Về tuổi thơ trong trẻo

Không đơn thuần là những mảnh ghép ký ức mang tên “tuổi thơ”, cuốn sách mới của nhà văn Văn Thành Lê (NXB Kim Đồng) mở ra một thế giới đầy cung bậc cảm xúc, có vui tươi, hạnh phúc, có hụt hẫng và cả nước mắt nhưng rồi vẫn là một cái kết đẹp đúng kiểu “Người với người sống để thương nhau”.

Sau thành công của truyện dài “Trên đồi, mở mắt và mơ” (NXB Kim Đồng, 2017), lần xuất hiện này, Văn Thành Lê quyết định mở ra nhiều không gian kỳ thú cho nhân vật Thành “từ điển” và nhóm bạn bước tiếp vào mùa hè cuối cấp tiểu học với những vui buồn sâu hơn, những trải nghiệm mới mẻ hơn. Cuốn sách mỏng chưa đến 150 trang nhưng có thể được ví như một bộ phim ngắn đầy tình tiết bất ngờ về kỳ nghỉ đặc biệt của Thành. Sau kỳ nghỉ, Thành và các bạn lớn hơn, biết sẻ chia và cảm thông nhiều hơn.

Về tuổi thơ trong trẻo - 1  “Bên suối, bịt tai nghe gió”  của Văn Thành Lê

Quê nội của Thành giờ đã đổi thay, dấu tích xưa cũ dần nhường chỗ cho các công trình và tiện nghi của cuộc sống hiện đại. Thế nhưng trong mắt cậu bé, đó vẫn là xứ sở thần tiên, nơi chốn tuyệt diệu để trở về. Các trò chơi kỳ lạ với hội bạn thân, những khám phá lúc đầy hào hứng khi lắng đọng cảm xúc mở ra từ đây. Cùng nhau đọc sách, đến đình làng chơi trò lớp học giả bộ với “cô Điệp điệu”, ra suối bịt tai nghe gió hay chơi trò đi đám ma, rủ nhau lấy thơ viết trên tờ lịch cũ của cậu bạn mơ mộng trong nhóm gửi đi thi trên báo…, trò nào cũng rộn ràng tiếng cười vui. Thế nhưng, khi đoàn lô tô xuất hiện tại bãi khai thác quặng vừa mọc lên ở quê, Thành và nhóm bạn vừa tò mò vừa háo hức. Và tình bạn với cô bé Linh, mối quan tâm với chú Quân, hai nhân vật chính của tiết mục phi dao khiến mùa hè của các bạn nhỏ trở nên sống động, thi vị hơn dù rất bịn rịn lúc đoàn lô tô chào tạm biệt làng quê. 

Luôn rổn rảng tiếng cười bởi những trò lí lắc, nghịch ngợm là không khí bao trùm lên toàn bộ cuốn sách nhưng mạch ngầm kết nối từng câu chuyện vẫn là tình yêu thương ấm áp. Có những chi tiết người đọc sẽ rơi nước mắt, như sự ra đi đột ngột của bác hàng xóm tốt bụng khiến Thành và các bạn nhỏ ngẩn ngơ, trò chơi đi đám ma ngày nào giờ thành sự thật trong tiếc nuối của những tâm hồn trẻ thơ. Tác giả kể về những con người máu mủ, bác hàng xóm, con vật, cây cối bằng tất cả niềm mến yêu và thương quý, nó truyền đến bạn đọc sự êm đềm, gần gũi như chính ta là người trong cuộc. 

Với độc giả nhí, “Bên suối, bịt tai nghe gió” đủ sức khiến các bạn tò mò để đọc một lượt từ đầu đến cuối rồi xuýt xoa “Sao nhiều trò chơi hay thế?”, còn đối với những ai đã bước qua tuổi thơ, cuốn “nhật ký văn chương” này sẽ khiến ta mỉm cười hoài niệm về những năm tháng đầu khét nắng rong chơi cùng lũ bạn. Như lời tâm sự của nhà văn Văn Thành Lê, viết cho thiếu nhi là cách để anh được tắm nhiều lần trên dòng sông tuổi thơ: “Tuổi thơ tôi. Tuổi thơ trong trí tưởng. Tuổi thơ các em bây giờ. Hầu hết đều gặp nhau ở sự tinh khôi đến tinh khiết, tinh nghịch đến tinh quái. Bởi vậy, khi cho câu chữ “bơi” về phía ấy, tôi thấy mình như được tiếp thêm năng lượng, trường năng lượng mà có lẽ bất cứ ai cũng mơ màng muốn có”.

Theo Nhân Dân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).