Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới đất nước

Ngày 22/3, tại Hòa Bình, Thời báo Văn học nghệ thuật tổ chức tọa đàm “Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới đất nước” với sự hiện diện của nhiều gương mặt nhà tiểu thuyết tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Sự kiện là một trong những hoạt động điểm nhấn của Cuộc thi Tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật lần thứ nhất giai đoạn 2023-2025.

Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới đất nước - 1

Tiết mục văn nghệ chào mừng các nhà văn, các văn nghệ sĩ về dự tọa đàm. Ảnh: Huyền Thương

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết, cuộc thi Tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật lần thứ nhất giai đoạn 2023-2025 là sự kiện văn học có ý nghĩa đặc biệt, lần đầu tiên trong nền báo chí Cách mạng Việt Nam xuất hiện một cuộc thi sáng tác tiểu thuyết do một tờ báo tổ chức. Cuộc thi nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của văn nghệ sỹ, bằng mong muốn sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước, cũng như nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của nhân dân.

Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới đất nước - 2

Không gian tọa đàm “Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới đất nước”. Ảnh: Huyền Thương

Tiểu thuyết là mảnh đất màu mỡ, nơi các nhà văn thỏa sức sáng tạo với vô vàn tư liệu sáng tác trong bức tranh của hiện thực rộng lớn. Cùng với sự thay đổi diện mạo của đất nước, sự thay đổi trong các quan niệm về giá trị và bản chất nghệ thuật cũng là nhân tố quan trọng tạo nên những chuyển biến có tính chất bước ngoặt của văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng.

Theo nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, tọa đàm “Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới đất nước” sẽ là diễn đàn để các nhà văn chia sẻ những mong muốn, trao đổi những kinh nghiệm, chỉ rõ những khó khăn trong việc sáng tác, xuất bản một tác phẩm tiểu thuyết. Đồng thời, nêu lên quan điểm về một số đề tài tiểu thuyết có ý nghĩa trong hiện thực đổi mới đất nước.

Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới đất nước - 3

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật phát biểu. Ảnh: Huyền Thương

Tham luận tại tọa đàm, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn cho rằng, công nghệ hiện đại đang khiến thế giới thay đổi mỗi ngày, mặt trái của công nghệ khiến con người phải sống trong sự hoang mang, khủng hoảng, bội thực thông tin,... Cho nên theo ông, việc sàng lọc thông tin, đề tài, câu chuyện để đưa vào tiểu thuyết là một việc đòi hỏi rất nhiều công sức của các tác giả. Tác giả phải có sự nhanh nhạy, thấu hiểu để thích nghi, theo kịp với nhịp sống của thời đại và hơn hết, các tác giả phải luôn nhớ đến cái đích Chân – Thiện – Mỹ trên con đường sáng tạo văn chương của mình.

Chia sẻ về việc viết đề tài tiểu thuyết chiến tranh khi cuộc chiến đã lùi xa, nhà văn Lê Hoài Nam cho rằng, có thể có những chi tiết bất bình thường, quái lạ trong cuộc sống nhưng nó lại trở nên bình thường trong chiến tranh và đó là những “chi tiết vàng” của tiểu thuyết, của truyện ngắn mà tận mắt nhiều nhà văn sau khi trải qua chiến trường đã chứng kiến.

“Là một người lính đi qua chiến tranh khi còn rất trẻ. Vốn thực tế mà tôi chứng kiến và tích luỹ được, trước đây vì e ngại viết thành văn học sẽ không được xuất bản, hoặc nếu xuất bản sẽ bị biên tập cắt gọt thì giờ đây tôi lôi ra để viết, viết một cách trung thực. Đương nhiên tôi vẫn phải tuân thủ những nguyên lý tư duy, hư cấu, khái quát, điển hình hóa cho phép của thể loại tiểu thuyết. Tôi tự khuyên khủ tôi: Cho dù đến lúc mình chỉ còn 10 bạn đọc tâm phúc với tác phẩm của mình thì mình vẫn viết. Tôi coi những bạn đọc văn chương hôm nay đáng trân quý như những nhà tư tưởng”, nhà văn Lê Hoài Nam bày tỏ.

Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới đất nước - 4

Các nhà văn tham luận tại tọa đàm. Ảnh: Huyền Thương

Nhà văn Kiều Bích Hậu đã chia sẻ câu chuyện thử nghiệm với thể loại “truyện ngắn trong tiểu thuyết” của mình, trong đó tác giả thể hiện ra mỗi một chương là một truyện ngắn độc lập, người đọc có thể chọn đọc một chương bất kỳ nào đó và có thể hài lòng vì nó là một truyện ngắn độc lập. Và khi xuất bản, khi xếp cạnh nhau thì các chương lại là một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó, để nối dài hơn đời sống cho tác phẩm, nhà văn Kiều Bích Hậu cho biết, hiện nay một số tác giả ở nước ngoài họ đã tìm cách để dựng phim trên tác phẩm tiểu thuyết của họ và một số còn thực hiện làm phim từ truyện ngắn. Theo nhà văn Kiều Bích Hậu, sự nối dài các tác phẩm như vậy là một cách để tác phẩm văn học được chuyển hóa, lan tỏa rộng hơn nữa.

Theo nhà văn Bích Thu, hiện nay xuất hiện một số tiểu thuyết được tác giả viết hơi dài, khiến cho tác phẩm đôi khi bị miên man, làm người đọc khó hình dung cốt truyện chính. Bà đề nghị các tác giả nên đọc kỹ lại tác phẩm của mình, có sự tiết chế, điều chỉnh, không nên ôm đồm quá nhiều và hãy tập trung nói những cái đáng nói.

Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới đất nước - 5

Nhà văn Bích Thu chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Huyền Thương

Chỉ ra khoảng trống và vùng trũng trong văn chương và tiểu thuyết hiện nay, nhà văn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng nó đang thiếu đề tài viết về “tam nông”: nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Theo ông, đề tài này hiện nay đang lắng xuống bởi chúng ta đang bị choáng ngợp bởi văn minh đô thị, nhưng chúng ta cần nhớ rằng văn hóa Việt Nam có cội rễ sâu sắc nhất chính là từ nông thôn. Văn học, văn hóa chúng ta ra đời từ nền văn minh lúa nước, chúng ta có cộng đồng làng xã, văn hóa của tình nghĩa.

Ông cho biết thêm, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và cuộc di dân khổng lồ từ nông thôn ra thành phố đã khiến con người hiện đại (trong đó có nhà văn) bỏ quên cội rễ văn hóa. Cuộc sống viên chức ở chốn phố phường đã khiến cho nhà văn thích hợp với những tiện nghi đời thường, dẫu cho đô thị ô nhiễm ngày càng nặng nề. Nông thôn ngày càng trở nên mờ nhạt trong tình cảm của người cầm bút, đôi khi chỉ như là ký ức, một ký ức ngủ quên không được đánh thức, mời gọi, kích thích.

Theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng, cần có kế hoạch “hạ phóng” (đưa, động viên, tổ chức) nhà văn đi xuống/ về cơ sở sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trong cả nước (63 tỉnh, thành). Ưu tiên đầu tư chiều sâu sáng tác, dành các giải thưởng uy tín cho văn học về “tam nông”, đây là công việc của Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương. Cần một cuộc ra quân đồng bộ, hùng hậu, bền bỉ để kích cầu năng lượng sáng tác có thể đang ngủ quên trong các nhà văn với rất nhiều lý do khách quan, chủ quan.

Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới đất nước - 6

Nhà văn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Huyền Thương

Trong tiến trình đổi mới, tiểu thuyết dường như bị xếp sau, tiểu thuyết bị lạm dụng, biến tướng, hay được kết tinh bởi các ý tưởng đổi mới, từ hình thức đến nội dung. Vì vậy, nhiều diễn giả cho rằng cần lập tức nhìn nhận lại vai trò của tiểu thuyết đương đại.

Để tiểu thuyết có chỗ đứng, theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà, sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, bản lĩnh, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn, khách quan, khoa học.

Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình cần phải thẳng thắn, trung thực, khách quan, tinh tế, góp phần định hướng, giới thiệu cho công chúng tiếp cận và tiếp nhận những giá trị văn hóa trong và ngoài nước, loại trừ những phi văn hóa, phản văn hóa; chống xu hướng "lai căng", thương mại hóa, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của đời sống văn học nghệ thuật, nâng cao trình độ nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân.

Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật toàn quốc và những cơ quan báo chí văn chương là nơi có đủ điều kiện để tạo ra những làn sóng mới cho tiểu thuyết đương đại Việt Nam thời kỳ đổi mới. Bằng nhiều cách, như tổ chức cuộc thi tiểu thuyết, mở các diễn đàn, tọa đàm; phối hợp mở các bàn tròn lý luận phê bình…

Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới đất nước - 7

Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Huyền Thương

Tọa đàm “Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới đất nước” là diễn đàn để các nhà văn, nhà phê bình và các văn nghệ sĩ cùng thảo luận, phân tích, đánh giá những vấn đề của tiểu thuyết Việt Nam trong hiện thực đổi mới đất nước. Qua đó vừa thấy được sự đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, vừa góp phần làm sáng tỏ hơn mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, nhà văn với đời sống. Kết quả của tọa đàm góp phần lan tỏa tình yêu với tiểu thuyết, cũng như lan tỏa những giá trị tích cực của Cuộc thi Tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật.

Chia sẻ suy nghĩ về cuộc thi Tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật, nhà văn Nguyễn Trọng Tân cho hay: “Cuộc thi đã diễn ra đúng thời điểm, tôi cho rằng Thời báo Văn học Nghệ thuật là một tờ báo dũng cảm vì tuổi đời của báo chưa nhiều mà quy mô của một cuộc thi tiểu thuyết đòi hỏi công sức rất lớn: tài tổ chức, sự tâm huyết với nền văn học nước nhà và kinh phí bỏ ra không nhỏ. Song đặc biệt hơn, tờ báo phải đủ uy tín mới thu hút được đông đảo các cây bút tiểu thuyết nhiệt tình tham gia”.

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân hy vọng, qua cuộc thi tiểu thuyết này, các nhà văn sẽ xây dựng được những hình tượng sinh động về con người Việt Nam, biết trân trọng quá khứ, trả lời câu hỏi “Sánh vai với các cường quốc năm châu” như thế nào? Phản ánh tâm hồn, cốt cách Việt Nam, trách nhiệm, trí tuệ, kỹ năng, tài năng của con người Việt Nam trong vị thế của một công dân toàn cầu như thế nào?

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ của Hải Phòng 2024 được tổ chức với quy mô cấp thành phố gắn với Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2024) và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà của Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO.

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ Hội Du Lịch Hà Nội năm 2024 hứa hẹn sẽ mang tới cho du khách và nhân dân địa phương những trải nghiệm đầy màu sắc cùng nội dung phong phú, đa dạng. Với nhiều lần tổ chức thành công, Lễ hội tập trung vào khai thác những giá trị độc đáo, đặc sắc của di tích, làng nghề, ẩm thực Hà Nội và các địa phương.