Với mong muốn tạo ra sân chơi nghệ thuật cho tất cả người Việt đam mê hội họa, Mỹ thuật Bụi - một cơ sở dạy vẽ cho những người không chuyên đã chào đời cách đây hơn 6 năm. Sự thành công của một câu lạc bộ nhỏ nằm trên phố Chùa Láng (Hà Nội) đến chuỗi cơ sở với hàng vạn học viên chứa đựng cả một câu chuyện dài của những nghệ sỹ bước chân vào con đường khởi nghiệp.

Thời điểm cách đây 6-7 năm, có rất nhiều địa chỉ đào tạo mỹ thuật ở Hà Nội được mở ra nhưng tuyệt nhiên không có trung tâm nào dành cho những người không chuyên có niềm đam mê với hội họa. Để giải bài toán này, mùa đông 2014, Lê Đại Dương lúc đó đang là sinh viên năm cuối của Đại học Ngoại thương đã nghĩ ra ý tưởng tạo ra sân chơi cho tất cả mọi người không chuyên. Hình thức hoạt động của nhóm này tương tự một câu lạc bộ sinh viên. Nghĩ là làm, ngay sau Tết năm con Ngựa, anh Dương và thầy của mình là anh Nguyễn Lý Bằng cùng một người bạn mở một khóa mỹ thuật đầu tiên. Những học viên đầu tiên của nhóm chủ yếu là sinh viên trường Đại học Ngoại thương.Vậy là Bụi ra đời từ đó, một sân chơi vẽ vời dành cho những người không chuyên đam mê hội họa.

“Sau một thời gian mở Bụi, chúng tôi nhận ra việc chia sẻ về mỹ thuật không quá xa vời như mọi người vẫn nghĩ. Ngược lại nó còn rất có ích cho mọi người, tất cả các học viên đều hưởng ứng. Khi đó chúng tôi đều là sinh viên, hai người dạy vẽ và người còn lại phụ trách các vấn đề khác cho công ty. 2 năm đầu, câu lạc bộ chủ yếu là sân chơi của sinh viên của các trường với nhiều hoạt động có phí và không có phí thông qua các mô hình ngoại khóa, vẽ tranh theo chủ đề…”, anh Bằng – người đồng sáng lập Bụi chia sẻ.

“Hội sở” đầu tiên của Bụi nằm trên đường Chùa Láng (Hà Nội) có diện tích chẳng khác nào một phòng trọ sinh viên với 15m2. Ban ngày nơi đây là cửa hàng giày, ban đêm mọi người dọn dẹp và trang trí mở lớp. Kết thúc lớp học, thầy trò lại cùng thu dọn để trả mặt bằng ngay trong buổi tối. Chi phí để chi trả cho câu lạc bộ chủ yếu dựa vào số vốn ít ỏi của sinh viên ngày đầu khởi nghiệp và một ít tiền học phí của học viên.

Sau một thời gian ngắn, Bụi đầu tư thuê thêm một cơ sở khác ở đường Láng (Hà Nội). Đó cũng chỉ là một căn phòng nhỏ bên dưới là cửa hàng sửa xe máy, tầng 2 là lớp học và bên trên là những nhà trọ. Bụi gắn bó cùng cơ sở đó được 2 năm và lớp học đó mang đúng tính chất sinh viên thời đầu của Bụi.

Những ngày đầu đó, các học viên đến Bụi không chỉ dừng lại khi kết thúc khóa học, rất nhiều người đã quay lại đây rồi trở thành bạn bè, cộng tác viên… Dần dần, Bụi trở thành một xưởng nghệ thuật tự do để tất cả mọi người chia sẻ với nhau về hội họa, về những sở thích và vui buồn trong cuộc sống.

Đến nay, Bụi đã có 8 cơ sở với hơn 20.000 học viên trên toàn quốc, ước mơ của các thành viên sáng lập Bụi là ở mỗi tỉnh thành đều có một “Bụi xưởng” cho những ai đam mê nghệ thuật tìm đến.

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng.

Tuy nhiên, khi nhận được đầu tư, có nguồn lực hơn thì sự phát triển sau đó cũng là bài toán đau đầu với Bụi. Ở thời điểm tài chính ổn định thì vấn đề nhân sự lại mang đến cho Bụi những thách thức mới. Việc phát triển về số lượng cơ sở kéo theo những yêu cầu về nguồn lực và chất lượng giảng viên. Để Bụi tìm ra câu trả lời cho câu hỏi chất lượng, tâm huyết đội ngũ nhân sự có đúng sứ mệnh tầm nhìn và định hướng ban đầu của Bụi hay không cũng là vấn đề không dễ?

Điều khác biệt ở Bụi có lẽ là sự cập nhật theo thời đại để cho ra đời những sản phẩm mang hơi thở cuộc sống. “Ngày hôm nay xu hướng là gì, nội dung của năm nay là gì… đều ảnh hưởng đến tư duy và góc nhìn của mỗi người và việc dạy và học của thầy và trò cũng bắt buộc sẽ thay đổi theo. Chúng ta không thể vẽ mãi một bộ ấm tích, một quả táo, bình hoa…. trong suốt một chương trình từ cấp 1 đến cấp 2. Bụi luôn ám ảnh bởi sự đổi mới và dựa vào sự đổi mới đó để tạo ra nét riêng cho mình. Phải chật vật mất 2-3 năm, mọi thứ mới dần đi vào ổn định, đó là cả một nỗ lực rất lớn của Bụi. Qua thời gian va vấp và trưởng thành Bụi đã kết hợp được việc làm kinh tế nghệ thuật và giáo dục nghệ thuật” - anh Bằng chia sẻ.

Có thể nói, hiếm có một cộng đồng nào xây dựng bằng hình thức “truyền miệng” nhưng lại vững chắc và ngày một lớn dần theo thời gian như Bụi. Thuận lợi lớn nhất mà Bụi có được là sự ủng hộ và quan tâm của cộng đồng từ chính học viên, kể cả những người chưa từng học ở Bụi. Họ thực sự đã trải nghiệm và chứng minh rằng nó có ích, họ lan tỏa điều đó cho cộng đồng được biết. Mọi người thực sự thấy chia sẻ đó có ích cho người khác. Sự quan tâm của cộng đồng giúp Bụi có niềm tin để làm tiếp, để tin rằng điều Bụi làm có ích với mọi người.

Tại Bụi, không khó để tìm thấy những học viên là cô chú, anh chị đã học liên tiếp 3-4 năm. Chứng kiến quá trình học hỏi này, ai cũng cho rằng, đó là một nỗ lực “khủng khiếp” của những người không chuyên. Và có lẽ chỉ ở Bụi mới có những học viên đi học từ 6 tuổi đến trên 60 tuổi.

Đến với Bụi, học viên đi học để vui vẻ hơn, có động lực, điểm tựa để cân bằng lại cuộc sống. Các thành viên đến với Bụi cho rằng, học vẽ cũng giống như học thiền, học hát, học nhảy… không phải ai cũng sẽ làm ca sĩ, ai cũng sẽ làm vũ công.

“Tôi còn nhớ một buổi tổng kết năm của lớp vào những ngày cận Tết, hồi đó số học viên chưa đông nên tôi tham gia hầu hết các hoạt động của lớp. Trong những lời chúc của học viên có một câu nói mà tôi luôn ghi nhớ và đến tận giờ vẫn lấy làm phương châm hoạt động của công ty: “Dù sau này Bụi có phát triển, mở rộng như thế nào đi nữa thì cũng đừng đánh mất “chất” của riêng mình. Làm sao để học viên đến đây không chỉ để học vẽ mà còn là nơi sinh hoạt, gắn kết với nhau”, anh Bằng tâm đắc khi nói về Bụi.

Uớc mơ bước chân ra làng hội họa thế giới
PV