Một năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: Đưa văn hóa vào cuộc sống, xây dựng hệ giá trị gia đình - Tiếp cận hệ giá trị gia đình từ văn hóa

“Gia đình là một hình thức có tính lịch sử của tổ chức đời sống chung của loài người, giữa nam giới và nữ giới (....). Gia đình phản ánh tất cả những mâu thuẫn thu nhỏ lại của sự phát triển xã hội” (Từ điển Triết học, Nxb Sự thật, 1976, tr. 353-355). Người Việt Nam thời nay quen với câu khẩu hiệu “Tổ quốc hòa bình, gia đình hạnh phúc”.

Tinh thần căn cơ, chiến lược “Văn hóa còn dân tộc còn” của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba (11/2021) đang từng bước thấm sâu vào hoạt động đời sống tinh thần của xã hội. Sức mạnh tinh thần trong những điều kiện cụ thể nhất định có thể biến thành sức mạnh vật chất nhiều khi ngoài sự hình dung bình thường của chúng ta.

Một năm (365 ngày) là ngắn với lịch sử. Nhưng không ngắn trước yêu cầu “nói và làm” để đưa văn hóa thấm đến từng chân tơ kẽ tóc đời sống. Những tin tức thời sự (càng ngày càng nhiều) về nạn bạo lực gia đình đang làm đau lòng những người có lương tri tối thiểu. Hơn lúc nào hết không gian văn hóa gia đình và hệ giá trị gia đình đang đặt ra cho toàn xã hội, đặc biệt với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa những động thái, quyết sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả để lấy lại và ổn định trạng thái cân bằng tâm thế của cộng đồng thường xuyên mong ước một đời sống hữu ái, bình an, hạnh phúc.

Một năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: Đưa văn hóa vào cuộc sống, xây dựng hệ giá trị gia đình - Tiếp cận hệ giá trị gia đình từ văn hóa - 1

Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại Hội trường Diên Hồng ngày 24/11/2022.

“Hệ giá trị” và “Hệ giá trị Việt Nam” trong nhận thức hiện nay không gì khác ngoài sự hợp thành của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người được hiểu như là tứ trụ (cẩm nang) trong sự chấn hưng văn hóa dân tộc thời hiện đại. Hệ giá trị quốc gia tựa vững ngàn đời trên quyền lợi tối cao về độc lập tự chủ, về bất khả xâm phạm cương vực lãnh thổ quốc gia theo lý tưởng “Không có gì quý hơn đọc lập tự do”. Trong thế giới phẳng, trong xu thế hội nhập ngày càng rộng và sâu, chúng ta giữ vững nguyên tắc “hòa nhập nhưng không hòa tan”.

Tất nhiên chúng ta cũng ý thức được sâu sắc quy luật “đi hết dân tộc chúng ta gặp nhân loại” (Nguyễn Minh Châu – Di cảo). Giá trị và bản sắc văn hóa không phải dựa vào phân biệt cao thấp (tinh hoa hay bình dân), mà là sự khác nhau (đa sắc màu), cùng góp vào kho tàng chung văn hóa nhân loại (gần 8 tỷ người) sự giàu có của mỗi quốc gia, dân tộc, chủng tộc.

Trong lịch sử hiện đại Việt Nam, đặc biệt trong Thời đại Hồ Chí Minh (từ sau Cách mạng tháng Tám, 1945), văn hóa luôn được đặt ở vị trí hàng đầu tối cao, quan trọng trong sự nghiệp kiến quốc (“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” - “Kháng chiến hóa văn hóa văn hóa hóa kháng chiến” - “Văn hóa còn dân tộc còn”). Hệ giá trị quốc gia quyết định hệ gia trị văn hóa, đến lượt mình, hệ giá trị văn hóa quyết định hệ giá  trị văn học nghệ thuật và hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người.

Gia đình như là “tế bào gốc” của xã hội

Trong lịch sử xã hội loài người hàng vạn năm, ban đầu sống “bầy đàn”, “quần hôn”, chưa có khái niệm “gia đình” (dựa trên quan hệ hôn nhân, chức năng quan trọng là sinh sản, duy trì nòi giống). Gia đình là một bước tiến lịch sử vĩ đại của tổ chức xã hội từ hình thái nguyên thủy sang văn minh, tiến bộ và phát triển bền vững. Nhìn đại thể, hệ giá trị gia đình truyền thống (Việt Nam) dựa trên nguyên tắc đạo đức “tôn ti trật tự”, có tính áp đặt tự nhiên (Cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đó; Sảy cha còn chú); qua cách thể hiện sinh động của tư duy dân gian “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”; phụ nữ thì theo “tam tòng” (“Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”).

Hệ giá trị gia đình truyền thống đồng thời cũng đề cao nhân nghĩa: “Công cha như núi thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “Chị ngã em nâng”, “Máu chảy ruột mềm”, “Một giọt máu đào bằng ao nước lã”, “Chị em gái như trái cau non/ Chị em dâu như bầu nước lã”, “Dâu là con/ Rể là khách”,... Con người trước khi bước ra hòa nhập xã hội, được rèn giũa cẩn thận và chu đáo (nhất là phụ nữ), đến nơi đến chốn “Trai thì trung hiếu làm đầu/ Gái thì tiết hạnh lấy câu răn mình”.

Một năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: Đưa văn hóa vào cuộc sống, xây dựng hệ giá trị gia đình - Tiếp cận hệ giá trị gia đình từ văn hóa - 2

Ảnh minh họa

Vậy nên cô Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn, đáng lý được hạnh phúc viên mãn nhưng đành phải bán mình chuộc cha, phải nhờ cậy Thúy Vân gá nghĩa với Kim Trọng, dù cho lòng đau như cắt, nước mắt tuôn rơi. Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả tuyệt phẩm Truyện Kiều đã hơn một lần nhỏ lệ trên số phận Thúy Kiều chính là vì thế.

Thời đại phong kiến đã đúc ra những khuôn mẫu đạo lý khác nào những “vòng kim cô” nên Tố Tâm - Đạm Thủy mới phải chia lìa, cách rời âm dương trong tiểu thuyết Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách, cuốn sách đã lấy đi không ít nước mắt của nhiều nam thanh, nữ tú những năm đầu thế kỷ XX.

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), sau hai cuộc kháng chiến thần thánh đánh bại hai đế quốc lớn là Pháp, Mỹ trong cuộc trường chinh mười nghìn ngày (1945-1975), sau đất nước được giải phóng và toàn vẹn non sông, sau công cuộc Đổi mới (1986),... Việt Nam trở thành một quốc gia đang phát triển toàn diện (chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội). Việt Nam là thành viên của Liên Hợp Quốc (thành viên thứ 149, từ 1997), Khối ASEAN (từ 1995), và nhiều tổ chức quốc tế khác như OPEC, APEC,...

Vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên rõ rệt. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, không gian mạng chúng ta phải hành động theo quy luật chung của nhân loại, nếu muốn tồn tại hợp lý và hợp tình. Đổi mới đồng nghĩa với thay đổi căn bản nền tảng kinh tế - văn hóa - xã hội trong một thể chế nhất định, mang sắc màu Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đang bước vào cơ chế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa). Những hệ giá trị không thể nhất thành bất biến. Hệ giá trị gia đình trước đây nhiều khi bị “đóng băng”.

Một năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: Đưa văn hóa vào cuộc sống, xây dựng hệ giá trị gia đình - Tiếp cận hệ giá trị gia đình từ văn hóa - 3

Hệ giá trị gia đình nhìn từ phương diện văn hóa khiến chúng ta phải thay đổi tư duy và hành động thiết thực, phù hợp với yêu cầu đời sống.

Thực tiễn chứng minh, có những truyền thống tốt nhưng không còn phù hợp với thời đại mới. Hệ giá trị gia đình nhìn từ phương diện văn hóa khiến chúng ta phải thay đổi tư duy và hành động thiết thực, phù hợp với yêu cầu đời sống. Tựu trung, hệ giá trị gia đình hiện nay không còn tính áp đặt, tính tôn ti trật tự hà khắc. Trái lại nó dựa trên tinh thần “ dân chủ - tự do - bình đẳng - bác ái”. Cũng từ đó tính đối thoại thế hệ, giữa các thành viên gia đình được tôn trọng và đề cao.

Trong gia đình (cũng như xã hội) nữ quyền luận được quan tâm. Vị thế và vai trò của người phụ nữ thay đổi. Họ không từ bỏ “công dung ngôn hạnh”, hay “nữ công gia chánh” hiểu theo nghĩa truyền thống ngày trước. Người đàn ông (chồng) cũng nhận thức khác về “một nửa” của nình. Trong mỗi gia đình, phương thức tồn tại “tam đại đồng đường”, thậm chí “tứ đại đồng đường” trước kia được coi là mẫu hình của gia đình truyền thống cha truyền con nối.

Nay mỗi cá thể con cái đều muốn tách ra thành đơn vị độc lập, chủ động về kinh tế, sinh hoạt tùy theo mỗi đặc điểm của gia đình nhỏ. Bậc cha mẹ (hay ông bà) không còn sợ cô đơn vì sự tách ra, xa rời của con cháu. Thời đại thông tin khiến cho không gian sống không còn là trở ngại lớn (nhờ sự trợ giúp đắc lực của smartphone, mạng xã hội. Ông bà/ cha mẹ là chỗ dựa vững chắc về tinh thần của con cháu.

Trong thời gian dịch COVID-19 kéo dài, thực tế cho thấy vai trò của ông bà rất quan trọng trong việc hỗ trợ con cháu trong học tập và sinh hoạt. Nay dịch đã giảm mạnh, ông bà lại trở về với nếp sinh hoạt của người cao tuổi (thư giãn, đọc sách, thể thao thể dục, du lịch,...). Cuộc sống bình thường mới đã phục hồi những yêu cầu chính đáng của các lứa tuổi trong một gia đình.

Nhân cách bắt đầu từ đâu

Đứa trẻ bất kỳ được sinh ra từ trong một gia đình cụ thể (có thể khác nhau về địa lý, kinh tế, ngôn ngữ, màu da, chủng tộc). Nhưng giống nhau ở một điểm tựa - gia đình, tổ ấm của mỗi con người từ khi sinh ra đến lúc giã biệt cuộc đời (dẫu chỉ trở về trong hương khói tiếc thương của người ruột thịt). Đứa bé khi sinh ra như tờ giấy trắng, người ruột thịt (ông bà/cha mẹ) là những họa sỹ đặt những nét bút đầu tiên, vẽ nên dung nhan, thần sắc và đường đi nước bước trong những số phận khác nhau của nó. Gia đình là chiếc nôi, là những lời ru ân tình, những nâng niu ban đầu nếu thiếu thì đứa bé sẽ trở nên lệch lạc trong tâm hồn và nhân cách. Gia đình là mảnh đất tốt tươi ươm mầm nụ tương lai.

Một năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: Đưa văn hóa vào cuộc sống, xây dựng hệ giá trị gia đình - Tiếp cận hệ giá trị gia đình từ văn hóa - 4

Gia đình là chiếc nôi, là những lời ru ân tình, những nâng niu ban đầu.

Tuy nhiên, trong chiến tranh, con người nhiều khi phải hy sinh hạnh phúc riêng tư, gia đình để tận hiến cho sự nghiệp chung. Văn học nghệ thuật thời kỳ này cũng hướng tới những câu chuyện (đề tài) vĩ mô như Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Dấu chân người lính của nguyễn Minh Châu, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh,... trong văn chương.

Thời nào cũng vậy, gia đình gắn với nhà trường và xã hội. Vì thế hệ giá trị gia đình không thể tách rời hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa của xã hội và chuẩn mực con người. Hơn thế trong thời đại toàn cầu hóa thì hệ giá trị quốc gia không thể quay lưng với hệ giá trị nhân loại như một mẫu số chung. Bởi “ngoài trời còn có trời”.

Văn học nghệ thuật về không gian văn hóa gia đình, hệ giá trị gia đình hiện nay

Trong điện ảnh - nghệ thuật thứ bảy - chủ đề gia đình đang được các nhà làm phim đặc biệt quan tâm và lôi cuốn được khán giả (một số bộ phim được đánh giá thành công ở một phương diện nào đó gần đây như Về nhà đi con, Sống chung với mẹ chồng, Thương ngày nắng về, Trở về giữa giữa yêu thương,...).

Tuy nhiên, công bằng mà nói, điện ảnh cũng như các bộ môn nghệ thuật khác chưa tạo nên được những thành tựu nghệ thuật đáp ứng mong muốn chính đáng ngày càng cao của công chúng. Họ (Thượng đế) cần được thưởng thức những bộ phim hay kiểu Bao giờ cho đến tháng Mười (của đạo diễn Đặng Nhật Minh).

Một năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: Đưa văn hóa vào cuộc sống, xây dựng hệ giá trị gia đình - Tiếp cận hệ giá trị gia đình từ văn hóa - 5

Một cảnh trong bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười"

Văn chương vẫn tiếp tục nhận lấy sứ mệnh cao cả của mình - dùng ngôn từ và hình tượng nghệ thuật để kể những câu chuyện hay về sự kiến tạo nên hệ giá trị gia đình thời hiện đại. Có thể kể ra một số tác phẩm thành công đáng ghi nhận như Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Thời xa vắng của Lê Lựu, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Gia đình bé mọn của Dạ Ngân, Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê, Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ, Thế giới xô lệch của Bích Ngân, Quay đầu lại là bờ của Hữu Phương, Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành,... Không còn khái niệm “Gia đình thần thánh” nữa. Tất nhiên. Nhưng liệu gia đình hiện đại có biệt sắc gì? Câu trả lời không khó, đó là kiểu mẫu “Gia đình văn hóa”, được tri nhận như một “hệ giá trị gia đình” hiện nay.

Hệ giá trị gia đình không hề là một đơn vị khép kín, độc lập, nó xuất phát từ các nền tảng căn bản: chuẩn mực con người (nhân cách), không gian văn hóa nhân văn (C. Mác: “Muốn con người trở nên nhân đạo hơn thì phải tạo ra hoàn cảnh nhân đạo hơn”) và các giá trị căn cơ của một quốc gia, dân tộc trong ngôi nhà chung của nhân loại - trái đất.

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.