"Những nhà văn trẻ ngày nay là đứa con của chủ nghĩa hỗn mang"?

“Những nhà văn trẻ ngày nay sinh ra trong thời đại internet, là đứa con của chủ nghĩa hỗn mang, mỗi cá thể là sự lai chủng của vô vàn những dòng chảy văn hoá khác biệt, từ cao sang tới tầm phào, từ Đông sang Tây, từ chính thống đến underground”- Hiền Trang.

Với thông điệp: “Vì sao chúng ta viết?”, Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong hai ngày 18 – 19/6, đây là một sự kiện quan trọng dành cho những chủ nhân tương lai của nền văn học nước nhà, là nơi những người trẻ được nói lên tâm tư, nguyện vọng, mong ước của mình.

Arttimes.vn tiếp tục phỏng vấn những cây bút trẻ (tham dự hoặc không tham dự hội nghị) để phần nào phác họa chân dung những gương mặt sẽ gánh vác trên vai nền văn học nước nhà. 

"Những nhà văn trẻ ngày nay là đứa con của chủ nghĩa hỗn mang"? - 1

Họp báo Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X

Tại buổi họp báo Hội nghị, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đề cập đến thực trạng nền văn học nước nhà đang có một thế hệ trẻ tài năng, nhiệt huyết nhưng chưa thể xuất hiện những hiện tượng nổi bật.

Ông cho rằng những nhà văn trẻ ngày nay bước vào văn chương thuận lợi hơn nhiều thế hệ cha anh trước đó, nhưng thế giới của họ rộng lớn hơn nên họ cũng phải đối mặt với những khó khăn, vì để đạt được sự đồng thuận khen - chê như thế hệ trước là điều không đơn giản.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho rằng các cây bút trẻ ngày nay phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong đời sống nghệ thuật, trong cảm nhận văn chương để ghi được những dấu ấn trong lòng công chúng.

Ông ví von: “Chúng ta sống trong thời đại mà văn chương không còn là điều cực kỳ quyến rũ như trước. Trước đây, có những tác phẩm phải có giấy giới thiệu của cơ quan mới mua được, nhưng nay đã khác, hình như nhà văn chỉ viết riêng cho nhà văn đọc. Nay, nem công, chả phượng cũng không còn nhiều ý nghĩa bởi nó quá nhiều. Chất lượng các tác phẩm văn chương bây giờ có lẽ cũng vậy”.

Trên đây là nhận xét của những nhà văn lão làng trong nền văn học Việt, vậy các nhà văn trẻ suy nghĩ như thế nào về vai trò của mình trong bối cảnh văn chương hiện đại? Để lắng nghe ý kiến từ các nhà văn trẻ, phóng viên Arttimes.vn đã có buổi trò chuyện với cây bút Hiền Trang – một đại diện tiêu biểu cho thế hệ các nhà văn 9x.

"Những nhà văn trẻ ngày nay là đứa con của chủ nghĩa hỗn mang"? - 2

Hiền Trang tại Lễ trao giải Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VII tháng 5/2022

Những đứa con của chủ nghĩa hỗn mang

"Tôi cho rằng thế hệ nhà văn trẻ ngày nay càng ngày càng đi sâu hơn vào nội tâm, vào thế giới bên trong, vào bản ngã, vào những vực sâu tâm trí của chính mình. Đó là sự khác biệt giữa họ và thế hệ nghệ sĩ đi trước.

Nhưng những người theo nghiệp viết văn dù ở thời đại nào cũng đều có điểm chung là những người sáng tạo để phụng sự xã hội, phụng sự cuộc đời, phụng sự đời sống.

Những nhà văn trẻ ngày nay sinh ra trong thời đại internet, là đứa con của chủ nghĩa hỗn mang, mỗi cá thể là sự lai chủng của vô vàn những dòng chảy văn hoá khác biệt, từ cao sang tới tầm phào, từ Đông sang Tây, từ chính thống đến underground.

"Những nhà văn trẻ ngày nay là đứa con của chủ nghĩa hỗn mang"? - 3

Hiền Trang được biết đến với giọng văn đẹp, mượt mà và giàu hàm lượng tri thức

Nói về lý do để một nhà văn bắt đầu viết, tôi nhớ Orhan Pamuk - nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ từng đoạt giải Nobel đã nói rằng ông cũng thích nổi tiếng, ông cũng thích tiền bạc, ông cũng thích được vinh danh, nhưng điều khiến ông thực sự yêu và gắn bó với văn chương đó là cảm giác khi ông viết ra được một điều gì đó và ông cảm thấy nó thật hay, nó thật chính xác, nó phải như thế. Dù những cảm giác ấy trôi qua rất nhanh, nhưng chính vì cảm giác ấy mà ông viết.

Đúng là như vậy, các nhà văn đều viết bởi sự thôi thúc, cảm thấy có một điều gì đó mình muốn được kể ra, một cảm xúc nào đấy mình muốn được diễn đạt, một câu chuyện nào đó mình muốn người khác cũng biết đến.

Họ sẽ tạo nên một nền nghệ thuật đa dạng hơn về tiếng nói, về góc độ, về phong cách, họ hoặc sẽ toàn cầu hoá tới hết mực, hoặc thiểu số đến vô cùng. Và với tôi, đó là một viễn cảnh đáng để trông đợi".

"Những nhà văn trẻ ngày nay là đứa con của chủ nghĩa hỗn mang"? - 4

Hiền Trang và tác phẩm thành công nhất của cô - “Chopin Biến Mất”

Phong cách viết của Hiền Trang chịu ảnh hưởng sâu sắc của Kafka, Nabokov và Chopin. Là một nhà văn đồng thời cũng là một độc giả lớn, cô trang bị cho mình một nguồn tri thức vững chắc trước khi viết nên giọng văn của cô mượt mà, thuần khiết và giàu hàm lượng tri thức.

Hiền Trang sinh năm 1993, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương năm 2015 và sự nghiệp văn chương của cô cũng bắt đầu từ đó. Cô ghi dấu ấn trong sự nghiệp văn chương của mình bằng tập truyện ngắn “Giấc Mộng Lang Thang Trên Đồng Cỏ Úa”; tập truyện ngắn “Dưới Mái Hiên Đêm Những Khách Lạ”, tập tuỳ bút “Tuổi Trẻ Lạc Lối và Những Cuốn Sách Của Tôi”. Và tác phẩm đưa cô đến gần với độc giả nhất là tập truyện dài “Chopin Biến Mất” ra mắt tháng 3 đầu năm nay. Nói về “Chopin Biến Mất” Hiền Trang chia sẻ: “thứ mà tôi luôn cố gắng duy trì là kỷ luật. Cuốn sách này thực sự là kết quả từ sự kỷ luật tuyệt đối trong việc sắp xếp ngôn từ”.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyện cổ tích: Chàng Trăng

Truyện cổ tích: Chàng Trăng

Bây giờ đêm đêm trên dòng thác Pông-gơ-nhi, mặt trăng sáng vằng vặc như một chiếc đĩa vàng in bóng trên mặt nước...

Ban Tuyên giáo Trung ương gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật  khu vực trung du miền núi Bắc Bộ

Ban Tuyên giáo Trung ương gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du miền núi Bắc Bộ

Ngày 15/4/2024, tại Hội trường Quân khu 2 (tỉnh Phú Thọ), Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam  và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức cuộc gặp mặt của Ban Tuyên giáo Trung ương với các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du miền núi Bắc Bộ.