"Việt Nam đứng trước cơ hội quý giá để vươn lên mạnh mẽ"

Bối cảnh và tình hình thế giới đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức to lớn nhưng cũng tạo nên cơ hội vô cùng quí giá để có thể tận dụng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và vươn lên mạnh mẽ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh điều này khi trình bày tham luận tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, sáng 28/1.

Thành tựu của công cuộc đổi mới đã tạo nên một nền tảng phát triển to lớn cho kinh tế đất nước

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta từ một trong những quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, vị thế và uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

“Thành tựu của công cuộc đổi mới đã tạo nên một nền tảng phát triển to lớn cho kinh tế đất nước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” – ông Trần Tuấn Anh nói.

"Việt Nam đứng trước cơ hội quý giá để vươn lên mạnh mẽ" - 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày tham luận tại Đại hội XIII của Đảng

Tới nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.

Trong giai đoạn chiến lược 10 năm qua 2011 - 2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh cho biết, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động đã ngày càng hướng vào lõi công nghiệp hóa. Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực.

Công nghiệp hỗ trợ được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản... Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Cùng với các hoạt động thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và công ty đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo..., đã tạo nền tảng cho công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tận dụng cơ hội để phát triển nhanh, bền vững

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ rõ còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp của đất nước ta, đặc biệt trước những yêu cầu và đòi hỏi trong giai đoạn phát triển sắp tới với mục tiêu đặt ra là vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đưa nước ta phát triển thịnh vượng.

Theo đó, sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp. Động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp  của Việt Nam hiện nay vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tính bền vững trong phát triển sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thế giới ngày càng có những diễn biến phức tạp hơn, nhanh hơn và khó đoán định hơn trước.

“Tác động của dịch COVID-19 trong năm 2020 là một minh chứng điển hình cho tác động đa chiều này đối với nền kinh tế Việt Nam, khi chúng ta cùng lúc gặp cả khó khăn, đứt gãy về thị trường đầu ra cho xuất khẩu, vừa bị đứt gãy nguồn cung phục vụ cho sản xuất trong nước” – Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh...

Tuy vậy, theo ông Trần Tuấn Anh, bối cảnh và tình hình thế giới đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức to lớn nhưng cũng tạo nên cơ hội vô cùng quý giá để có thể tận dụng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và vươn lên mạnh mẽ.

Dòng chảy đầu tư của thế giới vốn đang trong quá trình dịch chuyển, cộng thêm tác động của dịch COVID-19 càng làm cho đích đến của các nguồn vốn đầu tư chuyển về các địa bàn có môi trường ổn định, trong đó Việt Nam đang trở thành điểm sáng, ngày càng chiếm được lòng tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thế giới. Tiến trình hội nhập quốc tế với quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam đã tiếp tục giúp nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

 Theo ông Trần Tuấn Anh, để có thể tận dụng được thời cơ này, giúp Việt Nam có thể nâng cao được vai trò, vị thế trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững, cần bám sát quan điểm xuyên suốt mà Đảng ta đã xác định, đó là: "Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định".

“Tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhưng đồng thời nâng cao tính độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế của nước ta thời gian tới vừa là yêu cầu, đòi hỏi nhưng cũng vừa là phương châm, cách thức để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, thách thức và tận dụng được những cơ hội để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển sắp tới. Nhận thức sâu sắc quan điểm, định hướng của Đảng, ngành Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo hơn nữa để nhất định sẽ thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” – Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định./.

Nguồn vov.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất