“Vầng trăng Him Lam” - Sự tiếp nối mạch hào khí của Điện Biên trong thời hiện đại

Sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, một tiểu thuyết viết về mốc son chói lọi này đã ra đời mang tên “Vầng trăng Him Lam”, tác phẩm được cất lên như một sự tiếp nối mạch hào khí của Điện Biên trong thời hiện đại, nó vừa mang ý nghĩa lịch sử vừa mang ý nghĩa nghệ thuật đặc sắc.

Những giá trị của tác phẩm này được bàn đến rất nhiều trên văn đàn và các phương tiện truyền thông trong thời điểm gần đây, khi các văn nghệ sĩ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đang hướng về Điện Biên với những tình cảm đặc biệt. Tại Hội thảo “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” được tổ chức tại Điện Biên sáng 19/4, tác phẩm này thêm một lần nữa lại nhận được sự quan tâm của nhiều tham luận.

“Vầng trăng Him Lam” - Sự tiếp nối mạch hào khí của Điện Biên trong thời hiện đại - 1

Tiểu thuyết "Vầng trăng Him Lam" của nhà văn Châu La Việt.

Tại Hội thảo, nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật cho biết, ngay từ rất sớm, Thời báo Văn học nghệ thuật đã xây dựng kế hoạch tổ chức công tác tuyên truyền và tổ chức sự kiện chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” với một loạt các hoạt động bài bản, kỹ lưỡng, nhằm tạo hiệu ứng rộng rãi trong giới văn học nghệ thuật và đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trong đó, nhận thấy những giá trị của bản thảo tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” do nhà văn Châu La Việt chắp bút, Thời báo Văn học nghệ thuật đã quyết định đầu tư cho tác phẩm này. Sau ba tháng miệt mài dốc sức lực, trí tuệ và tâm huyết, nhà văn Châu La Việt đã kịp cho ra mắt tác phẩm ấy đúng dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Theo nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, giá trị đầu tiên của tác phẩm này có được ngay sau khi ra đời là đã được PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chuyển thể thành vở nhạc kịch cùng tên “Vầng trăng Him Lam”. Tiếc là vở nhạc kịch này không kịp ra mắt đúng dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng trên chất liệu của cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Châu La Việt đang ráo riết để có một tác phẩm điện ảnh tầm cỡ.

“Vầng trăng Him Lam” - Sự tiếp nối mạch hào khí của Điện Biên trong thời hiện đại - 2

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật chia sẻ tại Hội thảo.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng thì cho rằng, tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” của Châu La Việt đã có được một cách tiếp cận mới mẻ sự kiện lịch sử từ phương diện văn hóa, văn học nghệ thuật - đóng góp của người nghệ sĩ trong cuộc kháng chiến thần thánh, khi “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy” theo cách diễn đạt của Chế Lan Viên.

Với cách viết giàu chất “đời”, tác giả Châu La Việt đã khắc hoạ thành công nhân vật nhạc sĩ Đỗ Nhuận – một cây đại thụ tài ba của nền âm nhạc Việt Nam. Quãng thời gian là một nghệ sĩ – chiến sĩ của Đỗ Nhuận được tác giả đã cất công xây dựng trên hai bình diện con người công dân và con người nghệ sĩ qua cách kể chuyện chân thực mà không hề tô vẽ.

Nhân vật nhạc sĩ Đỗ Nhuận được tác giả “trồng” trên một cái nền rộng và vững chắc - nhân vật “tập thể”, “nhân dân”. Trên nền rộng nhân dân, chúng ta thấy “người người lớp lớp” dân thường (đồng bào các dân tộc) - du kích - bộ đội - thanh niên xung phong... Tất cả hướng về tiền tuyến, tất cả vì thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ nền độc lập, tự do đất nước, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho hay.

“Vầng trăng Him Lam” - Sự tiếp nối mạch hào khí của Điện Biên trong thời hiện đại - 3

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng tham luận tại Hội thảo với chủ đề: Điện Biên Phủ - Một danh từ Việt Nam cách tiếp cận mới về sự kiện lịch sử nhìn từ “Vầng trăng Him Lam”.

Bên cạnh đó, cảm hứng nhiệt thành của một nghệ sĩ trước lịch sử đấu tranh cũng được nhà văn Châu La Việt thể hiện, truyền tải xúc cảm một cách tài tình. Từ câu chuyện của một nhân vật, một khuôn mẫu anh hùng, vừa sáng tác vừa chiến đấu cho đến những câu chuyện đời thường chân thực, giản dị, xúc động với cái nhìn tri ân quá khứ, với cái nhìn từ vận mệnh chung của dân tộc đến số phận cá nhân đã được Châu La Việt thể hiện trong một niềm say sưa bất tận.

GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định: Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn là tiềm năng để cho các văn nghệ sĩ sáng tạo và tác phẩm “Vầng trăng Him Lam” là một nét mới trong sáng tạo văn học trong thời gian gần đây.

Theo GS.TS Lê Hồng Lý, từ trước đến nay đã có nhiều tác phẩm ca ngợi chiến thắng nhưng Châu La Việt lại có được một góc nhìn khác khi ông nghiêng về cách nhìn toàn bộ cuộc chiến qua hình ảnh của một người văn nghệ sĩ.

Những tác phẩm viết về chiến tranh đã có rất nhiều nhưng những gì còn để lại đằng sau nó thì chưa có nhiều sáng tác đề cập đến. “Vầng trăng Him Lam” xuất hiện với một cách nhìn mới về chiến tranh, công lao của nó không phải chỉ là ca ngợi những chiến công, miêu tả những trận đánh mà còn ở việc làm sống động những việc hết sức bình thường trong và sau chiến tranh, GS.TS Lê Hồng Lý chia sẻ thêm.

“Vầng trăng Him Lam” - Sự tiếp nối mạch hào khí của Điện Biên trong thời hiện đại - 4

GS.TS Lê Hồng Lý chia sẻ về ý nghĩa của tác phẩm.

Trước khi là một chủ đề được quan tâm tại Hội thảo, trong buổi giao lưu nghệ thuật giữa các nghệ sĩ của đoàn hành hương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các nghệ sĩ diễn viên Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La, nhà văn Châu La Việt đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về đứa con tinh thần của mình.

Với ông, tác phẩm ra đời trước hết được xuất phát từ tình yêu của ông với Tây Bắc, theo ông, đó không chỉ là một vùng đất cách mạng, mà đó còn là mảnh đất của âm nhạc, của opera và của nghệ thuật.

“Vầng trăng Him Lam” - Sự tiếp nối mạch hào khí của Điện Biên trong thời hiện đại - 5

Nhà văn Châu La Việt chia sẻ về tiểu thuyết "Vầng trăng Him Lam" trong buổi giao lưu nghệ thuật do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại Sơn La.

Ông tâm sự: Năm tôi 8 tuổi, tôi sống cùng mẹ tôi - một nữ nghệ sĩ nổi tiếng ở đoàn ca múa nhân dân trung ương, tôi có điều kiện được biết đến vở nhạc kịch “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận mà mẹ tôi cũng được góp mặt trong đó. Trong những năm đất nước còn khó khăn như thế, vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam đã ra đời với nhiều tiếng vang đã góp phần thể hiện quyết tâm xây dựng một nền nhạc kịch hiện đại. Và tôi càng ấn tượng hơn khi được biết về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm này, trên thế giới này từng có những tử tù trở thành tổng thống nhưng một tù nhân trở thành nhạc sĩ vĩ đại như ông Đỗ Nhuận thì có lẽ chỉ có ở đất nước chúng ta.

Ông chia sẻ thêm: Từ vở nhạc kịch ấy, thế hệ chúng tôi đã được biết nhiều hơn về Sơn La, hoá ra ở đó không chỉ có cây đào Tô Hiệu mà còn có nhạc kịch “Cô Sao” và sau này khi chúng tôi đi vào cuộc đời, đi vào cuộc chiến đấu, chúng tôi đã mang trên mình những hành trang ấy và cả tình yêu với Tây Bắc thân yêu.

“Cô Sao” sau nhiều năm nhận được nhiều tình cảm của nhân dân, cũng đã được dàn dựng lại nhưng bản thảo ngày ấy qua thời gian, qua chiến tranh, bom đạn đã bị thất lạc rất nhiều. Và điều khiến nhà văn Châu La Việt ấn tượng tiếp theo là người con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận vì tình yêu với cha, vì trách nhiệm với nhạc kịch đã viết lại 1000 trang tổng phổ, bằng nốt nhạc để làm sống lại “Cô Sao” của cha mình.

Ông cho biết thêm, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, theo trách nhiệm, theo tiếng gọi của tâm can người nghệ sĩ, chính người con trai ấy của nhạc sĩ Đỗ Nhuận lại làm nên một vở nhạc kịch mang tên “Vầng trăng Him Lam” với tinh thần tiếp thu truyền thống để đi vào chặng đường cách mạng mới.

“Vầng trăng Him Lam” - Sự tiếp nối mạch hào khí của Điện Biên trong thời hiện đại - 6

“Vầng trăng Him Lam” của Châu La Việt được đánh giá là cao về ý nghĩa lịch sử và nghệ thuật.

Với những ý nghĩa của mình, nhạc kịch “Vầng trăng Him Lam” nếu được dàn dựng và biểu diễn phục vụ công chúng được kỳ vọng sẽ là một tác phẩm mang lại tiếng vang, bởi ngoài việc có nội dung tư tưởng nghệ thuật sâu sắc và mang tính giáo dục cao, tác phẩm còn phản ánh được hiện thực chiến đấu, cùng những chiến thắng của người nghệ sĩ trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đồng thời, nó còn gọi khắc họa được những hình tượng cao cả, nhân văn, khơi dậy lòng tự hào, tiếp nối truyền thống gắn bó của văn nghệ sĩ với lịch sử dân tộc.

Bằng những ngôn ngữ đặc trưng của mình, văn học nghệ thuật đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những tác phẩm văn học nghệ thuật về Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn có thể được ra đời và tiếp tục ghi dấu ấn trong dòng chảy văn nghệ Việt Nam hiện đại. Việc đầu tư cho các tác phẩm về Điện Biên Phủ giúp các sáng tác về chiến thắng lịch sử này còn chảy mãi trong hôm nay và mai sau.

Bạch Dương

Tin liên quan

Tin mới nhất