"Chúng tôi không xin vé!"

Nhiều ý kiến không đồng tình với việc Hội Nhà văn Việt Nam muốn xin ngân sách địa phương chi vé cho hội họp của các nhà văn. Tuy nhiên, để có cái nhìn khách quan, PV Arttimes.vn lắng nghe ý kiến từ những người trong cuộc.

27 cây bút là đại biểu Hà Nội đã tự mua vé bay vào Đà Nẵng dự hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc, do UBND thành phố Hà Nội phản hồi chậm công văn xin hỗ trợ của Hội.

Trước đó, theo đại diện Hội Nhà văn, trưa 14/6, Thư ký Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội gọi điện cho Thường trực Hội, đề nghị cung cấp danh sách đại biểu tham dự để hỗ trợ. Tuy nhiên, lãnh đạo hội trả lời rằng sau hai lần gửi công văn cho thành phố nhưng không được phản hồi, các nhà văn trẻ đã tự túc. Chi phí sẽ được Hội tìm cách thanh toán sau hội nghị.

"Chúng tôi không xin vé!" - 1

Lãnh đạo Hội Nhà văn tại họp báo Hội nghị viết văn trẻ

Đến trước ngày 13/6, Hội nhận được sự đóng góp của hầu hết tỉnh thành, ngoại trừ đại diện tỉnh Lạng Sơn từ chối cấp kinh phí. Riêng thành phố Hà Nội, do có số lượng đại biểu đông nhất (27 người) và là địa phương ít có tiền lệ hỗ trợ vé tàu xe cho đại biểu (do các hội nghị trước đây chủ yếu tổ chức ở thủ đô) nên Hội Nhà văn đã hai lần gửi công văn cho lãnh đạo thành phố nhưng không được phản hồi.

Trong họp báo cùng ngày, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội - cho biết thất vọng khi không được thành phố hồi đáp, hỗ trợ. Thông tin khiến dư luận dậy sóng, cho rằng Hội Nhà văn nên tự túc, hạn chế cơ chế xin - cho. Trước những chỉ trích từ dư luận, một số người viết trẻ tỏ rõ sự bất bình.

Cây bút trẻ Trần Như Quỳnh – Đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ khẳng định không có chuyện nhà văn “xin” vé, mà là công văn Hội “đề nghị hỗ trợ” chi phí đi lại và nếu không được hỗ trợ thì những đại biểu vẫn sẽ chủ động đặt vé.

"Chúng tôi không xin vé!" - 2

Cây bút trẻ Trần Như Quỳnh (Ảnh: NVCC)

”Có vẻ dư luận không đọc, cũng không tìm hiểu công văn nên đã bị một vài người cố tình đánh lận trắng đen, mập mờ câu chữ dẫn dắt, dẫn đến có những lời lẽ có phần ác ý, cay nghiệt. Bản thân tôi cũng không “xin”, mà được cơ quan “hỗ trợ” chi phí đi lại. Những người viết trẻ họ có nhiệt huyết, kiến thức nhưng thiếu kinh nghiệm, trải nghiệm sống, thiếu lớp độc giả trung thành rộng rãi. Vậy nên cần tạo điều kiện để người trẻ viết tiếp kho tàng văn học Việt Nam đương đại”, Trần Như Quỳnh chia sẻ.

Chia sẻ với Arttimes.vn, tác giả trẻ Nhật Phi cho rằng việc Hội Nhà văn đề nghị hỗ trợ chi phí đi lại đang trở thành câu chuyện “kém sang” trong mắt dư luận, nhưng đó là việc ban tổ chức làm để giúp đỡ, tạo điều kiện cho đại biểu chứ đại biểu không chủ động đề nghị hay “đi xin”. Bởi không có nhà văn nào mặc định nghĩ mình phải được đối xử đặc biệt vì mình là nhà văn, càng là những người viết trẻ họ càng ý thức được sự nhỏ bé của mình, họ càng không muốn đòi hỏi.

"Chúng tôi không xin vé!" - 3

Tác giả Nhật Phi (Ảnh: Phạm Hằng)

“Tôi cho rằng dư luận đang có vấn đề về đọc hiểu. Họ không đọc mà nghĩ mình đã hiểu, hoặc đọc mà không hiểu, hay có khi đọc rồi đấy, hiểu rồi đấy nhưng vẫn phủ nhận. Chúng ta đều đang không lắng nghe nhau, đều không đứng trên góc nhìn của nhau để chia sẻ”, Nhật Phi bày tỏ.

Nhật Phi:

“Thế giới này đang phi lí bởi người ta không học được cách hòa hợp, lắng nghe nhau”

Trong những kỳ Hội nghị trước tôi tham dự, có những bạn viết của tôi vắng mặt. Ở thời điểm đó, tôi tin rằng có những người không phải là không muốn đi, mà họ ngại đường xa với mất thêm chi phí đi lại. Nếu được hỗ trợ vé sẽ giảm đi một chướng ngại. Đứng trên khía cạnh người tổ chức, họ muốn có một sự tài trợ cụ thể để xóa khoảng cách đó đi. Đó là cách để họ tạo điều kiện cho những người viết trẻ, bởi suy cho cùng thành công của một Hội nghị vẫn nằm ở sự có mặt đông đủ của đại biểu.

Dư luận vẫn đang có cái nhìn “hài hước” về văn chương, họ vừa kính nể nó nhưng cũng vừa khinh miệt nó. Có những tư tưởng trong dư luận họ đã nuôi dưỡng quá lâu, họ chỉ chực chờ để bung ra. Họ cho rằng sức ảnh hưởng của văn chương lên xã hội chưa đủ lớn. Nhưng từng thế hệ cầm bút vẫn đang nỗ lực. Văn chương ở thời đại này rất khó để “khơi những nguồn chưa ai khơi”, nhưng nó vẫn có giá trị với thời đại này.

Hay họ nói nhà văn phải nhập cuộc, phải dấn thân đi, không sai! Nhưng sống giữa đời này không phải đã là một sự nhập cuộc hay sao? Nhà văn không phải là người chạy theo cùng xã hội. Đặc quyền duy nhất của nhà văn, nếu có được, là được ngồi lại và quan sát dòng chảy cuộc sống, mong muốn tìm ra điều gì đó. Chúng ta cần có độ lùi thời gian để quan sát, chúng ta vẫn viết vì chúng ta có câu chuyện của mình, dù câu chuyện đó không còn ở dạng phổ quát cho cả xã hội.

Tất cả những cuộc chiến tranh trên thế giới này đều chính đáng từ miệng kẻ gây chiến. Và thế giới này đang phi lí như thế, bởi người ta không học được cách hòa hợp, lắng nghe nhau. Có thể người ta từng sẵn sàng ra tay với nhau vì khác màu da, khác tiếng nói cũng như bây giờ, khi khác quan điểm họ sẵn sàng ném đá vào nhau, đả kích nhau rất nặng nề. Chúng ta đang ngập ngụa trong sự độc ác! Khi người ta nhân danh nhân văn, nhân đạo mà tấn công nhau. Câu chuyện ngày hôm nay không chỉ là câu chuyện của riêng văn chương mà suy rộng ra, đó phải là câu chuyện nhân loại! 

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất