Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn nghệ sĩ. Để từ đó, nâng cao chất lượng tác phẩm, tiếp tục có thêm nhiều sáng tác có giá trị về Điện Biên Phủ.
Sáng 19/4, tại Điện Biên, Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”.
Hội thảo có sự tham dự của PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; cùng đông đảo các văn nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình tiêu biểu.
Quang cảnh hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định, văn nghệ sĩ luôn là lực lượng gắn bó máu thịt với dân tộc, với Tổ quốc, với nhân dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo to lớn của văn học nghệ thuật.
Nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của hội thảo, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, các tham luận đã đặt ra những vấn đề để trao đổi, thảo luận cũng như bày tỏ những tiếng nói tự đáy lòng của đội ngũ văn nghệ sĩ: các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh, những nhà nghiên cứu phê bình... xung quanh những sáng tạo nghệ thuật trong quá khứ, hiện tại và tương lai về Điện Biên.
PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo.
Sự nhập cuộc của văn học nghệ thuật trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Ngay trong những ngày tháng bom đạn khốc liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ, văn học nghệ thuật đã có mặt cùng các chiến sĩ trên mặt trận. Đó là những văn nghệ sĩ đã trực tiếp ra trận, sáng tác văn học nghệ thuật để khích lệ tinh thần các chiến sĩ, ghi lại những giờ phút hào hùng của dân tộc.
Sự kiện lịch sử trọng đại Điện Biên Phủ “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” đã được tái hiện qua nhiều thể loại văn học khác nhau. Trong ngôn ngữ tiểu thuyết “Người người lớp lớp” (3 tập, khởi viết và hoàn thành từ tháng 02/1954 - 7/1954, xuất bản năm 1954 - 1955) của Trần Dần nên có tính thời sự ngay dấu vết nóng hổi của sự kiện. “Bốn năm sau” (1959) của Nguyễn Huy Tưởng tái hiện công cuộc tái thiết Tây Bắc của các chiến sĩ từng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa. “Cao điểm cuối cùng” (1961) của Hữu Mai tái hiện một “mắt xích” của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ - đánh chiếm Đồi A1, một trong năm cao điểm cuối cùng.
Theo nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, trong sâu thẳm tâm thức các thế hệ nhà văn thì Điện Biên vẫn luôn là một “món nợ tinh thần”, vì “Điện Biên Phủ viết mãi không cùng”.
Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng phát biểu tham luận.
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định, cuộc chiến cứu nước đã tạo tiền đề cho người văn chương nghệ thuật đồng hành mật thiết với người đánh giặc ở chiến trường và đây chính là tính chất toàn dân, toàn diện của cuộc chiến cứu nước.
Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ tại hội thảo.
Từ góc nhìn của âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng cho rằng, đến khi đại quân ta tiến vào Tây Bắc, chìm đắm trong mỏ dân ca các dân tộc Tây Bắc, các nhạc sĩ chúng ta mới bừng ngộ rằng đây chính là kho tàng vô tận cho sự phát triển không ngừng của âm nhạc Việt. Và cùng với trận Điện Biên của cả dân tộc, các nhạc sĩ cũng bắt đầu khởi sự một trận Điện Biên của mình trên đường chinh phục những đỉnh cao âm nhạc.
Khi nói đến trận Điện Biên trong âm nhạc Việt Nam không thể không kể đến các tác giả tiêu biểu như: nhạc sĩ Đỗ Nhuận với những hành khúc “Hành quân xa”, hành khúc “Trên đồi Him Lam”, opera “Cô Sao”, hành khúc “Chiến thắng Điện Biên”,… Và sau Đỗ Nhuận, nhiều nhạc sĩ đã khai thác mỏ âm thanh này như Đặng Đình Hưng với “Chiến thắng Tây Bắc”, Lê Lan với “Chị Mai đi chợ”, “Sao cô em chưa về”, Nguyên Nhung với “Tiếng đàn môi”, “Từ trên đỉnh núi”, Nguyễn Đức Toàn với “Nỗi băn khoăn của chị Lả”, Doãn Nho với “Chiếc khăn rơi”,…
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhấn mạnh, ở trận Điện Biên của âm nhạc Việt, các nhạc sĩ đã tạo ra âm nhạc thời chống Pháp, chống Mỹ đa sắc khiến thế giới phải nhìn vào ngưỡng mộ. Và trận Điện Biên của âm nhạc Việt Nam vẫn đang tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới bằng tinh thần chiến thắng của trận Điện Biên Phủ lịch sử năm xưa trong thời thanh bình.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến tham luận tâm huyết của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà.
Còn với nhiếp ảnh, tuy các nhà nhiếp ảnh tham gia ở Chiến dịch Điện Biên Phủ không nhiều, cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng họ đã làm được những điều vĩ đại để lại cho lịch sử một kho tàng tư liệu ảnh quý, điển hình như NSNA Triệu Đại, Nguyễn Đình Ưu, Đinh Ngọc Thông; và các nhà quay phim, kiêm chụp ảnh như Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Đăng Bẩy… Họ đã để lại cho lịch sử chiến tranh cách mạng một kho tàng lịch sử hình ảnh chân thật, sinh động vô giá.
Qua những bức ảnh được xem như di sản nhiếp ảnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ như: “Lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triều Đại, bức ảnh “Toàn cảnh chiến thắng Him Lam” hay bức ảnh cận cảnh đồi Him Lam, NSNA Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nhận xét: Các nhà nhiếp ảnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã sử dụng hình ảnh để tạo thông điệp, truyền đạt thông điệp và cảm xúc một cách mạnh mẽ, gợi lên sự chân thực và cảm động trong chiến dịch.
Chính vì vậy, theo NSNA Hồ Sỹ Minh, chúng ta cần xây dựng kho tàng hình ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo ra cơ sở dữ liệu về chiến dịch và cống hiến của người tham gia. Ghi lại thông tin và hình ảnh về quân đội và dân tộc Việt Nam, góp phần vào việc giữ gìn và phát triển sự kế thừa văn hóa.
NSNA Hồ Sỹ Minh trình bày tham luận.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã cho ta bài học quý báu, với văn nghệ sĩ đó là niềm tin, cảm xúc cao trào, sự quyết tâm, quả cảm, đoàn kết, lòng trung thành, lòng tin tuyệt đối vào Đảng, nhà nước và người đứng đầu.
Đặc biệt, những người nghệ sĩ trong chiến tranh họ luôn có lý tưởng cao đẹp, khát khao được cống hiến vì độc lập, tự do của dân tộc, vì lý tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Với sự vô tư, trong sáng, vì mục đích cao đẹp, luôn hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ.
Các tác phẩm của họ có sức lôi cuốn, kịch tính, hấp dẫn, hiện thực, có sức hút mãnh liệt, làm lay động lòng người, có tính thuyết phục cao, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, tư liệu lịch sử trường tồn… Vì vậy, nhiều tác phẩm đã trở thành di sản của dân tộc.
Đẩy mạnh sáng tác văn học nghệ thuật về Điện Biên hôm nay
70 năm đã trôi qua, bản anh hùng ca chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vang vọng và luôn khơi dậy niềm tự hào, tinh thần bất khuất của dân tộc. Điện Biên đang trên con đường phát triển nhưng ký ức hào hùng của 70 năm về trước vẫn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho văn học nghệ thuật.
Mảnh đất này cũng đang thay da đổi thịt từng ngày với nền văn hoá đa dạng phong phú của 19 dân tộc anh em cùng chung sống, đây cũng là một đề tài cho các văn nghệ sĩ trong cả nước thể hiện tình yêu với mảnh đất và con người nơi đây.
Các đại biểu tại hội thảo.
Hướng về Điện Biên với tất cả tình cảm sâu nặng, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ thông qua hội thảo “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”, đã đưa ra những gợi mở đáng chú ý trong việc định hướng sáng tạo văn học nghệ thuật về chủ đề Điện Biên.
Có thể thấy, sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Điện Biên vẫn là mảnh đất được nhiều văn nghệ sĩ khai thác và có những tác phẩm thành công như “Mùa lạc” (Nguyễn Khải), “Sông núi Điện Biên” (Trần Lê Văn), “Hoa ban đỏ” (kịch bản Hữu Mai, đạo diễn Bạch Diệp), “Ký ức Điện Biên” (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn), “Đường lên Điện Biên” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng)…
Những năm gần đây, đề tài Điện Biên Phủ luôn được các văn nghệ sỹ cả nước quan tâm, đầu tư, tiêu biểu như: “Điện Biên gọi tôi lên” của Nguyễn Hữu Quý, trường ca “Đường tới Điện Biên Phủ” của Nguyễn Hưng Hải…
Từ chính mảnh đất này, trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Điện Biên, các văn nghệ sỹ trong tỉnh đã có nhiều tác phẩm thành công, ghi dấu ấn trong nền văn học nghệ thuật nước nhà. Tiêu biểu như cụm công trình nghiên cứu văn hóa dân gian dân tộc Thái của nhà nghiên cứu Lương Thị Đại được tặng Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017; các ca khúc: “Áo cóm yêu thương” của Huy Thông, “Điện Biên khúc ca mùa xuân” của Mạnh Cường; các tác phẩm văn học: “Cây đào Pháp trên đất Mường Phăng” của Du An, “Hoa xương rồng trên cao nguyên Sín Chải” của Nguyễn Đức Lợi”, “Mùa đông ở Sính Phình” của Phan Đức Lộc…
Trăn trở về văn học trẻ Điện Biên hôm nay, trung úy, nhà văn Phan Đức Lộc bày tỏ: Những cây bút trẻ Điện Biên đã có sự nỗ lực trong quá trình sáng tạo của mình, tuy nhiên, nhìn chung, văn học trẻ tỉnh nhà đang chuyển động theo hướng “tự phát”, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Nghĩa là các cây bút chưa thực sự kết nối với nhau thành một nhóm tác giả trẻ thực thụ.
Theo anh, Điện Biên là một vùng đất đặc biệt, đặc biệt từ vẻ đẹp con người, truyền thống văn hóa, số phận lịch sử, vị trí địa lý, điều kiện thời tiết cho đến những huyền bí tâm linh, nó xứng đáng được nhận sự quan tâm nhiều hơn của chính các nhà văn trẻ đang sống trên mảnh đất này.
Chúng tôi mải miết đi tìm đề tài, trăn trở với nhiều dự định, khao khát những sự cách tân mà đôi khi quên mất, Điện Biên luôn bên cạnh chúng tôi và có lẽ vẫn đang chờ đợi chúng tôi viết một điều gì đó, dù là nhỏ nhất. Chúng tôi yêu Điện Biên tha thiết, nhưng còn e sợ ngòi bút của mình chưa đủ đậm để viết những trang văn tương xứng với xứ sở Hoa Ban, nhà văn Phan Đức Lộc nói.
Nhà văn Châu La Việt là người lính tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước, ông thuộc thế hệ nhà văn cầm bút ngay khi cầm súng. Với ông đề tài chiến tranh cách mạng là mạch nguồn không bao giờ vơi cạn. Nhà văn Châu La Việt có trên 30 tác phẩm với đủ các thể loại: bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, trường ca… về chiến tranh cách mạng, ông đã có những đóng góp không nhỏ vào đề tài quan trọng này.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, từ trại sáng tác văn học về lực lượng vũ trang và bộ đội Cụ Hồ do Tổng cục Chính trị chỉ đạo và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức tại Đà Nẵng tháng 8 năm 2023. Ông được Ban tổ chức giao nhiệm vụ thực hiện và bản thảo tiểu thuyết "Vầng trăng Him Lam" đã ra mắt bạn đọc sau hai tháng lao động miệt mài. Ngay lập tức, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đã chuyển thể tác phẩm thành vở nhạc kịch cùng tên "Vầng trăng Him Lam" và tác phẩm này cũng được Nhà nước đặt hàng đầu tư trong dự án sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì.
Nhà văn Châu La Việt phát biểu tại Hội thảo
Có thể nói tiểu thuyết "Vầng trăng Him Lam" là món quà quý và là điểm nhấn của Hội thảo khoa học bởi các tiếp cận mới mẻ với các nhân vật chính là các văn nghệ sĩ chiến sỹ trên mặt trận mà đồi Him Lam là trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận với tác phẩm "Trên đồi Him Lam" trở thành nguyên mẫu của tiểu thuyết và người đọc chắc chắn sẽ cảm nhận được những điều nhà văn Châu La Việt ký gửi trong tác phẩm.
Hội thảo không chỉ nhìn lại những chặng đường đã đi qua mà còn mở ra những chặng đường đi tới của của văn học nghệ thuật về Điện Biên.
Phát biểu kết luận hội nghị, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, bên cạnh ý nghĩa lịch sử, Chiến dịch Điện Biên Phủ còn là một cuộc chiến tranh của sức mạnh văn hóa của dân tộc Việt Nam, và chiến thắng đó là chiến thắng của văn hóa Việt Nam trước sức mạnh của vũ khí thực dân Pháp. Tất cả những điều đó làm nên bản anh hùng ca chiến tranh nhân dân, một thông điệp khải hoàn về chiến thắng văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, theo GS.TS Lê Hồng Lý, chúng ta phải luôn tự nhắc nhở để không bị ngủ quên trong chiến thắng, chiến thắng vĩ đại Điện Biên đã diễn ra, chúng ta tự hào về nó và phải làm sao để từ sự tự hào biến thành phương châm hành động, để có thêm những chiến thắng mới.
GS.TS Lê Hồng Lý phát biểu kết luận.
Đối với các văn nghệ sĩ, Điện Biên Phủ là một vùng đất để một lòng hướng về với tất cả tình cảm sâu nặng, hội thảo lần này không chỉ nhìn lại những chặng đường đã đi qua mà còn mở ra những chặng đường đi tới của của văn học nghệ thuật về Điện Biên.
Để góp phần lan tỏa những giá trị của Hội thảo “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”, lan tỏa tinh thần văn học nghệ thuật về Điện Biên, nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật cho biết, những tham luận của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu gửi đến tham luận tại tọa đàm sẽ được Thời báo Văn học nghệ thuật tập hợp và in thành sách để giới thiệu với bạn đọc cả nước. Những công việc mà Thời báo Văn học nghệ thuật đã và đang triển khai trong dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ không nhiều, nhưng chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào không khí hào hùng chung của cả nước và của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với tình cảm chân thành và trách nhiệm cao nhất, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật nhấn mạnh. |
Về với Điện Biên hôm nay, đoàn văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đều phấn khởi khi nhận...
Bình luận