Vượt trọng điểm là một trong 4 bức sơn mài khổ lớn của họa sỹ Lê Trí Dũng được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ, bức tranh đã tham gia Triển lãm Mỹ thuật Toàn quân năm1974 và được Bảo tàng mua ngay. Khi đó, họa sỹ đang là một Thượng sỹ xe tăng 25 tuổi. Phiên bản của nó từng triển lãm tại Mỹ và được nhiều ấn phẩm sử dụng... Mới đây, năm 2021 bức tranh nằm trong danh sách tu chỉnh, bảo dưỡng của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Thời báo Văn học Nghệ thuật trích đăng tản văn viết về bức tranh Vượt trọng điểm trích trong cuốn Những hòn cuội nhặt dọc đường hành quân của họa sỹ Lê Trí Dũng.
Tháng 12/1991, các cựu chiến binh Mỹ với ba tổ chức liên kết: Wiliam Joiner Cente (một trung tâm lớn nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam), Chương trình nghệ thuật Đông Dương và Học viện Phillip ở Boston (Machassuset - Mỹ) kết hợp mời tôi sang triển lãm cá nhân tại Mỹ. Ngẫu nhiên, tôi trở thành họa sỹ “Việt Cộng” đầu tiên vào Mỹ. Năm ấy, lệnh cấm vận vẫn còn... làm visa vào Mỹ rất khó khăn. Nhưng tại sao lại có cuộc triển lãm ấy? Ngoài chủ đích của những người lính Mỹ tiến bộ muốn mở đột phá khẩu, mở một cửa mở nối liền quan hệ hai nước, bình thường hoá tình cảm nhân dân hai nước sau chiến tranh thì bức tranh Vượt trọng điểm góp một phần không nhỏ...
Mệt mỏi sau 36 giờ bay, đúng 12 giờ đêm tôi có mặt tại phòng khách của Học viện Phillip, toàn thể bộ chỉ huy cựu chiến binh Americon vẫn chờ sẵn, họ nói: Tranh và ảnh đã treo lên hết rồi, giấy mời đã gửi đi các nơi hết rồi... đúng 5 giờ chiều mai khai mạc. Không thể thay đổi được... nhưng mảng tường chính vẫn còn chờ bàn tay của họa sỹ... chúng tôi cần anh vẽ gấp một bức tranh cao 3 mét và ngang 4 mét (12 mét vuông )... Tôi trả lời: Cho tôi ngủ 6 tiếng, 3 tiếng ra cửa hàng mua họa phẩm và tôi sẽ bắt đầu tiến hành vẽ... Đứng giữa các cựu chiến binh Mỹ từng đối mặt với đồng đội của mình gần 20 năm trước ... tôi bồi hồi nhớ lại...
Đầu năm 1972, tôi ở Sư đoàn Bộ binh 338 tăng cường cho mặt trận Quảng Trị. Chảo lửa đang nóng lên, chúng tôi chuẩn bị vào Thành thì được lệnh của Tổng tư lệnh điều một số về các quân binh chủng kỹ thuật. Tôi về Đoàn 10 xe tăng, tiền thân của Trường Sỹ quan Thiết Giáp bây giờ.
Đầu 1973, tôi vào chiến trường Quảng Trị nhưng lần này với tư cách là phóng viên chiến trường, diện hoạt động khá rộng: tất cả các đơn vị xe tăng trên toàn tuyến miền Nam. Một ba lô cóc, một cặp vẽ, máy ảnh, dao và súng... tôi lang bạt khắp các đơn vị xe tăng, đông từ Phó Hội – Cửa Việt rồi tới Gio Linh, Ái Từ, Cảm Lộ... rồi lên Tây Thừa Thiên - Huế, A Sầu, A Lưới... hàng trăm ký họa và ảnh ra đời, nào là Trước giờ xuất kích, Nuôi lợn trên chốt, Thư hậu phương... và ảnh các chiến sỹ chiến đấu xuất sắc gửi gấp về Binh chủng để dùng trong Bản tin Thiết Giáp. Mặc dù vậy, thâm tâm rồi vẫn nung nấu vẽ một bức làm sao thật “Thiết giáp”.
Khó quá! mấy tháng trời trôi đi, cho đến một hôm, Đại đội Xe tăng 4 của anh Bùi Quang Thận (hai năm sau chính anh chỉ huy Đại đội này tấn công vào Dinh Độc Lập) xuất kích. Phía trước là một “Cổng Trời” vừa thoát một trận bom dữ dội. Một cảm giác như điện giật. Dưới ráng chiều đỏ rực của ánh hoàng hôn, chiếc xe tăng đột ngột chồm qua khúc ngoặt, toàn thân xây xát như mãnh hổ trong trận mạc, một chắn bùn bên trái đã mất, ngụy trang bay phần phật, xích xe tăng cày nát mặt đường, tháp pháo kiêu hùng quay theo vách đá nhầm nhở... tôi vồ lấy cặp vẽ, thỏi chì than phác nhanh, khói bom và cây rừng cháy dở, cô thanh niên xung phong cổ quấn khăn dù đứng cạnh gốc cây cổ thụ bị bom phạt như muốn bay khỏi bờ vực. Mãi sau này tôi mới biết, khoảnh khắc giản dị ấy tôi đã góp một phần rất nhỏ cùng dân tộc vượt qua những “trọng điểm” của cuộc chiến tranh mà mãi hơn 1000 ngày sau, chính những chiếc xe tăng đó đã húc tung cánh cổng, kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ.
Tháng 5/1974, khi nhưng cơn mưa rừng bắt đầu trút xuống Trường Sơn đại ngàn. Các khe cạn bắt đầu dâng nước và Tam Đảo xanh mướt một màu của những “mặt trời xanh”, những lá cọ non bung xoè tán rộng thì tôi nhận được mệnh lệnh: về trại sáng tác toàn quân vẽ tranh tham dự triển lãm mỹ thuật lớn khai mạc vào tháng 12/1974, đúng dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam...
Thời gian đâu còn nhiều. Gió mùa hạ thổi lộng làm tôi không ngủ được. Tôi nhớ đến những cơn mưa rừng đang trút xuống hầm xe tăng của đồng đội ở chiến trường. Đúng lúc ấy, hình ảnh chiếc xe tăng kiêu hãnh chồm qua khúc ngoặt trong ánh hoàng hôn hôm nào bật ra... Và Vượt trọng điểm ra đời. Bức tranh làm bằng sơn mài truyền thống, vách núi gắn vỏ trai, vỏ trứng, sương chiều và khói bom rây bạc cựu, bạc vụn... nền trời lót sơn trai đỏ rực, hoàng hôn dát vàng lá rực cháy, một con đường đất đỏ như sơn trên đó hằn lên những vệt xích thân thiết đến nào lòng... Ngày khai mạc, bức tranh được nhân dân và bộ đội rất khen ngợi. Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia chọn mua và lưu giữ đến hôm nay, nó luôn được treo gian chính sảnh của bảo tàng. Trong những năm 1989-1990, các cựu chiến binh Mỹ đi tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thấy Vượt trọng điểm và đã mời tác giả tham gia triển lãm Cái nhìn từ hai phía gồm 40 cựu chiến binh cả Mỹ và Việt Nam tham gia.