Nhà văn Sơn Tùng – Anh hùng lao động

Hôm đó đúng ngày rằm – 15 tháng năm âm lịch (26-6-2010), thứ bảy - như một ngày định mệnh đối với nhà văn Sơn Tùng. Ông dậy tập thiền từ hai giờ sáng rồi tắm - một nếp sinh hoạt mà ông rèn luyện ngót 40 năm nay, ngày nào cũng như ngày nào. Theo lệ, sau khi tập, ông thường ngồi vào bàn làm việc, viết hoặc đọc. Nhưng hôm nay, sau khi thắp hương lên bàn thờ Phật và Bác Hồ, bàn thờ gia tiên, ông cảm thấy khó chịu trong người...

Thời tiết dịp này quá khắc nghiệt. Nhiệt độ ở Hà Nội mấy ngày rày liên tục trên 35, rồi xấp xỉ 40 độ C. Cái nóng hầm hập, bức bối. Huyết áp trong người ông lại tăng cao, trên 200/160 mmHg... Chuyện tăng huyết áp đối với ông như cơm bữa, nhiều khi vọt lên 250/180 mmHg.

Những lúc như vậy ông lại ngồi thiền để kéo “nó” xuống. Nhưng hôm nay ông “tọa” đã khá lâu mà trong người vẫn phừng phừng. Vợ ông, bà Hồng Mai hỏi để lấy thuốc và hơn nữa nếu cần thiết để gọi xe cấp cứu, song ông nhất định chối từ vì tin rằng sẽ qua như mọi lần. Những lần khác, do xuất huyết dạ dày hoặc các vết thương cũ chảy máu, ông ngồi thiền để cho các mạch máu bớt căng, nên huyết áp tự giảm xuống... Lần này không vậy. Gần sáu rưỡi sáng, ông ngã bệnh...

Tin nhà văn Sơn Tùng ngã bệnh cấp cứu vào A9 – Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội nhanh chóng loang ra... rất xa. Ngay hôm đó, ngày thứ bảy, bạn bè thân hữu ở Hà Nội lần lượt có mặt, ai cũng lo lắng trước tình trạng sức khỏe của ông. Chiều hôm ấy, đại diện Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn phòng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu... đã đến bệnh viện hỏi thăm gia đình và vào thăm nhà văn.

Thư ký của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thông báo: ở Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước đã biết tin, sang tuần Chủ tịch sẽ tới thăm nhà văn... Chủ nhật, 27/6, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, buổi chiều nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nghe tin Nhà văn Sơn Tùng bị “tai nạn” cũng cấp tốc trở về Hà Nội, đến ngay bệnh viện thăm ông.

Từ hôm sau trở đi, các cơ quan, đoàn thể, các gia đình, các nhà văn, nhà báo, bạn bè thân hữu ngày nào cũng thay phiên vào với ông... Tập thể cán bộ, bác sĩ, hộ lý Khoa A9 biết bệnh nhân vừa đưa vào cấp cứu là nhà văn Sơn Tùng – tác giả Búp sen xanh và nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ và các danh nhân nước Việt, thì tập trung cao độ để điều trị cho ông với tình cảm yêu mến, kính trọng.

Nằm trên giường bệnh, nhà văn Sơn Tùng trong trạng thái gần như liệt nửa người bên trái. Song, dường như nội lực của ông đang phản kháng với căn bệnh hiểm nghèo rất mãnh liệt...

Đúng 10 giờ 30 ngày thứ tư 30/6/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có mặt tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ lãnh đạo Bệnh viện, Chủ tịch nước tâm sự: “Anh Sơn Tùng và tôi là những người đồng chí gắn bó keo sơn từ khi ở chiến trường Nam Bộ”. Mọi người biết, khi Sơn Tùng bị thương nặng (năm 1971), người cõng Sơn Tùng đi cấp cứu chính là đồng chí Nguyễn Minh Triết.

Giờ đây, Chủ tịch nước nói với các các bác sĩ: “Anh Sơn Tùng là nhà văn được nhân dân yêu mến. Các đồng chí hãy cố gắng hết sức để cứu chữa cho nhà văn Sơn Tùng”. Vào phòng số 3 nơi nhà văn Sơn Tùng đang nằm điều trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nắm bàn tay nhà văn, giọng xúc động: “Anh Sơn Tùng ơi, tôi tôi rất xúc động khi nghe tin anh bị tai biến. Các bác sĩ nói với tôi, sức khỏe của anh hôm nay đã tốt lên nhiều rồi. Anh phải cố gắng lên. Ngày xưa, bom đạn Mỹ quật anh đến thế mà anh vẫn vượt qua, bệnh tật này nghĩa lý gì, anh cố gắng lên...”.

Bà Hồng Mai tiếp lời Chủ tịch nước: “Anh Phong ơi, anh Nguyễn Minh Triết người bạn chiến trường, người đã cõng anh đi cấp cứu khi anh bị nạn chiến trường ngày trước, đang bên anh đây..., anh có nhận ra không?”.

Nhà văn Sơn Tùng – Anh hùng lao động - 1

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (trái) và nhà văn Sơn Tùng (phải)

(Nguồn: Sưu tầm)

Như có một sức mạnh trỗi dậy, đôi mắt nhà văn hé mở, bàn tay ông nắm bàn tay Chủ tịch nước lắc nhẹ. Những người có mặt lúc này đều xúc động trước tình cảm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đối với nhà văn Sơn Tùng. Đó là tình cảm của hai người đồng đội đã một thời sinh tử có nhau...

***

Năm 1967, đang công tác tại báo Tiền Phong (đặc phái viên thường trú tại Khu IV, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và tuyến lửa Vĩnh Linh, từ năm 1965), phóng viên Sơn Tùng xung phong đi B. Nguyện vọng của anh được chấp nhận. Anh được giao phụ trách một nhóm phóng viên tăng cường cho chiến trường Đông Nam Bộ. Đoàn gồm các nhà báo Bùi Quang Tuynh, Lưu Quang Huyền, Phạm Hậu, Tâm Tâm, họa sĩ Ái Nhi...

Từ Quảng Bình trở vào, đoàn nhà báo hòa vào những đoàn quân, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công, trùng trùng ra mặt trận. Cuộc hành quân xẻ dọc Trường Sơn trên đôi chân trần ròng rã hàng tháng trời, trèo đèo, lội suối, vượt các cung đường, các ngầm trọng điểm, liên tục hứng những trận bom tọa độ, đối mặt những mìn lá, cây nhiệt đới... do giặc Mỹ ném xuống khắp núi rừng Trường Sơn.

Thực ra, đi chiến trường lần này, nhà báo Sơn Tùng có tiêu chuẩn đi bằng máy bay (từ Hà Nội đến Phnom Pênh – Campuchia, rồi trở về Đông Nam Bộ), nhưng ông từ chối sự ưu ái đó. Ông tâm niệm, đã là nhà báo đi chiến trường thì phải lăn lộn vào thực tế, cảm nhận thực tế bằng sự từng trải và tình cảm của mình.

Là người phụ trách mà mình không cùng anh em chịu đựng gian khổ, cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn, riêng mình hưởng sự ưu đãi, thuận lợi, thì không khỏi áy náy, xấu hổ, rồi ai còn tin, yêu mình nữa, trọng trách được giao sao có thể hoàn thành trọn vẹn .

Dọc đường vào chiến trường, nhà báo Sơn Tùng tranh thủ ghi chép đều đặn những tư liệu quý giá. Sau này, ông vẫn thường dằn vặt vì chưa viết được “cái gì” về những tháng ngày vượt Trường Sơn, tận mắt chứng kiến cuộc hành trình đầy hào hùng và cũng lắm gian truân của lớp lớp người xả thân vì mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Ông tiếp tục lần tìm những nhân chứng, những đường dây liên quan đến đề tài về Bác Hồ mà từ 20 năm trước (từ năm 1948) ông đã có cơ may được các cụ Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Sinh Khiêm (chị và anh ruột Bác Hồ) kể cho nghe và ký thác. Và, ông được mệnh danh là “người kể chuyện về Bác Hồ hay nhất Trường Sơn”, như sau này Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi kể lại.

Chuyện ông kể xuất phát từ cái tâm trong sáng, từ trí nhớ đặc biệt, trong tay không một mẩu giấy mà chính xác, chân thật, có sức hút lạ thường... Ông đã để lại trong ký ức của anh em, đồng chí, đồng đội nhiều tình cảm khó phai mờ. Trên dọc đường hành quân cũng như sau ngày chiến tranh chấm dứt trở về Hà Nội, ông vẫn thường xuyên nhận được thư từ của mọi người ở khắp nơi gửi về thăm hỏi, trao đổi, chia sẻ cảm nghĩ, nhớ về những kỷ niệm xa gần thắm thiết.

***

Đoàn nhà báo (và một số đoàn công tác khác) tăng cường cho chiến trường đúng vào giai đoạn cuộc chiến tranh ở các mặt trận khắp miền Nam đang độ ác liệt.

Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968) quân và dân ta giáng cho Mỹ-ngụy những đòn chí mạng trên diện rộng, gây nhiều tổn thất cho chúng về nhiều phương diện.

Sơn Tùng vào chiến trường Đông Nam Bộ phụ trách tờ báo Thanh niên Giải phóng. Ông cùng đồng nghiệp bám sát các mặt trận, các đợt trinh sát, gần gũi dân, đến nhiều địa điểm nóng bỏng để phản ánh kịp thời cuộc sống và chiến đấu của bộ đội và đồng bào.

Từ thực tế chiến trường, ngoài tin tức, bài vở đăng trên các số báo Thanh niên Giải phóng, Sơn Tùng còn viết ký, truyện gửi ra các báo ngoài Bắc, ký tên Sơn Phong. Ông miệt mài ghi chép tài liệu với ý thức chuẩn bị cho các tác phẩm sau này. Ông “lặn sâu” vào nội đô Sài Gòn, “bươn” ra các vùng giáp ranh ở miền Tây Nam Bộ... Phạm vi hoạt động của ông là khá rộng lớn.

Tết Nguyên đán Kỷ Dậu (1969), trên làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi giọng nói thân thương của Bác Hồ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước cùng kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Bài thơ chúc Tết của Bác thúc giục toàn quân, toàn dân với khí thế rạo rực:

 Năm qua thắng lợi vẻ vang,

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Tiến lên chiến sĩ đồng bào,

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.

Bài thơ của Bác vừa là lời tổng kết một năm chiến đấu ngoan cường của quân và dân cả nước vừa động viên mọi lực lượng hăng hái thi đua đánh giặc, đồng thời là sự tiên đoán của Bác về cục diện và con đường tất yếu đi tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vậy mà... Ngày mồng 3-9-1969, tin chính thức truyền đi qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từ trần... Từ mấy hôm trước mọi người đã lo lắng theo dõi tình hình sức khỏe của Bác... Bác ra đi lúc này quả là một thiệt thòi lớn cho dân tộc...

Song, thực tế nghiệt ngã dù không muốn cũng đã đến... Đất trời nghiêng ngả, chùng xuống... Nhà văn Sơn Tùng ngồi lặng đi trong nỗi đau quá lớn, không gì sánh nổi... Nhưng ông vẫn gượng dậy để ghi chép tư liệu về nỗi đau thương của đồng bào và chiến sĩ miền Nam trước sự mất mát đột ngột này...

Nhà văn Sơn Tùng – Anh hùng lao động - 2

Nhà văn Sơn Tùng được mệnh danh là “người kể chuyện về Bác Hồ hay nhất Trường Sơn” (Ảnh sưu tầm)

Mỹ-ngụy liên tục mở các cuộc càn quét tìm diệt cơ quan đầu não của quân Giải phóng.   

Ngày 15-4-1971 cũng là một ngày định mệnh đối với nhà báo-nhà văn Sơn Phong-Sơn Tùng. Tai nạn đã “tìm” đến ông.

Hôm đó, dưới hầm của Tòa soạn, Sơn Phong đang viết bài xã luận, họa sĩ Ái Nhi trình bày cho số báo đặc biệt chào mừng kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam tại căn cứ Tà Nốt (thuộc tỉnh Tây Ninh) ở Chiến khu Đ.

Máy bay giặc Mỹ ào ạt lao tới thực hiện mưu đồ triệt phá cơ quan đầu não của quân giải phóng. Các loại máy bay của Mỹ liên tục quần đảo “mục tiêu”. Ngồi dưới hầm, Sơn Tùng không yên tâm. Với tư cách phụ trách tờ báo và là Bí thư Chi bộ cơ quan, ông không thể ngồi nơi an toàn. Ông quyết định rời hầm trú ẩn để lên xem xét tình hình, cùng đồng đội giải quyết những tình huống xấu có thể xảy ra.

Vừa nhô lên miệng hầm, Sơn Tùng đối mặt ngay với một chiếc máy bay tiêm kích. Một quả M79 từ máy bay Mỹ phóng xuống. Quả đạn vượt qua đầu ông, trúng một khối đá nổ tung, văng muôn ngàn mảnh ra xung quanh. Cả phía lưng Sơn Tùng hứng nhiều mảnh đạn của quả M79 bắn ra. Ông ngã xuống bất tỉnh... Cả cơ quan náo động...

Một người lao ra, chạy về phía hầm Sơn Tùng vừa gục xuống... Một người chạy đến ôm chặt tấm thân Sơn Phong đầm đìa máu. Anh cõng Sơn Phong chạy một mạch về trạm cứu thương tiền phương trong khi máy bay địch vẫn gầm rú, vãi bom đạn... Người đồng chí, đồng đội đó chính là đồng chí Nguyễn Minh Triết, lúc đó là Phó Văn phòng kiêm trưởng ban bảo vệ cơ quan...

Tại Trạm xá, các bác sĩ, hộ lý hết lòng cứu chữa. Nhưng bệnh tình của Sơn Phong – Sơn Tùng hết sức ngặt nghèo, vì mảnh đạn M79 găm vào khắp thân thể ông, từ vỏ não tới các chi và trên lưng ông, khiến chân tay ông co quắp..., cần phải chuyển ông ra Bắc điều trị. Con đường ra Bắc đối với nhà văn Sơn Tùng “nặng nề”, vô cùng gian nan so với chuyến ông đi bộ từ miền Bắc vào chiến trường.

Biết tin Sơn Tùng – Sơn Phong bị thương, đồng đội từ khắp các mặt trận viết thư về hỏi thăm, động viên trong tâm trạng lo âu...

***

Ra Bắc, tình trạng sức khỏe của Sơn Tùng rất xấu, khiến các bác sĩ đi đến quyết định đưa ông sang Trung Quốc điều trị. Những mảnh đạn nhỏ và sắc nằm ở phần mềm (các chi, lưng...) không thể phẫu thuật lấy ra được, chỉ còn hy vọng mổ để lấy những mảnh găm trong vỏ não. Song, Sơn Tùng đã từ chối việc phẫu thuật não, vì nó có thể ảnh hưởng xấu tới trí nhớ của ông.

Ngày 16 tháng 12 năm 1972, Sơn Tùng trở về Tổ quốc quê hương từ bệnh viện Nam Khê Sơn - Trung Quốc và đêm 18-12 “chạm” ngay vào cuộc tập kích bằng B52 của giặc Mỹ vào Hà Nội. B52 rải thảm gây bao tang tóc cho người dân trên đất đế đô ngàn năm văn hiến. Quyết chiến thắng trong trận đánh có tính quyết định này, quân và dân Thủ đô giăng lưới lửa bủa vây bọn “pháo đài bay”, đánh cho bè lũ xâm lược tơi bời bằng Trận Điện Biên Phủ trên không lẫy lừng thế giới.

Khắp năm châu cùng nén thở để rồi cùng òa lên reo mừng Việt Nam chiến thắng. Đế quốc Mỹ buộc phải rút khỏi Việt Nam vô điều kiện. Trong 12 ngày đêm đau thương và oanh liệt đó, Sơn Tùng đã viết bài ký Ba nét tình người và gửi đăng trên báo Nhân Dân.

Ngay trong thời gian vừa luyện tập vừa điều trị, tại Hà Nội, Sơn Tùng vẫn đăm đắm cho công việc sáng tác. Khó có thể tưởng tượng việc một nhà văn-thương binh hạng nặng (1/4) phải buộc cây bút vào ngón tay mà liên tục hoàn thành các tập ký: Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng Năm, Tôn Thị Quế, sau đó tiếp tục gặp gỡ bà Đặng Quỳnh Anh ghi chép cho tác phẩm Con người và con đường.

Ngay sau đất nước thống nhất, tạm xếp lại truyện viết về bà Đặng Quỳnh Anh đang dang dở, Sơn Tùng cùng vợ lặn lội từ Huế vào tận Cao Lãnh - Đồng Tháp, tìm đến các nhân chứng để lấy tư liệu về Bác Hồ và những người thân trong gia đình Bác. Chuyến đi này cực kỳ quan trọng đối với ông.

***

Kể từ thời điểm bị thương do đạn M79 của đế quốc Mỹ tại chiến trường Đông Nam Bộ (ngày 15-4-1971), tới ngày bị ngã bệnh (26-6-2010), gần tròn 40 năm. Giữa hai lần “định mệnh” ấy, nhà văn Sơn Tùng đã phải liên tục chống chọi với bệnh tật, quyết tâm “tàn nhưng không phế” như lời Bác Hồ dạy.

Suốt gần 40 năm qua, ông nhẫn nại và kiên trì, trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện, luyện tập cần mẫn theo phương pháp thiền. Mỗi ngày ông chỉ ngủ khoảng 2, 3 tiếng đồng hồ, thức dậy lúc 2 giờ sáng ngồi thiền, tắm nước lạnh (sau này tuổi cao, ông tắm nước ấm), rồi ngồi vào bàn làm việc. Kết quả tập thiền và kiên quyết không dùng thuốc Tây y đã giúp tay, chân ông đang ở tư thế co quắp duỗi ra được, cầm được bút, trí nhớ phục hồi.

Hằng ngày, ông tiếp khách bền bỉ, thỏa mãn đầy đủ các thông tin, tư liệu về đề tài Bác Hồ cho mọi người có nhu cầu, kể cả người nước ngoài. Chính do tập thiền, ông đã chống đỡ thành công vô vàn những tình huống bệnh tật thường xuyên ập đến hành hạ cơ thể ông và viết những tác phẩm nung nấu bấy lâu. Nhưng, sức người chỉ có hạn...

Nhà văn Sơn Tùng là một tấm gương sáng ngời về ý chí và nghị lực phi thường. Những người biết ông, tiếp xúc, gần gũi ông kính trọng và yêu quý ông. Những người ở xa ngưỡng mộ và luôn luôn dõi về ông, mong ông khỏe và mạnh. Những lá thư liên tiếp gửi về địa chỉ: Nhà văn Sơn Tùng – nhà A1, ngõ Văn Chương – Hà Nội...

***

Nhà văn Sơn Tùng – Anh hùng lao động - 3

Chân dung nhà văn Sơn Tùng

(Nguồn: Sưu tầm)

Nhà văn Sơn Tùng sinh ngày 21 tháng 9 năm 1928, tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống “trọng chữ hơn trọng miếng ăn”. Năm 1944, 16 tuổi, Bùi Sơn Tùng hăng hái tham gia cách mạng.

Từ năm 1948, ông đã có ý định tìm hiểu lai lịch Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau nhiều lần tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm (chị và anh ruột Bác Hồ) tại làng Chùa và làng Sen (huyện Nam Đàn), người thanh niên họ Bùi làng Kim đã ghi chép được nhiều tư liệu quý báu. Ở đó, nhà văn tương lai đã tạc dạ điều cụ Nguyễn Sinh Sắc dạy các con mình từ thuở ấu thơ: Liêm sỉ và quốc sỉ là hai điều căn bản trong suy nghĩ và hành động của đời người.

Đầu năm 1955, về Hà Nội, Sơn Tùng vào học tại trường Đại học nhân dân và sau đó trở thành cán bộ tuyên truyền của Đảng. Năm 1961, ông về viết cho báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên của báo Tiền phong. Năm 1965, phóng viên Sơn Tùng là đặc phái viên thường trú báo Tiền Phong tại Khu IV, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và tuyến lửa Vĩnh Linh. Năm 1967, ông xung phong đi B.

Có lần nhà văn Sơn Tùng tâm sự: "Viết về Bác nếu chỉ đơn thuần là những hiểu biết thông thường thì không thể viết được mà phải viết bằng tâm linh".

Ông trở thành nhà văn viết về đề tài Bác Hồ thành công nhất, cho đến thời điểm này. Danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động” do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao cho ông ngày 22/7/2011 là phần thưởng xứng đáng, ghi nhận công lao của ông đối với nền văn học nước nhà, khẳng định ông là “người có trí mệnh” như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho ông.

Những tác phẩm văn học viết về đề tài Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng không chỉ chứa đựng những cứ liệu lịch sử chân xác về sự hình thành nhân cách và quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử của thời đại, mà còn là sự vận động không ngừng của sự tiếp cận quy luật để nhận thức Chân -Thiện - Mỹ từ người sáng tạo nghệ thuật. Đó chính là căn cốt của “Phong cách Sơn Tùng”.

Năm 1983, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết trong Lời tựa cho lần xuất bản thứ hai tiểu thuyết Búp sen xanh (Nxb. Kim Đồng chính thức in và in đầy đủ trong lần xuất bản năm 2005): “... Cuốn sách Búp sen xanh nêu lên một vấn đề: Ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Về vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và tất cả chúng ta, cần suy nghĩ để có thái độ. Song, ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân”.

Từ năm 1982 cho đến nay, riêng Nhà xuất bản Kim Đồng đã hơn ba mươi lần ấn hành tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng, một điều hiếm thấy nếu không muốn nói là duy nhất trong đời sống văn học Việt Nam.

Ngoài các tác phẩm viết về đề tài Bác Hồ và các danh nhân văn hóa, Sơn Tùng còn có 2 tiểu thuyết chiến tranh: Trái tim- Quả đất viết về Chiến dịch Biên giới (1950) và Lõm viết về Tổng tiến công Mậu Thân (1968). Ở tiểu thuyết đầu, tác giả có độ lùi khá xa (hoàn thành năm 1989) và sử dụng những nguồn tư liệu lịch sử để dựng nên những hình tượng và hoàn cảnh có tính điển hình.

Còn tiểu thuyết Lõm, tác giả với tư cách là người trong cuộc, đã từng “lặn” vào nội đô Sài Gòn, và ngay sau khi cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc, đất nước thống nhất, Sơn Tùng đã “truy” tiếp tài liệu trong kho lưu trữ của chế độ VNCH, để bắt tay vào viết, đến cuối năm 1976 hoàn thành; và, sau 18 năm lận đận cuốn sách mới được xuất bản (Nxb. Thanh niên, 1994).

Tuy “độ lùi” thời gian rất ngắn, song tiểu thuyết Lõm đầy ắp những ý tưởng có tính dự báo với cái nhìn sắc sảo và nhân văn, văn phong xen cài nhiều thể loại, từ đó bật trội những ám ảnh của tình người, của tương lai hòa hợp dân tộc, của những vấn đề hậu chiến nóng bỏng, mà sau đó dần dần phát lộ trong đời sống khi chuyển sang nền kinh tế thị trường.

Hai tiểu thuyết Trái tim - Quả đất và Lõm thêm phần khẳng định “phong cách Sơn Tùng” với lối viết giản dị, có phần cổ điển, nhưng đa nghĩa, nhiều tầng, khiến người đọc phải đọc chậm rãi, suy ngẫm cùng tác giả và tự tìm những điều cần thiết cho riêng mình ngoài văn bản tác phẩm, đặc biệt đối với Lõm, tiểu thuyết đã được tái bản 4 lần, song ít được giới lý luận phê bình để mắt tới.

***

Sau gần tròn mười một năm ngã bệnh và nằm một chỗ (từ ngày 26-6-2010), tròn mười năm nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động (22-7-2011) và ba năm nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng (27-7-2018), vào lúc 23g05p ngày 22 tháng 7 năm 2021, nhà văn Sơn Tùng trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, hưởng thọ 94 tuổi. 

Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác văn học của nhà văn Sơn Tùng có thể ví như một dòng sông thường xuyên tưới mát những cánh đồng và bồi đắp phù sa mịn màng cho bãi bờ mầu mỡ. Tôi nhớ, nhân kỷ niệm 59 năm ngày Thương binh liệt sĩ, tôi viết kính tặng nhà văn thương binh Sơn Tùng bài thơ Dòng sông Anh vào ngày 22-7-2007. Bài thơ có đoạn:

(...)

Bên dòng sông Anh

Những con suối

Bạn bè

Đồng đội

Người thân

Luôn hòa nhập

Tiếp sức

Đón nhận

Sự hồi sinh

                  CÁCH TÂM

Cho cuộc đời

                      NHẬT-NGUYỆT

Trong ngần.

Bao đồng chí, đồng đội, người thân, bạn hữu luôn hướng về Sơn Tùng - Nhà văn – Thương binh đầy nghị lực, tâm hồn sáng trong, kiên định và nhất quán đi trọn con đường văn nghiệp viết về Bác Hồ, về con đường Bác đã chỉ ra, dẫn lối để nhân dân và toàn dân tộc Việt Nam đi đến hạnh phúc, ấm no với tinh thần “DĨ CÔNG VI THƯỢNG”.

                                                          Viết từ tháng 8-2010 – viết tiếp tháng 8-2021

                                                                                                      

Cao Ngọc Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất