong có một cục đá đen, sù sì như một con cóc to vật, cầm lên thấy nặng chịch. Ngờ bên trong có vàng bạc gì chăng? bèn hí hửng lấy vải bọc lại, ôm lên phố huyện, vào cửa hàng kim hoàn nhờ xem hộ. Ông chủ hiệu kim hoàn nhấc thử, rồi lấy chiếc dũa ra, dũa dũa mấy cái, lộ ra một màu đỏ quạch như gạch cua, bèn lắc đầu đưa trả mà bảo:

“Với trọng lượng này thì bên trong không có vàng, cũng chả có bạc. Chỉ là một cục đồng lâu năm chôn dưới đất, đã mọc rỉ mà biến dạng ra đấy thôi”.

Tất Đắc thất vọng, lủi thủi ôm cục đồng rỉ ra về, định dùng làm vật để nén cà, đến đầu phố huyện thì bất ngờ gặp một anh bạn cũ sinh sống ở phố huyện, mấy đời làm nghề đúc đồng. Anh bạn đon đả mời vào nhà chơi, đãi bạn bữa cơm trưa. Nom thấy cái bọc vải, liền giằng lấy, giở ra xem thì cũng biết ngay là cục đồng. Nhân đấy bèn bảo:

“Tiện có cái nồi vừa rót hết đồng vào khuôn, lò vẫn còn nóng, hay là cậu định đúc thành cái gì thì tớ đúc giúp cho, coi như một vật kỉ niệm?”.

Nghe bạn nói, Tất Đắc nghĩ ngay tới cái mũi con trâu nhà mình, lúc nào cũng dãi dớt chảy rề rề, làm cái khoen xỏ thừng bằng gỗ chỉ được một thời gian là mục, liền buột mồm bảo bạn đúc cho một cái khoen bằng đồng, dùng để giữ dây thừng luồn qua mũi con trâu, gọi là khoen trâu, khoen bò gì cũng được. Anh bạn ngẫm nghĩ một lát rồi bật cười mà gật đầu, liền bắt tay vào việc.

Chiều hôm ấy, họ Phan trở về nhà với chiếc khoen đồng vừa đúc mới tinh, nằm gọn trong lòng bàn tay, nom như một đồng xu to đại, có một lỗ tròn ở giữa để xỏ thừng, anh bạn cũ quả là quý hóa, với tay nghề của một nghệ nhân gia truyền, cũng kịp khắc lên đó mấy chữ: “Phan thị chi ngưu” (潘 氏之牛), rồi giảng cho họ Phan nghe, nghĩa là “con trâu của nhà họ Phan”, nếu nó để ở mũi con trâu, còn để chỗ khác thì nó là “mảnh sao Ngưu của nhà họ Phan”. Anh bạn ấy thì ra cũng là người hay chữ.

Nay run rủi thế nào lại gặp ông khách lạ này, mới biết cái cục đồng rỉ sét ấy là chiếc ấn quận công, của vị “thập ngũ điểm quận công”, tức là ông Tổ của mình. Điều đó làm họ Phan tiếc rẻ đến rụng rời. Ông khách đi rồi, họ Phan lập tức xuống chuồng trâu, tháo chiếc khoen đồng từ mũi con trâu ra, đem xuống ao đánh rửa sạch sẽ.

Ánh đồng loáng lên dưới ánh mặt trời làm họ Phan lóa mắt, rùng mình thêm mấy cái nữa. Xong xuôi, họ Phan đặt chiếc khoen vào một cái đĩa sạch, kính cẩn để lên giữa bàn thờ, thắp hương cúi đầu lẩm nhẩm, khấn mấy câu tạ lỗi với tổ tiên. Vừa khấn xong, trong óc bỗng chợt hiểu ra câu nói cuối cùng của ông khách. Thì chính là đây chứ đâu, trước nó là chiếc ấn quận công, giờ nó biến thành chiếc khoen đồng… Ông ta đã nói ý như thế, thì hẳn là đã biết trước việc này.

Nếu vậy chắc ông ta còn biết cả những điều xa hơn thế nữa, giờ muốn hỏi ông ta, rằng quý vật sẽ tầm quý nhân như thế nào thì ông ta đã đi mất rồi. Nghĩ đến đây, họ Phan ước gì ông ta quay trở lại. Thì nhất định sẽ kể ra hết, không giấu chuyện chiếc khoen đồng này nữa…

Nhưng chiếc khoen đồng cũng không có duyên “ngự” ở trên cái bàn thờ ấy được bao lâu. Vợ chồng nhà họ Phan sinh được hai cậu con trai. Thằng anh năm ấy lên sáu tuổi, gọi là cu Dần, thằng em ba tuổi, gọi là cu Sàng. Một hôm vợ chồng đi làm vắng, cu Dần và cu Sàng chơi đánh đáo ở ngoài sân. Đang đánh, đồng xu văng vào trong nhà, cu Dần sai cu Sàng vào tìm.

Chiếc khoen đồng (Kỳ 1) - 1 Minh họa Họa sĩ Đỗ Duy Minh

Cu Sàng vào trong nhà, bất ngờ ngửa mặt lên, nó phát hiện một đốm sáng le lói lấp lánh trên nóc nhà, bèn đưa mắt tìm kiếm, thấy có luồng ánh sáng từ một lỗ thủng trên mái nhà rọi xuống, có muôn vàn hạt bụi đang nhảy nhót tưng bừng trong đó. Luồng sáng chiếu thẳng vào chính giữa bàn thờ, rồi hắt ngược lên nóc nhà, chếch sang phía đối diện. Cu Sàng tò mò bắc ghế trèo lên xem, thấy luồng sáng chiếu đúng vào chiếc khoen đồng bóng loáng, nên ánh sáng mới hắt ngược lại như vậy. Thích chí quá, cậu bèn cầm chiếc khoen đồng xuống, hớn hở đem ra khoe với cu Dần, nằng nặc đòi anh dùng nó để chơi đáo, đánh càng nặng tay càng thích.

Cu Dần biết cha quý chiếc khoen đồng này lắm, cứ vài ngày lại đem ra ao đánh rửa, nên lúc đầu cũng không dám nghịch bậy, khuyên cu Sàng đem để lại chỗ cũ. Song cu Sàng cứ một mực, phụng phịu không chịu. Chiều em, cu Dần cũng tặc lưỡi cho qua, định bụng cứ cho nó chơi một lúc sẽ chán, khi ấy đem đặt lại trên bàn thờ cũng chưa muộn…

Không ngờ cu Sàng chơi càng lúc càng hăng, cái sân lại nằm sát ngay bờ ao. Một cú ném mạnh, chiếc khoen đồng bật lên, lăn lộc cộc mấy cái rồi rơi tõm xuống ao bèo. Cu Dần lúc ấy đang mải theo dõi một con chim sẻ vừa công mồi bay vào tổ, ở trong một cái bộng do chính cu Dần treo lên cây. Nghe tiếng cu Sàng kêu thất thanh, vội quay đầu nhìn lại, thì chiếc khoen đã nằm đâu đó dưới đáy ao, không còn lại tí dấu vết nào trên mặt nước.

Cu Dần hoảng sợ đến bủn rủn cả người. Mất chiếc khoen đồng quý như thế thì cha nó sẽ nổi trận lôi đình, một trận đòn chắc sẽ rất khủng khiếp, không biết nó có chịu nổi hay không? Nó sợ hãi, luống cuống không biết sẽ phải nói với cha như thế nào. Thế là rình lúc cu Sàng thấm mệt vào nhà ngủ, cu Dần vơ vội mớ quần áo, cuộn lại nhét vào trong người rồi trốn nhà ra đi…

Chiều hôm ấy phát hiện vắng cu Dần, vợ chồng họ Phan lôi cu Sàng ra tra hỏi. Cu Sàng ba tuổi chỉ biết hoảng sợ, vừa khóc vừa trỏ tay xuống ao. Tưởng cu Dần bị chết đuối dưới ao, vợ chồng Tất Đắc rụng rời réo gọi cả làng, kéo nhau đến đứng chật bờ ao. Hàng chục người thay nhau lao xuống mò, quần nát cả chiếc ao mà vẫn không thấy tăm hơi.

Một đêm kéo dài, thức trắng trong nỗi tuyệt vọng, sáng hôm sau thì họ Phan phát hiện mất chiếc khoen đồng trên bàn thờ. Bấy giờ mới lờ mờ đoán ra sự việc. Chắc cu Dần đã nghịch dại, làm rơi chiếc khoen đồng xuống ao, nên đã sợ đòn đến nỗi, phải bỏ nhà trốn đi. Giờ dẫu có biết chỗ nó làm rơi xuống, thì cũng không thể tìm lại được nữa rồi… Bấy giờ đang thời chiến tranh, thanh niên trong làng chỉ còn lác đác, đi lại khó khăn nên chỉ còn biết cầu trời khấn Phật. Thế là đã mất con, lại mất cả chiếc khoen đồng.

Cu Dần chạy một mạch sang quốc lộ, trèo trộm lên thùng một chiếc xe tải trùm bạt khi nó đang đỗ bên cạnh đường. Chiếc xe đưa cậu tít lên mạn ngược, ngay trong đêm hôm đó… Cu Dần sáu tuổi, bắt đầu một hành trình lưu lạc, đầu đường xó chợ suốt hơn hai mươi năm. Người viết sẽ không kể về giai đoạn này, bởi vì nếu kể lể thì sẽ thành tiểu thuyết, chả liên quan gì đến chiếc khoen đồng. Nhưng cu Dần vẫn biết đường tìm về nhà.

Nhờ một nhân duyên đặc biệt nào đó, trong lúc nằm trơ trọi giữa rừng, vừa ngửa mặt nhìn lên, bỗng bắt gặp một con chim vừa bay về tổ, làm anh cu Dần chợt nhớ tới chuyện chiếc khoen đồng ngày trước, nhớ lại tiếng kêu thất thanh của cu Sàng. Kí ức sống dậy thật là mãnh liệt. Anh cu Dần quyết định tìm đường về nhà, để gặp lại bố mẹ, để gặp cu Sàng, xem nó đã lớn như thế nào, để tát cạn cái ao ấy, tìm lại bằng được cho bố chiếc khoen đồng… Nhưng…

Cu Sàng chỉ còn để lại di ảnh trên chiếc bàn thờ, phía trên là tấm bằng “Tổ Quốc ghi công”. Vợ chồng họ Phan đã già, gặp lại con trai lớn, tưởng đã mất tích thì vui mừng không bút nào tả xiết. Họ hàng, làng nước kéo đến chật nhà, tên khai sinh chưa dùng đến bao giờ, nên mọi người không ai còn nhớ, cứ gọi là anh cu Dần, hàn huyên đủ thứ chuyện trên đời, song không câu chuyện nào nhắc tới chiếc khoen đồng. Cả ý định tát cạn cái ao, để tìm lại chiếc khoen đồng cho cha của anh cu Dần cũng không thể thực hiện được nữa rồi. Người ta đã đào một con kênh thủy lợi, cắt ngang qua ao, khiến nó đã trở thành một đoạn của con kênh. Cả cái ao cũng không còn dấu vết.

Ông Phan Tất Đắc từ khi nhận được giấy báo tử của cu Sàng bị hy sinh ngoài chiến trường, thì đã tin chắc nhà mình tuyệt tự, ở đúng đời thứ mười lăm, của ông Tổ “thập ngũ điểm quận công”. Nay thấy anh cu Dần trở về thì lại khởi lên hy vọng, rằng lời nói của ông khách năm xưa chắc gì đã đúng. Thế là chỉ sau mấy hôm vui mừng sum họp, vợ chồng họ Phan lập tức bàn đến chuyện cưới vợ cho anh cu Dần, để có đứa nỗi dõi tông đường…

Nhưng nhân cha tính không bằng… giời con tính. Anh cu Dần không hề có ý định lấy vợ, trong lòng anh lúc nào cũng nghĩ tới chiếc khoen đồng, không biết nó đang nằm ở dưới đáy khúc kênh nào. Ý nghĩ ấy cứ hằn sâu mãi, tới mức anh nảy ra ý định đi tu, như thể chỉ có nương nhờ vào cửa Phật, thì mới có hy vọng tìm thấy chiếc khoen đồng. Không hiểu sao anh rất tin vào điều đó.

Vì thế con gái trong làng đầy ra đấy, mà một anh chàng chưa đầy ba mươi tuổi cứ dửng dưng như không. Khuyên bảo, ép buộc mãi không được, họ Phan lại đâm ra tuyệt vọng, làm cho tuổi già xộc đến nhanh gấp đôi. Gần chục năm sau, vợ chồng Phan Tất Đắc nối tiếp nhau lìa đời.

Lo mồ yên mả đẹp cho cha mẹ xong rồi, anh cu Dần mời một người trong họ đến, ngỏ ý muốn tặng lại cả nhà cửa vườn tược, rồi xuất gia đi tu.

Lần này anh cu Dần cũng nhằm hướng Tây, vượt qua quốc lộ rồi đi thẳng về phía núi, bước đi quả quyết, cứ y như có người dẫn lối vậy. Chiều tối thì gặp một ngôi chùa cổ bé nhỏ, nằm ở dưới chân núi, tên chữ là Tam Thiên tự ( 三天 寺), tên Nôm là chùa Hống, tức là chùa của làng Hống ở gần đó.

Sư cụ chùa Hống tên gọi sư Hoàn, tuổi đã già lắm, chắc phải hơn họ Phan, cha anh cu Dần đến chục tuổi. Quanh năm mặc bộ nâu sồng, sư Hoàn chỉ tu độc một mình, không có chú tiểu. Thấy anh ngỏ ý muốn xuất gia thì sư tỏ ra rất hoan hỉ. Từ đó một thầy, một đệ tử chăm chỉ tụng kinh, gõ mõ, thỉnh thoảng đón khách thập phương và dân làng tới lễ Phật và làm Phật sự rất chu đáo.

Anh cu Dần tìm tới cửa Phật, vẫn mang theo hình ảnh chiếc khoen đồng ở trong tâm trí, nhưng sau vài năm tu tập, chú tâm vào Phật Pháp, hành thiền… thì hình ảnh ấy dường như đã biến mất. Nhưng kì lạ thay, bất ngờ một hôm, sư Hoàn gọi anh đến bên giường, chính sư Hoàn lại là người nhắc lại hình ảnh chiếc khoen đồng. Sư cầm tay anh mà bảo:

“Chú em của con thế nào cũng tìm thấy chiếc khoen đồng ngày trước đấy…”.

Sư Dần nghe sự phụ nói thì giật nảy người. Hình ảnh chiếc khoen đồng ngày trước trong kí ức xa xăm lập tức trở lại rõ mồn một. Nghe sư phụ nói cứ như người mê sảng. Chú em mình là liệt sĩ đã lâu, giờ chỉ còn là cát bụi, làm sao lại tìm thấy chiếc khoen đồng? Chưa kịp đem ý nghĩ ấy ra thắc mắc, thì sư Hoàn đã nói tiếp:

“Kiếp người là vô thường, thì vật cũng vô thường. Nay nó là cái này, mai nó sẽ biến thành cái khác, thì việc ấy cũng chẳng có chi lạ…”.

Nói xong câu ấy, sư Hoàn nhắm mắt lại rồi viên tịch, nhẹ nhàng như đi vào một giấc ngủ thật sâu, mãi mãi…

(Còn nữa) Truyện ngắn giải Nhất trong cuộc thi truyện ngắn 2018-2020 của Phạm Lưu Vũ

>>> Chiếc khoen đồng kỳ 2

None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.