Văn học Sơn La với cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và đến hôm nay, đề tài chiến tranh cách mạng vẫn luôn là mạch nguồn cảm hứng trong sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ các dân tộc Sơn La. Chất bi hùng của chiến cuộc đã thấm đẫm trong đất và con người miền Tây Bắc của Tổ Quốc. Viết về cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của dân tộc nhiều nhà văn, nhà thơ vừa cầm bút vừa làm cách mạng và sau này lớp nhà văn, nhà thơ sinh ra, trưởng thành trong chế độ xã hội mới cũng tiếp nối cha anh để tạo một dòng chảy không ngừng nghỉ, hòa vào dòng chảy chung của văn học Việt Nam về đề tài chiến tranh cách mạng.

1. Các thi sỹ đeo số tù tại nhà ngục Sơn La với văn học cách mạng: Văn học từ nhà ngục Sơn La (1930 – 1945) - viên gạch hồng đặt nền móng cho văn học hiện đại Sơn La. Đó là những sáng tác của các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại nhà ngục này. Để có một phương tiện tuyên truyền, hướng cuộc đấu tranh đi đúng đường lối của Đảng, tháng 5.1941 chi bộ nhà ngục Sơn La đã cho ra đời tờ báo Suối Reo do đồng chí Trần Huy Liệu bí thư chi bộ làm chủ bút, mỗi tháng 2 kỳ, sáng tác và cất giữ theo nguyên tắc bí mật.

Trong suốt một thời gian dài hoạt động (1941 - 1945), từ trong ngục tù với những thủ đoạn tra tấn dã man của giặc đã vang lên những bài ca bất diệt. Những bài báo, những câu dân ca, những bài thơ, những vở kịch, những bức hoạ, những nét nhạc thấm đẫm lý tưởng cách mạng là những mũi dao, ngọn mác xuyên vào xương thịt, tim gan của giặc Pháp, là tiếng kèn giục giã, kêu gọi đồng bào các dân tộc Sơn La đoàn kết, cùng cả nước vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền thành công vào ngày 26/8/1945.

Tác giả của những bài ca cách mạng ấy là những thi sĩ đeo số ngục đồng thời là chiến sỹ cộng sản như Sóng Hồng, Xuân Thủy, Lê Đức Thọ, Trần Huy Liệu, Chu Hà, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Văn Năng, Mộ Thanh, Nguyễn Văn Từ…Những lời ca chiến đấu, tin tưởng, lạc quan ấy vẫn vang mãi đến ngàn sau: "Đảng ta từ thưở ra đời/Bao phen máu đỏ vẫn ngời lòng son/Sơn La những núi cùng non/Dù cho đá lở vẫn còn Suối reo" (Trần Huy Liệu)

Sau này, cũng chính những tác giả ấy đã viết những tác phẩm hồi ký cách mạng: Hồi ký Trần Huy Liệu, Suối reo năm ấy… Các bản hồi ký, những bài thơ in trong các Tập hồi ký này đã giúp chúng ta hình dung một phần nào những năm tháng gian nan, vất vả nhưng hào hùng, bất khuất trước kẻ thù và sức sáng tạo, cảm hứng tuyệt vời của những người cộng sản trước cái đẹp của thiên nhiên, tình bạn, tình đồng chí và cũng là để nhắc nhở mọi người biết sống, làm việc xứng đáng với những người đã trọn đời hy sinh cho độc lập tự do và hạnh phúc của dân tộc.

Văn học Sơn La với cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ - 1

2. Các nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến với đề tài cách mạng và kháng chiến chống Pháp: Lực lượng sáng tác chủ yếu của văn học giai đoạn 1945 - 1954 là những người con đồng bào các dân tộc Sơn La đi theo cách mạng, theo kháng chiến. Những nhà văn tiêu biểu có thể kể đến là Hoàng Nó, Cầm Biêu, Lương Quy Nhân, Lò Văn Mười, Lò Văn Cậy (dân tộc Thái); nhà văn Đinh Sơn (dân tộc Mường)… Họ đều là những người sớm được giác ngộ cách mạng, tham gia cách mạng, họ sáng tác để phục vụ kháng chiến ngay trên quê hương mình. Nhiều người trong số họ chưa biết tiếng Việt, ban đầu họ viết bằng tiếng dân tộc mình (sau có người tự dịch tác phẩm ra tiếng Việt).

Các tác phẩm văn học tiêu biểu có thể kể đến Tay chớt mương (Thái cứu quốc), Chiêng Ly toi quam xon Pú Hồ (Chiềng Ly nghe theo lời Bác Hồ), Khánh len mương lum (Thi đua cùng đất nước), Vở kịch Cô gái miền núi của nhà văn Lò Văn Mười; Thà chết không trở lại đời nô lệ của nhà văn Cầm Biêu (dân tộc Thái); những bài thơ của nhà thơ Đinh Sơn (dân tộc Mường), nhà thơ Lò Văn Cậy (dân tộc Thái)… Thơ của các tác giả thời kỳ này là lời khẳng định tấm lòng của họ đối với cách mạng, cháy bỏng nhiệt huyết yêu nước thương nòi, kêu gọi mọi người hãy đoàn kết giữ gìn, bảo vệ quê hương mình. Điều đáng tự hào là các nhà văn – các chiến sỹ cách mạng của quê hương Sơn La đều trở thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Sau này, Hồi ký “Vượt Sông Đà” của cố bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Nó; “Những năm tháng không thể nào quên”của tác giả Đinh Tân; “Chuyện vượt núi Tạ Tanh, Phù Yên” của nhà văn Sa Phong Ba; truyện ký “Tiếng khèn đưa tiễn” của nhà văn dân tộc Mường Đinh Ân đã làm sống lại một thời kỳ lịch sử gian khổ mà oanh liệt - những ngày Sơn La cùng cả nước đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp.

Văn học kháng chiến Sơn La đã trở thành một thứ vũ khí lợi hại, khơi dậy tình yêu quê hương, lòng căm thù quân Pháp cướp nước, củng cố lòng tin vào con đường cách mạng, từ đó có tác dụng kêu gọi tinh thần đấu tranh chống giặc Pháp của mọi tầng lớp đồng bào. Các nhà văn các dân tộc Sơn La và các sáng tác của họ cho thấy tinh thần kháng chiến của đồng bào, vẻ đẹp của tâm hồn và tấm lòng kiên trung của những con người một lòng theo Đảng. Nó có tác dụng to lớn trên mặt trận văn hóa - tư tưởng - chính trị của vùng miền và cả nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Hầu hết các tác phẩm thời kỳ chống Pháp của các tác giả người dân tộc Sơn La dù viết theo thể loại nào cũng được sáng tác dưới hình thức thơ (thơ trữ tình, kịch thơ, hồi kí thơ) và bằng tiếng dân tộc. Đây là hiện tượng đáng quan tâm, cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của văn học dân gian tới văn học hiện đại buổi đầu (Các tác phẩm văn học dân gian chủ yếu sáng tác bằng hình thức thơ và được hát lên khi diễn xướng). Lời thơ – điệu “khắp Thái”, điệu “đang Mường” khi thì hào hùng như gió ngàn suối cuốn, khi thì thủ thỉ tâm tình như câu hát yêu thương. Lối tả, kể với những hình ảnh cụ thể, lối so sánh ví von, giản dị đã làm nên những vần thơ mộc mạc, chân thực đã thấm vào trái tim khối óc của những người dân miền núi, giúp họ nhận diện được kẻ thù của dân tộc, từ đó toàn tâm toàn ý theo Đảng, Bác Hồ đánh giặc cứu nước. Văn học đã thực sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ kháng chiến lúc bấy giờ.

Văn học Sơn La với cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ - 2

3. Các nhà văn, nhà thơ trưởng thành sau cuộc kháng chiến chống Pháp với đề tài cách mạng và kháng chiến chống Pháp: Về đội ngũ sáng tác, lớp thế hệ cầm bút những giai đoạn đầu vẫn có những nhà văn tiếp tục sáng tác (Hoàng Nó, Cầm Biêu, Lò Văn Cậy, Đinh Sơn). Các cây bút trưởng thành trong kháng chiến bước vào độ chín trong sáng tạo, họ đã đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị (Đinh Văn Ân, Vương Trung, Lò Xuân Thương, Hải Băng, Lò Vũ Vân, Sa Phong Ba, Cầm Hùng, Nguyễn Đức Lãi…).

Một lớp thế hệ nhà văn trẻ đã tạo nên luồng sinh khí mới cho văn học Sơn La (Trần Đại Tạo, Trần Nguyên Mỹ, Phan Thu Hồng, Hà Thu, Thào Vả Mua, Trần Nguyên Mỹ, Hờ A Di, Hoàng Việt Thắng, Nguyễn Thanh Sâm, Kiều Duy Khánh, Hoàng Lệ Thủy, Lương Mỹ Hạnh, Hoàng Minh Niệm, Nguyễn Hồng Minh, Nguyễn Vũ Điền…). Họ đa phần được đào tạo chính quy, chủ động, giàu sáng tạo trong lối viết. Yếu tố nổi bật trong văn học Sơn La khi viết về đề tài kháng chiến chống Pháp là sự kế thừa các yếu tố truyền thống. Các nhà văn, nhà thơ Sơn La luôn luôn có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc, phong vị dân tộc trong việc sử dụng linh hoạt các thể thơ, ngôn ngữ dân tộc, các hình ảnh truyền thống…Người đọc nhận thấy trong cách so sánh, nhân hóa, trong cách đối thoại, cách kiến tạo không gian nghệ thuật… những lối nói, lối nghĩ hồn nhiên, tự nhiên của người dân tộc thiểu số, những yếu tố quen thuộc, gần gũi với cuộc sống của đồng bào.

Sự kết hợp các yếu tố truyền thống với hơi thở của cuộc sống hiện đại miền núi đã làm nên những trang viết độc đáo, dễ đi vào lòng người. Tiêu biểu là tiểu thuyết Lũ Mường của tác giả Trần Nguyên Mỹ (NXBQĐ năm 2023) với những sự kiện lịch sử, những biến cố của giai đoạn trước và sau cách mạng tháng 8 năm 1945, khi Sơn La còn dưới quyền đô hộ của thực dân Pháp và các tầng lớp cai trị bản địa. Bút ký Mường La những ngày không quên của Thọ Chuyên đã hồi tưởng lại quá khứ đau thương của nhân dân Tây Bắc, của em bé Mường La khi xưa, nhớ lại những năm tháng kháng chiến chống pháp, tiễu phỉ gian nguy và oanh liệt.

Cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện, trường kỳ chống thực dân Pháp còn được tái hiện qua các sáng tác thơ, văn về Lao Khô - biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào. Nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ Sơn La đã dành tâm huyết của mình cho những trang viết về mảnh đất, căn cứ đầu tiên để nhân dân Lào tạo lập những điều kiện cho cuộc kháng chiến của khu vực Bắc Lào và nhân dân các bộ tộc Lào chống thực dân Pháp - nơi những con người yêu nước Lào gửi gắm niềm tin; nơi cụ Tráng Lao Khô cùng bà con dân bản Phiêng Sa hết lòng “nhường cơm, sẻ áo”, nuôi giấu đồng chí Cayson Phomvihan - người con ưu tú của đất nước Lào xinh đẹp và các chiến sỹ cách mạng Lào để làm nên chiến thắng cùng những câu chuyện về những con người, về tình đoàn kết hữu nghị Việt Lào đẹp như trong truyền thuyết.

Tiêu biểu là truyện ngắn Khói chiều biên ải (Kiều Duy Khánh), Bên kia chùa Tháp, Chăm Pa (Trần Nguyên Mỹ); Bài thơ Tự vẽ dáng mình vào dáng bay lịch sử của nhà văn Kiều Duy Khánh; tập thơ song ngữ Mường -Việt: “Xết vềl bủng dắl Lao Khô”(Xuân về vùng cao Lao Khô)" của tác giả Đinh Văn Liển; chùm thơ song ngữ Thái -Việt:  “Huôm đắc đen mưỡng” (Chung cột mốc biên cương)" của tác giả Cà Thị Hoan…

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Sơn La giữ vị trí quan trọng, án ngữ các tuyến đường huyết mạch nối đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc, Liên khu III, IV với chiến trường Điện Biên Phủ. Trong đó, ngã ba Cò Nòi - nơi giao nhau giữa hai tuyến quốc lộ là 13A (quốc lộ 37 hiện nay) và đường 41 (quốc lộ 6 hiện nay) thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là nút giao thông quan trọng bậc nhất, được ví như "yết hầu" nơi tuyến lửa. Ngã ba Cò Nòi trở thành túi bom, một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không lực Pháp trên địa bàn Sơn La. Chúng cho rằng việc ngăn chặn và cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt của hậu phương Miền Bắc cho chiến trường Điện Biên Phủ là vấn đề sống còn của quân đội viễn chính Pháp ở Việt Nam.

Khi nói và viết về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ không thể không nói đến ngã ba Cò Nòi - Mai Sơn - Sơn La. Trong bài thơ Bài ca về ngã ba Cò Nòi anh hùng, tác giả Trần Nguyên Mỹ viết: "Ngã ba Cò Nòi chỉ 4 km2 thôi/ Nhỏ bé như một bàn tay nhuộm máu/ Vẫn cao đầu đứng trong bom đạn/ Giữ vững con đường huyết mạch /Giữ cho Cò Nòi nối với Điện Biên/ Cò Nòi còn thì Điện Biên thắng lợi! /Ngã ba Cò Nòi, Sơn La hát mãi bản hùng ca!".

Đã có trên 100 tác phẩm văn học thuộc các các thể loại truyện ngắn, thơ, ký bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc của các nhà văn, nhà thơ các dân tộc Sơn La đã làm sống lại quá khứ hào hùng của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp qua hình ảnh đội ngũ thanh niên xung phong anh dũng kiên cường không quản hy sinh, gian khổ, bám trụ, bám đường để mạch máu giao thông thông suốt, đảm bảo cho chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.

Những tác phẩm tiêu biểu viết về "Ngã ba Cò Nòi - bản hùng ca bất tử" ấy là truyện ngắn Trái tim hoa đào của nhà văn Kiều Duy Khánh, bài thơ Tọa độ lửa của tác giả Bùi Nguyên Lượng, Chảo lửa luyện vàng của tác giả Trần Đại Tạo, Bài ca ngã ba Cò Nòi anh hùng của tác giả Trần Nguyên Mỹ, Dưới chân tượng đài Ngã ba Cò Nòi của tác giả Nguyễn Hồng Minh, Ký ức Ngã ba Cò Nòi của tác giả Dương Quang Ngà…và rất nhiều tác phẩm thơ bằng tiếng dân tộc Thái, Mông, Mường.

Văn học Sơn La với cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ - 3

Đoàn công tác Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam thăm Sơn La.

4. Cảm hứng về chiến dịch Điện Biên luôn thường trực trong tâm hồn các thế hệ nhà văn, nhà thơ Sơn La. Nhiều tác phẩm viết bằng tiếng phổ thông cũng như song ngữ Thái - Việt, Mường - Việt, Mông - Việt ca ngợi chiến thắng oanh liệt hào hùng, ca ngợi tinh thần dũng cảm, sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của bộ đội Cụ Hồ, nỗi tiếc thương vô hạn những người con của đất Việt đã ngã xuống để giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Tiêu biểu là Trường ca Sóng Nậm Rốm, truyện thơ Ing Éng của nhà văn Vương Trung. Sóng Nặm Rốm với hơn một ngàn câu thơ đã lấy con sông Nậm Rốm chảy giữa cánh đồng Mường Thanh - Điện Biên làm hình tượng chủ đạo, tượng trưng cho sức mạnh sức mạnh của nhân dân Tây Bắc, qua những năm tháng lịch sử vừa đau thương vừa hào hùng. Dòng sông miền Tây như một áng sử thi, chảy từ cội nguồn văn hóa dân gian đến những ngày chống Pháp, chống Mỹ. Dòng sông đó còn là dòng sông tâm tưởng, chảy qua kí ức, chảy về tương lai. Đó là dòng sông ẩn dụ mang tính tượng trưng cho sức mạnh quật khởi của đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong suốt quá trình dựng xây và đánh đuổi quân xâm lược bạo tàn.

Đọc Sóng Nậm Rốm, ta lại bắt gặp những tên người, tên đất, tên núi, tên sông, những địa danh đã đi vào lịch sử, những huyền thoại của dân tộc ta trong kháng chiến chống Pháp, làm sống dậy trong lòng chúng ta cả một khung trời ký ức: Đồi Him Lam, Hồng Cúm, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện..., những cái tên đã trở thành bất tử. Những cái tên là niềm tự hào của con người Việt Nam.

Trong năm chương của trường ca, Vương Trung tái hiện một cách sinh động cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện. Truyện thơ “Ing Éng” đã khắc họa hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, chiến đấu dũng cảm với kẻ thù nhưng cũng sống rất tình nghĩa với người thân và bà con bản mường. Hình ảnh anh bộ đội Lường Ing xông lên vượt qua làn đạn, tiêu diệt gọn những tên phỉ, mang lại bình yên cho bản mường là một hình ảnh đẹp:“Ing nghiến răng lung linh mắt đỏ/ Nhanh như sóc chuyền cành/ Lao qua luồng đạn lửa/ Đồng đội xông tiếp theo/ Dọn sạch lũ kẻ cướp…"

Trường ca "Những người con của bản" của nhà thơ Cầm Hùng phản ánh cả một quá trình cách mạng từ "thủa đầu tiên" đến những năm đầu thế kỷ 21 - đó là những sự kiện lịch sử có tầm vóc lớn lao của đồng bào các dân tộc Sơn La dưới sự lãnh đạo của Đảng làm nên những kỳ tích vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tất cả những vấn đề đó được biểu hiện sinh động trong thể thơ tự do, phóng khoáng, khoẻ khắn, thể hiện trong những cảm xúc sôi nổi, dạt dào. Tác giả khẳng định một bình minh mới của đồng bào các dân tộc Sơn La đã và đang tới. Không gian với những địa điểm, sự việc, con người ... đều mang đậm bản sắc thiên nhiên, con người Miền Tây. Những câu thơ với ngôn từ chính xác từ ngày tháng, đến địa danh đã khái quát những ngày toàn dân đánh giặc.

Sơn La thời kỳ chống Pháp đã thành lập thành trung đoàn gồm con em các dân tộc: "Có người Kinh, người Thái, người Lào, người Dao, người Mông, người Xá…" đã theo Sông Đà trôi xuôi bắt địch trả tự do bằng máu. Cho dù kẻ thù có độc ác như bầy thú dữ: "Chúng uất ức, đốt lửa vùng Sông Mã, thiêu sống trai bản…" nhưng từ trong đau thương, tình yêu nước kết hợp với lòng căm thù giặc sâu sắc, những người con của bản đã góp phần cùng đồng bào các dân tộc Việt Nam tạo nên những ngọn sóng lửa: "Sức mạnh của Việt Nam/Nổ tung đồi Lam chương (đồi A1)/Vang dội khắp bản mường/Trái đất tròn khấp khởi/Nhân loại mừng hò reo…". Trong bản trường ca, bằng những câu thơ giàu hình ảnh, giàu sự suy tưởng, Cầm Hùng cũng đã khắc hoạ sự hy sinh cho đất nước của những người con ưu tú của dân tộc "… Những người con/Đã hoá thánh thần/Thân tan/Hoà vào biển/Thành thần của biển/Thành thần sông, thần núi/Nơi nằm/ở lại chiến trường/Thành thần đất…".Bài thơ Peo hưa Mướng Thanh (Ánh hồng Điện Biên) của nhà thơ Cầm Biêu với lối tư duy trực giác, lối so sánh liên tưởng theo hướng cụ thể hóa những cái trìu tượng đã khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ như ánh hào quang, đã tạo niềm tin, sức mạnh cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc đi tới ngày mai tươi đẹp: "Nước Việt Nam cho ta tim sắt/ Đất Điện Biên cho ta gan đồng" để "Ta sẽ làm những việc mà người xưa chưa hề mơ ước".

Mường Thanh anh hùng, Anh bạn đòn gánh của nhà thơ Lò Văn Cậy, Vang mãi lời ru của nhà thơ nữ Cầm Thị Chiêu, Mừng chị công nhân làm đường của nhà thơ Hoàng Nó, Nhớ chuyện cha kể của Phan Thu Hồng, Giữ trọn niềm tin của Hoàng Việt Thắng, Chảo lửa luyện vàng của Trần Đại Tạo, Màu hoa đỏ của Hoàng Minh Niệm … đã thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc và những đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc Sơn La trong chiến dịch Điện Biên Phủ; góp phần làm sống dậy trang lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam: “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Gần một thế kỷ trưởng thành và phát triển, văn học Sơn La về đề tài kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng đã góp phần không nhỏ trong việc cổ vũ, nêu gương và kêu gọi toàn dân theo chính phủ Cụ Hồ kháng chiến, kiến quốc; động viên tinh thần để các chiến sĩ quên những khó khăn gian khổ, sự hy sinh mất mát, quyết tâm chiến đấu giành chiến thắng. Âm vang của cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến thắng Điện Biên phủ qua các tác phẩm văn học sẽ trở thành những khúc tráng ca lưu truyền qua các thế hệ, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất và sự hi sinh vô bờ bến của quân dân ta.

Mặc dù còn có những hạn chế nhất định nhưng với những thành tựu đạt được, văn học hiện đại Sơn La đã xứng đáng là một bộ phận không thể thiếu của văn học hiện đại Việt Nam, đặc biệt về đề tài chiến tranh cách mạng. Hy vọng một ngày không xa, những người cầm bút Sơn La sẽ ra mắt những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao xứng tầm với tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử của các cuộc chiến tranh vệ quốc và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu"./.

Hoàng Kim Ngọc

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tìm kiếm tài năng Guitar toàn quốc

Tìm kiếm tài năng Guitar toàn quốc

Cuộc thi Festival guitar talent toàn quốc năm 2024 được Viện Phát triển giáo dục và văn hóa Việt Nam phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức nhằm tìm kiếm và phát triển tài năng âm nhạc Việt Nam diễn ra từ ngày 1/8 đến 27/10.