Viết văn – nghề tự “ăn” óc mình

Làm thế nào để có một nền văn học vững mạnh? Quan niệm về nghề văn của một nhà văn đã có hơn chục đầu sách được bạn đọc mến mộ…? Những trăn trở đó, được nhà văn mặc áo lính, đại tá Chu Lai giãi bày trước thềm xuân mới.

Hai lần lắc đầu

- -Thưa nhà văn Chu Lai, hành trang anh lên đường ngày ấy là gì?

Tôi đi chiến đấu vì hai lý do: Một, vì không chịu được cái “doãng” của hậu phương. Khi đó bao tinh tuý lao hết vào chiến trường, mình khoẻ mạnh ở lại như thằng phế nhân ấy thì không chịu được. Ngày ấy tôi có một cô người yêu cực đẹp, hoa khôi của trường Trưng Vương. Cô ấy muốn người yêu ở lại chứ, nhưng tôi biết trong mắt cô có gì không ổn khi tôi ở lại hậu phương. Thế thì đi đi cho “mắt em” bình yên! Thứ hai là không chịu nổi mùi nhang khói của gia đình. Năm 1965, anh tôi hy sinh ở trận địa pháo. Mỗi lần ở nơi sơ tán về tôi không chịu được cảnh mẹ bắc ghế thắp hương trước ban thờ. Và cộng với một cái gì đó như là trượng phu ấy.

Viết văn – nghề tự “ăn” óc mình - 1

Mình đã quyết đi rồi là đi!

 - Nghe nói đã hai lần anh có cơ hội để ra khỏi vùng khốc liệt của cuộc chiến nhưng anh đều từ chối để được ở lại chiến đấu? 

Năm 1965 ra khỏi “nhà kịch”, huấn luyện ở sư đoàn đi B ở Thanh Hoá, rồi lại được về Đại học Quân Y học được một năm tôi cảm thấy vô nghĩa nên lại xin đi chiến đấu. Năm 1967 vào chiến trường, ban đầu là lính bộ binh, rồi trở thành lính đặc công. Năm 1973 trong một lần chiến đấu đơn vị bị xoá sạch. Lúc ấy bà Hồ Thị Bi là Cục phó Cục Chính sách vào Nam đem theo lời gửi gắm của bố tôi, đã cho trợ lý xuống tận vùng Lái Thiêu hỏi: Bây giờ đồng chí Chu Lai chiến đấu đã cảm thấy ổn chưa? Nếu đủ rồi thì lên miền. Lên miền thì sống, ở lại là chết đấy. Tôi thức trắng một đêm như ngày mai chuẩn bị ra “đầu thú”. Cuối cùng tôi lắc đầu. Lần khác là khi sắp đi B. Khi ấy tôi hắc lào toàn thân, lở loét ghê gớm, bàn chân hành quân tan tác, tứa máu. Có đoàn kịch tới diễn cho bộ đội. Ông Hoàng Cầm (lúc đó là đoàn trưởng đoàn kịch) hỏi “ông” cháu Chu Lai: Đã thử thách đủ chưa? Nếu thấy đủ rồi thì ngày mai lên xe về Hà Nội. Lên xe về Hà Nội là trải chiếu hoa sống giữa đàn bà đẹp. Tôi lại lắc đầu. Mình đã quyết đi rồi là đi!

Chiến tranh- nỗi ám ảnh

- Anh trở thành nhà văn như thế nào?

Lúc giải phóng xong không biết làm gì. Con người nó hụt hẫng, “tan chảy” ra và đúng lúc ấy bố tôi tìm ra tôi. Cụ bảo không có việc gì khác thì ngồi mà viết văn đi. Viết xong “Nắng Đồng Bằng”, cảm thấy chán quá! Sai lầm rồi. Ai lại làm nghề viết văn vớ vẩn thế này. Đang chỉ huy chiến đấu sôi sùng sục từng ngày, từng đêm. Muốn bỏ đi nhưng ai người ta cho đi nữa. Thế là cứ viết xong cái này nó đẻ ra cái kia…

Viết văn – nghề tự “ăn” óc mình - 2 Dù viết về đề tài khác thì chiến tranh cũng bảng lảng hiện về trong các tác phẩm của nhà văn Chu Lai

- Dường như bất cứ tác phẩm nào của anh cũng có người lính và chiến tranh. Có phải mỗi lần anh ngồi vào bàn viết là ký ức chiến tranh lại ùa về?

Dù tôi có viết về đề tài khác thì chiến tranh cũng bảng lảng hiện về. Chiến tranh kéo dài triền miên nên sự ám ảnh của nó thật kinh khủng. Như “Phố Nhà Binh” đọc xong vẫn có mùi chiến tranh. Vẫn là con người từ chiến tranh đi ra, hay là cái “Ba lần và một lần”, “Cuộc đời dài lắm”… vẫn là xuất xứ từ cái gì đó của chiến tranh. Cho nên chiến tranh là một vỉa quặng càng đào bới càng mầu tốt không bao giờ sợ cạn kiệt.

- Nhưng sao sau khi anh viết xong “Ăn mày dĩ vãng”, anh có nói là mình như quả pháo đùng nổ tung hết ruột, gan, phèo phổi… không còn gì nữa?

Bạn bè bảo thôi ông nghỉ đi, ông rỗng hết rồi. Nói thật có một chi tiết mà tôi phải mai phục sau 15 năm mới viết được. Ví dụ như người lính tự thoả mãn sinh lý ngày mai vào trận cho tỉnh táo. Người lính tràn sinh lực mà u u mê mê trong cái sinh lý không được giải thoát ấy mà, trận đánh đặc công có hàng ngàn chi tiết sơ sểnh một chi tiết là chết cả đại đội.

- Như vậy là anh đã đưa hết cái vô thức ra?

Thực ra mình mới chỉ xả ra 50% cái vô thức. Xả ra hết nó sẽ không còn là văn học nữa. Nó được ra thì nhẹ lòng nhưng anh nói quá đi, nói không nằm trong một văn cảnh nào đó thì trở thành hạ nhục người lính. Ví dụ con người đều có những khoảnh khắc rất yếu đuối. Người anh hùng là người sợ chết nhất nhưng biết vượt qua cái sợ chết để thành người anh hùng, thế thôi.

Tỏ tình kiểu … đặc công

- Có người nói khi viết “Nắng đồng bằng” anh gặp ý trung nhân?

Khi viết “Nắng đồng bằng” tôi ở trại sáng tác có 22 nhà văn trong đó có 18 người chưa vợ. Và 18 người đều có ý mê “cô này” cả. Cả đội hình chỉ có một cô gái ai mà chả thích. Cô ấy là biên tập viên đi theo để biên tập (“Cô ấy” chính là nhà văn Vũ Thị Hồng- vợ Chu Lai ngày nay-NV). 

Viết văn – nghề tự “ăn” óc mình - 3

Viết văn là cái nghề khổ nhất trong đời. Là cái nghề hàng ngày anh tự “ăn” óc mình.

- Nghe phong thanh anh phải dùng chiến thuật đặc công để chinh phục người đẹp? 

Ngày ấy tôi cứ phấn đấu mỗi ngày viết xong 25-30 trang để tối mò sang đọc cho nàng. Chỉ trong một tháng tôi viết xong “Nắng đồng bằng” dầy 500 trang! Cái sự yêu cũng từ văn chương mà ra. Mà cũng từ yêu mà có được kỷ lục như vậy. Ngày ấy cả khu trại viết văn quân đội ở Đà Lạt được vệ binh canh giữ cẩn thận. Vậy là tôi phải dùng kế “ve sầu thoát xác”: Tối đến giăng màn đắp chăn như đang ngủ, lại cởi quần áo treo đầu đuôi đâu đấy rồi vượt qua sân hơn 100m theo kiểu đặc công leo qua cửa sổ để gặp nàng. Đến bây giờ và mãi về sau tôi vẫn cứ phải cám ơn tiếng ngáy của ông Xuân Thiều! Có nhà thơ ở cơ quan tôi mô tả tiếng ngáy đó như thế này: “ Ngáy như nhè ruột ra rồi lại nuốt ruột vào”. Chính vì tiếng ngáy ấy mà tôi không bị lộ khi đọc bản thảo cho nàng duyệt. Rồi một lần tôi đang đọc thì thấy có những giọt nước mắt nóng bỏng rơi trên đùi mình…Tự “ăn” óc mình

- Có lần anh đã ví nghề văn là cái nghề “khốn khổ, khốn nạn nhất” sao anh cứ xông vào?

Viết văn là cái nghề khổ nhất trong đời. Là cái nghề hàng ngày anh tự “ăn” óc mình. Nhưng đồng thời cũng là nghề mà tự do đến vô biên. Anh có thể “điều hành” một hệ thống xã hội thành một hệ thống nhân vật dưới ngòi bút của anh. Và như thế là là tự do vô biên nhưng để giọng văn của anh “đi”, “đi” một cách trầm mặc, “đi” một cách đúng đắn thì nên âm thầm nghĩ, âm thầm đi, âm thầm viết và âm thầm ra sách.

- Vậy theo anh làm thế nào để có một nền văn học vững mạnh?

Trước hết là các nhà văn: Không lập ngôn. Không đại ngôn. Không búa lớn. Không lập danh. Và thấy rằng nhân dân và thời gian là hai yếu tố thẩm định cuối cùng, chứ không phải là một cái gì khác. Sức khoẻ của một nền văn học, sân khấu, điện ảnh không phụ thuộc vào những lời hiệu triệu, càng không phụ thuộc vào những cuộc hội thảo hoành tráng mà thành tựu của nó nằm ở trong góc phòng gắn với tấm lưng gù của người cầm bút. Âm thầm, cô đơn, miệt mài ngày này sang ngày khác. Đấy là điểm sáng là thành tích, là thành công, chứ không phải là những gì hào nhoáng lộng ngôn, lập ngôn, lập danh. Chính trị cũng có thể nhất thời nhưng đạo lý là vĩnh cửu. Anh viết theo một xu hướng chính trị hoặc chống đối một xu hướng chính trị thì cũng chỉ nhất thời thôi.

- Tính đến bây giờ anh cũng có một lượng đầu sách đáng kể. Vậy theo anh tự đánh giá anh đã tới được bến bờ của văn chương chưa? 

Thông thường người viết văn trẻ viết được một cái được hoan hô thì nghĩ rằng mình đã bơi được sang bên bờ văn chương. Viết được hai cái thì nghĩ mình đã đến đích. Xin mời cứ viết nữa đi! Viết cái thứ ba, thậm chí rất được hoan nghênh thì thấy lạc giữa dòng… Và không bao giờ bơi tới bến bến văn chương cả. Như tôi viết được mười mấy cuốn sách rồi nhưng thấy bờ bến văn chương còn xa vời. Không bao giờ tới được. Văn chương nó là tiếng động mơ hồ và rất lạ lùng của thân phận con người, của kiếp người, của cuộc đời mà nó luôn luôn bao giờ cũng ở phiá trước. Càng đi anh càng lạc, càng đi càng không tới bến…

Không nên gặp mặt nhà văn

- Này anh Chu Lai! người ta kháo nhau là anh khéo nói, viết cũng “mả” nữa. Có cô gái nào đọc tác phẩm, hoặc nghe anh nói mà hâm mộ tới mức viết thư hay gọi điện tỏ tình? 

Nhiều! Nhiều ! Nhiều! (Rít một hơi thuốc rồi nhả khói mù mịt). Ví dụ một cô giáo đã lấy tên nhân vật trong tiểu thuyết của tôi để đặt tên con mình. Lại có một cô gái khác điện cho tôi nói rằng, đêm hôm qua em nằm mơ thấy em ăn nằm với nhân vật chính của anh mà khi tỉnh dậy thì thấy nhân vật chính đó lại là anh! (cười lớn)

Viết văn – nghề tự “ăn” óc mình - 4

Văn chương c

àng đi anh càng lạc, càng đi càng không tới bến…

- Người ta thường bảo chỉ nên đọc văn thôi, không nên gặp nhà văn kẻo nhiều khi thất vọng. Anh nghĩ sao về điều này?

Nó là một khoảng cách rất nghiệt ngã! Phức tạp lắm! cho nên rất nhiều người chỉ cần đọc tác phẩm chứ không cần nhìn tác giả! Giữa hình hài Trần Đăng Khoa và thơ Trần Đăng Khoa rất khác nhau. Giữa văn Lê Lựu và hình hài Lê Lựu cũng thế. Nhưng mà ngày 30/4 năm ngoái tôi vào thành phố Hồ Chí Minh, ca sĩ cải lương nổi tiếng từ thời nguỵ – cô Bạc Tuyết nói: “Tuyết đọc của anh rất nhiều. Tuyết hình dung ra anh giống như anh hiện nay”. Tôi bảo thế là mừng! Bởi khi mình vắt kiệt sức mình cho trang sách thì mình thành một cái bã mía rồi! Ruồi nhặng nó bâu đầy. Nếu mà bã mía ấy còn phảng phất một chút tác phẩm thì đấy là điều mừng. Tức là mình chưa đánh mất mình. Khi mình không còn là mình nữa, mình không còn giống tác phẩm nữa thì đấy mới thực sự là tài năng! Tức là tan rã, hoàn toàn vắt kiệt, hoàn toàn nhầu nát, thì mới gọi là tài năng. Còn bây giờ mình thì chỉ gọi là tài vừa thôi!

- Nếu cho anh làm lại từ đầu anh có viết được những tác phẩm như anh đã viết và anh có chọn nghề viết nữa không?

Không những không viết được tác phẩm như thế mà còn không viết gì cả mà sẽ làm nghề khác!

- Vì sao vậy?

Vì nó khổ ải quá! Nghiệp chướng “ma dẫn nối quỷ đưa đường”. Thân làm tội đời chứ sao! Nhưng đó là cách nói tự giễu mình, tự chán mình đấy. Làm nghề này trong cái sự mệt nhọc kinh khủng có sự tự do vô cùng. Ăn hết cái tự do đó là hết đời!

- Xin cảm ơn anh!

Hồ Minh Thụy - Cao Sơn 

None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Cuốn nhật ký “Con đường Văn sĩ” là tác phẩm không chỉ dành cho những ai yêu văn chương của Nguyễn Huy Tưởng mà đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về ông và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cuốn sách đặc biệt hướng đến độc giả trẻ tuổi – những người đang háo hức và băn khoăn, quả quyết và khắc khoải bước vào đời với những khát khao giống như bậc tiền nhân