Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”: tác phẩm kỳ vĩ về một chiến thắng kỳ vĩ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 17/4/2024, nhà thơ Hữu Thỉnh giới thiệu Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”, một tác phẩm văn học vô cùng ý nghĩa hướng đến ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, khơi dậy tình yêu và lòng tự hào dân tộc, cũng như sự biết ơn các thế hệ cha anh đã hi sinh xương máu để giành lại độc lập cho Tổ quốc, đối với thế hệ trẻ hôm nay. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đây là một tác phẩm kỳ vĩ về một chiến thắng kỳ vĩ.

Sức sáng tạo đáng nể trọng

Điện Biên Phủ là đỉnh cao chói lọi, kết tinh những giá trị cao quý của dân tộc ta, đất nước ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ, ông ấp ủ ý định viết trường ca về Điện Biên Phủ từ những năm đầu thế kỷ XXI, trong đó các tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp truyền cho ông rất nhiều cảm hứng. Ông đã lên Điện Biên nhiều lần để tìm hiểu, nghiên cứu nhiều tài liệu, tư liệu nhưng việc viết tác phẩm chỉ thực sự bắt đầu khi ông đã nghỉ hưu, có thời gian tập trung cho sáng tác.

Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”: tác phẩm kỳ vĩ về một chiến thắng kỳ vĩ - 1

Nhà thơ Hữu Thỉnh tại buổi giới thiệu Trường ca "Giao hưởng Điện Biên"

Chia sẻ tại buổi giới thiệu trường ca, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, tình cảm thì sâu nặng nhưng thách thức với ông quá lớn bởi theo ông, tác phẩm phải làm xúc động tâm hồn người đọc, hơn nữa đã có nhiều tác phẩm về Điện Biên Phủ ở mọi lĩnh vực và nhất là những người trong cuộc nói tới rất nhiều rồi, khai thác dưới mọi khía cạnh rồi. “Đến lượt mình, liệu tôi có thể đem đến một cái gì mới?” – nhà thơ Hữu Thỉnh trăn trở. Ông muốn đặt chiến thắng Điện Biên Phủ đúng với hoàn cảnh lịch sử của nó và những suy cảm của một người làm thơ sau độ lùi 70 năm: “Tôi đã viết 3 lần hoàn toàn khác nhau nhưng đã chọn phương án đề cao yếu tố tự sự để tái hiện trung thực các sự kiện lịch sử, tái hiện diện mạo chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Đạo diễn Nguyễn Việt Thanh, con gái nhà thơ Hữu Thỉnh thổ lộ, chị may mắn được là “tay trong” của bố từ những ngày đầu bố bắt đầu soạn thảo sáng tác (tháng 5/2023). “Là trợ lý của nhà thơ nghĩa là kì cạch gõ cả ngàn trang giấy viết tay, xong lại bỏ đi hết, làm lại”. Như vậy đủ để thấy sự tận tụy, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của nhà thơ dành cho tác phẩm.

Nhiều bạn bè, đồng nghiệp bất ngờ khi ở tuổi 82, nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục sáng tác trường ca - thế mạnh của ông, một thể loại đòi hỏi người viết dụng công đầu tư nhiều thời gian, trí tuệ và nguồn lực. Giáo sư Phong Lê nhận định, người thành công ở trường ca không nhiều, thơ, trường ca chính là khu vực mà nhà thơ Hữu Thỉnh chiếm lĩnh ở vị trí cao. Tác phẩm này nối dài thêm những thành tựu lớn đáng nể trọng của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”: tác phẩm kỳ vĩ về một chiến thắng kỳ vĩ - 2

Các nghệ sĩ đã có phần ngâm thơ một số trích đoạn trong Trường ca "Giao hưởng Điện Biên" đầy xúc động mang âm hưởng sử thi hào hùng hòa chung chất trữ tình rất đặc trưng trong thơ Hữu Thỉnh.

Tác phẩm kỳ vĩ về một chiến thắng kỳ vĩ

Trong buổi giới thiệu Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”, các nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học đều đánh giá cao giá trị, tầm vóc của tác phẩm.

Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”: tác phẩm kỳ vĩ về một chiến thắng kỳ vĩ - 3

Trường ca "Giao hưởng Điện Biên" của nhà thơ Hữu Thỉnh

Trường ca có dung lượng khá lớn, gồm 21 chương và 5 phần bình luận bằng thơ, kể về chiến dịch Điện Biên từ những ngày đầu đến lúc kết thúc chiến tranh và cuộc sống hôm nay của vùng đất thiêng ấy. Nhà lý luận, phê bình văn học Khuất Bình Nguyên nhận định: “Trong số 30 bài thơ viết về Điện Biên hay nhất cũng chưa có tác phẩm nào có dung lượng và tầm bao quát như “Giao hưởng Điện Biên”. Với 2299 dòng thơ về trận đánh Điện Biên Phủ, Hữu Thỉnh mở đầu bằng chương “Người ra trận đầu tiên” kể về Bác Hồ đi chiến dịch biên giới 1950 đến chương 21, thuật lại trận đánh cuối cùng ở Điện Biên, đã nói được phần nào trách nhiệm của người nghệ sỹ với thời cuộc để vượt qua những thách thức lớn khi phải xử lý những sự thực lịch sử mang tầm vóc sử thi”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” là một tác phẩm kỳ vĩ. “Nhà thơ Hữu Thỉnh đã hồi sinh, khái quát lại và lan tỏa các sự kiện đầy hào hùng… Tôi đã đọc vừa lo lắng, vừa hồi hộp, vừa hứng thú để xem rằng chiến thắng lừng lẫy trong thi ca mang vẻ đẹp gì. Tất cả các sự kiện, địa danh, nhân vật được tái hiện sinh động, sâu sắc, kỳ vĩ, như được sống trong những năm 1954 đầy hào hùng, mang lại không chỉ giá trị lịch sử mà còn cả thi ca bằng những câu thơ đẹp, xúc động và sâu sắc, có sức lan tỏa”. "Đây là tác phẩm độc đáo, quan trọng, chứa nhiều ý nghĩa nhân sự kiện trọng đại khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ" - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định.

Cùng chung nhận định với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, GS Phong Lê khẳng định giá trị lớn nhất của “Giao hưởng Điện Biên” là pho sử nghệ thuật về chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào năm 1954, khi ấy nhà thơ mới chỉ 12 tuổi, đến nay chiến thắng đã qua đi 70 năm, nhà thơ Hữu Thỉnh có điều kện để tham khảo, tìm hiểu, đọc thêm những cuốn sách về Điện Biên từ nhiều phía để sáng tạo.

“Nhà thơ Hữu Thỉnh không kém một nhà chép sử, bởi tác giả gần như để sót một sự kiện, diễn biến, địa danh, nhân chứng, tên đất, tên người có liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ”. “Với trường ca này, tác giả đưa người đọc trải qua nhiều tâm thế, tâm trạng, ấn tượng là tình đồng đội, quân dân, tiền tiến hậu phương,.. nhân rộng, kết tinh thành tình yêu nước như một phẩm chất ưu trội trường tồn trong tâm thức Việt. “Đọc tác phẩm tôi như gội trong niềm tự hào dân tộc” – GS Phong Lê xúc động chia sẻ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, ngay khi biết nhà thơ Hữu Thỉnh hoàn thành trường ca, ông đã tìm đọc ngay bản thảo. “Với trường ca này, tôi thấy nhà thơ Hữu Thỉnh trở lại với tuổi 28 – khi viết trường ca đầu tiên “Sức bền của đất”, bám sát vào các mốc lịch sử lớn của đất nước viết về Điện Biên khó vô cùng vì những tác giả trước đã đào xới đến từng chiến dịch, đề cập tới bằng nhiều loại hình. Bản thân người chỉ huy chiến dịch Võ Nguyên Giáp đã viết mấy quyển sách. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã một mình mở một trận Điện Biên Phủ bằng văn chương”.

Ông nhận định thơ Hữu Thỉnh luôn có một giọng điệu riêng. Điều rất lạ là trong hai trường ca gần đây là “Trăng Tân Trào” và “Giao hưởng Điện Biên” đi theo hướng khác, ông viết hoàn toàn “thật”. Lối viết “thật” về mặt tư liệu.

Đến tác phẩm này tư liệu mới được lấp đầy bằng những tư liệu quý giá như “đội quân tinh thần” xưa nay chưa từng có. Nhà thơ Hữu Thỉnh gần như liệt kê hết các tên tuổi văn nghệ sĩ đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ - một sưu tập chân dung, đóng góp của giới văn nghệ sĩ vào chiến dịch lịch sử này.

“Ta bước vào thu đông năm thứ 8

Lá rụng dày thêm nỗi nhớ nhà

Heo may se sẽ luồn trong gối

Ta nhìn Việt Bắc ngắm mây xa”.

Các nhà thơ, nhà lý luận phê bình nhận định, với việc tái hiện sinh động, chân thật chiến thắng Điện Biên Phủ - một trận đánh vĩ đại với hàng nghìn nhân vật, sự kiện có thật phải phản ánh, nên ít có những dòng thơ trữ tình giàu cảm xúc làm rung động trái tim, khối óc người đọc như những câu thơ trên trong “Giao hưởng Điện Biên”.

Trường ca “Giao hưởng Điện Biên”: tác phẩm kỳ vĩ về một chiến thắng kỳ vĩ - 4

Nhà thơ Hữu Thỉnh cùng bạn bè, đồng nghiệp tại buổi giới thiệu trường ca

Lời nhắn gửi đến thế hệ trẻ

Nhà thơ Hữu Thỉnh thổ lộ: “Như trong chương cuối “Khúc tưởng niệm”, tôi muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ hãy phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha anh, tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc để, kế tục một cách xứng đáng những truyền thống tốt đẹp trong cách mạng, kháng chiến, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Trường ca thơ “Giao hưởng Điện Biên” được nhà thơ Hữu Thỉnh khởi bút vào đúng ngày kỉ niệm giải phóng Điện Biên Phủ 7/5/2023 và sau gần một năm, tác phẩm này được hoàn thành (20/3/2024) với bao nhiêu tâm huyết, trí tuệ và cả tinh thần trách nhiệm. Trong kho tàng thi ca đồ sộ của nhà thơ Hữu Thỉnh, cũng đã từng có những trường ca thơ tạo được ấn tượng sâu sắc cho độc giả như Đường tới thành phố (1979), Trường ca biển (1994), Sức bền của đất (2004), Trăng Tân Trào (2016),...Tuy nhiên, Giao hưởng Điện Biên là trường ca thơ dài nhất của ông (21 chương), nó xứng đáng với tầm vóc của một chiến dịch lịch sử “lừng lấy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ra mắt trong dịp này, “Giao hưởng Điện Biên” thực sự là một trong những hoạt động văn học nghệ thuật vô cùng ý nghĩa, mang lại nhiều giá trị về tinh thần cho công chúng, khi tất cả đang cùng hướng về Điện Biên với những cảm xúc thiêng liêng và tự hào.

Nguyễn Chi

Tin liên quan

Tin mới nhất

Văn học với mùa xuân thống nhất đất nước 1975

Văn học với mùa xuân thống nhất đất nước 1975

Chiến dịch mùa xuân năm 1975 và đại thắng 30/4 đã qua đi nhưng dư âm vẫn còn ngân vang mãi, trong văn học đương đại, đây là đề tài luôn giữ vị trí quan trọng, tạo nên một trong những dòng chủ lưu của nền văn học dân tộc và hiện đại.