Nhà văn Đỗ Chu, thị xã Bắc Ninh và những kỷ niệm về người cha!

Thị xã Bắc Ninh nơi tôi sinh ra và gắn liền cả một tuổi thơ mình ở đó, ngày xưa cũng bé nhỏ với ba khu phố chính Tiền An - Ninh Xá - Vệ An nằm dọc theo con đường quốc lộ 1A, song song tuyến đường sắt Bắc Nam chia đôi thị xã với hai ngả rẽ quốc lộ 18 và 38. Trong trí nhớ của mình, những cái tên địa danh quen thuộc in đậm nơi ký ức khó quên như dốc Cầu Gỗ, ngã tư Cột Cờ, chợ Nhớn, phố Ngói, phố Nhà Chung, chùa Phố Lá, xóm Niềm Xá, làng Y Na, làng Bò Sơn. Mỗi lần có việc phải đi đến Cổng Tiền, Cổng Hậu hay Cổng Ô là cảm giác đã thấy xa ngái...

Đặc biệt nhất, toà thành đá ong vuông vắn quanh hào nước cổ xưa có từ triều Nguyễn vẫn trơ trơ qua sương gió hàng trăm năm. Cùng với Toà Giám mục Bắc Ninh cao ngất nằm chính giữa trung tâm thị xã với hai tháp chuông buông tiếng mỗi canh giờ nhắc lễ cho giáo dân ngân nga xa cả vài cây số còn nghe văng vẳng, được người Pháp xây cất theo bản vẽ của Giáo hội y như Nhà thờ Lớn Hà Nội và hoàn thành năm 1892.

Nhà tôi ngay sát Toà giám mục Bắc Ninh, lúc còn bé lũ trẻ con bên lương ngoài phố chúng tôi vẫn kéo nhau vào chơi bóng đá rất vui vẻ với đám bạn bè theo đạo ở phố Nhà Chung. Thậm chí, khi đã lớn hơn cũng thích vào giáo đường trong Toà Giám mục Bắc Ninh nghe cha Tụng giảng đạo giữa tiếng nhạc thánh ca du dương trầm bổng. Cha Tụng là người có gương mặt phúc hậu và giọng nói trầm ấm, đầy sức truyền cảm mỗi khi giảng đạo hay đọc thơ của chính ông sáng tác, để răn dạy các con chiên dự lễ rất đông sáng chủ nhật hàng tuần.

Lớn lên, tôi rời xa Bắc Ninh sang theo học Tổng hợp Văn và ở lại lập nghiệp tại Hà Nội, ít có thời gian ở lại với Bắc Ninh. Nhưng sau này mới được biết, cha Phạm Đình Tụng mà có lần mình trông thấy khi nghe giảng đạo ở Nhà thờ Bắc Ninh, chính là người được Toà thánh Roma bên Ý đã tấn phong thành Đức Hồng Y Giáo chủ thứ ba ở Việt Nam năm 1994. Nghĩ mà thấy vinh dự cho mảnh đất Bắc Ninh “địa linh nhân kiệt” đã nâng đỡ, dưỡng tạo nên không ít người tài danh của đất nước.

*

Lúc bé, nhà anh Đỗ Chu nằm trên dãy phố Tiền An, đoạn ngay trước toà nhà Bách hoá Tổng hợp của thị xã lúc ấy nom rất rộng lớn so với những dãy phố lúp xúp một tầng mái ngói, sát cạnh đường tàu ngày dăm bận luôn rung chuyển bởi những chuyến tàu từ Phủ Lạng xuôi về Hà Nội. Có một điều khá thú vị mà cánh văn chương sau này nên biết thêm. Chỉ một đoạn phố ngắn dăm chục nhà ở Tiền An thuở ấy, sau này đã phát lộ và thành danh hai nhà văn nối tiếng của Việt Nam là anh Đỗ Chu và chị Dương Thu Hương, cả hai đều là những gương mặt quái kiệt trên văn đàn, thông minh sắc sảo, lý lẽ hùng biện chao chát, hoạt khẩu và tài năng văn chương hơn đời. Dẫu mỗi người theo đuổi một con đường riêng trong quan niệm về giá trị đời sống, họ đều tạo được một giọng văn, lối viết mang phong cách của riêng mình không trộn lẫn với bất cứ ai cùng thế hệ.

Nhà văn Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Bình sinh năm Giáp Thân (1944) vốn cầm tinh Hầu tướng. Anh có đôi mắt sáng luôn nhìn trực diện với mặt người đối thoại mà anh cứ tự trách rằng mình là người “lộ nhãn" đâm vất vả bởi tính cách bộc trực, nhận xét và góp ý lắm khi “nghịch nhĩ" khiến có người nghe phật ý. Cha của anh tên là Chu Bá Dùng vốn quê ở xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang ngày nay. 

Nhà văn Đỗ Chu, thị xã Bắc Ninh và những kỷ niệm về người cha! - 1

Nhà văn Đỗ Chu 

Mặc dù xuất thân trong một gia đình khá giả có nhà cửa, vườn tược của nả dư dật, nhưng lớn lên ông lại bỏ nhà theo tuyên truyền của Việt Minh đi làm cách mạng. Không may một lần đang trên đường đi hoạt động qua phố Nếnh mạn gần ga Sen Hồ, ông rủi thay bị giặc phục kích bắn chết. Mẹ ông là bà Đỗ Thị Hạt vốn là con gái thôn Song Tháp, phủ Từ Sơn giỏi buôn bán có tiếng xưa nay, đã thay chồng mang tất cả các con còn trẻ dại về an cư lập nghiệp ở thị xã Bắc Ninh ngay lúc ấy, sau dạo khắp làng quê chồng sôi sục với phong trào đấu tố cải cách.

Nghe nói, cả cơ nghiệp nhà chồng bị phá sạch banh, dù có con trai tham gia kháng chiến hy sinh hẳn hoi bởi bị quy nhầm thành phần địa chủ. Lúc được trên tỉnh sửa thì cũng đã tan cửa nát nhà chả còn giữ gìn chút gì đáng giá. Bà cũng tham gia giao liên cách mạng khá sớm theo gương chồng chống giặc Pháp từ dạo tiền khởi nghĩa. Cái bút danh Đỗ Chu có tới hôm nay, duyên do bởi chính anh lấy tên hai họ bố mẹ mình ghép lại mà thành.

Riêng người em trai ruột anh, sau này khi viết văn vẫn giữ nguyên tên họ là nhà văn Chu Bá Nam hiện đang sống ở Lâm Đồng. Ngoài một người chị gái tên là Uyển, nhà văn Đỗ Chu còn một em gái làm giáo viên cấp hai, ngày còn là học sinh ở trường Ninh Xá, tôi cũng may mắn từng được cô giáo Được em anh dạy dỗ.

Có lần trong lúc trà dư tửu hậu với cánh đàn em bọn tôi, anh vẫn hay cười khà khà và bảo: “Thật ra, tớ có phải dân Bắc Ninh gốc đếch đâu! Cũng may là bà cụ tản cư mang mấy anh em bỏ làng xa quê, về an cư lạc nghiệp đất Bắc Ninh này. Mình lớn lên từ tấm bé, đi học đi hành, vào lính rồi lại quay về lấy vợ là bà Nhu bạn học người cùng phố, sau lại mua đất cất nhà trong Niềm Xá gần cống Thành, đâm rồi ở mãi hoá ra thành người thị xã. Dạo năm ngoái, lúc tớ được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về sự nghiệp đóng góp văn học nghệ thuật, cánh lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh họ đều có lòng ưu ái đến tận nhà tặng quà, tớ cũng cứ nhận cả cho vui”.

Kể từ những sáng tác đầu tay như Hương cỏ mật, Phù sa, Bồng chanh đỏ, Mùa cá bột, Lão Mai, Một loài chim trên sóng... của những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, trải qua gần năm mươi năm viết văn qua hàng chục tập sách dày cộp đã xuất bản: Thăm thẳm bóng người, Một bờ cao vẫy gọi, Chén rượu gạn đáy vò... Có thể nói, qua những trang viết của anh đã khắc hoạ nên nhiều tính cách nhân vật, cảnh huống của mỗi số phận con người xoay vần trong từng biến cố đời sống xã hội thăng trầm của đất nước bao vinh quang, tự tin và không ít cả nỗi niềm xót xa, cay đắng... để lại ấn tượng đậm nét trong trí nhớ nhiều thế hệ bạn đọc.

Nhà văn Đỗ Chu, thị xã Bắc Ninh và những kỷ niệm về người cha! - 2

"Một loài chim trên sóng" - một trong những truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Đỗ Chu

Trong các truyện ngắn của nhà văn Đỗ Chu đã viết, không hiểu sao tôi cứ ám ảnh mãi cái truyện ngắn Mảnh vườn xưa hoang vắng viết về một người lính phục viên về lại khi vườn quê hoang vắng xưa, bắt đầu một nghề mới tập thổi kèn đám ma ở đám hiếu trong làng. Chả hiểu sao cái căn hộ chung cư nhà anh ở phố Đội Nhân mỗi bận tôi đến chơi, cứ bỗng dưng gặp đám hiếu trống kèn réo rắt trong Nhà tang lễ 354 sát bên kia đường là tôi lại nhớ tới cái truyện ngắn ấy của anh. Y như duyên văn chương đã vận luôn vào chuyện đời hay sao cũng chẳng biết nữa!

Hình ảnh một khu vườn trong truyện ngắn của nhà văn Đỗ Chu không biết có phải anh thoáng ánh mắt liếc nhìn từ khung cửa sổ nhà mình ra không thì chả rõ, nhưng quả thật cái phòng viết của anh treo đầy tranh chân dung các nhà văn anh từng nể trọng và yêu mến vẽ họ như cụ Văn Cao, cụ Nguyễn Tuân, cụ Kim Lân, ông Nguyễn Đình Thi, ông Nguyễn Minh Châu...

Đúng cách đây đã ba tháng trước, nhân một lần tôi về chơi Bắc Ninh với mấy người bạn học ở Hàn Thuyên bèn đến thăm anh và tặng cuốn sách mới của nhà văn Châu La Việt gửi tặng. Hoá ra, thi thoảng anh cũng thích rong ruổi dạo phố, đàn đúm bia bọt tán gẫu với mấy đứa đàn em bọn tôi cho khuây khoả tù túng những lúc ngồi trong phòng viết lách.

Dăm tháng nay, bỏ lại căn hộ chung cư đầy đủ tiện nghi cho cô con gái trông nom, hai vợ chồng anh về lại căn nhà bên Bắc Ninh do con anh là Chu Dương Hoài vừa chỉnh trang lại đẹp đẽ cho bố mẹ có mảnh vườn cây cối xanh tốt từng có lúc bỏ hoang để giờ về ngồi viết sách như anh bảo! Biết tôi thích chơi tranh, anh bảo: “Anh tặng chú về treo trong nhà bức tranh sơn dầu vẽ ba cây duối, thân phận làm người như anh em mình, sống lênh đênh nổi chìm dăm chục năm nay, cứ hoang dã mọc ven đường vươn lên mà sống".

*

Vừa chẵn 100 năm trước, có một chàng trai họ Trương mới trạc mười bảy tuổi, ôm theo tay nải với mấy bộ quần áo cũ và một cuốn sách thuốc dạy chữa bệnh của dòng họ đã lưu truyền qua 13 đời làm thầy lang, gạt nước mắt rời bỏ một làng quê nghèo bên sông Liêm để một mình dấn thân “xa quê bạt xứ" đi kiếm sống nơi đất khách quê người, người ấy chính là cha tôi.

Theo lời mẹ tôi kể lại, khi bà bỏ Hà Nội để sang tỉnh lẻ Bắc Ninh lấy kế cha tôi, lúc đó ông đang goá vợ rất vất vả, bởi ngày ngày phải chăm sóc hai con nhỏ lít nhít, nên ông muốn tục huyền bước nữa, là có cả sự trắc ẩn như duyên giời định theo lá số tử vi ngày trẻ từng tiên đoán nên mẹ tôi linh cảm thế.

Hơn nửa thế kỷ trước, ở thị xã Bắc Ninh cha tôi là một thầy lang đông y bốc thuốc có tiếng và mở cửa hàng khá lớn mang biển hiệu “Đông y Trương Hàn Thư" (nhà văn Đỗ Chu thì chiết tự giải nghĩa rằng một anh thư sinh nghèo họ Trương làm thuốc đông y) ngay tại phố Tiền An, nằm đắc địa sát dãy phố có Toà giám mục Bắc Ninh. Ông tham gia vào Hội đồng chẩn trị Đông y ở thị xã với nhiều đồng nghiệp thầy lang ngày ấy như các ông lang Thủ, ông lang Chọi với biểu hiệu con hổ, ông lang Đức Quang biển hiệu con voi vàng, Xuân Sơn, Phúc Cẩm Đường, Quảng Lợi Đường...

Cha tôi mất sớm năm tôi mới được tám tuổi, cho nên những ký ức về ông không còn nhiều hỉnh ảnh rõ nét. Nhưng tôi không sao quên lúc ông mất cũng vào một ngày đông buốt giá mưa lạnh cuối năm, mẹ tôi phải đốt một chậu than hoa để sưởi ấm trong nhà chống chọi lại những cơn gió rét căm căm thổi qua khe cửa gỗ phía Bắc. Khi biết không thể qua nổi cơn bạo bệnh, dù chính ông lúc ấy đang là thầy thuốc cũng khó thoát khỏi “vắn số", cha tôi bảo mẹ gọi tất cả các con đến dặn dò cẩn trọng từng lời và nói với mẹ tôi : “Tôi biết số của tôi đã hết rồi bà ạ, chữa bệnh chứ ai cứu được mệnh”.

Riêng tôi bé nhất nhà, mắt nhắm mắt mở vì ngái ngủ nên chỉ còn kịp nhận biết cha tôi đang thở hắt ra, trên mắt vẫn dân dấn nước chưa khô vì thương vợ dại con côi không đành lòng thì phải. Bây giờ khi đã thành người lớn có gia đình, tôi càng thấu hiểu hơn nỗi xót xa câu nói “nước mắt chảy xuôi” ấy. Chỉ có cha mẹ mới là người duy nhất luôn rộng lòng nhân hậu bao dung, thương yêu tận cùng và tha thứ mọi lỗi lầm, kể cả khi ta trót làm điều gì ngỗ nghịch hay sai trái bất hiếu khiến cho các bậc sinh thành phải xót xa.

Vẫn biết chả một ai trong số chúng ta có thể tự lựa chọn cho mình cha mẹ, quê hương bản quán khi sinh ra, dẫu có thể số phận mang lại nhiều ngang trái, phải nếm trải bao cay đắng trên cõi đời này bởi hệ luỵ ấy. Nhưng ngay giá như có một phép lạ, được lựa chọn cha mẹ mình khi sinh ra ở một kiếp khác, tôi vẫn mong được lựa chọn làm đứa con côi cút của cha mẹ đã sinh thành, tạo tác giáo dưỡng nên mình ở kiếp sống trong cõi đời này.

Mẹ tôi vốn chỉ là một người quen công việc nội trợ nấu nướng giặt giũ hàng ngày nay phải lo toan kiếm sống cho gia đình sau khi cha tôi mất, anh chị tôi cũng bỏ dở chuyện học hành bởi không còn nguồn chu cấp nữa. Tôi vẫn biết ơn rất nhiều đồng nghiệp của cha tôi là các thầy lang lúc ấy đã tin cậy và giới thiệu giao việc tán thuốc, làm hoàn cho khách hàng để kiếm sống qua những tháng năm lận đận ấy khi cả thị xã đi sơ tán vắng tanh người qua lại.

Tôi chính là thằng bé vừa ngồi thổi sáo véo von vừa ngồi đạp thuyền tán thuốc bắc, hay bột gạo cho trẻ em giữa phố Tiền An, khiến ai đi ngang qua phố thị ngày đó cũng ngoái lại nhìn lạ lẫm. Rồi mẹ tôi lại xoay xoả làm bánh gối, rang lạc húng lìu đóng gói cho tôi đi lang thang bán ngoài bến xe ô tô, hoặc trước cửa nhà thờ cho cánh xích lô, xe thồ ba gác thường tụ họp nơi ấy.

Tôi không bao giờ quên ông Ba mù bán lạc rang nổi tiếng khắp Bắc Ninh ngày ấy, có tài kể chuyện kiếm hiệp kỳ tình như Long Hình Quái khách, Kim Hồ Điệp... phi thân, đao kiếm diệu nghệ, nghe mê mẩn dẫn dụ mọi người về các nhân vật võ nghệ kiệt xuất ấy. Mỗi khi tới đoạn ly kỳ, ông Ba mù lại dừng lời và cất tiếng mời khách mua lạc rang ủng hộ thì ông mới kể tiếp. Tôi cũng há hốc miệng, cố rỏng tai nghe chuyện ông kể và đứng bán ké gần ông khi có ai hỏi mua.

Một hôm, hình như ông Ba mù rất thính tai tuy không khi nào tôi dám cất tiếng rao bán lạc rang gần bên ông, bao giờ cũng chờ ông hết khách mới dám cất tiếng rao. Tôi rất sợ ông biết và phần nữa tự cảm thấy ngường ngượng không phải khi tranh giành khách với ông. Bỗng một lần, vào lúc tôi đang lấy gói lạc rang loạt soạt ngay gần ông để bán cho khách, thình lình nghe thấy tiếng ông Ba mù quát lên như thét quay mặt về phía tôi: “Thằng kia, mày lại đây ông bảo, không thì ông ném cho cái dép vào mặt bây giờ”.

Thằng bé hồn kinh phách lạc vội bước lại gần ngay ông ngay tắp lự không một phút dám chần chừ. Nắm lấy tay tôi rất chặt, ông nhón mấy viên lạc đưa vào miệng nếm thử và gật gù bảo: “Lạc rang húng lìu cũng ngon đấy nhưng hơi non lửa, mày con cái nhà ai mà dám tranh chỗ bán của ông?". Khi tôi nói tên cha mẹ mình cùng gia cảnh, ông Ba mù chợt dịu giọng thốt lên: “À, là ra con ông Hàn Thư thầy thuốc, ngày bố mày mất ông cũng thương tiếc cụ ấy lắm! Thôi, từ mai cháu cứ ra đây bán cùng ông nhé”.

Hôm sau, tôi và mọi người không thấy ông Ba mù ra cổng nhà thờ bán lạc rang để nghe ông kể chuyện kiếm hiệp kỳ tình. Rồi cả tuần tiếp theo sau nữa vẫn chỉ có mình tôi trấn giữ bán lạc rang ngay trước cổng nhà thờ bởi nghe nói ông Ba mù đã chuyển chỗ ngồi về trước cổng Chợ Nhớn ven đường 18 rao bán hàng ngày.

Cho đến giờ, ông cũng như cha tôi đã hoá thành người thiên cổ, trong thâm tâm tự sâu thẳm lòng mình, tôi luôn cảm thấy hàm ơn ông nhiều lắm, bởi biết chính ông đã bao dung, cảm thông nhường lại cơ hội may mắn để kiếm sống cho hai mẹ tôi thuở ấy... Cầu cho ông nơi thiên đàng sẽ mỉm cười với thằng bé bán lạc rang năm xưa giờ đã nên người là tôi bây giờ.

Mãi sau này hỏi ra tôi mới ngỡ ngàng khi được biết, ông Ba mù bán lạc rang năm ấy chính lại là ông ngoại của một người bạn học thời phổ thông quen biết của tôi - Thạch Quang mà hồi bé lũ học sinh nghịch ngợm bọn tôi cứ luôn réo cả tên cha mẹ kèm theo là Quang “Oánh". Cô Thường là mẹ Quang, vốn là con gái thứ của cụ Ba lạc rang - tên thật của ông là Thạch Nghĩa vốn cùng cả gia đình sinh sống quen nếp thư hương ở Phủ Lạng Thương thuở xa xưa. Sau có người anh là Thạch Lễ đi theo làm nghĩa quân cụ Đề Thám năm xưa bị giặc Pháp sát hại ở Phồn Xương nên cả gia đình phải phiêu bạt về làm ăn ở Bắc Ninh.

Cụ Thạch Nghĩa sinh được bốn người con đặt tên là: Luân - Thường - Đạo - Lý. Trong đó, người con gái thứ hai là cô Thường sau này lấy chú Oánh là bố của Thạch Quang bạn tôi. Khi tôi post bài viết này lên facebook của mình, tình cờ một người em trai của Quang là Thạch Hạnh đã đọc được nó và đã gửi cho tôi bức ảnh gia đình em chụp cùng ông ngoại Thạch Nghĩa - tức ông Ba mù bán lạc rang tôi từng chịu ơn nghĩa sâu nặng năm xưa. Em bảo rằng có đọc lại cho mẹ em. Cô Thường con gái cụ - vừa nghe vừa không cầm được nước mắt vì thương cha và chợt hiểu ra ngọn ngành cảm thông với việc ngày xưa, không rõ duyên cớ vì sao cụ Ba mù bỗng đột ngột bỏ chỗ bán hàng đắt khách như tôm tươi ở cửa Toà Giám mục Bắc Ninh đận ấy.

Cha tôi là người cắt thuốc chữa bệnh cho rất nhiều người đã khỏi bệnh ở thị xã Bắc Ninh ngày ấy. Không ít người bệnh nghèo khó ở các làng quê đến tìm ông chữa bệnh không đủ tiền trả, ông đều rộng lòng cưu mang chẳng nỡ nhẫn tâm cắt bớt mấy thang thuốc cho đủ liều. Bởi vậy vào mỗi dịp Tết đến, nhiều người chịu ơn cứu mạng và nể phục đức độ lương y vẫn mang khi con gà, lúc chục trứng lên biếu thầy thuốc. Ông cũng rất chăm chút đến sức khoẻ của con trẻ mỗi khi đến khám bệnh. 

Trong một lần ngồi hàn huyên với anh mới đây, nhà văn Đỗ Chu khi được tôi cho xem lại một bức ảnh chụp cha tôi đang thăm khám cho trẻ em tại hiệu thuốc đông y ở Bắc Ninh, anh vỗ trán thốt lên đầy thú vị bảo: “Tớ có một kỷ niệm hồi bé đã chữa bệnh tại nhà cậu ở Bắc Ninh với ông cụ". Ấy là năm mười ba tuổi, vào dịp cuối thu đầu đông năm Đinh Dậu 1957, anh còn đang tuổi đùa nghịch cùng trẻ con hàng phố đá cầu, đá bóng thì bỗng ngây ngấy sốt và mọc lên một cái nhọt rõ to sưng tấy lên như bát úp sau lưng đau buốt, nhức nhối, khó đi khó nằm. Bà Hạt mẹ anh đã dẫn cậu trai trưởng đến hiệu thuốc cha tôi để thăm khám và chữa bệnh. Thật may cái nhọt mọc lệch không phạm vào xương sống để trở thành hậu bối nên kịp dán một lá cao chống sưng tấy viêm nhiễm hạ sốt.

Nhà văn Đỗ Chu, thị xã Bắc Ninh và những kỷ niệm về người cha! - 3

Sau đó một tuần lễ, bà mẹ anh đưa quay lại hàng thuốc để dán tiếp một lá cao khác hút hết cái ngòi xanh lè sau lưng là tiệt nọc khỏi hẳn, liền da non vết thương sâu hoắm sau lưng anh như một phép lạ. Chính anh trong lần đến chờ dán thuốc chữa bệnh ở nhà tôi dạo ấy, vẫn còn nghe thấy tiếng ọ ẹ của trẻ con trong buồng sau nhà và nghe rõ tiếng cha tôi khẽ bảo với bà Hạt mẹ anh rằng: “Nhà tôi mới sinh cháu đang ở cữ” ai ngờ đứa bé ấy sau này chính là tôi - một người quen biết thân quý như bạn vong niên với anh.

Nhà văn Đỗ Chu kể lại rằng, lúc anh đến nhà tôi chữa bệnh thời khắc ấy, thấy tủ sách khá lớn xếp đầy những cuốn chữ Hán chắc là rất quý hiếm. Anh còn thoáng nhìn thấy trên mặt bàn làm việc của cha tôi cuốn sách đang đọc dở dang có tên “Xuân tàm" ( tức “Tầm mùa xuân“ của nhà văn Diệp Tử thời đầu thế kỷ trước bên Trung Hoa). Thấy cậu bé khôi ngô đang dõi mắt đánh vần mấy chữ Trung văn trên bìa cuốn sách, ông cụ cũng ngạc nhiên lắm vì thấy anh sớm biết đọc được cả mấy chữ Nho trên sách như thế bèn bảo mẹ anh: “Thằng bé này có cốt cách ngang tàng, khi chữa bệnh bị đau mà không hề kêu bao giờ, đôi mắt nó sáng thế, sau này theo nghiệp chữ nghĩa, chả biết sợ ai bao giờ. Đá đập cũng chẳng sao!".

Quả nhiên là sau vụ chữa khỏi cái "hậu bối” nguy hiểm ấy, nhà văn Đỗ Chu không bao giờ phải thuốc thang, bệnh nặng trong suốt hơn sáu chục năm sau này, chính anh ngẫm lại biết ơn ông thầy lang đã cứu mạng mình từ thuở bé. Còn tôi thì lại nghĩ, có một cơ duyên thật kỳ lạ đã gắn kết vô hình giữa cha tôi và nhà văn Đỗ Chu, để mấy chục năm sau chính tôi lại luôn hàm ơn anh vì đã bao dung, cưu mang trợ giúp mình vượt qua những thởi khắc nghiệt ngã u ám nhất trong cuộc đời tôi từng gặp phải - những năm tháng vất vưởng, ra trường không nơi nào tiếp nhận, chẳng công ăn việc làm, sống vạ vật lay lắt không hy vọng...

Chính vào lúc ấy, anh lại là người tin tưởng viết lá thư giới thiệu tôi xin việc làm, đến gặp chú Đình Quang - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh để cuộc đời tôi có một bước ngoặt rẽ sang trang mới từ ngày ấy! Dẫu vẫn biết là một cơ duyên may mắn hơn người, tôi luôn thầm cám ơn số phận đã chìa tay cho tôi thời khắc ấy...

Viết lại những kỷ niệm đã qua giờ còn đọng lại trong ký ức mỗi người như bao viên ngọc quý luôn sáng lấp lánh mỗi khi soi rọi trong tâm thức ta về những người thân...

*

Từ dạo về khu nhà vườn ở Bắc Ninh ngồi tĩnh dưỡng viết văn, vẽ tranh, thật bất ngờ nhà văn Đỗ Chu bỗng nổi thi hứng viết xong tập thơ 36 bài đầy tâm trạng, suy tư. Tôi rất thích bài thơ “Tự bạch" ở tuổi 75 đã bước qua ngưỡng “thất thập cổ lai hy“ như sự trải lòng chiêm nghiệm một đời người còn day dứt chưa nguôi, xin được chép ra tặng mọi người cùng chia sẻ:

Tự bạch

Trong tấm khăn thâm trùm lên đầu mẹ ta

có lịch sử một nhân dân đau đớn

đôi mắt buồn truyền kiếp nấp đêm sâu

Sợ một sớm thức dậy hoá ra kẻ khác

nuốt phải chi mà hóc khạc

dễ gì cất nổi câu vì nhân dân

như buổi nào muối mặn gừng cay

Mẹ chẳng còn nhưng còn em

vẫn đội khăn đứng đó

nhìn ta chắc gì em không xấu hổ

ghê câu xanh đá bạc vôi

ôm mặt quay lưng tủi phận

Mảnh khăn mỏng thấm hương bồ kết

nghèo sắc màu vắng hoa lá chim muông

chỉ những bụi tro sương giá

bùa bả gì đâu mà níu giữ lạ thường

Đường về nẻo khó chênh vênh

(Trích hồi ức Còn lại mãi với cuộc đời)

Trương Nhuận

Tin liên quan

Tin mới nhất