“Linh hồn ký ức” – Hành trình xuyên qua miền ký ức và tâm linh của Phạm Công Thắng
Tập truyện ngắn “Linh hồn ký ức” của Nhà báo – Nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng đã chính thức được ra mắt sáng 14/7 tại Hà Nội. Đây là tác phẩm mang màu sắc tâm linh, được viết bằng sự rung cảm chân thành và trải nghiệm sâu sắc từ một người cầm bút bước ra từ nghề báo và nhiếp ảnh.
Lễ ra mắt tập truyện ngắn “Linh hồn ký ức” của Nhà báo – Nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng diễn ra sáng 14/7, tại trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội (số 19, Hàng Buồm, Hà Nội). Ảnh: Huyền Thương
Không ồn ào kịch tính, không cầu kỳ tiểu xảo, mỗi truyện ngắn trong Linh hồn ký ức là một lát cắt lặng lẽ của đời sống – nơi những linh hồn đã khuất vẫn âm thầm hiện diện, nói bằng ngôn ngữ của kỷ vật, ánh sáng, giấc mơ, hay nỗi ám ảnh mơ hồ từ quá khứ. Từ một chiếc máy ảnh cũ, một bức di ảnh mờ, hay một căn phòng trọ hoang lạnh… tất cả dần hé lộ những thân phận bị lãng quên, những câu chuyện tưởng như đã ngủ yên. Nhưng ẩn sâu trong mỗi câu chuyện đều là tình yêu với con người, với lịch sử, luật nhân quả và với cái đẹp lặng thầm của đời sống.
Sự kiện ra mắt sách nhận được sự quan tâm của đông đảo các văn nghệ sĩ, nhà báo và độc giả. Ảnh: Huyền Thương
Chia sẻ với độc giả, Nhà báo – Nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng bày tỏ: “Tôi là một người viết văn không chuyên, đến với văn chương như một lối rẽ tự nhiên từ nghề báo và nhiếp ảnh – nơi tôi đã gửi gắm trọn đam mê suốt cuộc đời. Có những điều ống kính không thể ghi lại hết, có những tâm sự mặt báo không thể giãi bày trọn vẹn. Văn chương, với tôi, là cách kể tiếp phần ký ức còn thiếu”.
Về tác phẩm mới nhất của mình, ông cho biết, Linh hồn ký ức là một hành trình tâm linh qua 20 truyện ngắn mang màu sắc ma mị, liêu trai và cảm xúc. Ẩn sâu trong từng câu chuyện là tình yêu dành cho con người, cho lịch sử và ký ức dân tộc – đặc biệt là những linh hồn đã khuất, vẫn âm thầm hiện diện quanh ta qua từng kỷ vật, bức ảnh, từng lát cắt của thời gian tưởng chừng đã ngủ yên.
Nhà báo – Nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng chia sẻ tại Lễ ra mắt sách. Ảnh: Huyền Thương
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ nhận định, tác phẩm Linh hồn ký ức mang màu sắc liêu trai phảng phất, gợi mở một thế giới vừa thực, vừa hư đầy cuốn hút. Tác giả đã lựa chọn một hướng viết táo bạo và độc đáo, vận dụng con mắt tinh tường của một nhiếp ảnh gia để miêu tả những không gian mờ ảo, phi định hình, tạo nên cảm giác mông lung nhưng giàu chất nghệ thuật.
Đặc biệt, ẩn sau lớp vỏ hư ảo ấy là những vấn đề đạo đức xã hội được đặt ra một cách sâu sắc: từ tình cảm gia đình, quan hệ tiền bạc, đất đai, thực phẩm đến giáo dục… Phạm Công Thắng đã thể hiện sự mạnh dạn trong cách nhìn và cách viết, tuy nhiên, theo nhà thơ Bùi Việt Mỹ, vẫn còn dư địa để tác giả có thể đẩy sâu hơn nữa, nhằm đạt tới tầm vóc và chiều sâu nghệ thuật.
Tập truyện ngắn “Linh hồn ký ức”. Ảnh: Huyền Thương
Nhà thơ Phạm Đình Ân cho rằng, Linh hồn ký ức là tập truyện ngắn ma mị - tâm linh, kể về cõi ma, cõi âm với những cảm thức tâm linh của người trần thế, liên quan mật thiết đến quy luật nhân quả. Tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm chính là thông điệp chân – thiện – mỹ mà mọi linh hồn đã trải nghiệm ở cõi hư không gửi đến độc giả thế tục, nơi mà con người luôn luôn phải chịu đựng số phận của kiếp nhân sinh và phải chịu trách nhiệm nặng nề, sám hối muộn mằn về những sai lầm mà mình tạo ra.
Khẳng định ý nghĩa tích cực đến mức rốt ráo mà tác giả đưa ra trong tác phẩm đã làm lay động đến tâm hồn và lương tri của độc giả, theo nhà thơ Phạm Đình Ân, nói đến ma chính là để nói đến người, mong rằng con người phải sống lương thiện và tốt đẹp hơn, phải có trách nhiệm cao hơn đối với chính bản thân và đồng loại.
Nhà thơ Phạm Đình Ân chia sẻ về ý nghĩa của tác phẩm. Ảnh: Huyền Thương
Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự nhấn mạnh, 20 truyện ngắn trong Linh hồn ký ức là 20 truyện ngắn đậm tính nhân văn, đi sâu vào khai thác mọi ngóc ngách của đời sống con người, sát dân, gần dân, lôi ra ánh sáng những tội ác chưa bị phanh phui và kết tội, nhiều oan ức bị chôn vùi nay được “khai quật”.
“Đây là một tập truyện ngắn viết đúng và viết trúng, nhằm đúng và nhằm trúng: đúng với sự thật đời sống và trúng với thời cuộc, nhiều truyện ngắn cập nhật hiện trạng tình hình tiêu cực hiện nay của đất nước. Qua bút pháp huyền ảo ma mị của mình, tác giả Phạm Công Thắng đã tròn vai trong việc thực thi chức năng của văn học, nhất là chức năng nhận thức và chức năng giáo dục”, nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự cho hay.
Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự khẳng định tính nhân văn của tập truyện ngắn. Ảnh: Huyền Thương
Vừa là nhà báo, vừa là nghệ sĩ nhiếp ảnh, tác giả Phạm Công Thắng đã có điều kiện được đi nhiều, chụp nhiều, viết nhiều và có vốn sống dày dạn, sâu sắc. Chính từ những trải nghiệm ấy, ông đã viết nên tập truyện Linh hồn ký ức độc đáo – mà theo NSNA Hoàng Kim Đáng, “chỉ có chính Phạm Công Thắng mới viết được”.
Bởi lẽ, để tạo nên những trang viết ấy, không chỉ cần kinh nghiệm và kỹ năng, mà còn là những đêm dài nằm trong “căn phòng ký ức” tại Không gian Ký ức Nhiếp ảnh - nơi người viết có thể đối thoại với quá khứ, với con người, với những cảnh đời từng in dấu trong tâm khảm. Những truyện ngắn của Phạm Công Thắng vì thế mà mang một linh hồn riêng – lạ lẫm, hấp dẫn, đầy ám ảnh, như thể mỗi câu chữ đều chạm đến tầng sâu của cảm xúc và ký ức, vượt lên khỏi giới hạn thông thường của việc kể chuyện.
NSNA Hoàng Kim Đáng đánh giá cao những trải nghiệm của tác giả Phạm Công Thắng. Ảnh: Huyền Thương
NSNA Nguyễn Ngọc Phan cũng cho rằng: “Ngòi bút của Phạm Công Thắng như có sự chỉ đạo, dẫn dắt của thế lực siêu nhiên. Người viết như bị ám tại Không gian Ký ức Nhiếp ảnh trên căn gác hai phố Đặng Tiến Đông chỉ mấy chục mét vuông thôi, với những chiếc máy ảnh đã hết thời, nằm im lìm trên kệ với bụi bặm của thời gian, nhưng Phạm Công Thắng đã nhân cách hóa nó, làm cho nó trở thành một linh vật hồi sinh”.
20 truyện ngắn trong cuốn sách Linh hồn ký ức của tác giả Phạm Công Thắng như 20 hành trình xuyên qua miền ký ức và tâm linh, được viết lên với hy vọng sẽ chạm đến một vùng ký ức nào đó trong lòng độc giả, như một tiếng chuông khẽ vang lên giữa đời thường, đánh thức điều thiêng liêng âm ỉ trong sâu thẳm mỗi tâm hồn.
Tác giả Phạm Công Thắng sinh năm 1953, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Ông là một Nhà báo – NSNA, và là người sáng lập Không gian Ký ức Nhiếp ảnh tại Hà Nội (từ năm 2021). Với hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí và nhiếp ảnh, ông từng là phóng viên ảnh thời sự, sau đó đảm nhiệm vai trò Thư ký tòa soạn của hai tờ báo. Trong sự nghiệp của mình, ông đã gặt hái nhiều giải thưởng báo chí và nhiếp ảnh trong nước và quốc tế. Không chỉ dừng lại ở nhiếp ảnh, vài năm trở lại đây, Phạm Công Thắng đã dấn thân vào con đường văn chương khi liên tiếp cho ra mắt 4 tập truyện ngắn: Ngã rẽ (2021), Tình yêu thời hậu chiến (2022), Bão đời (2024), Linh hồn ký ức (2025). |

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) vừa chính thức công bố và trao bằng xác lập kỷ lục cho Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Nhà...
Bình luận