Văn học với mùa xuân thống nhất đất nước 1975

Chiến dịch mùa xuân năm 1975 và đại thắng 30/4 đã qua đi nhưng dư âm vẫn còn ngân vang mãi, trong văn học đương đại, đây là đề tài luôn giữ vị trí quan trọng, tạo nên một trong những dòng chủ lưu của nền văn học dân tộc và hiện đại.

1. Hiện thực lịch sử có một nhưng luôn có nhiều cách phân tích, giải thích, nhận thức, luôn được soi sáng thêm nhờ việc bổ sung và giải mã nguồn tư liệu mới theo nhiều hệ quy chiếu thẩm mỹ khác nhau. Riêng với chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh và kết thúc chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975 đã được khẳng định và vẫn tiếp tục được khám phá, sáng tạo ngày một phong phú, sâu sắc hơn.

Qua xấp xỉ nửa thế kỷ, nhìn lại chủ điểm văn học viết về chiến thắng 30/4 có thể thấy bề dài đóng góp của những trang viết trực tiếp, nóng hổi tính thời sự; những sáng tác dài hơi, gần cận ngày chiến thắng và dư âm tái hiện thời khắc ca khúc khải hoàn gián cách sau nhiều thập kỷ, gần cận với tâm thế sáng tác về đề tài lịch sử.

Với thế mạnh của thể loại ghi chép, phóng sự, nhà báo Trần Mai Hạnh trong tư cách phóng viên chiến trường và đặc phái viên của Thông tấn xã Việt Nam đã có bài tường thuật trực tiếp tại Dinh Độc Lập trưa 30/4, sáng sớm hôm sau được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, in trong bản tin “Đấu tranh thống nhất” và một ngày sau in trang trọng trên báo Nhân dân với nhan đề Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy

Gần gũi với thể văn ghi chép, phóng sự là thơ ca viết ngay trong những ngày đại thắng từ nhiều vị thế và nguồn cảm xúc khác nhau. Từ hậu phương, nhà thơ Lữ Giang giữa ngày chiến thắng đã hân hoan reo ca:  

Giặc gieo lửa chúng lụi tàn trong lửa

Tay yêu thương tìm níu lại bạn đời

Trong chiến đấu ngực gầy rộng mở

Màu đỏ cờ xoá sạch mọi đơn côi

(Thơ viết mừng ngày giải phóng)

Vào đúng ngày 1/5/1975, Tố Hữu hoàn thành bài thơ dài 50 câu có ý nghĩa khái quát cuộc kháng chiến chống chống Mỹ và tập trung ca ngợi hình tượng người chiến sĩ:

Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng

Trào vui nước mắt cứ rưng rưng

Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy

Dồn dập tim ta, trăm trận thắng bừng bừng…

…Lịch sử sang xuân. Anh vào trận cuối cùng

Đại lộ Hồ Chí Minh, thác réo, quân đi cuồn cuộn.

Anh đánh như sét nổ, trời rung

Anh chuyển như lũ dông, bão cuốn…

(Toàn thắng về ta)

Một ngày sau, ngay khi vào tới sân bay Tân Sơn Nhất, Lê Đức Thọ bày tỏ tâm sự trước ngày chiến thắng, báo tin tới Bác Hồ và nhấn mạnh niềm tin, niềm hy vọng vào tương lai đất nước tươi sáng, vững bền:       

Quyết xây dựng lại tương lai đất nước,

Cho Tổ quốc ta giàu đẹp gấp ngàn lần…

… Giờ này đây Bác ngủ hẳn yên lòng,

Trời hôm nay, trong sáng, đẹp vô cùng.

(Trận thắng cuối cùng)

Tiếp đó, trong không khí những ngày đại thắng còn có thơ của nhiều nhà thơ chiến sĩ (Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Vương Trọng, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Trọng Oánh…). Điều đặc biệt, nhà thơ chiến sĩ Vương Trọng mở ra khoảng trời đời thường bình an, thanh thản:  

Cắm cờ lên đỉnh cuối cùng,

Tăng về nép dưới bóng rừng nghỉ ngơi.

Cửa tròn vừa mới hé thôi,

Nhô đầu ra, ngập một trời tiếng ve.

(Tiếng ve trưa)

Đồng thời với tiếng thơ là lời ca tiếng hát, những bài thơ phổ nhạc, những bài ca hoà nhịp trong ngày hội thống nhất non sông. Vậy nên khi đại quân mới đến cửa ngõ Sài Gòn thì nhạc sĩ Hoàng Hà đã sớm có bài hát Đất nước trọn niềm vui với dự cảm ngày toàn thắng và bày tỏ niềm tin: Đêm hoa đăng, những môi cười là bó hoa đời tươi thắm tuyệt vời,/ Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ Quốc muôn đời,/ Trọn vẹn cả non sông thống nhất./ Rạng rỡ Việt Nam… 

Cho tới khi Đài Tiếng nói Việt Nam loan tin chiến thắng thì nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có ngay ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng sâu lắng, hào hùng, sôi động, dễ nhớ dễ thuộc, được phát đi phát lại hàng chục lần trong ngày. Rồi nhạc sĩ Xuân Hồng có khúc khải hoàn reo vang Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh và Cao Việt Bách man mác âm điệu trữ tình với Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (lời thơ Đăng Trung)... Bài hát là nhạc, là âm hưởng, giai điệu và phần lời giàu chất thơ, có khi là phổ thơ, dựa theo lời thơ. Trong nhạc có ca từ, có thơ, trong thơ có nhạc làm nên những bài hát in đậm sắc thái thời sự và giá trị lịch sử.

Mùa xuân năm 1975 dần qua đi nhưng dư âm ngày chiến thắng còn ngân vang trong ký ức những người đã trực tiếp cầm súng đi qua chiến tranh và làm nên chiến thắng. Nối tiếp các đoản ca, sau này nhà thơ Thanh Thảo viết trường ca ba chương Những người đi tới biển (1977) tái hiện cả một thời chiến tranh gian khổ với Những chiếc áo ngắn, Nguồn sông hát, Thử phác lại mấy chân dung, Gương mặt địa hình, Những người đã qua cung đàn nhỏ và nhấn mạnh sức sống, vẻ đẹp trường tồn của quê hương, đất nước (Những gì của ta sẽ biết còn biết mất,/ Trước luồng sáng địa hình bùng tận mắt./ Soi rất rõ trong đêm - từng gương mặt,/ Và điệu lý thương yêu ngập bầu trời)

Phải cần thêm thời gian thì Hữu Thỉnh mới có trường ca năm chương Đường tới thành phố (1979); trong đó chương 3- Điệp khúc những cây cầu trực diện viết về cuộc tổng tiến công làm nên đại thắng mùa xuân 1975 với điểm nhấn ở ba trường đoạn (Khúc 1- Bàn đạp, Khúc 2- Cửa mở, Khúc 3- Thần tốc) và đất nước sang trang sử mới:

Hiện ra ngày chúng ta hằng mong

Đất nước theo em ra ngõ một mình

Cau vườn rụng một tầu đã cũ.

Đất nước đêm nay

50 triệu người không ngủ

Đang bóc đi tờ lịch cuối cùng.

(Chương 4: Tờ lịch cuối cùng)

Sau này còn có biết bao những trang thơ viết về mùa xuân đại thắng và ngày toàn thắng 30/4 theo nhiều cung bậc tâm trạng, cảm xúc, cảnh ngộ khác nhau. Trên thực tế, chủ điểm thơ ngày toàn thắng ngày càng mở rộng biên độ, sâu lắng và toàn diện hơn. Tiếng ca khải hoàn và sự tri ân vẫn là âm hưởng chủ đạo nhưng đã thấy rõ hơn những mất mát, hy sinh, đau thương không thể bù đắp, không dễ nói thành lời:

… Từ Quảng Trị cổ thành lửa cháy, qua Phu Văn Lâu cờ đỏ - bạn bè vơi, qua Đà Nẵng, Phan Rang đến một chiều Xuân Lộc, hỏa điểm cuối cùng còn ngã các anh tôi!

Tiến về Sài Gòn..., bài hát ấy, có từ đây một điệp khúc không lời. Tiến về Sài Gòn..., cột mốc - mồ liệt sĩ, tôi trở về đi ngược những dòng tên. Ngày toàn thắng lại ngày tôi nhập ngũ, gom trầm thơm đồng đội để lên đường. 

(Bài hát dành cho người lính - Nguyễn Sĩ Đại)

Với dòng văn sáng tác hư cấu, dù không trực diện đề cập đến ngày 30-4 nhưng nhiều trang viết đã sớm xuất hiện đậm đặc tính thời sự và bao quát được không khí những ngày sôi động và ác liệt trong tổng tiến công mùa xuân 1975. Đó là nhà văn Nguyễn Trí Huân với tiểu thuyết Năm 75 họ đã sống như thế (1979) khai thác bối cảnh chiến trường từ vùng Nam Trung Bộ tới Phan Rang, Vũng Tàu, Côn Đảo. Khuất Quang Thuỵ có hai tiểu thuyết với Trong cơn gió lốc (1980) tập trung khai thác sự khốc liệt của cách quân từ Tây Nguyên đánh xuống đồng bằng; tiếp theo Trước ngưỡng cửa bình minh (1986) là Sư đoàn Đồng Bằng anh hùng thần tốc mở đường tiến về giải phóng Sài Gòn.

Qua thời gian, từ nhiều vị thế, nhiều góc độ khác nhau, các thể loại văn học phi hư cấu của những người trong cuộc đã soi tỏ thêm về nhiều nhân vật, sự kiện, nhiều góc khuất, nhiều phương diện, nhiều phía mà trước đây chưa kịp nói, chưa tiện nói. Với vai trò người tham dự, chỉ đạo, quyết định cùng tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh trong việc hoạch định chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 và trực tiếp ra mật lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong sách Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng (2000) đã phân tích, lý giải ngày chiến thắng ở tầm chiến lược, quốc gia, dân tộc…

Ở những cấp độ khác nhau, Thiếu tướng Hoàng Đan với Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập (2010) soi sáng những vấn đề cụ thể ở tầm chiến dịch và những cánh quân hợp lực đi đến ngày toàn thắng… Khác biệt hơn, nhà văn Đại tá Nguyễn Trần Thiết xây dựng bộ tiểu thuyết tư liệu Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn (2011) nhằm đưa ra cách đánh giá khách quan, toàn diện hơn nhìn từ “phía bên kia”…

Thêm nữa, bên cạnh những người lính trực tiếp cầm súng còn có vai trò lực lượng thứ ba được tái hiện qua hồi ký của nhà yêu nước Nguyễn Hữu Thái với hồi ký Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30.4.1975 (2013) và Sài Gòn - Sự kiện, đối thoại của một gia đình (2015) là câu chuyện của nhân chứng, người trong cuộc, người thực việc thực và nguồn tư liệu sống động cho thấy rõ hơn sự thật về các nhân vật và sự kiện vào giữa ngày 30-4 lịch sử.

Trên tư cách phóng viên chiến trường, nhà báo Trần Mai Hưởng có được tấm ảnh lịch sử Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 được coi như biểu tượng của chiến thắng và sau này có hồi ký Năm tháng xa xanh (2013) ghi nhận một thời tuổi trẻ hào hùng và miêu tả sinh động cảnh đại quân trong ngày toàn thắng: “Nắng rực rỡ, xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập vẫn nằm trên mặt đất, lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn 66 cùng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo”…

Văn học với mùa xuân thống nhất đất nước 1975 - 1

Tấm ảnh lịch sử của nhà báo Trần Mai Hưởng “Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” được coi như biểu tượng của chiến thắng. Ảnh Tư liệu

Ở vị thế những người lính trực tiếp tham gia chiến trận, Nguyễn Khắc Nguyệt với Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập (2015) kể chuyện ngày cùng đồng đội lái xe tăng 380 (thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn tăng 203) là những người đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập. 

Nhờ khai thác được hệ thống tư liệu phong phú từ hai phía, nhà báo Trần Mai Hạnh trung thành với dòng tiểu thuyết tư liệu và gặt hái được nhiều thành công, đi từ Sụp đổ và tự thú (1985) đến Ngày tận thế (1987).

Đặc biệt đến thiên tiểu thuyết 19 chương Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (2014) đã được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho hạng mục văn xuôi và được tái bản nhiều lần với số lượng lớn. Có thể nói tác phẩm không chỉ có giá trị tư liệu (có thêm phần phụ lục 21 tài liệu nguyên bản liên quan đến Đại sứ Mỹ Graham Martin với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trong giờ phút hấp hối), không chỉ đưa đến cái nhìn khách quan, hệ thống về những ngày cuối cùng của cuộc chiến mà còn góp phần khơi gợi ký ức, nuôi dưỡng nguồn cảm xúc cho các sáng tác về đề tài chiến tranh, chiến dịch mùa Xuân 1975 và ngày giải phóng hoàn toàn Sài Gòn, thống nhất tổ quốc cho thế hệ mai sau.

Dân tộc Việt Nam đã đi qua thế kỷ XX gắn với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước, chống lại những kẻ thù có tiềm lực quân sự hùng mạnh. Nối tiếp và đồng hành truyền thống thế hệ cha anh, lớp nhà văn thời hậu chiến khai thác đề tài chiến dịch mùa Xuân 1975 và đại thắng 30-4 vừa từ sự trải nghiệm của người trong cuộc vừa được tiếp thêm nguồn lực tài liệu mới, tri thức mới và cách nhìn ngày một đầy đủ, toàn diện hơn. Cho đến nay, đặc biệt giai đoạn từ thời Đổi mới (1986) và kể từ đầu thế kỷ XXI, văn học đương đại viết về đề tài chiến dịch mùa Xuân 1975 và đại thắng 30/4 vẫn có vị trí quan trọng, tạo nên một trong những dòng chủ lưu của nền văn học dân tộc và hiện đại.

Nguyễn Hữu Sơn

Tin liên quan

Tin mới nhất